Xông thuốc chữa bệnh
Xông là một phương pháp đơn giản của dân gian có từ lâu đời. Dựa trên hình thức tự điều tiết thân nhiệt bằng cách ra mồ hôi của cơ thể do hệ thần kinh tự động điều khiển. Việc tăng tiết mồ hôi và giãn nở những mạch máu ngoại biên qua xông hơi không những có thể giúp giải cảm, hạ sốt mà còn được vận dụng để làm tiêu thũng tán thấp, hạ cao huyết áp và giải độc cho cơ thể trong nhiều trường hợp khác nhau.
Tác dụng và chỉ định của xông
Khi bị cảm cúm có các triệu chứng: Đau đầu, ngạt mũi, đau họng, rát họng, da khô không có mồ hôi, đau xương, đau mình, muốn nằm. Đông y cho đây là hiện tượng bế biểu do cảm phong hàn. Các lỗ chân lông bị bít lại, đường phế đạo đang bị ách tắc làm xuất hiện một loạt những triệu chứng kể trên dùng bài thuốc xông sẽ rất tốt
Bên cạnh giải cảm, hạ sốt, xông hơi còn làm giãn nở mạch máu ngoại biên, vừa tăng tiết mồ hôi để thông thoát bớt nước ra khỏi cơ thể. Cả hai yếu tố này đều có tác dụng giảm nhẹ áp lực lên tim và thành mạch, điều hoà thần kinh giao cảm, giải toả căng thẳng, giảm stress và làm hạ huyết áp cao.
Xông hơi bằng nồi xông còn giúp giải độc cho nhiều trường hợp. Trước hết là giúp trục thuỷ giải độc có hiệu quả trong các chứng sưng phù. Nhiệt độ tăng dần khiến cơ thể phân huỷ một lượng mỡ nhất định để điều hoà thân nhiệt nên xông hơi phối hợp ăn uống và vận động hợp lý cũng hữu ích cho việc chống béo phì.
Dân gian còn có kinh nghiệm dùng nồi xông để giải độc và phục hồi sức khoẻ khi thấy mệt mỏi sau mỗi lần đi rừng núi ẩm thấp về, đi thăm bệnh hoặc viếng đám ma. Liệu pháp xông hơi cũng có thể dùng giải độc ma tuý sau cai nghiện.
Ngoài xông hơi toàn thân, có thể xông hơi cục bộ để điều trị riêng lẻ. Xông vào mũi với nước xông có thêm cây cứt lợn, bồ kết, tế tân… chữa viêm mũi, viêm xoang. Xông vào vùng mặt làm nở lỗ chân lông, tăng tiết bả nhờn trong trị mụn hoặc tăng cường lưu thông khí huyết da vùng mặt, làm đẹp da.
Xông hơi vùng lưng, vùng hạ thể (từ lưng xuống chân), hoặc hai tay, hai chân, hai khớp gối để chữa đau nhức trong các chứng phong thấp, thấp khớp. Để xông vào mũi hoặc mặt có thể dùng một bìa cứng làm phễu có phần miệng lớn vừa đủ phủ kín miệng nồi. Phần đáy phễu nhỏ hơn, đủ bao kín hai mũi hoặc khuôn mặt để hứng lấy hơi nóng từ nồi bốc lên.
Cách thức làm một nồi xông
Trước hết cần một cái nồi chứa từ bốn đến năm lít nước. Một khăn bông lau mồ hôi. Một đôi đũa gỗ dùng để đảo và xốc lá cây trong nồi. Một chăn rộng đủ phủ kín người. Lá cây tươi khoảng từ 600g đến 800g.
Lá cây có công dụng chính giữ hơi nóng trong nồi được lâu. Do đó nếu chỉ cần dùng hơi nước nóng để ra mồ hôi thì có thể tận dụng lá cây có sẵn quanh nhà.
Thông thường nồi xông có thể sử dụng một vài loại lá có tinh dầu thơm để cảm thấy dễ chịu và thêm tính sát trùng đường hô hấp qua hơi thở. Nếu chọn được các loại lá có tính cay, ấm như bạc hà, kinh giới, tía tô, sả, tre, bưởi, chanh, tràm… mồ hôi sẽ ra nhiều hơn.
Để trừ phong thấp có thể chọn những loại lá có tính khu phong như vòi voi, lá lốt, cây cứt lợn… Nếu không có sẵn, có thể đến tiệm thuốc bắc mua một thang lá khô xông giải cảm sẽ được bán khoảng 150g gồm một số lá cây như hương nhu, tía tô, kinh giới, bạc hà, ngủ trảo…
Đổ nước vào nồi vừa ngập phủ lá cây. Đậy kín, nấu sôi, tránh mở nắp nồi vì sẽ làm bay mất tinh dầu. Người xông mặc quần áo lót hoặc cởi trần ngồi trên một ghế thấp. Đặt nồi nước xông trước mặt, giữa hai chân. Trùm kín người và nồi xông bằng chăn.
Lúc đầu chỉ mở hé nắp nồi, hít thật sâu vì trong đợt hơi đầu tiên có chứa rất nhiều tinh dầu bôc lên, để hơi nóng xông đến phần bụng và chân. Khi quen với sức nóng, mở nắp nồi rộng hơn để hơi nóng bốc lên nhiều tuỳ sức chịu đựng của người xông.
Nên lấy 1 cái cốc múc nước trong nồi xông và vừa xông vừa uống từng ngụm nhỏ sẽ làm mồ hôi ra nhanh và nhiều hơn
Khi hơi nóng giảm, dùng đôi đũa gỗ xốc lá cây để hơi nóng tiếp tục bốc lên. Khi thấy mồ hôi tiết ra đã đủ hoặc nồi xông không còn hơi nóng thì bỏ chăn ra từ từ và dùng khăn lau khô khắp người trước khi thay quần áo sạch.
Sau khi ráo mồ hôi, có thể sử dụng nước của nồi xông và tắm toàn thân.
Chú ý nên xông ở nơi kín gió, sau khi xông tránh ra gió hoặc tiếp xúc với không khí lạnh.
Những điều cần lưu ý:
Tuỳ theo điều kiện từng nơi, không nhất thiết phải có đủ các loại lá theo bài thuốc; chỉ với vài loại như: lá bưởi, kinh giới và lá tre cùng củ gừng tươi là có thể có được một nồi xông khá hợp chuẩn.
Phương pháp xông lá có tác dụng làm người bệnh nhanh khỏi, nhưng không phải lúc nào cũng xông được. Nếu cảm đã bị nhiễm sâu vào trong lúc đó không nên xông mà phải dùng các phương pháp khác.
Những người bị bệnh huyết áp cao, tim mạch, mắc bệnh ngoài da, phụ nữ mang thai, những người hay ra mồ hôi, mất máu nhiều, mới ốm dậy, người cao tuổi, trẻ em, rối loạn cảm giác, mất điều hòa thân nhiệt không nên sử dụng phương pháp này.
Trong quá trình xông nếu thấy khó thở, tức ngực, choáng váng, bủn rủn,… cần ngừng ngay, trường hợp bị sốc nặng phải đưa tới bệnh viện để cấp cứu.
Những trường hợp cảm cúm chỉ cần xông 1-2 lần là được. Không nên xông nhiều lần. Xông nhiều lần sẽ bị hao tân dịch, thoát dương, ảnh hưởng xấu đến toàn bộ sức khỏe.
Không xông đối với trường hợp cảm thử (ra nhiều mồ hôi, hoa mắt chóng mặt, buồn nôn, mặt đỏ, chao đảo, mệt lả)