VỌNG CHẨN
Thầy thuốc dùng mắt để quan sát thần, sắc, hình thái, mắt mũi, môi, lưỡi, rêu lưỡi của người bệnh để biết tình hình bệnh tật bên trong của cơ thể phản ánh ra bên ngoài.
1.1. Nhìn Thần: Thần là sự hoạt động về tinh thần, ý thức là sự hoạt động của tạng phủ bên trong cơ thể biểu hiện ra ngoài.
* Còn Thần: mắt sáng, tỉnh táo, bệnh nhẹ
* Không còn Thần: Mệt mỏi, thờ ơ, lãnh đạm với môi trường xung quanh, bệnh nặng.
* Giả thần (hồi quang phản chiếu): Bệnh rất nặng, cơ thể suy kiệt, song đột nhiên tỉnh táo trở lại, thèm ăn uống đó là dấu hiệu chính khí sắp thoát, tiên lượng xấu.
1.2. Nhìn sắc: Nhìn sắc mặt bệnh nhân, khi có bệnh sẽ biến đổi như:
* Sắc đỏ: do nhiệt
– Đỏ toàn mặt: Thực nhiệt thường gặp trong sốt do nhiễm khuẩn, do say nắng
– Hai gò má đỏ, sốt về chiều do âm hư sinh nội nhiệt thường gặp ở những bệnh nhân sốt kéo dài, lao phổi.
* Sắc vàng do hư, thấp.
– Vàng tươi, sáng bóng là do thấp nhiệt (Hoàng đản nhiễm khuẩn)
– Vàng xám, tối là do hàn thấp (Hoàng đản do ứ mật, tan huyết) vàng da do ứ mật
– Vàng nhạt do tỳ hư không vận hoá được thuỷ thấp.
* Sắc trắng do hư hàn, do mất máu cấp.
– Sắc trắng kèm theo phù: Thận dương hư
– Sắc trắng bệch đột ngột xuất hiện ở người bị bệnh cấp tính là dương khí sắp thoát.
– Sắc trắng còn gặp ở những bệnh nhân đau bụng do lạnh, người bị chấn thương mất nhiều máu.
* Sắc đen do thận hư, dương khí hư.
* Sắc xanh do ứ huyết, cơn đau nội tạng, sốt cao co giật ở trẻ em.
1.3. Nhìn hình thái, động thái người bệnh.
– Nhìn hình thái để biết tình trạng khoẻ hay yếu của 5 tạng bên trong:
+ Da, lông khô là phế hư
+ Cơ nhục teo nhẽo là tỳ hư
+ Xương nhỏ, răng chậm mọc là thận hư
+ Chân tay run, co quắp là can huyết hư
+ Người béo ăn ít, hay thở gấp là tỳ hư kèm đàm thấp
+ Người gày, ăn khoẻ, mau đói là vị hoả.
– Nhìn động thái của người bệnh để biết bệnh thuộc âm hay thuộc dương:
+ Thích động, nằm quay mặt ra ngoài bệnh thuộc dương.
+ Thích yên tĩnh, nằm quay mặt vào trong bệnh thuộc âm.
1.4. Nhìn mắt: Nhìn lòng trắng mắt của bệnh nhân.
– Lòng trắng có màu đỏ: Bệnh ở tâm
– Lòng trắng có màu xanh: Bệnh ở can
– Lòng trắng có màu vàng: Bệnh ở tỳ
– Lòng trắng có màu đen: Bệnh ở thận.
1.5. Nhìn mũi
– Đầu mũi có màu xanh: Đau bụng
– Đầu mũi hơn đen: Trong ngực có đàm ẩm
– Đầu mũi trắng: Khí hư hoặc mất máu nhiều
– Đầu mũi vàng: Do thấp
– Đầu mũi đỏ: Do phế nhiệt
1.6. Nhìn môi
– Môi đỏ, khô: Do nhiệt
– Môi trắng nhợt: Do huyết hư (thiếu máu)
– Môi xanh, tím: là ứ huyết
– Môi xanh đen: Do hàn
– Môi lở loét: Do vị nhiệt
1.7. Nhìn da.
– Phù, ấn lõm lâu: Do thuỷ thấp
– Phù, ấn không lõm: do khí trệ
– Da vàng tươi sáng, kèm theo sốt cao: chứng dương hoàng
– Da vàng xạm, không sốt: chứng âm hoàng
– Ban chẩn trên da:
+ Nốt ban chẩn tươi nhuận là chính khí chưa hư
+ Ban chẩn màu tím là nhiệt thịnh
+ Nốt ban chẩn xám là chính khí hư.
1.8. Xem lưỡi: chia làm 2 phần.
* Chất lưỡi: là tổ chức cơ, mạch của lưỡi.
* Rêu lưỡi: là màng phủ trên bề mặt của lưỡi.
Người khoẻ mạnh bình thường: chất lưỡi mềm mại, hoạt động tự nhiên, mầu hồng, rêu lưỡi trắng mỏng, không khô, ướt vừa phải, khi bị bệnh có các thay đổi.
1.8.1. Chất lưỡi.
* Về mầu sắc:
– Nhạt màu: Do hàn chứng, hư chứng, dương khí suy hoặc khí huyết không đầy đủ.
– Đỏ: do nhiệt có bệnh ở lý, thực có nhiệt hoặc hư nhiệt (âm hư hoả vượng)
– Đỏ giáng: do nhiệt thịnh, tà khí đã vào đến phần dinh, huyết. ở các bệnh nhân mắc bệnh mạn tính do âm hư hoả vương hoặc tân dịch bị suy giảm nhiều.
– Lưỡi xanh, tím: có thể là do hàn, có thể do nhiệt. Nếu do nhiệt thì chất lưỡi xanh tím nhiều, lưỡi khô. Nếu do hàn chất lưỡi xanh tím, ướt nhụân. Nếu do ứ huyết chất lưỡi xanh tím có điểm ứ huyết.
* Về hình dáng lưỡi.
– Lưỡi phù nề: Bệnh thuộc thực chứng, nhiệt chứng, có vết hằn răng ở rìa lưỡi: do hư hàn hoặc đàm kết.
– Lưỡi sưng to, trắng nhợt: Tỳ thận dương hư; lưỡi sưng to, hồng đỏ: thấp nhiệt hay nhiệt độc mạnh.
– Lưỡi mỏng nhỏ, ướt: Do tâm tỳ hư, khí huyết hư, suy nhược cơ thể nếu lưỡi mỏng, nhỏ, đỏ giáng do âm hư nhiệt thịnh, tân dịch hao tổn.
– Đầu lưỡi phì đại: Tâm hoả thịnh; hai bên lưỡi phì đại: Can đỏm hoả thịnh; giữa lưỡi phì đại: do vị nhiệt.
* Động thái của lưỡi.
– Lưỡi yếu, màu nhợt: khí huyết hư.
– Lưỡi liệt, màu đỏ: âm hư kiệt.
– Lưỡi liệt, đỏ xẫm: Nhiệt thịnh làm âm hư tổn.
– Lưỡi cứng không cử động được: Nhiệt nhập tâm bào, trúng phong
– Lưỡi lệch: Trúng phong (tai biến mạch máu não)
– Lưỡi run: Do tâm tỳ, khí huyết hư
– Lưỡi rụt ngắn: bệnh trầm trọng, nếu lưỡi rụt ngắn, ướt là hàn ngưng trệ ở cân mạch, nếu lưỡi rụt ngắn, phù nề là do đàm thấp, nếu lưỡi rụt ngắn, đỏ, khô do nhiệt thịnh, thương âm.
– Lưỡi thè ra ngoài: Tâm tỳ có nhiệt hoặc bẩm sinh phát dục kém (bại não)
1.8.2. Rêu lưỡi.
* Rêu lưỡi màu trắng: Bệnh thuộc hàn chứng, biểu chứng.
– Trắng mỏng do phong hàn.
– Trắng mỏng, đầu lưỡi đỏ: do phong nhiệt
– Trắng trơn do thấp hoặc đàm ẩm
– Trắng dính do đàm trọc, thấp tà gây ra
– Trắng, khô nứt nẻ: tà nhiệt bên trong thịnh, tân dịch hao tổn nhiều.
* Rêu lưỡi màu vàng: Bệnh thuộc lý chứng.
– Vàng mỏng: nhiệt ở lý nhẹ.
– Vàng dày, khô: nhiệt thịnh ở lý, tân dịch hao tổn
– Vàng dính: do thấp nhiệt hoặc đàm nhiệt
* Rêu lưỡi xám đen: Bệnh rất nặng.
– Rêu lưỡi xám đen, khô: nhiệt thịnh làm tổn thương tân dịch nhiều.
– Rêu lưỡi xám đen, trơn, nhuận: dương hư, hàn thịnh thuỷ thấp ứ trệ ở bên trong.
– Rêu lưỡi dính, hôi: Trường vị có nhiệt hoặc thực tích ứ lại ở tỳ vị gây ra.
Chú ý: phương pháp nhìn (vọng chẩn) của y học cổ truyền cần thực hiện trong điều kiện ánh sáng tự nhiên thì mới đảm bảo chính xác. Đối với trẻ em dưới 3 tuổi cần kết hợp xem chỉ tay để chẩn đoán chính xác hơn.