Viêm tuyến giáp sinh mủ có đau: chẩn đoán và điều trị nội khoa
Viêm tuyến giáp nhiễm khuẩn rất hiếm gặp, nguyên nhân do vi khuẩn, do nấm hoăc ki sinh trùng gây ra, thường xảy ra khi có các yếu tố thuận lợi.
Viêm tuyến giáp là tình trạng viêm cấp hoặc mạn tính tại tuyến giáp do nhiều căn nguyên khác nhau và thường gây ra những thay đồi trong chức năng tuyến giáp từ cường giáp (do tổn thương phá hủy tuyến), bình giáp hoặc suy giáp (do cạn kiệt hormon) tùy theo từng giai đoạn bệnh. Để phân biệt các loại viêm tuyến giáp cần dựa vào các triệu chứng lâm sàng, tốc độ khởi phát bệnh và đặc biệt là tình trạng đau vùng cổ.
Là viêm tuyến giáp nhiễm khuẩn rất hiếm gặp, nguyên nhân do vi khuẩn (đặc biệt Streptococcus pyrogenes, Streptococcus aureus hoặc Streptococcus pneumoniae), do nấm hoăc ki sinh trùng gây ra, thường xảy ra khi có các yếu tố thuận lợi như bất thường bẩm sinh (còn ống giáp lưỡi, dò xoang lê), bệnh lí tuyến giáp có trước, tuổi cao hoặc suy giảm miễn dịch.
Viêm tuyến giáp sinh mủ thường xuất phát từ các nhiễm khuẩn lân cận, qua đường máu, bạch huyết hoặc từ những ổ nhiễm khuẩn xa.
Chẩn đoán xác định
Lâm sàng
Sưng tấy, đỏ cấp tính một bên vùng trước cổ. Tuyến giáp thường mềm, rất đau. Hay gặp khó nuốt, khó nói.
Sốt cao, có thể rét run, tình trạng nhiễm khuẩn rõ.
Cận lâm sàng
Công thức máu: bạch cầu tăng cao, máu lắng tăng cao, protein c phản ứng tăng cao.
Chức năng tuyến giáp: FT4, TSH thường binh thường (có thể gặp cường giáp hoặc suy giáp).
Chọc tổn thương: thấy dịch mủ, cấy có thể phân lập được vi khuẩn.
Đo độ tập trung I131: ổ nhiễm trùng thường biểu hiện là nhân lạnh trong khi phần nhu mô tuyến giáp lành có độ tập trung I131 bình thường.
Siêu âm tuyến giáp, CT scan vùng cổ có thể thấy khối áp xe trong tuyến giáp.
Khám, nội soi tai mũi họng có thể thấy đường dò trong áp xe do dò xoang lê.
Chẩn đoán phân biệt
Viêm tuyến giáp bán cấp: nhiễm trùng không rầm rộ, thường có biểu hiện cường giáp.
Các áp xe, dò vùng cổ: dò xoang lê. Siêu âm, chụp CT scan vùng cổ thấy hình ảnh tuyến giáp bình thường. Chụp vùng cổ với uống thuốc cản quang có thể phát hiện đường dò.
Điều trị
Nội khoa: cần dùng kháng sinh thích hợp đường tĩnh mạch. Tốt nhất là dựa vào kháng sinh đồ.
Khi chưa có kháng sinh đồ có thể lựa chọn kháng sinh nhạy cảm với vi khuẩn vùng khoang miệng như penicillin G liều cao, ampicillin…, có thể kết hợp với metronidazol hoặc clindamycin nếu nghi ngờ nhiễm khuẩn kị khí. Với các nhiễm khuẩn nặng, nhiễm khuẩn nghi ngờ xuất phát từ các ổ nhiễm khuẩn xa tới, cần lựa chọn các loại kháng sinh nhạy cảm với tụ cầu kháng kháng sinh, kháng sinh phổ rộng như cephalosporin thế hệ 3,…
Khi ổ áp xe hoá mủ: cần dẫn lưu ổ áp xe.
Phẫu thuật loại bỏ đường dò trong trường hợp dò xoang lê vào tuyến giáp gây viêm tuyến giáp cấp.
Series bài viết: Phác đồ điều trị nội khoa