Viêm tuyến giáp bán cấp có đau: chẩn đoán và điều trị nội khoa
Cần chẩn đoán phân biệt, tình trạng nhiễm độc giáp trong viêm tuyến giáp bán cấp với bệnh Basedow, tuyến giáp to có tiếng thổi, ấn không đau.
Viêm tuyến giáp là tình trạng viêm cấp hoặc mạn tính tại tuyến giáp do nhiều căn nguyên khác nhau và thường gây ra những thay đồi trong chức năng tuyến giáp từ cường giáp (do tổn thương phá hủy tuyến), bình giáp hoặc suy giáp (do cạn kiệt hormon) tùy theo từng giai đoạn bệnh. Để phân biệt các loại viêm tuyến giáp cần dựa vào các triệu chứng lâm sàng, tốc độ khởi phát bệnh và đặc biệt là tình trạng đau vùng cổ.
Chẩn đoán xác định
Lâm sàng
Khởi phát: đau người, đau họng, sốt nhẹ, sau đó có thể sốt cao.
Đau vùng cổ: tuyến giáp to, sờ mềm, rất đau, thường bắt đầu từ một bên sau đó lan sang bên kia, lan lên tai, ra khắp cổ, có thể khó nuốt.
Triệu chứng nhiễm độc giáp: cường giáp mức độ vừa và nhẹ.
Cận lâm sàng
Công thức máu:
bạch cầu bình thường hoặc tăng, máu lắng tăng cao, Protein c phản ứng tăng.
Thăm dò tuyến giáp:
Thường gặp hormon FT4, FT3 tăng nhẹ hoặc trung bình, TSH giảm thấp.
Kháng thể kháng tuyến giáp: không tăng.
Đo độ tập trung I131: độ tập trung I131 rất thấp, 123l, 99mTc.
Siêu âm: tuyến giáp giảm âm, ít mạch máu.
Chẩn đoán phân biệt
Các trường hợp đau vùng cổ
Viêm tuyến giáp do vi khuẩn sinh mủ (viêm tuyến giáp cấp): biểu hiện nhiễm trùng rõ ràng, sốt cao, bạch cầu tăng cao.
Xuất huyết trong nang tuyến giáp: đau khu trú, một bên, triệu chứng nhiễm trùng không rõ, siêu âm tuyến giáp thấy hình ảnh nang lớn.
Cần chẩn đoán phân biệt tình trạng nhiễm độc giáp trong viêm tuyến giáp bán cấp với bệnh Basedow: tuyến giáp to có tiếng thổi, ấn không đau. Có thể có triệu chứng mắt hoặc phù niêm trước xương chày. Độ tập trung I131 tăng cao.
Điều trị chủ yếu là điều trị triệu chứng
Giảm đau: thuốc giảm đau thông thường như Paracetamol dùng 2 – 4 lần trong ngày hoặc các thuốc chống viêm giảm đau không steroid trong các trường hợp thông thường. Trường hợp nặng hoặc không đáp ứng với các thuốc giảm đau có thể sử dụng nhóm glucocorticoid (prednison 20 – 40mg/ngày), giảm liều dần mỗi 5mg sau 1 – 2 tuần và có thể ngừng thuốc sau 4 – 6 tuần.
Giảm triệu chứng cường giáp: nếu các triệu chứng cường giáp rõ có thể giảm triệu chứng bằng nhóm chẹn beta giao cảm như propranolol 40mg/ngày hoặc atenolol 50mg/ngày… tới khi xét nghiệm FT4 trở về bình thường, cần lưu ý các chống chỉ định của thuốc như hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, suy tim nặng,…
Giai đoạn suy giáp: thường thoáng qua không cần điều trị. Nếu suy giáp kéo dài cộ thể điều trị thay thế hormon giáp bằng L-thyroxin 50 – 100μg/ngày trong vài tuần hoặc vài tháng.
Series bài viết: Phác đồ điều trị nội khoa