Thuốc Bari Sulfat


Thuốc Bari Sulfat

Bari sulfat là một muối kim loại nặng không hòa tan trong nước và trong các dung môi hữu cơ, rất ít tan trong acid và hydroxyd kiềm.

Tên chung quốc tế: Barium sulfate.

Loại thuốc: Thuốc cản quang (không phối hợp) đường tiêu hóa.

Dạng thuốc và hàm lượng

Bình 300 ml hỗn dịch bari sulfat 100% (kl/tt), có carbon dioxyd làm chất tạo bọt. Bình 300 ml hỗn dịch uống bari sulfat 96,25% (kl/tt).

Nhũ tương chứa 100 g bari sulfat, có sorbitol và chất bảo quản methyl – parahydroxybenzoat.

Túi thụt trực tràng 400 ml bari sulfat 70% (kl/tt) (cung cấp trong bộ thụt trực tràng).

Gói thuốc 200 g bari sulfat dạng hạt để tạo hỗn dịch với nước. Gói thuốc 140 g bari sulfat.

Viên nén 650 mg.

Dược lý và cơ chế tác dụng

Bari sulfat là một muối kim loại nặng không hòa tan trong nước và trong các dung môi hữu cơ, rất ít tan trong acid và hydroxyd kiềm. Bari sulfat thường được dùng dưới dạng hỗn dịch để làm chất cản quang trong xét nghiệm X – quang đường tiêu hóa.

Hỗn dịch bari sulfat ổn định (bền), đồng nhất, có tỷ trọng 1,8 g/cm3 với nồng độ 1g bari sulfat trong 1ml, và có độ nhớt 2000cP, ở nhiệt độ 250C.

Bari sulfat là một chất trơ về tác dụng dược lý, thuốc đóng vai trò một chất cản quang, nghĩa là hấp thụ tia X mạnh hơn nhiều so với các mô xung quanh. Cần có tính chất cản quang khác nhau này để làm hiện rõ sự tương phản giữa các mô trên phim chụp X – quang.

Chỉ định

Thuốc dùng trong chụp X – quang thực quản, dạ dày, ruột.

Chống chỉ định

Có tắc nghẽn hoặc thủng trên đường tiêu hóa.

Thận trọng

Bari sulfat không được chỉ định cho người bệnh bị tắc ruột và phải thận trọng đối với người có chứng hẹp môn vị hoặc có tổn thương dễ dẫn đến tắc nghẽn ống tiêu hóa. Phải tránh dùng thuốc, nhất là cho qua đường hậu môn, ở những người có nguy cơ bị thủng như trong viêm đại tràng loét cấp hoặc viêm túi thừa Meckel, sau khi làm sinh thiết trực tràng hoặc đại tràng, soi đại tràng sigma hoặc quang tuyến liệu pháp.

Thận trọng đối với người bị suy kiệt nặng.

Vì bari sulfat có tính chất trơ nên những vết mờ còn để lại sẽ cản trở cho những lần chụp X – quang tiếp theo.

Thời kỳ mang thai

Chưa thấy tài liệu nào nói đến tai biến khi dùng thuốc này cho người mang thai.

Thời kỳ cho con bú

Chưa thấy tài liệu nào nói đến tai biến khi dùng thuốc này cho người cho con bú.

Tác dụng không mong muốn

Thường gặp, ADR > 1/100

Tiêu hóa: Táo bón (có thể ngăn ngừa táo bón bằng cách cho người bệnh dùng thuốc nhuận tràng nhẹ sau khi kiểm tra X – quang).

Hiếm gặp, ADR <1/1000

Toàn thân: Dị ứng phản vệ (khi dùng hỗn dịch bari sulfat).

Da: Nổi mày đay, phù mặt.

Liều lượng và cách dùng

Thể tích và nồng độ hỗn dịch sẽ tùy theo nhu cầu từng người bệnh, tùy theo mục đích kiểm tra và phương pháp áp dụng.

Trong kiểm tra đại tràng bằng phương pháp chụp đối quang kép, thụt trực tràng hỗn dịch ấm với liều 300 – 750 ml chưa pha loãng hoặc đã pha loãng có nồng độ trong khoảng 1000 mg/ml – 700 mg/ml (pha loãng với nước).

Ðể kiểm tra đại tràng bằng kỹ thuật làm đầy, thụt vào trực tràng một hỗn dịch ấm từ 1 – 2 lít pha loãng với nồng độ 150 – 200 mg/ml

Ðể kiểm tra dạ dày bằng kỹ thuật đối quang kép, thường dùng 100 – 200 ml hỗn dịch loãng có nồng độ 400 – 600 mg/ml (pha loãng với nước).

Ðể kiểm tra hẹp thực quản bằng barium sulfat dạng viên nén: Người bệnh nuốt nguyên một viên (không nhai), sau đó uống 1 đến 2 ngụm nước ngay khi thực quản có màu huỳnh quang trắng sáng.

Ðể kiểm tra thực quản bằng kỹ thuật đối quang kép với kem bari sulfat: Một thìa canh kem bari sulfat, nhai kỹ trước khi nuốt. Ðể đảm bảo thuốc bao phủ niêm mạc thực quản kéo dài hơn, có thể dùng thêm thìa thứ hai.

Ðộ ổn định và bảo quản

Bảo quản ở nhiệt độ 20 – 35oC, tránh ẩm. Không được để ở nhiệt độ làm đóng băng (chế phẩm hỗn dịch, nhũ dịch). Ðể xa tầm tay của trẻ em.

Quá liều và xử trí

Khi chỉ định nhầm hoặc do quá trình chụp gây thủng, sẽ dẫn đến tình trạng nhiễm khuẩn (do vi khuẩn trong ống tiêu hóa), làm nghẽn mạch (trong trường hợp xuất huyết).

Cần phải mổ cấp cứu, làm sạch tại chỗ càng sớm càng tốt.

Thông tin qui chế

Bari sulfat có trong danh mục thuốc thiết yếu Việt Nam ban hành lần thứ tư năm 1999.

Series bài viết: Thuốc gốc và biệt dược theo vần B

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Mới nhất
Cũ nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận