Thủ thuật bổ tả trong châm cứu

Trong quá trình điều trị bệnh nhân, người thầy thuốc châm cứu, phải quan tâm đến thủ thuật bổ tả. Tùy theo trường hợp chọn lựa của thầy thuốc mà thủ thuật này sẽ được tiến hành đồng thời hoặc sau khi đã đạt được cảm giác “đắc khí”.

Chỉ định của phép bổ

Những bệnh mà Y học cổ truyền chẩn đoán là hư, thường là những bệnh mắc đã lâu.

Cơ thể suy nhược, sức đề kháng giảm.

Chỉ định của phép tả

Những bệnh mà Y học cổ truyền chẩn đoán là thực, thường là những bệnh mới mắc.

Cơ thể bệnh nhân còn khỏe, phản ứng với bệnh còn mạnh.

Những loại thủ thuật bổ và tả kinh điển

Có cách bổ tả dùng đơn thuần một thủ thuật, có cách bổ tả dùng phối hợp 2 đến 3 thủ thuật. Người xưa đã đề cập đến những thủ thuật sau đây:

Bổ tả theo hơi thở

Bổ: khi người bệnh thở ra thì châm kim vào, gây được cảm giác “đắc khí”, chờ lúc người bệnh hít vào thì rút kim ra. Như thế, khí được đầy đủ ở trong nên có tác dụng bổ hư.

Tả: khi người bệnh hít vào thì châm kim vào, gây được cảm giác “đắc khí”, chờ lúc người bệnh thở ra thì rút kim ra.

Bổ tả theo chiều mũi kim, thứ tự châm

Bổ: sau khi đạt cảm giác “đắc khí”, hướng mũi kim đi theo chiều vận hành của kinh mạch để dẫn khí, do đó có tác dụng bổ, (ví dụ: châm các kinh âm ở tay thì hướng mũi kim về phía ngón tay, châm các kinh dương ở tay thì mũi kim hướng về phía đầu); nếu châm nhiều huyệt trên một kinh thì châm các huyệt theo thứ tự thuận với chiều vận hành của kinh khí, (ví dụ: châm các kinh âm ở tay thì châm các huyệt ở ngực, cánh tay trước; huyệt ở bàn tay, ngón tay sau).

Tả: sau khi đạt cảm giác “đắc khí”, hướng mũi kim đi ngược chiều vận hành của kinh mạch để đón khí, chuyển khí, do đó có tác dụng của tả (ví dụ: châm các kinh âm ở chân thì hướng mũi kim về phía ngón chân, châm các kinh dương ở chân thì hướng mũi kim về phía đầu). Nếu châm nhiều huyệt trên một kinh thì châm các huyệt theo thứ tự nghịch với chiều vận hành của kinh khí (ví dụ: châm các kinh âm ở chân thì châm các huyệt ở ngực, bụng trước, các huyệt ở bàn chân, ngón chân sau; châm các kinh dương ở chân thì châm các huyệt ở ngón chân, bàn chân trước, các huyệt ởđầu, mặt sau).

Bổ tả theo kích thích từng bậc:

Bổ: châm nhanh vào dưới da (bộ thiên), gây “đắc khí”, vê kim theo một chiều 9 lần (số dương) rồi châm nhanh vào lớp cơ nông (bộ nhân) gây “đắc khí”, vê kim theo một chiều 9 lần; lại châm nhanh vào lớp cơ sâu (bộ địa) gây “đắc khí”, vê kim theo một chiều 9 lần; sau đó từ từ rút kim đến dưới da, dừng lại một lát, từ từ rút kim ra hẳn. Nếu bệnh tình cần thiết, có thể châm lại như trên lần thứ hai.

Tả: làm ngược lại với cách bổ. Trước tiên, từ từ châm thẳng vào lớp cơ sâu (bộ địa), gây “đắc khí”, vê kim theo một chiều 6 lần (số âm); rút kim nhanh lên lớp cơ nông (bộ nhân), gây “đắc khí”, vê kim theo một chiều 6 lần rồi lại rút kim nhanh lên dưới da (bộ thiên), gây “đắc khí”, vê kim theo một chiều 6 lần; sau đó dừng lại một lát rồi rút kim nhanh ra ngoài. Nếu bệnh tình cần thiết, có thể châm lại như trên lần thứ hai.

Bổ tả theo bịt và không bịt lỗ châm

Bổ: rút kim ra nhanh (Nội kinh) hoặc rút kim ra từ từ (Đại thành), day ấn để bịt ngay lỗ châm không cho khí thoát ra ngoài.

Tả: rút kim ra từ từ (Nội kinh) hoặc rút kim ra nhanh (Đại thành), không day bịt lỗ kim để cho khí tản ra ngoài.

Bảng tóm tắt các cách bổ tả:

Phương pháp Bổ Tả
Hơi thở Thở ra, châm kim vào

Hít vào, rút kim ra

Hít vào, châm kim vào

Thở ra, rút kim ra

Chiều mũi kim Hướng mũi kim đi thuận chiều kinh mạch Hướng mũi kim đi ngược chiều kinh mạch
Thứ tự châm Châm các huyệt theo thứ tự thuận chiều kinh mạch Châm các huyệt theo thứ tự ngược chiều kinh mạch
Kích thích từng bậc Châm vào nhanh 3 bậc

Rút kim chậm 1 lần

Châm vào nhanh 1 lần

Rút kim chậm 3 bậc

Bịt hay không bịt lỗ kim Rút kim chậm hay nhanh, day ấn bịt lỗ kim Rút kim nhanh hay chậm, không day bịt lỗ kim

Phương pháp bổ tả hỗn hợp

Thiêu sơn hỏa, Thấu thiên lương:

Bổ: dùng thủ thuật Thiêu sơn hỏa có thể gây được cảm nóng ấm ở chỗ châm hoặc có khi cả toàn thân. Thủ thuật này phối hợp ba thủ thuật trên cùng làm, bảo người bệnh hít vào bằng mũi 1 lần, thở ra bằng miệng 5 lần. Khi người bệnh đang thở ra châm mau vào dưới da, gây “đắc khí”, vê kim theo một chiều 3 hoặc 9 lần (số dương); châm tiếp vào lớp cơ nông, gây “đắc khí”, vê kim theo một chiều 3 hoặc 9 lần; lại châm tiếp vàp lớp cơ sâu, gây “đắc khí”, vê kim theo một chiều 3 hoặc 9 lần. Sau khi tiến hành và kích thích 3 bậc, từ từ kéo kim lên dưới da, dừng lại một lát, đợi người bệnh hít vào thì rút hẳn kim và day bịt ngay lỗ kim (Châm cứu đại thành).

Tả: dùng thủ thuật Thấu thiên lương, có thể gây được cảm giác mát ở chỗ châm hoặc có khi cả toàn thân. Đây cũng là thủ thuật phối hợp ba thủ thuật đơn giản trên. Bảo người bệnh thở vào bằng miệng 1 lần, thở ra bằng mũi 5 lần. Khi người bệnh đang thở vào, châm từ từ vào lớp cơ sâu, gây “đắc khí”, vê kim theo một chiều 6 lần; rút nhanh lên lớp cơ nông, châm xuống từ từ rồi rút kim nhanh 3 lần; sau đó rút kim nhanh lên dưới da, dừng lại một lát, đợi khi người bệnh thở ra thì rút kim nhanh ra ngoài và không day bịt lỗ kim (Châm cứu đại thành).

Những loại thủ thuật bổ và tả thường dùng hiện nay

Trên cơ sở kinh nghiệm của người xưa, hiện nay các thủ thuật bổ tả thường dùng gồm:

Bổ tả theo hơi thở bệnh nhân.

Bổ tả theo cường độ kích thích kim.

Bổ tả theo thời gian lưu kim.

Bổ tả theo kỹ thuật lúc rút kim.

Bảng: Thủ thuật bổ tả thường dùng:

Phương pháp Bổ Tả
Theo hơi thở Thở ra, châm kim vào

Hít vào, rút kim ra

Hít vào, châm kim vào

Thở ra, rút kim ra

Cường độ Châm “đắc khí”, để nguyên không vê kim Châm “đắc khí”, vê kim nhiều lần
Thời gian Lưu kim lâu Lưu kim ngắn
Rút kim Rút kim nhanh Rút kim từ từ
Bịt lỗ châm Rút kim bịt ngay lỗ châm Rút kim không bịt lỗ châm

Thầy thuốc châm cứu hiện nay có khi phối hợp cả 5 yêu cầu trên, nhưng rất thường chỉ phối hợp 2 yêu cầu cường độ và thời gian.

Những thủ thuật và chỉ định thường dùng

Tên gọi phương pháp Thao tác chính Chứng thích hợp
Phương pháp bổ, tả; bình bổ, bình tả dựa theo tốc độ tiến lùi và vê kim Phép bổ Tiến kim chậm, vê kim nhẹ nhàng, khi rút kim đến sát ngoài da nghỉ 1 chút rồi rút kim nhanh Hư chứng
Phép điều hòa Tiến lui kim vừa phải Không hư không thực
Phép tả Tiến kim nhanh, vê kim nhanh và rút chậm rãi Thực chứng
Phương pháp dựa theo cường độ kích thích Kích thích nhẹ Vê kim chậm và nhẹ nhàng Trẻ con, bệnh nhân sợ kim hay xỉu
Kích thích vừa Cường độ kích thích vừa Các loại bệnh
Kích thích mạnh Vê kim mạnh và nhanh Bệnh nhân phản ứng chậm (hôn mê), viêm khớp, viêm cơ, bệnh tâm thần
Phương pháp dựa theo độ nông sâu của kim châm Châm nông Châm đến dưới da Bệnh ngoài da, bệnh trẻ con, nhiệt chứng tại biểu
Châm vừa Châm vào thịt Các loại bệnh hàn chứng
Châm sâu Châm xuyên qua thịt Viêm cơ, viêm khớp, phong thấp mạn tính, bệnh tâm thần
Phương pháp dựa theo thời gian châm Châm nhanh Châm vào nhanh, rút ra nhanh Hôn mê, nhiệt chứng (ở biểu)
Châm hoãn Châm vào một lúc thì đổi thủ pháp Các bệnh mạn chứng nhiệt chứng (ở lý)
Lưu kim lâu Lưu kim thời gian dài Hàn chứng (viêm cơ, viêm khớp, phong thấp mạn tính), đau nhức, kinh liệt, co rút.

 

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Mới nhất
Cũ nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận