Sốt cao, bội nhiễm da vì kiến ba khoang đốt

Liên tục trong thời gian gần đây hàng loạt người dân đã bị kiến ba khoang đốt gây viêm da tiếp xúc trên cơ thể. Tại Khoa Khám bệnh, BV Da liễu Trung ương, có thời điểm các bác sĩ khám cho khoảng 60 bệnh nhân/ngày liên quan đến bệnh về da do kiến ba khoang, côn trùng đốt.

PV Báo Sức khỏe&Đời sống đã có cuộc trao đổi với ThS.BS Trịnh Xuân Vinh, Trưởng Khoa Khám bệnh, BV Da liễu Trung ương nhằm thông tin đến độc giả về cách phòng ngừa, điều trị căn bệnh khá phổ biến này,

ThS.BS Trịnh Xuân Vinh, Trưởng khoa Khám bệnh, BV Da liễu Trung ương.

50-60 bệnh nhân bị kiến ba khoang đốt đến khám/ngày

PV: Thưa BS, thời gian gần đây xuất hiện nhiều trường hợp bị kiến ba khoang, côn trùng đốt. BS có thể thông tin về số lượng bệnh nhân đến khám tại BV Da liễu Trung ương do bị côn trùng đốt trong thời điểm hiện nay? Và có trường hợp nào nguy kịch không?

ThS.BS Trịnh Xuân Vinh: Thời điểm từ tháng 9 đến tháng 11 dương lịch là lúc các bác sĩ chúng tôi gặp rất nhiều bệnh nhân bị viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang và các loại côn trùng khác đốt. Trung bình mỗi ngày, chúng tôi tiếp nhận vài chục bệnh nhân đến khám, có thời điểm lên đến 50-60 bệnh nhân/ngày. Đa số các trường hợp nhẹ chỉ bị khu trú tại một vài vị trí ở mặt, vùng thân, nhưng cũng có trường hợp bệnh nhân bị nặng trên diện tích rộng, bội nhiễm da, bệnh nhân có phản ứng sốt cao, người mệt mỏi và bắt buộc phải nhập viện điều trị.

Về nguyên nhân của bệnh viêm da tiếp xúc này là do các nọc độc của biến ba khoang gây ra. Có thể kiến ba khoang bay vào quần áo, bay vào người khi đi đường hoặc do người dân giết nó… gây ra viêm da tiếp xúc. Bệnh thường gây ngứa nên khi chúng ta gãi thì lại càng làm lây lan nhanh chóng ra các vị trí khác của cơ thể. Có người bị từ mắt, gãi lan ra mặt, ra cổ và xuống cả thân.

Ngoài kiến ba khoang, các côn trùng khác như côn trùng bay (bươm bướm thiêu thân) rất thích ánh sáng, chúng tôi thường gặp các trường hợp là học sinh hoặc người phải làm việc nhiều dưới ánh đèn bị tổn thương ở vùng mắt, mặt…

PV: Bệnh nhân bị kiến ba khoang, côn trùng đốt thường gặp phải những sai lầm gì khi điều trị, thưa BS?

ThS.BS Trịnh Xuân Vinh: Sai lầm thường gặp nhất ở bệnh nhân viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang, côn trùng đốt là họ tự ý ra hiệu thuốc mua thuốc về điều trị. Trong khi rất nhiều nhà thuốc bên ngoài đều tư vấn cho họ là họ bị bệnh zona và bán thuốc điều trị bệnh zona. Chính điều này đã khiến bệnh nhân không những điều trị tốn kém mà bệnh lại nặng lên. Hầu hết các bệnh nhân đến khám tại đây đều nói rằng trước đó họ đã chữa bệnh zona bên ngoài.

Tổn thương vùng mắt ở bệnh nhân bị kiến ba khoang đốt.

 

PV: Nhiều ý kiến cho rằng, vết đốt do kiến ba khoang rất dễ nhầm lẫn sang bệnh zona dẫn đến điều trị không đúng cách. Vậy căn cứ nào để phân biệt bệnh về da do kiến ba khoang đốt và bệnh zona thưa BS?

ThS.BS Trịnh Xuân Vinh: Để phân biệt hai bệnh này thì các bác sĩ da liễu nhận biết rất đơn giản. Cụ thể là bệnh zona do virus gây nên, bệnh này gây viêm da và viêm các nhánh thần kinh ngoài da và thường là bệnh nhân bị một nửa phần cơ thể, bị một bên chứ ít khi bị hai bên, trừ trường hợp bệnh nhân bị suy giảm miễn dịch (như bệnh nhân HIV/AIDS). Lâm sàng của zona là nổi các bọng nước theo các nhánh thần kinh, đau nhức.

Ngược lại, bệnh viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang có thể bị bất kỳ vị trí nào, bệnh nhân có thể bị khắp mặt, hay bị hai bên thân người theo vị trí nọc độc của kiến ba khoang, côn trùng dính vào hoặc theo đường gãi của người bệnh nên thường bị hai bên lan tỏa. Biểu hiện lâm sàng của bệnh thường là rát đỏ và nhanh chóng có mủ trắng xám chứ không phải bọng nước, đau nhức như zona.

PV: Vậy, nếu chẳng may bị kiến ba khoang, côn trùng đốt, người dân nên có cách sơ cứu như thế nào là đúng nhất, thưa BS?

ThS.BS Trịnh Xuân Vinh: Chúng tôi khuyến cáo, nếu người dân bị viêm da tiếp xúc nghi ngờ do kiến ba khoang thì nên đến cơ sở khám bệnh chuyên về da liễu để bác sĩ khám và điều trị ngay từ ban đầu tránh tốn kém, hoặc để bệnh lan rộng. Như vậy bệnh sẽ nhanh khỏi và không để lại di chứng.

Nếu nghi ngờ bị kiến ba khoang đốt thì có thể rửa nhẹ nhàng dưới dòng nước sạch ngay vị trí đó tránh lây sang phần khác của cơ thể, tránh viêm da tiếp xúc. Tuyệt đối không chà xát mạnh, sau đó đến BV để được khám và điều trị.

Rất đông bệnh nhân đến khám tại BV Da liễu Trung ương sáng 4/11/2016, trong đó có nhiều bệnh nhân bị kiến ba khoang, côn trùng đốt.

 

Không tự ý dùng hóa chất diệt kiến ba khoang

PV: Kiến ba khoang rất khó diệt, và thường xuất hiện với số lượng lớn, BS có khuyến cáo gì cho người dân để không bị loại côn trùng này đốt?

ThS.BS Trịnh Xuân Vinh: Như tôi đã nói, mùa từ tháng 9 đến tháng 11 kiến ba khoang sinh sản rất nhiều, đặc điểm của loại kiến này là chạy rất nhanh và bay được, chúng sinh sản phát sinh chủ yếu nơi ẩm thấp, ngoài cánh đồng và đặc biệt thích ánh sáng. Chính vì vậy, người dân nên có cửa lưới tránh côn trùng. Tắt đèn trong nhà, bật đèn bên ngoài vườn, ngoài sân để “dụ” kiến ba khoang ra ngoài đó.

Khi phát hiện kiến ba khoang có thể dùng thuốc diệt côn trùng hoặc các biện pháp thu gom có bảo hộ chân tay để tiêu hủy chứ không nên giết trực tiếp bằng tay.

Bệnh nhân bị viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang đốt cần chú ý giữ vệ sinh sạch sẽ, nên có khăn riêng để vệ sinh vùng da bị bệnh, tránh lây lan sang các vùng da khác.

PV: Hiện nay đang lan truyền nhiều cách khác nhau để xua đuổi kiến ba khoang, chẳng hạn như: dùng tinh dầu sả nguyên chất, hoặc dùng đèn xông tinh dầu, máy khuếch tán tinh dầu; dùng thuốc hoặc hóa chất… BS nghĩ sao về cách làm này?

ThS.BS Trịnh Xuân Vinh: Thông tin lan truyền trên mạng, hoặc truyền miệng chưa được kiểm chứng rõ ràng, vì vậy nếu người dân muốn dùng thuốc diệt côn trùng thì cần đến cơ sở thú ý để có thuốc chuyên diệt, tránh dùng tràn lan gây hại cho sức khỏe.

Tôi nghĩ, các phương pháp thủ công thu gom, đốt kiến ba khoang thì an toàn hơn.

PV: Xin trân trọng cảm ơn bác sĩ!

Một số cách ngăn cản kiến ba khoang vào nhà: Sử dụng lưới các cửa sổ và cửa ra vào, đóng cửa thường xuyên sau khi ra vào. Nên ngủ trong màn. Vệ sinh môi trường, phát quang bụi rậm, cây cỏ xung quanh nhà, vì đây là nơi trú ẩn tốt cho loài này. Mặc quần áo dài tay khi đi ra ngoài nhà, nhất là ở những vùng gần đồng ruộng, khu dân cư nhiều ánh đèn, gần công trình đang xây dựng. Khi làm việc trên đồng ruộng, nhất là vào mùa thu hoạch, mùa mưa bão, cần chú ý sử dụng các phương tiện bảo hộ lao động như: mặc quần áo dài tay, đội mũ, nón, khẩu trang, đi ủng để tránh tiếp xúc với côn trùng.

Nếu đã tiếp xúc với kiến ba khoang hoặc nghi ngờ là đã tiếp xúc với chúng, nên thực hiện một số bước sau:

Nếu có một con kiến ba khoang đang bò trên người bạn, hãy lấy nó ra khỏi người bằng cách thổi hoặc để một tờ giấy vào cho nó bò lên và lấy nó ra khỏi người. Sau đó rửa sạch vùng da đã tiếp xúc với loài côn trùng này. Nếu bạn lỡ tay đập hoặc chà xát chúng trên da thì phải nhanh chóng rửa sạch nơi tiếp xúc để hạn chế chất độc. Đến cơ sở y tế để báo và thăm khám, điều trị theo chỉ định của bác sĩ.

Để xử lý triệt để, tránh tình trạng kiến ba khoang lan tràn, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe cộng đồng, khi có đàn kiến ba khoang xuất hiện ở khu dân cư, bà con nên liên hệ ngay với đơn vị y tế chuyên trách (các Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng, các Trung tâm Y tế dự phòng huyện/thị…) để hướng dẫn và phối hợp xử lý.

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Mới nhất
Cũ nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận