Phục hồi chức năng sau phẫu thuật thay khớp háng

PHỤC HỒI CHỨC NĂNG SAU PHẪU THUẬT THAY KHỚP HÁNG

Trích: Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị của chuyên ngành Phục hồi chức năng 2014 của Bộ y tế: Số 3109/QĐ-BYT

I. ĐẠI CƯƠNG

Phẫu thuật thay khớp háng nhân tạo là một phương pháp điều trị những bệnh lý khớp háng mà tất cả các phương pháp điều trị khác không đem lại hiệu quả. Thông thường thay khớp háng nhân tạo sẽ giúp giảm đau cho bệnh nhân, cải thiện tầm vận động khớp háng giúp bệnh nhân trở lại các sinh hoạt hàng ngày.

– Có nhiều loại bệnh lý làm tổn thương sụn khớp của chỏm xương đùi và ổ cối như bệnh hoại tử chỏm xương đùi, thoái hóa khớp háng, viêm khớp dạng thấp, viêm cột sống dính khớp…

– Phẫu thuật thay khớp háng nhân tạo chỉ định trong các trường hợp sau:

+ Nếu người bệnh điều trị bảo tồn không có kết quả, bệnh nhân đau kéo dài

+ Gãy cổ xương đùi ở người già.

+ Không liền xương sau gãy cổ xương đùi, gãy khối mấu chuyển xương đùi.

+ U xương, lao xương…

-Thay khớp nhân tạo thường được chỉ định cho bệnh nhân trên 50 tuổi do tuổi thọ của khớp trung bình được 15  đến 20 năm. Tuy nhiên ngày nay do sự phát triển không ngừng của công nghệ chế tạo, chỉ định thay khớp háng ngày càng được mở rộng, ngưỡng tuổi ngày càng được hạ thấp.

– Có nhiều loại khớp háng nhân tạo ra đời và cũng có nhiều phương pháp mổ khác nhau. Nhìn chung khớp nhân tạo có thể phân thành các loại cơ bản là khớp háng có xi măng và khớp háng không xi măng. Có bệnh nhân khớp háng bán phần (chỉ thay chỏm xương đùi) và có bệnh nhân được thay khớp háng toàn phần (thay cả chỏm xương đùi và ổ cối) tùy theo mức độ bệnh và lứa tuổi.

– Khớp háng không có xi măng được phát triển thành nhiều loại nhỏ tùy thuộc vào bề mặt tiếp xúc và chịu lực của nó là: Kim loại – nhựa cao phân tử, gốm – gốm, kim loại – kim loại, khớp có cán vặn Spiron (dùng cho người trẻ tuổi)

Sau phẫu thuật người bệnh cần được hướng dẫn tập luyện càng sớm càng tốt, giúp phục hồi nhanh và giảm biến chứng.

II. CHẨN ĐOÁN

1. Các công việc của chẩn đoán

1.1. Hỏi bệnh

Bệnh nhân được phẫu thuật ngày thứ mấy ?

1.2. Khám và lượng giá chức năng

– Vận động khớp háng bên chân phẫu thuật có xoay được trong ổ cối hay không.

– Chân phẫu thuật có bị đổ ngoài hay vào trong không.

 

– Mức độ đau, phù nề, dịch dẫn lưu sau phẫu thuật…

 

1.3. Chỉ định xét nghiệm cận lâm sàng:

 

Chụp XQ thường quy.

2. Chẩn đoán xác định

 

Thay khớp háng bán phần hay toàn phần.

 

III. PHỤC HỒI CHỨC NĂNG VÀ ĐIỀU TRỊ

1. Nguyên tắc phục hồi chức năng và điều trị

 

– Giảm đau, giảm phù nề.

 

– Gia tăng sức mạnh các nhóm cơ

 

– Tăng tầm vận động khớp háng

 

– Bảo vệ khớp háng mới

 

– Lấy lại hoạt động bình thường cho bệnh nhân

2. Các phương pháp và kỹ thuật phục hồi chức năng:

 

2.1. Ngày thứ 1 và 2 sau phẫu thuật

 

– Tập các bài tập vận động ở trên giường, thay đổi tư thế

 

– Khớp cổ chân: tập gấp duỗi và xoay khớp cổ chân, tập vài lần trong ngày, mỗi lần 5-10 phút. Bài tập được tiến hành bắt đầu sau khi phẫu thuật cho đến khi khỏi bệnh.

 

– Khớp gối: Bệnh nhân nằm ở tư thế 2 chân duỗi thẳng, mũi chân thẳng lên trần nhà, tập gấp duỗi gối bằng cách nâng khớp gối lên thụ động hoặc chủ động 20 động tác mỗi lần. Ngày khoảng 2 lần. Chú ý: không xoay khớp gối.

 

– Co cơ mông: bệnh nhân nằm ngửa, co cơ mông trong 5 giây sau đó nghỉ

5 giây, tập mỗi lần 10 động tác và ngày tập 5 lần.

 

– Tập khớp háng: tập khép và dạng khớp háng. Bệnh nhân nằm ngửa 2 chân duỗi thẳng, dạng khớp háng cả 2 chân (cả khép). Chú ý không xoay khớp háng vào trong và luôn để ở tư thế hơi xoay ngoài.

 

– Tập co cơ tĩnh: bệnh nhân nằm với gối thẳng, co cơ tĩnh cả 2 chân, mỗi lần co 5 giây rồi nghỉ 5 giây nâng, tập 10 động tác trong 1 lần và 10 lần/ngày. Nằm nâng chân lên khỏi mặt giường giữ trong 5-10 giây.

– Tập mạnh sức cơ tứ đầu đùi: bệnh nhân nằm thẳng đặt 1 gối dưới kheo chân, giữ cho khớp gối gấp khoảng 30o-40o. Giữ chặt đùi và đưa cẳng chân lên trên giữ trong khoảng 5 giây rồi từ từ đưa về vị trí cũ. Mỗi lần làm 10 động tác và 3-4 lần/ngày.

 

2.2. Từ ngày thứ 3-5 sau phẫu thuật

 

– Cho bệnh nhân ngồi dậy ở trên giường, tiếp tục tập các bài tập vận động ở trên giường: khớp gối, khớp háng.

 

– Đưa 2 chân ra khỏi thành giường, tập đung đưa 2 chân và tập tăng sức mạnh của cơ đùi. Bệnh nhân có thể tự di chuyển nhẹ nhàng ở trên giường.

 

2.3. Từ ngày 5 đến 4 tuần sau phẫu thuật

 

– Bệnh nhân tiếp tục các bài tập vận động khớp và tăng sức mạnh của cơ.

 

– Giai đoạn này có thể tập đứng và đi với nạng hoặc khung.

 

– Những lần đầu bệnh nhân có thể có người giữ sau đó tự đứng.

 

– Bệnh nhân đứng chịu trọng lực trên chân lành, 2 tay bám vào thành ghế. Nâng gối của chân kia lên giữ trong 2-3 giây sau đó đặt chân xuống. Động tác nữa là đứng chịu trọng lực trên chân lành giữ gối và háng bệnh trên 1 mặt phẳng rồi tập khép và dạng khớp háng bằng cách đưa chân vào trong và ra ngoài.

 

– Động tác tập gấp và duỗi khớp háng: đưa chân phẫu thuật ra trước và ra sau. Chú ý là không được gấp khớp háng trên 90 độ

 

– Tập đi bộ, tập lên xuống cầu thang

 

– Tập mạnh sức cơ tư thế đứng bằng cách kéo chân bằng dây chun.

 

2.4. Từ 4-6 tuần sau phẫu thuật

 

-Bệnh nhân đi bộ với nạng hoặc gậy, lần đầu đi khoảng 5-10 phút trong 1 lần và đi 3-4 lần/ngày. Những lần sau có thể đi 20-30 phút và 2-3 lần/ngày.

 

-Tập đạp xe đạp tại chỗ và tập tham gia các hoạt động hàng ngày: rửa bát, giặt giũ.

 

2.5. Từ 6-12 tuần sau phẫu thuật

 

– Bệnh nhân có thể tập đi bằng cách bỏ nạng

 

– Tập lái xe

 

2.6. Sau 12 tuần

 

– Bệnh nhân có thể trở lại công việc, lái xe, chạy, đánh golf..

 

* Những điều nên làm và không nên làm

 

– Không gấp khớp háng quá 90o và không xoay khớp háng vào trong.

– Không được ngồi xổm

 

– Không được ngồi trên ghế mà không có tay vịn

 

– Muốn đứng dậy từ ghế: đưa chân phẫu thuật ra trước sau đó từ từ đứng dậy

 

– Không được ngồi ghế hoặc toilet thấp.

 

– Không được xoay khớp gối khi đứng, ngồi, khi nằm và phải kê gối giữa 2 chân.

 

* Một số lưu ý khi thay khớp háng Spiron :

 

Khớp háng Spiron là loại khớp háng đặc biệt được dùng cho bệnh nhân trẻ ở độ tuổi < 60

 

Do đặc điểm khớp háng là cán vặn, không can thiệp đến xương đùi nên sau phẫu thuật bệnh nhân ít đau và có cảm giác phục hồi nhanh hơn.Nếu bệnh nhân vận động sớm hơn quy định thì có thể bị lỏng khớp, khi đó phải thay lại khớp háng mới. Vì vậy,ngoài việc tuân thủ các nguyên tắc tập vận động đã nêu ở trên phải chú ý các điểm sau:

 

– Vận động lại từ ngày thứ 2 (hoặc thứ 3) sau phẫu thuật theo chỉ định của bác sĩ phẫu thuật.

 

– Trong vòng 06 tuần đầu tiên sau phẫu thuật phải đi lại bằng nạng và hạn chế vận động tối đa.

 

– Trong vòng 03 tháng sau phẫu thuật bệnh nhân phải hạn chế vận động và vận động nhẹ nhàng.

 

– Khi di chuyển bệnh nhân phải dồn trọng lượng cơ thể lên cánh tay, nạng và bên chân không phẫu thuật.

 

– 03 tháng sau phẫu thuật có thể vận động trở lại bình thường nhưng cần trành các tư thế, động tác, thói quen hay vận động nặng gây ảnh hưởng đến vùng khớp háng mới phẫu thuật.

3. Các điều trị khác

 

Thuốc điều trị:

 

– Kháng sinh

 

– Giảm đau chống viêm (paracetamol, NSAID…)

 

– Chống phù nề

 

– Chống huyết khối tĩnh mạch

IV. THEO DÕI VÀ TÁI KHÁM

 

Tái khám sau 01 tháng, 2 tháng, 3 tháng và 6 tháng sau phẫu thuật.

 

Sau 1 năm khám lại.

 

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Mới nhất
Cũ nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận