Phục hồi chức năng hội chứng đường hầm xương trụ

PHỤC HỒI CHỨC NĂNG HỘI CHỨNG ĐƯỜNG HẦM XƯƠNG TRỤ

I.ĐẠI CƯƠNG

Hội chứng đường hầm xương trụ (hội chứng Guyon) gặp tỷ lệ ít hơn so với hội chứng đường hầm cổ tay. Hội chứng này do chèn ép cục bộ dây thần kinh trụ trong ống trụ (kênh Guyon) ở cổ tay gây nên rối loạn về cảm giác và vận động tùy theo định khu bị chèn ép.

II.CHẨN ĐOÁN

1.Các công việc của chẩn đoán

1.1. Hỏi bệnh

1.2. Khám và lượng giá chức năng: Phân theo vùng tổn thương chia làm 3 nhóm.

Nhóm I: Thường gặp do chèn ép thân dây trụ. Biểu hiện giảm cảm giác ở ngón V và nửa ngón IV, yếu và teo các cơ ô mô út và liên cốt. Nếu tổn thương nặng, có triệu chứng bàn tay vuốt trụ.

Nhóm II: Chiếm tỷ lệ cao nhất do nhánh sâu của dây trụ bị chèn ép ở gần cuối kênh Guyon, sát với móc của xương móc. Cảm giác bình thường, cử động bàn tay giảm độ khéo léo và không thể dạng các ngón tay. Có thể có triệu chứng bàn tay vuốt trụ nếu bệnh nặng.

Nhóm IIA: nhánh sâu sau khi tách ra nhánh cho các cơ thuộc ô mô út, rồi mới bị tổn thương. Trong nhóm IIA các cơ ô mô út không bị yếu và teo.

Nhóm III: Ít gặp nhất, chỉ tổn thương nhánh nông của dây trụ, vị trí ở chỗ gần hết kênh Guyon. Giảm cảm giác các ngón 4 và 5. Các cơ nhỏ bàn tay không bị ảnh hưởng. Dấu hiệu Tinel dương tính khi gõ nhẹ trên vùng ngón tay tổn thương sẽ thấy dị cảm, tê bì tăng lên

1.3. Chỉ định xét nghiệm cận lâm sàng

– Chụp X quang thường: Phát hiện gẫy xương vùng cổ tay gây chèn ép dây trụ.

– CT hoặc MRI: phát hiện các bất thường (hạch, tổ chức phần mềm khác)

– Chẩn đoán điện: Có giảm tốc độ dẫn truyền vùng dưới vị trí tổn thương.

2.Chẩn đoán phân biệt

Chấn thương vùng cổ tay gây tổn thương xương và tổ chức phần mềm

Ung thư xương nguyên phát hoặc di căn..

3.Chẩn đoán nguyên nhân

– Thường do chấn thương cấp tính hoặc mạn tính như: Thường xuyên đè ép lên gan tay do ấn cổ tay xuống khi làm việc.

– Gẫy móc của xương móc khi chơi golf hoặc tenis hay đánh bóng chầy bằng gậy.

– Do khối choán chỗ chèn ép: Cơ dị dạng, khối u, các nang hạch

– Các biến đổi do viêm khớp của các xương cổ tay gây nên

– Huyết khối mạch máu, gây cục máu đông trong động mạch trụ.

III. PHỤC HỒI CHỨC NĂNG VÀ ĐIỀU TRỊ

1.Nguyên tắc phục hồi chức năng và điều trị

– Giảm viêm, giảm phù nề. Phòng co rút, co cứng cơ khớp gây biến dạng.

– Phục hồi sức mạnh của cơ, phục hồi tầm vận động cổ tay, bàn tay

– Phục hồi các hoạt động chức năng hàng ngày của bàn tay

2.Các phương pháp và kỹ thuật phục hồi chức năng

2.1. Điều trị bằng nhiệt vùng mặt trong cổ tay: Có thể chọn một trong các phương pháp nhiệt sau: Hồng ngoại, đắp paraphin hoặc bùn khoáng, từ trường nhiệt, sóng ngắn

2.2. Điện phân dẫn thuốc chống viêm giảm đau: Như Natrisalicylat 3% đặt tại vùng mặt trong cổ tay bị tổn thương.

2.3. Siêu âm hoặc siêu âm dẫn thuốc chống viêm giảm đau dòng xung vùng mặt trong cổ tay bị tổn thương.

2.4. Xoa bóp vùng cổ tay, bàn tay: Có tác dụng làm mạnh cơ, giảm các triệu chứng rối loạn cảm giác, có thể sử dụng kỹ thuật di động mô mềm

2.5.Tập luyện: Đặc biệt quan trọng trong điều trị cũng như phòng tái phát. Tránh các tư thế làm các triệu chứng nặng thêm. Các bài tập theo tầm vận động cổ, bàn tay. Điều chỉnh các động tác khi làm việc, trong sinh hoạt. Các bài tập được thực hiện khi đang điều trị và sau điều trị

2.6. Mang nẹp cổ tay: Giữ tư thế cổ tay duỗi thẳng, có thể mang nẹp cả khi ngủ

3.Các điều trị hỗ trợ khác

3.1. Thuốc

3.1.1. Dòng Acetaminophen (paracetamol) 500mg X 4 viên/ngày. Có thể kết hợp với codeine (Efferalgan codeine) hoặc tramadon (Ultracet) tuy nhiên chỉ nên dùng ngắn ngày

3.1.2. Dòng chống viêm giảm đau không steroid (NSAID): Dùng liều thấp, ngắn ngày. Cẩn trọng khi dùng cho bệnh nhân lớn tuổi, có tiền sử bệnh lý đường tiêu hóa, tim mạch hoặc suy thận mạn. Có thể dùng đường uống hay điện phân.

3.1.3. Dòng thuốc kích thích phục hồi dẫn truyền thần kinh:

Nucleofort CMP ống hay viên 50mg x 2 ống (viên) ngày chia 2 lần. Nivalin 2,5mg x 1 đến 2 ống/ngày chia 2 lần, tiêm bắp

3.1.4. Dòng thuốc giảm phù nề: Alphachymotrypsine X 4 viên/ngày

3.1.5. Các vitamin nhóm B như B1, B6, B12.

3.2. Chỉ định phẫu thuật giải phóng chèn ép khi điều trị bảo tồn kéo dài mà không có kết quả

3.3. Điều chỉnh chế độ ăn hợp lý, nghỉ ngơi

IV.THEO DÕI VÀ TÁI KHÁM

Các chỉ số theo dõi: Tình trạng đau, rối loạn vận động, cảm giác ngón IV, V bàn tay, các bài tập vận động, các hoạt động thực hiện chức năng sinh hoạt hàng ngày của người bệnh.


Trích: Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị của chuyên ngành Phục hồi chức năng 2014 của Bộ y tế: Số 3109/QĐ-BYT
0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Mới nhất
Cũ nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận