PHỤC HỒI CHỨC NĂNG GÃY TRÊN LỒI CẦU XƯƠNG CÁNH TAY
Trích: Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị của chuyên ngành Phục hồi chức năng 2014 của Bộ y tế: Số 3109/QĐ-BYT
I. ĐẠI CƯƠNG
– Đây là loại gãy phổ biến nhất ở trẻ em sau ngã chống tay, đặc biệt là trẻ em trai và tay trái bị nhiều hơn.
– Những biến chứng thường gặp sau gãy trên lồi cầu xương cánh tay là: hạn chế vận động khớp khuỷu, co rút cơ nhị đầu, teo cơ tam đầu do cốt hoá quanh khớp hoặc do cốt hoá trong cơ. Đôi khi có biến chứng thần kinh mạch máu gây rối loạn nuôi dưỡng chi (ví dụ: co rút các cơ gấp do thiếu máu vì tổn thương mạch quay)
– Phục hồi chức năng gãy trên lồi cầu xương cánh tay là áp dụng các phương pháp vật lý trị liệu, vận động trị liệu, thuốc để thúc đẩy quá trình liền xương, các chức năng vận động khớp khuỷu và phòng tránh các biến chứng (teo cơ, cứng khớp…). Nhìn chung tiên lượng cơ năng và phục hồi chức năng thường tốt.
II. CHẨN ĐOÁN
1. Các công việc chẩn đoán
1.1. Hỏi bệnh
+ Tình huống xảy ra chấn thương?
+ Thời gian bị chấn thương đến thời điểm hiện tại?
+ Các biện pháp đã can thiệp, xử trí?
+ Hỏi bệnh nhân hiện tại có đau chói tại nơi gãy không?
+ Có đau, hạn chế vận động khớp khuỷu khi vận động không?
1.2. Khám lâm sàng
+ Cơ năng: đau và mất vận động hoàn toàn khuỷu tay ở tư thế gấp.
Khám, đánh giá cơ lực, tầm vận động khớp khuỷu và các tổn thương thần kinh (thần kinh giữa, thần kinh trụ), mạch máu nếu có.
+ Thực thể: vùng trên khuỷu sưng nề, có vết tụ máu nhiều hay ít tuỳ thuộc thời gian từ lúc gãy đến khi khám bệnh.
+ Toàn thân: Bệnh nhân tỉnh táo, không ảnh hưởng nhiều đến toàn thân.
1.3. Chỉ định xét nghiệm cận lâm sàng
Chụp X-quang khớp khuỷu tư thế thẳng và nghiêng để xác định và kiểm tra vị trí gãy và độ di lệch của xương.
2. Chẩn đoán xác định: Dựa vào X- quang chẩn đoán xác định
3. Chẩn đoán phân biệt
Tràn dịch khớp khuỷu sau chấn thương
4. Chẩn đoán nguyên nhân
Chấn thương, loãng xương, lao xương, ung thư xương…
III. PHỤC HỒI CHỨC NĂNG VÀ ĐIỀU TRỊ
1. Nguyên tắc điều trị và phục hồi chức năng
– Tạo điều kiện tốt nhất cho tiến trình liền xương
-Giảm sưng nề, giảm đau, chống rối loạn tuần hoàn, chống kết dính khớp, ngừa hội chứng đau vùng (hội chứng rối loạn dinh dưỡng giao cảm phản xạ-hội chứng Sudeck).
– Duy trì tầm vận động khớp, ngừa teo cơ.
2. Các phương pháp và kỹ thuật, phục hồi chức năng
2.1. Giai đoạn bất động( trong bột)
– Mục đích: cải thiện tuần hoàn, chống teo cơ, co rút cơ, chống kết dính khớp
– Biện pháp phục hồi chức năng:
+ Vận động tự do, gập duỗi các ngón tay.
+ Co cơ tĩnh các cơ cẳng tay.
+ Co cơ tĩnh các cơ nhị đầu và tam đầu. Tuần 1 chỉ nên co cơ tĩnh nhẹ nhàng, tuần 2 thực hiện mạnh hơn, tuần 3 co cơ tĩnh tối đa.
2.2. Giai đoạn tháo bột
-Mục đích: Gia tăng bậc cơ teo yếu, kéo giãn các cơ co rút, gia tăng tầm vận động khớp khuỷu, điều trị hội chứng Wolkmann nếu có.
– Biện pháp phục hồi chức năng:
+ Xoa bóp sâu trên cơ co thắt quanh khớp, phá vỡ kết dính và thư giãn thần kinh.
+ Gia tăng lực cơ bằng kỹ thuật đối kháng bằng tay kỹ thuật viên hoặc bằng dụng cụ với đối trọng vừa phải, rồi tăng dần sức cản.
+ Vận động bằng kỹ thuật giữ nghỉ.
+ Hoạt động trị liệu: làm các cử động có liên quan đến cử động gập duỗi khớp khuỷu như dệt thảm, bện thừng, làm cỏ vườn, chơi thể thao ném bắt bóng.
– Biện pháp vật lý trị liệu:
+ Chườm lạnh bằng nước đá trên cơ co thắt 10 phút.
+ Điện phân giảm đau bằng một số thuốc ( Novocain, salicilat…)
+ Dùng siêu âm trên cơ bị co thắt.
– Điều trị hội chứng Wolkmann:
+ Làm nẹp để bàn, ngón tay ở vị trí trung gian
+ Ngâm cẳng tay, bàn tay trong nước ấm 40 độ khoảng 20phút, ngày 2-3 lần.
+ Cải thiện tuần hoàn bằng điện xung DF-CP
+ Tập thư giãn các cơ, tập mạnh các cơ duỗi cẳng tay bằng kỹ thuật giữ nghỉ
3. Các điều trị khác
– Các thuốc giảm đau nhóm Non- Steroid
– Các thuốc tái tạo kích thích liền xương nhanh: Calcitonin, Biphosphonat,Calcium
– Các thuốc giảm đau thần kinh nếu có đau thần kinh.
IV. THEO DÕI VÀ TÁI KHÁM
– Tình trạng ổ gãy: đau, sưng nề, di lệch, biến dạng…
– Tình trạng chung toàn thân.
– Theo dõi và tái khám sau 3 tháng, 6 tháng và 1 năm.
chào bs : con bị gãy liên lồi cầu cánh tay phải đã mỗ bắt nẹp, bs dặn về nhà tập tay cho mau khỏe lại nhưng con tập duỗi thẳng tay ra không đc có phải do mỗ không ạ
Chào bạn. Thương tổn liên cầu lồi cánh tay là tổn thương diện khớp, nên việc tập phục hồi chức năng thường khó khăn. Bạn nên đến viện khám khoa phục hồi chức năng, để bác sỹ lượng giá lại cho bạn, sau đó hướng dẫn bạn các bài tập hợp lý nhất
Chào Bác sĩ cháu tên Đức vừa rồi cháu bị Gãy xương cẳng tay sau 30 ngày cháu đã tháo bột nhưng vô dũn thẳng được mong Bác sĩ giúp cho cháu , và Cần làm động tác gì để phục hồi
Chào bạn. Tổn thương khớp khuỷu là tổn thương diện khớp, nên sau chấn thương, thường bệnh nhân sẽ bị đau và hạn chế vận động gấp duỗi khớp khủy, hơn nữa, với bạn có gãy lồi cầu ngoài, làm diện khớp thay đổi, nên cũng ảnh hưởng đến tầm vận động của khớp, vì vậy bạn cần phải tích cực tập luyện mới có thể vận động khớp khuỷu trở về bình thường được. Trước khi tập bạn có thể sử dụng túi chườm ấm, chườm 15-20 phút, để gân cơ được thư giãn hơn, sau đó tập, sau khi tập, nếu bạn thấy đau có thể chườm mát 15 phút.
Bài tập cụ thể: bài tập giữ nghỉ
– Với động tác duỗi khuỷu: bạn tự duỗi tay ra đến hết tầm có thể, sau đó dùng tay lành kéo cẳng tay kia ra đến khi bạn thấy đau thì dừng lại, giữ nguyên vị trí đó trong vòng 10s, sau đó thư giãn, và đẩy thêm 1 chút nữa, đến điểm đau mới, và lại giữ 10s… Liên tục làm như vậy nhiều lần trong ngày.
– Với động tác gấp khuỷu: Tương tự như trên, khi ép vào đến điểm đau, dừng lại, giữ 10s, rồi ép tiếp…
Thân ái
Chào bác sỹ. con em bị gãy cầu lồi tay trái đc 1 tuần. Hiện tại cháu đã đóng đinh và bó bột; sau 3 tuần cháu sẽ đến viện ruts đinh.E băn khoăn k bt có phải kiêng thức ăn gì cho cháu k vì sợ ảnh hưởng đến vết thương, cơ của cháu. Bác sỹ tư vấn giúp em ạ.
Chào bạn, con bạn sau rút đinh cần tập PHCN tích cực để làm tăng tầm vận động khớp khuỷu và tăng lực cơ của tay. Hiện tại cháu không cần kinh gì, mà cần phải bổ sung chế độ ăn giàu canxi để giúp cháu mau hồi phục xương, vì giai đoạn này xương của cháu chưa can vững chắc. Thân ái
Chào bác sĩ . E bị ngã cách đây 3 năm cũng bị triệu chứng như trên . Nhưng tay khuỷu tay của e càng ngày càng bị biến dạng liệu có phẫu thuật được ko bác sĩ nhờ bác tư vấn giúp e với ạ . Khuỷu tay của e giờ sờ vào ko thấy khớp thì phải ạ
Chào bạn. Để quyết định phẫu thuật tạo hình lại, bạn cần đến trung tâm Phẫu thuật chỉnh hình để bác sỹ khám và tư vấn, đồng thời cũng sẽ cho bạn lời khuyên rằng sau phẫu thuật, chức năng khuỷu tay và thẩm mỹ của khuỷu tay sẽ ra sao. Trân trọng.
Chào bác sĩ . E bị ngã cách đây 3 năm cũng bị triệu chứng như trên . Nhưng tay khuỷu tay của e càng ngày càng bị biến dạng liệu có phẫu thuật được ko bác sĩ nhờ bác tư vấn giúp e với
Chào bạn. Để quyết định phẫu thuật tạo hình lại, bạn cần đến trung tâm Phẫu thuật chỉnh hình để bác sỹ khám và tư vấn, đồng thời cũng sẽ cho bạn lời khuyên rằng sau phẫu thuật, chức năng khuỷu tay và thẩm mỹ của khuỷu tay sẽ ra sao. Trân trọng.
Chào Bác sĩ. Em năm nay 21 tuổi, tay trái của e lúc nhỏ khoảng 8-9t bị gãy do té chống tay xuống đất. Biểu hiện lúc đó giống như là các triệu chứng nêu ở bài trên (bệnh lồi cầu xương cánh tay). Hiện tại tay trái e nhỏ hơn tay phảp chừng 8-10 và cổ tay rất ốm. Mọi hoạt động chức năng đều bình thường chỉ có điều là ngón giữa bị teo hóp lòi xương ra và hay bị co rút từ các ngón tay (nhất là ngón giữa). E đã đi khám, điều trị bằng nhiều cách nhưng kết quả không khả quan. Và ở bài viết của trang web này mô tả đúng bệnh của e nên e rất vui vì từ đó giờ em khám ở các bệnh viện đều kết luận em bình thường chỉ cần tập luyện để kích thích cơ phát triển thôi ạ. E rất mong nhận được những lời khuyên của bác sĩ. E xin cảm ơn..
– Chào bạn. Để tập luyện cơ, bạn phát triển, cần phải thời gian và lòng kiên trì của bạn. Nếu mọi chứng năng bàn tay của bạn bình thường, bạn kiên trì tập luyện, cơ bạn sẽ phát triển to và khỏe dần lên, cũng giống như các vận động viên thể hình, họ cũng phải kiên trì tập luyện cơ họ mới phát triển được như vậy. Ngoài ra, bạn cũng nên cải thiện chế độ ăn, nhiều đạm hơn trước để cơ bạn cải thiện hơn.
– Lưu ý với bạn: bạn nên tập từ từ tăng dần, tránh làm cơ bạn bị mỏi và đau sau tập, vì như vậy sẽ mất thơi gian để cơ đó phục hồi cho bạn tập buổi sau. Hơn nữa, bạn nên tái khám chuyên khoa PHCN để được bác sỹ lượng giá bạn tập vùng cơ nào ưu tiên, để cho hiệu quả bài tập của bạn được tốt nhất.
– Chúng tôi cũng rất vui vì bài viết này hữu ích với bạn. Thân ái