Phép châm điều trị châm cứu

Châm và cứu là hai phương pháp điều trị khác nhau. Châm là chữa bệnh bằng cách châm kim vào một số “huyệt vị” trên cơ thể người với những chiếc kim bằng kim loại, tạo thành kích thích bằng các thao tác khác nhau. Kim có nhiều loại và kích thước khác nhau, thông thường nhất là hào châm, kim ba cạnh, kim mai hoa và kim gài trong da (kim nhỉ hoàn).

Cứu là chữa bệnh do tác dụng kích thích của nhiệt bằng cách hơ nóng do đốt cháy “ngải nhung” hoặc một số chất liệu khác trên các vị trí đặc hiệu ở mặt da.

Chọn kim và tư thế bệnh nhân

Có nhiều loại kim hào châm. Phải giữ kim không bị gỉ, cong hoặc quặn mũi để phòng các tai biến và gây đau đớn cho người bệnh.

Để được thoải mái và dễ xác định huyệt, bệnh nhân cần ở trong tư thế thích hợp đối với huyệt cần châm. Nếu bệnh nhân ở tư thế không thích hợp, dễ bị mệt lả hoặc choáng váng; những tai biến như cong kim hay gẫy kim có thể xảy ra trong trường hợp bệnh nhân thay đổi tư thế đột ngột. Thông thường, tư thế nằm ngửa thích hợp khi ta châm những huyệt vị vùng trán và mặt, ngực, bụng và mặt trước chi dưới. Tư thế nằm sấp thích hợp khi châm các vùng chẩm, gáy, lưng – thắt lưng và mặt sau chi dưới; tư thế nằm nghiêng dành cho khi châm các huyệt ở mặt bên cơ thể. Những huyệt ở đầu, lưng và chi trên, tư thế ngồi thoải mái cũng thích hợp.

Trước khi điều trị, sát trùng da tại huyệt vị và xung quanh huyệt vị bằng cồn 700; chọn kim có chiều dài tương xứng vị trí huyệt được chọn.

Tiến hành châm

Trong điều trị châm cứu, nếu thầy thuốc không biết cách điều khiển ngón tay và thiếu khéo léo trong thao tác, thì việc châm kim xuyên qua da cũng đã là khó và còn gây đau cho bệnh nhân, ảnh hưởng trực tiếp tới kết quả điều trị. Vì thế phải tập dượt vận dụng ngón tay và thực nghiệm phản ứng kim châm hay cảm giác châm trên chính bản thân mình.

Ta có thể tập luyện thao tác châm kim trên nhiều lớp giấy hoặc trên một gối bông nhỏ. Mới đầu tập cách xoay về kim vào ra, sau đó phối hợp cách tiến, lui và xoay, vê kim. Khi các động tác này đã thành thạo, thầy thuốc có thể châm cho chính mình để nhận thức được cảm giác kim châm.

Châm kim và thao tác

Phương pháp châm kim

Nói chung, cảm giác đau khi mũi kim xuyên qua mặt da, còn khi kim đã vào sâu rồi, thì cảm giác đau không đáng kể. Để giảm bớt đau đớn, động tác châm kim qua da phải nhanh. Có nhiều cách châm kim, những cách thường dùng là:

Châm kim có dùng ngón tay tì:

Tì đầu ngón tay cái (hoặc ngón tay trỏ) của bàn tay trái vào cạnh huyệt, ngón cái và ngón trỏ tay phải cầm chuôi kim. Trong khi bệnh nhân chú ý vào chỗ tay trái tì bấm, ta châm kim nhanh vào huyệt vị, sát dìa đầu ngón tay tì. Phương pháp này thường dùng khi châm kim ngắn.

Châm kim dài:

Ngón cái và ngón trỏ tay trái cầm sát phần mũi kim, cách 2 hoặc 5mm. Ngón cái và ngón trỏ tay phải cầm chuôi kim. Khi mũi kim đến gần mặt da, bằng động tác khéo léo của ngón cái và ngón trỏ tay trái, châm kim nhanh qua da, trong khi đó các ngón tay phải ấn chuôi kim xuống. Thân kim đã được tay trái giữ, ngón cái và ngón trỏ của tay phải tiếp tục xoay cắm kim vào sâu hơn. Phương pháp này dùng châm kim dài.

Châm kim nhanh qua da:

Ngón cái và ngón trỏ tay phải cầm thân kim, cách mũi kim 2 – 5mm ướm chính xác vào huyệt vị, châm kim nhanh qua da. Trong khi ngón cái và ngón trỏ tay trái giữ phần dưới thân kim, bằng động tác hiệp đồng của ngón cái và ngón trỏ tay phải, ta ấn sâu kim xuống. Các kim được xoay đẩy đến lúc kim vào sâu theo yêu cầu điều trị. Phương pháp này có thể áp dụng cho cả kim ngắn lẫn kim dài.

Châm kim kết hợp véo da:

Ngón cái và ngón trỏ tay trai véo da vùng quanh huyệt, sau đó châm nhanh kim vào huyệt bằng tay phải. Phương pháp này thích hợp cho những vị trí mỏng cơ, như các huyệt Ấn đường và Địa thương ở mặt.

Châm kim kết hợp căng da:

Ngón cái và ngón trỏ, hoặc ngón giữa tay trái căng da quanh huyệt; sau đó, dùng tay phải châm nhanh kim qua da, tới độ sâu cần thiết và theo hướng yêu cầu. Phương pháp này áp dụng ở những vị trí tổ chức da lỏng lẻo, có nhiều nếp nhăn hay nếp gấp như da bụng chẳng hạn.

Thao tác sau khi châm kim

Có nhiều phương pháp thao tác khác nhau, như tiến lui, vê, lay, xoay, búng kim. Những phương pháp thông dụng nhất như sau:

Tiến, lui kim:

Sau khi kim đã xuyên qua da đến độ sâu nhất định, ta dùng ngón cái và ngón trỏ tay trái ấn vào dìa huyệt; sau đó cầm chuôi kim bằng ngón cái và ngón trỏ tay phải để tiến và lui kim. Phương pháp này không được chỉ định, hoặc dùng rất ít tại những huyệt vị có quan hệ với các nội tạng quan trọng ở vùng mắt hay những vùng có nhiều mạch máu lớn. Ở những vị trí này, thao tác phải nhẹ nhàng để phòng tai biến.

Về xoay kim:

Dùng ngón cái và ngón trỏ tay phải cầm chuôi kim, vê xoay kim theo chiều kim đồng hồ và ngược lại. Nếu kim vê xoay với biên độ rộng, cần đảm bảo sao cho mô xơ dưới da không quấn xiết vào kim, gây đau đớn cho người bệnh.

Phương pháp tiến, lui, vê xoay kim:

Đây là cách phối hợp các động tác tiến, lui và vê xoay kim.

Ba phương pháp thao tác kể trên có thể được sử dụng, sau khi kim đã xuyên qua da vào một độ sâu nhất định, nhằm thăm dò cảm giác khi châm.

Thủ thuật bổ và tả

Từ lâu, các thầy thuốc cổ truyền, qua thực tế lâu dài, đã nhận thấy trong quá trình diễn biến của bệnh tật – quá trình khởi phát và tiến triển – đã tồn tại một hiện tượng hoặc tăng cường hoạt động chức năng hoặc suy giảm hoạt động chức năng.

Bệnh thuộc “thực chứng” là những bệnh cấp tính, thể trạng người bệnh còn tốt. Bao gồm những triệu chứng sau đây: mặt đỏ bừng, hay cáu kỉnh, nói luôn miệng, giọng nói to, thở hổn hển, có nhiều đờm dãi, táo bón hoặc bí tiểu tiện, tức ngực, đầy bụng, khi ấn thì đau tăng, cơ và gân co rút, lưỡi thô ráp, rêu lưỡi dày, mạch nhanh, mạnh. Bệnh thuộc “hư chứng” bao gồm những bệnh mạn tính, người bệnh uể oải, nhợt nhạt, nằm yên, lãnh đạm và ngại nói. Triệu chứng bệnh bao gồm: thở yếu, mạch nhanh, ù tai, chóng mặt, vã mồ hôi, ra mồ hôi trộm, ỉa đái dầm dề, di mộng tinh, sôi bụng, khi ấn tay thì giảm đau, run tay hoặc tê dại các chi, lưỡi nhợt, mềm và ít rêu, mạch nhỏ, yếu.

Thực chứng bao gồm trạng thái kích thích hoặc tăng hoạt động; còn hư chứng bao gồm trạng thái ức chế hoặc giảm hoạt động.

Chương “Kinh mạch thiên” (mục nói về kinh mạch) trong “Linh khu” đã vạch rõ: trường hợp “hư” thì dùng phép “bổ”, trường hợp “thực” thì dùng phép “tả”. Dựa theo nguyên lý này, các thầy thuốc châm cứu đã sáng tạo ra nhiều phương pháp khác nhau nhằm phát huy tác dụng “bổ”, “tả”. Theo kinh nghiệm cổ truyền, cách làm như sau:

Tiến, lui kim:

Bổ: Ấn kim nhẹ nhàng lên xuống trong da, sau đó rút mạnh kim ra.

Tả: Rút kim nhẹ nhàng lên xuống trong da, sau đó ấn mạnh kim vào sâu hơn.

Vê kim:

Bổ: Vê kim qua lại, biên độ nhỏ và chậm.

Tả: Vê kim qua lại mạnh hơn, nhanh hơn, biên độ lớn hơn.

Châm nhanh, chậm và rút kim:

Bổ: Châm kim từ từ, xoay kim nhẹ nhàng. Khi rút, lưu kim trong da một thời gian ngắn, rồi rút kim nhanh.

Tả: Châm kim nhanh, xoay kim với biên độ lớn hơn, rút kim từ từ.

Đóng, mở lỗ châm:

Bổ: Sau khi rút kim, bịt lỗ châm bằng cách dùng ngón tay ấn nhẹ và day trên huyệt, không cho “kinh khí” thoát ra ngoài.

Tả: Trước khi rút kim, xoay kiom một lúc để nới rộng lỗ châm, để cho “tà khí” thoát ra ngoài.

Động tác điều hoà

Phương pháp ôn hoà: Sau khi châm kim vào huyệt, tiến lui đều đặn và khéo léo để gây cảm giác, sau đó rút kim tuỳ theo yêu cầu điều trị.

Những phương pháp trên có thể dừng đơn thuần hoặc phối hợp.

Sách này trình bày các phép bổ, tả kinh điển bằng tác dụng kích thích mạnh, vừa phải và yếu. Chi tiết như sau:

Kích thích yếu

Nói chung, phép này tương đương phép bổ. Nghĩa là khi bệnh nhân có cảm giác thì ngừng thao tác. Phương pháp này được thực hành bằng cách tiến, lui kim nhẹ nhàng, kết hợp với vê kim biên độ nhỏ. Nó được chỉ định điều trị cho bệnh nhân thể tạng yếu, cho những người dễ nhạy cảm với châm, những người mới được châm lần đầu, người yếu thần kinh, cũng như khi dùng huyệt vị có quan hệ đến phủ tạng quan trọng.

Kích thích mạnh

Phép này tương đương với phép tả. Nghĩa là làm cho bệnh nhân có một cảm giác mạnh, phản xạ tới các vùng ở cách xa của chi. Thủ thuật là vê kim với biên độ lớn, phối hợp với tiến lui kim mạnh, có thể tăng cường kích thích bằng động tác lay rung và cọ gãi chuôi kim. Phép này được chỉ dịnh điều trị cho những bệnh nhân có tạng người khoẻ mạnh, cường năng tạng phủ, những người ít nhạy cảm với châm, và những người bị bệnh cấp tính hoặc bị co giật. Phương pháp được áp dụng chủ yếu cho các huyệt vị ở tứ chi hoặc ở vùng thắt lưng.

Kích thích vừa phải

Phương pháp này tương đương với phép ôn hoà, cảm giác của bệnh nhân cũng như thao tác ở trạng thái trung gian giữa kích thích mạnh và yếu. Thích ứng cho những bệnh nhân chưa được xác định thuộc hư chứng hay thực chứng.

Cảm giác khi châm và hiệu quả trị liệu

Khi châm kim vào da tới một độ sâu nhất định, bệnh nhân có thể có cảm giác đau nhẹ, hơi căng tức hoặc tê bì. Người xưa thường gọi là hiện tượng “đắc khí”. Cảm giác thay đổi tuỳ theo thể trạng bệnh nhân, vị trí huyệt, độ sâu cũng như hướng châm kim.

Thông thường, những huyệt ở mặt gây ra cảm giác căng, còn những huyệt tại nơi dày cơ thì có thể gây cảm giac đau tức; chỉ trên những huyệt ở gan tay, gan chân, và các đầu ngón mới có cảm giác đau thực sự. Châm những huyệt ở chi, có thể gây nên cảm giác như điện giật, lan toả đi xa.

Hiệu lực điều trị có quan hệ chặt chẽ với cảm giác khi châm. Thông thường, nếu cảm giác như vậy diễn ra nhanh chóng và điều khiển dễ dàng thìk ết quả xem như đạt yêu cầu, và ngược lại. (Điều này không áp dụng cho những huyệt mà, do vị trí của chúng, không có hiện tượng cảm ứng gì cả). Cảm giác khi châm tuỳ thuộc không những ở thể trạng bệnh nhân và tình trạng bệnh lý của họ, mà còn liên quan chặt chẽ với thao tác của thầy thuốc. Bệnh nhân có cảm giác thoải mái khi thầy thuốc thao tác một cách khéo léo và xác định chính xác huyệt vị. Để nâng cao hiệu quả điều trị, thầy thuốc cần quan sát kỹ những cảm giác này trên thực tiễn lâm sàng.

Trên lâm sàng mức độ kích thích không những tuỳ thuộc vào thao tác mạnh hay yếu, mà chủ yếu còn tuỳ thuộc ở phản ứng của bệnh nhân khi châm kim. Vì thế, căn bản cần phân tích cụ thể những điều kiện riêng biệt. Thí dụ, có khi người thầy thuốc nghĩ rằng mình thao tác châm kim như thế đã là mạnh, song bệnh nhân lại chỉ cảm thấy nhẹ nhàng, trong khi đó một thao tác nhẹ nhàng thì lại có thể gây ra một phản ứng mạnh ở bệnh nhân. Cho nên, muốn xét xem kích thích mạnh hay yếu thì phản ứng của bệnh nhân cũng như thao tác của thầy thuốc cần được chú ý cả hai.

Hướng kim và độ sâu của kim

Hướng kim

Khi kim đã xuyên vào da, nó tạo thành một góc với mặt da. Mức độ của góc phụ thuộc vào vị trí huyệt và bệnh trạng đang được điều trị. Phần chi tiết sẽ được nêu trong phần huyệt vị ở chương III song những nguyên tắc chung của hướng kim như sau:

Châm thẳng:

Nghĩa là, mũi kim xuyên qua da theo chiều thẳng đứng. Phương pháp này áp dụng cho những huyệt vị ở vùng cơ dày hoặc những nơi được chỉ định châm sâu, như ở tứ chi, bụng, vùng thắt lưng.

Châm xiên:

Mũi kim tạo thành một góc xấp xỉ 450 với mặt da. Chủ yếu dùng cho những vị trí huyệt ở vùng ngực và lưng có quan hệ với các phủ tạng, hoặc cho một số khu vực đặc biệt như huyệt Liệt khuyết chẳng hạn.

Châm ngang:

Kim châm nằm là là mặt da, tạo thành một góc khoảng 150. Phương pháp này thường dùng cho những huyệt ở mặt và đầu, có lớp cơ mỏng. Dùng phương pháp này để châm nông xuyên qua hai hoặc nhiều huyệt bằng một kim, hoặc châm những huyệt ở ngực và lưng càng thích hợp, vì lẽ không được châm sâu vào những huyệt này.

Độ sâu của kim

Không có tiêu chuẩn tuyệt đối nào quy định độ sâu của kim. Thông thường, độ sâu phụ thuộc vào mức độ cảm giác thực tế của bệnh nhân. Sau đây là một số nguyên tắc chung.

Các huyệt ở tứ chi:

Có thể châm sâu theo mức dày của cơ, thực tế còn có thể cdhâm xuyên cơ qua huyệt khác. Huyệt Nội quan có thể châm sâu từ 0,5 đến 1,5 tấc, huyệt Túc Tam lý có thể châm sâu 1 – 2 tấc.

Vùng bụng và vùng thắt lưng – cùng:

Nói chung, có thể cdhâm sâu 1 – 2 tấc ở những vùng này, vì các cơ khá dày. Tuy nhiên những huyệt ở bụng trên thì không được châm quá sâu.

Vùng ngực và lưng:

Cơ ở những vùng này không mỏng và có các nội tạng quan trọng như tim, phổi, gan, lách có liên quan chặt chẽ với nhau. Vì thế nên châm mông, nhất là nên châm xiên hoặc châm ngang kim. Những huyệt nằm dọc cột sống thì có thể châm thẳng hay châm xiên ở đường giữa, sâu độ 1 – 1,5 tấc.

Vùng đầu và mặt:

Các huyệt nằm ở vùng này cần châm nông, châm xiển hoặc châm ngang kim, vì cơ thường mỏng. Để tránh các tai biến có thể xảy ra, cần hết sức chú ý đến độ sâu khi châm những huyệt ở vùng mắt và những huyệt ở sau gáy như Phong phủ. Á môn, Thiên trụ, vì chúng ở vào nơi hiểm yếu.

Những nguyên tắc trên nói chung được áp dụng cho người lớn. Đối với trẻ em, độ sâu của kim sẽ giảm bớt. Mặt khác, độ sâu của kim và thể trạng bệnh nhân cũng có mối quan hệ mật thiết. Chẳng hạn, châm huyệt Trung quản, có thể gây được kích thích mạnh khi kim sâu 0,5 tấc ở một bệnh nhân gầy. Mặt khác, ở người béo, châm sâu khoảng 2 tấc mới có thể có cảm giác. Trên lâm sàng, cần phải phân tích tỉ mỉ đối với từng bệnh nhân.

Nguyên tắc chung là phải điều khiển chính xác độ sâu khi châm vào những huyệt liên quan đến các phủ tạng quan trọng và các mạch máu lớn. Thầy thuốc cần nắm vững vị trí của những huyệt liên quan với giải phẫu định khu. Cần theo dõi chặt chẽ bệnh nhân để phát hiện những phản ứng, đồng thời phải thao tác khéo léo, nhằm đạt được kết quả trị liệu mỹ mãn và phòng ngừa biến cố.

Lưu kim và thao tác

Thông thường, sau khi đã châm kim và gây được cảm giác châm, người ta tiếp tục thực hiện thao tác như tiến, lui kim: xoay, vê: lay, cọ kim nhằm gây một cảm giác thảo đáng hơn. Sau đó hãy rút kim ra.

Trong trường hợp đau cấp tính hoặc cơn cấp phát của một số bệnh, có thể lưu kim trong 30 phút hay thậm chí trong nhiều giờ. Cứ cách vài phút lại vê kim một lần để tăng cường kích thích. Nếu cần, có thể thao tác trong suốt thời gian châm, đến lúc các triệu chứng bệnh được thuyên giảm.

Hiện nay “phương pháp châm nhanh” đã được áp dụng rộng rãi và không phải lưu kim, ưu điểm của phương pháp này là dùng ít huyệt và tiết kiệm được thời gian. Tuy nhiên, nó đòi hỏi châm sâu, một mũi kim xuyên thấn hai huyệt, và gây kích thích mạnh.

Xử lý các tai biến trong khi châm

Tai biến thường ít xảy ra, song cũng cần lưu ý đề phòng. Nó đòi hỏi thầy thuốc cần có ý thức trách nhiệm cao đối với bệnh nhân. Những bệnh nhân được châm lần đầu và những người dễ bị kích thích cũng như sợ châm, hoặc thể trạng hư yếu, suy nhược, thầy thuốc phải làm cho họ yên tâm bằng cách giải thích cặn kẽ cho họ hiển rõ thể thức châm cứu. Sau đây là một số tai biến hay gặp:

Vựng kim (choáng do châm kim):

Triệu chứng: Trong khi châm kim, có thể có những triệu chứng như hoa mắt, chóng mặt, cảm giác tức ngực, tim đập nhanh, nôn, da tái nhợt. Trường hợp nặng, có thể có những dấu hiệu như chân tay giá lạnh, vã mồ hôi, mạch yếu, mê man, huyết áp tụt và choáng.

Nguyên nhân:

Do tinh thần căng thẳng; có thể do đói, mệt, hoặc bệnh nhân quá yếu: cũng có thể có thể do thao tác quá mạnh gây kích thích thái quá…

Xử lý: Rút kim ngay, đặt bệnh nhân nằm nghỉ thoải mái, đầu hơi thấp, bởi vì nó có thể là do não nhất thời bị thiếu máu. Cho người bệnh uống nước nóng. Nếu đã bị hôn mê, dùng móng tay bấm vào huyệt Nhân trung, hoặc châm huyệt Nhân trung và Nội quan. Nói chung, xử lý như vậy có thể giải quyết được; nhưng nếu các triệu chứng vẫn không thuyên giảm, phải dùng biện pháp cấp cứu.

Cách dự phòng:

Nên đặt những bệnh nhân hư yếu hoặc tinh thần căng thẳng ở tư thế nằm trong khi tiến hành điều trị.

Thao tác cần khéo léo, quan sát vẻ mặt và thần sắc bệnh nhân, để phát hiện kịp thời những phản ứng bất thường và phòng ngừa biến cố.

Rít kim:

Sau khi châm, cảm thấy khó hoặc không thể vê xoay, tiến lui kim, thậm chí không thể rút kim ra được.

Nguyên nhân: Do trạng thái thần kinh căng thẳng của bệnh nhân gây co thắt cơ; do kim vê xoay với biên độ quá lớn, hoặc do mô xơ quấn chặt quanh thân kim.

Xử lý: Đối với những bệnh nhân có trạng thái thần kinh suy yếu, cần đả thông cho họ yên tâm, yêu cdầu họ thư giãn cơ, rồi xoa nắn xung quanh huyệt, sau đó có thể rút kim ra được. Nếu kim vẫn bị giữ chặt, yêu cầu bệnh nhân nghỉ ngơi bình tĩnh trong giây lát, hoặc châm kim gần kề đó nhằm làm giãn cơ. Nếu kim bị mô xơ quấn chặt, nên xoay nhẹ kim theo chiều ngược lại đến khi thấy kim lỏng lẻo thì rút ra.

Cong kim:

Kim bị cong lại sau khi châm qua da.

Nguyên nhân:

Nói chung, do bệnh nhân thay đổi tư thế trong lúc còn lưu kim; một kích thích quá mạnh có thể làm cho cơ co thắt đột ngột; do một lực bên ngoài nào đó chạm hay đè vào kim, hoặc châm kim quá mạnh tay.

Xử lý:

Nếu kim cong do bệnh nhân thay đổi tư thế, thì đưa về tư thế ban đầu, rồi rút kim ra theo chiều kim cong. Tránh dùng sức để cố rút hay xoay kim, đề phòng gãy kim.

Gẫy kim:

Nguyên nhân:

Có thể do kim đã bị gập hoặc bị gỉ, nhất là ở chuôi kim, hoặc do chất liệu kim không tốt; do bệnh nhân thay đổi tư thế đột ngột; do cơ co thắt mạnh; do thao tác quá thô bạo; do kim bị đụng chạm mạnh bởi một lực bên ngoài, hoặc kim bị cong gập rồi được vuốt chữa lại.

Xử lý:

Trước hết, thầy thuốc cần bình tĩnh, khuyên bệnh nhân không nên cử động bối rối để đoạn kim gẫy không ngập sâu hơn. Nếu đầu kim gẫy ngang vẫn còn ở trên mặt da, thì dùng ngón tay hay nhíp rút ra. Nếu chỗ gẫy ngang bằng mặt da, ta ấn phần mô xung quanh huyệt châm cho đến lúc đầu gẫy trồi lên, rồi dùng nhíp rút ra. Nếu đoạn gẫy nằm trong da, hãy tìm mọi cách để lấy ra, nếu không thể được thì phải dùng đến biện pháp phẫu thuật.

Dự phòng: Trước khi tiến hành điều trị, cần kiểm tra kim cẩn thận. Phải giải thích rõ cho bệnh nhân hiểu cần lưu kim trong quá trình điều trị. Khi thao tác, không nên quá mạnh tay, và khi lưu kim thì đoạn thân kim còn lại cần cách mặt da khoảng 0,3 – 0,5 tấc, không được châm sát đến tận chuôi kim.

Xử lý tổn thương bất ngờ ở các cơ quan quan trọng:

Nếu có một cơ quan quan trọng không may bị tổn thương trong quá trình điều trị châm cứu, thầy thuốc phải chịu hoàn toàn trách nhiệm và cần có những biện pháp cấp cứu kịp thời. Sau đây là những trường hợp có thể xảy ra và các biện pháp được áp dụng:

Phổi:

Nếu kim châm quá sâu hoặc châm không đúng hướng vào những huyệt ở ngực, lưng, hay hố trên đòn, có thể gây ra tràn khí màng phổi, nhất là trên những bệnh nhân ấy lại bị hen xuyễn. Triệu chứng lâm sàng biểu hiện bằng đau ngực và ho. Trường hợp nặng: khó thở, tím tái, hôn mê…Điều không may có thể xảy ra trong những trường hợp quá nặng hoặc không được xử lý thích đáng.

Nguyên tắc xử trí:

Để bệnh nhân nằm yên tĩnh.

Áp dụng những biện pháp phòng ngừa bội nhiễm.

Tháo khí ra bằng thủ thuật chọc hút màng phổi.

Nếu không đủ điều kiện để áp dụng các biện pháp này, cần chuyển ngay bệnh nhân đến bệnh viện.

Tim, gan, lách và thận:

Trước khi tiến hành châm cứu, thầy thuốc phải khám xét bệnh nhân để chẩn đoán được những biến đổi bất thường ở các nội tạng như bệnh tim, gan to hoặc lách to. Xác định cẩn thận ranh giới của những tạng này để tránh chạm phải khi châm. Châm phải gan hay lách có thể gây vỡ và chảy máu. Triệu chứng thể hiện bằng đau bụng, co cứng cơ thành bụng, đau tăng khi sờ nắn, trường hợp nặng có thể hôn mê. Châm phải thận, có thể gây đau ở vùng thắt lưng, tăng cảm giác đau khi gõ quanh vùng thận và đái ra máu.

Nguyên tắc xử trí:

Đặt bệnh nhân nằm và giữ yên tĩnh.

Áp dụng điều trị bảo tồn có theo dõi chặt chẽ.

Nếu không có hiệu quả, bệnh nhân cần được chuểyn đến bệnh viện.

Não và tuỷ sống: Nếu kim châm quá sâu, hoặc thao tác không đúng cách ở các huyệt Á môn, Phong phủ, hoặc những huyệt nằm phía trên đốt sống thắt lưng 1, có thể gây chảy máu và gây hậu quả nghiêm trọng. Biểu hiện lâm sàng bằng co giật, liệt, thậm chí hôn mê. Các biện pháp cấp cứu cần được áp dụng kịp thời.

Các mạch máu: Khi châm, cần tránh các mạch máu lớn, hiện tượng chảy máu tại chỗ có thể xảy ra, nhất là ở người già, vì mạch máu kém đàn hồi. Nếu xảy ra, cần áp dụng biện pháp cầm máu hoặc hút máu đi.

Phải thận trọng khi châm ở những vùng có liên quan đến dạ dày, ruột, bàng quang, túi mật, mắt… vì bất kỳ một sơ xuất nào đếu có thể gây tai biến.

Châm kim “hoa mai”

Châm kim “hoa mai”, còn gọi là “thất tinh châm” hay “bì phu châm”, là một phương pháp điều trị châm cứu, đã được ghi trong “Linh khu” trên 2000 năm nay. Phép chữa bệnh của nó là gõ vào một số vùng trên cơ thể hoặc một số huyệt nằm dọc đường kinh, bằng kim “hoa mai” với sức gõ mềm, dẻo của cổ tay.

Kim:

Kim “hoa mai” thường dùng làm bằng 5 hay 7 chiếc kim chụm lại, gắn vào một cán cầm dài.

Thao tác:

Sát trùng kim và mặt da vùng định gõ, bàn tay phải cầm cán kim và gõ vào mặt da với động tác thật mềm dẻo của riêng cổ tay mà thôi, khuỷu tay và cánh tay bất động. Cần gõ chính xác, mũi kim thẳng góc với mặt da và gõ đều tay, không được gõ chếch hoặc gõ quá mạnh sức lên mặt da.

Tuỳ loại bệnh, thể tạng bệnh nhân và vùng da, cách gõ được phân thành gõ nhẹ, gõ vừa sức và gõ mạnh sức. Đối với trẻ em, những bệnh nhân sức khoẻ suy yếu, hoặc người có trạng thái thần kinh quá mẫn mới được điều trị lần đầu, cần gõ nhẹ tay. Trường hợp gõ mạnh tay có thể áp dụng ở vùng da giảm cảm giác hoặc những chỗ đau nhiều. Gõ trung bình thường áp dụng trong đại đa số trường hợp.

Gõ theo vùng:

Vùng dọc cột sống:

Đối với những bệnh thuộc nội tạng và hệ thần kinh, gõ theo những vùng tương ứng dọc cột sống, hoặc những huyệt thuộc kinh Bàng quang ở sau lưng là cách điều trị chính. Chẳng hạn, trong chứng đau dạ dày, có thể gõ dọc hai bên cột sống, từ các đốt D5 đến D12, và phần bụng trên; trường hợp mất ngủ thì gõ ở vùng cổ, vùng xương cùng hoặc vùng xương chũm; trong chứng táo bón, gõ vùng xương cùng.

Gõ theo đường kinh:

Nghĩa là xác định vị trí gõ phù hợp với tác dụng điều trị của đường kinh và huyệt vị. Thí dụ: Trong bệnh đau dạ dày, gõ huyệt Túc tam lý và Nội quan. Phương pháp này thường được phối hợp với các phương pháp trên.

Gõ vùng tổn thương:

Trong chứng viêm da thần kinh, vùng tổn thương có thể được gõ rớm máu; đối với những bệnh ở mặt và đầu, gõ vài đường ở trán, hai bên thái dương, quanh sọ, vùng chẩm và vùng cổ dọc theo sự phân bố các cơ. Đau ở vùng ngực, có thể gõ theo các khoang liên sườn.

Gõ những khối viêm và những vùng nhạy cảm:

Trong một số bệnh, có thể có những chuỗi hoặc những u xuất hiện ở mô dưới da; có thể tê dại hoặc nhạy cảm ở từng vùng. Có thể gõ tập trung vào những điểm ấy.

Chỉ định điều trị:

Phạm vi chỉ định của phương pháp này khá rộng rãi, hầu hết những chứng bệnh điều trị bằng châm cứu đều có thể xử lý được bằng kim “hoa mai”. Thí dụ: bệnh suy nhược thần kinh, viêm da thần kinh, viêm quầng, liệt nửa người, rụng tóc, đau nửa đầu, đái dầm, thấp khớp, viêm trường – vị mạn tính, đau dây thần kinh và một số bệnh phụ khoa.

Cần chú ý:

Trước khi tiến hành điều trị, cần kiểm tra đầu mũi kim xem có cùng mặt bằng không và phải đảm bảo mũi kim không cong.

Chú ý sát trùng kim và da bệnh nhân.

Không dùng phương pháp điều trị này cho những trường hợp loét da, tổn thương do chấn thương hoặc các trường hợp cấp cứu.

Châm điện

Châm điện được phát triển từ phương pháp thao tác bằng tay kết hợp dùng thiết bị điện. Vào khoảng năm 1934, Trung Quốc bắt đầu áp dụng châm điện. Phép châm điện dùng dòng điện nối vào kim sau khi đã châm qua da và đã gây được cảm giác. Hiệu quả trị liệu do tác dụng kích thích của châm cộng với tác dụng của dòng điện. Ưu điểm của phương pháp như sau:

Thay thế cho thủ pháp châm kéo dài, tiết kiệm được thời gian.

Có thể gây được kích thích mạnh hơn.

Lượng kích thích có thể được điều chỉnh chính xác hơn.

Có nhiều loại máy điện châm khác nhau. Hiện nay, thường dùng nhất là loại máy điện châm bán dẫn.

Thao tác:

Trước khi sử dụng, ta hãy tìm hiểu đặc điểm tính năng của máy điện châm. Sau đây là những điểm hướng dẫn:

Sau khi kim đã châm qua da và gây được cảm giác, nối hai đầu dây điện vào thân của hai chiếc kim.

Trước hết, điều chỉnh điện thế về số “0”, sau đó mở điện và điều chỉnh dần đến lượng điện thế cần thiết. (nếu cần kích thích mạnh, phải căn cứ vào khả năng thích ứng của bệnh nhân).

Thời gian điều trị: Trung bình từ 10 đến 20 phút. Đối với một số bệnh có thể kéo dài 30 phút.

Sau khi điều trị, đưa điện thế về số “0”, và tắt điện.

Trong quá trình điều trị, sau một vài phút, bệnh nhân có thể thích ứng với kích thích, cảm giác kích thích cảm thấy yếu dần đi, lúc này có thể tăng dòng điện cho thích hợp, thay đổi bước sóng và tần số để có dòng điện dao động phù hợp. Như vậy, ta sẽ tránh được tình trạng kích thích đối với bệnh nhân.

Chỉ định điều trị:

Châm điện được áp dụng thích hợp trong những chứng bệnh có thể điều trị bằng châm cứu đơn thuần. Đặc biệt những chứng đau dây thần kinh, liệt thần kinh có thể đạt nhiều kết quả. Trong tác dụng giảm đau và chống co thắt, châm điện có hiệu quả tốt hơn châm cứu. Đối với bệnh nhân bị bệnh tim nặng, phải cẩn thận khi dùng phương pháp này.

Cần chú ý:

Châm điện gây kích thích khá mạnh, do đó phải ngăn ngừa choáng xảy ra. Cần đề phòng cong kim hoặc gẫy kim, vì châm điện thường gây co thắt mạnh các cơ.

Điều chỉnh điện thế tăng dần để tránh kích thích tăng đột ngột.

Trong quá trình điều trị, có thể có hiện tượng cơ co thắt từng nhịp hoặc co giật nhẹ, gây cảm giác tê dại, căng tức. Đó là những hiện tượng bình thường.

Khi áp dụng châm điện ở vùng mặt hay các vùng bên dưới khuỷu tay và đầu gối, không nên dùng dòng điện quá mạnh, vì những vùng này rất nhạy cmả với kích thích điện.

Bì phu châm

Có hia loại kim: kim bì phu và kim gài dưới da. Có loại giống đinh bấm; có loại có chuôi cầm, hình dạng như hạt lúa. Một chiếc hào châm nhỏ cũng có thể gài dưới da được.

Loại đinh bấm thường dùng ở loa tai. Khi châm, phải sát trùng tại huyệt đã chọn, dùng kẹp giữ kim, cắm kim thẳng góc và cố định với băng dính.

Loại châm hình hạt lúa hay hào châm nhỏ, có thể áp dụng tại mọi bộ phận cơ thể. Phương pháp châm cũng tương tự như trên, chỉ khác là kim châm ngang hoặc châm chếch dưới mặt da, sau đó cố định với băng dính.

Phương pháp này chủ yếu được chỉ định cho những bệnh mạn tính, kéo dài, chứng đau nhức.

Để tránh nhiễm trùng, cần sứat trùng tại chỗ. Không nên áp dụng phương pháp này tại những huyệt gần ổ mủ.

Thời gian gài kim có thể từ một đến bảy ngày.

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Mới nhất
Cũ nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận