Những sai lầm khi dùng vitamin C thay rau xanh

Không ít người “hồn nhiên” cho cả gia đình dùng C sủi hàng ngày thay rau xanh. Nhiều phụ huynh cho con ăn nhiều quả chua, uống nước ép hoa quả và cho rằng đã bổ sung đủ vitamin C. Điều này có đúng không?
Các chuyên gia khuyến cáo, ăn quá nhiều thực phẩm chua sẽ ảnh hưởng đến dạ dày, có thể gây nên bệnh viêm loét, đau dạ dày. Ảnh minh họa

Chớ dại uống C sủi hàng ngày

Hiếm có ai “nghiện” C sủi như chị Hoàng Oanh (ở Linh Đàm, Hoàng Mai, Hà Nội). Là người tập thể dục đều đặn, hầu như ngày nào chị cũng uống 1 – 2 viên, vì nghĩ đây là cách bổ sung vitamin C tốt nhất. Còn các con của chị thì khỏi nói. Lọ C sủi mới toanh, chỉ vài ngày là anh em chia nhau dùng… hết veo. Việc uống C sủi với nhà chị Oanh là chuyện thường ngày như ăn cơm và đã kéo dài được gần một năm nay. “Có C sủi rồi, không phải lo giục con ăn thêm rau, hoa quả hay mình lo thiếu nước, thiếu khoáng nữa. Một công đôi ba việc”, chị Oanh lý giải.

Cách đây mấy hôm, chị thấy đau lâm râm bụng vùng quanh rốn nên đi khám. Đến khi bác sĩ hỏi tình trạng bệnh sử, biết chị dùng C sủi hàng ngày, bác sĩ cho biết đây là cách chăm sóc sức khỏe cực nguy hiểm, có thể gây đau dạ dày và sỏi thận.

“Nếu không theo chỉ dẫn của bác sĩ, mỗi người tự ý bổ sung vitamin C theo mỗi cách khác nhau sẽ rất nguy hiểm kể cả với người khỏe. Bởi từ chỗ cung cấp vitamin C đáng lẽ có lợi thì sẽ thành có hại” – PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cho biết – “Nhiều người trong túi lúc nào cũng có sẵn viên bổ sung vitamin C, cứ mệt mệt lại xin nước pha uống, có người bạn tôi uống 4 – 5 viên mỗi ngày. Đây là một sai lầm trong chăm sóc sức khỏe”.

Theo ThS.BS Nguyễn Văn Tiến, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, vì vitamin C là vitamin tan trong nước, nó sẽ tự thải ra ngoài nếu thừa. Tuy nhiên, nếu sử dụng vitamin C khoảng 1.000mg/ngày thường xuyên, có thể dẫn đến buồn nôn, tiêu chảy… Sử dụng vitamin C có hại khi dùng liều lượng quá cao gây thừa vitamin C, gây tác hại quá liều hấp thu từ ruột vào, tăng lượng canxi máu cao gây sỏi thận. Ngoài ra, uống vitamin C lúc đói còn nhiều tác hại khác như loét dạ dày.

Không chỉ bổ sung qua đường uống, nhiều người còn “ham hố” làm đẹp nhờ tiêm vitamin C. PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng chia sẻ, đây thực sự là việc làm nguy hiểm. Ông đã từng chứng kiến một trường hợp bị tử vong sau khi tiêm vitamin C làm đẹp do bị sốc phản vệ. Điều này thực sự là hồi chuông cảnh báo tới các tín đồ mê muội tiêm vitamin C làm đẹp.

Sai lầm hay gặp khi bổ sung vitamin C cho trẻ

Các chuyên gia cho biết, những người có nguy cơ thiếu vitamin C gồm: Người hút thuốc lá, những người tiếp xúc với khói thuốc lá, những người ăn uống không đầy đủ, nghiện rượu, người cao tuổi, một số người mắc bệnh như: Kém hấp thu đường ruột, các bệnh thận ảnh hưởng việc hấp thu và sử dụng vitamin C.

Trường hợp bệnh nhân thiếu máu, suy dinh dưỡng, ung thư, ngộ độc mãn, ăn kém thì mới bổ sung vitamin C. Khi bổ sung, cần cân nhắc khối lượng. Đặc biệt, người bổ sung vitamin C không uống lúc đói.

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng cho biết, những trường hợp khỏe mạnh, đã ăn uống đầy đủ thức ăn lẫn hoa quả, rau củ… tức là đã có đủ vitamin C, không cần bổ sung thêm. Vitamin C nếu bổ sung, tốt nhất là dành cho những trường hợp rối loạn hấp thu. Trong một số trường hợp, muốn đưa một lượng vitamin C nhiều để chữa bệnh lý đặc biệt, có thể dùng đường tiêm. Tuy nhiên việc tiêm này phải rất thận trọng, phải có chỉ định của bác sỹ vì có thể tử vong do sốc phản vệ.

Vậy dùng vitamin C với liều lượng thế nào thì hợp lý? PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng cho biết, ngưỡng an toàn hàng ngày quy định với người lớn một ngày 1 viên dưới 2gram, dùng trong 1 tháng trở lại. Trẻ em từ 5 tuổi trở lên dưới 1 gram, dưới 5 tuổi dưới 500 mg/1 ngày. Nếu bổ sung ngắn hạn sẽ không ảnh hưởng gì, nhưng nếu bổ sung từ 3 tháng trở lên, dù là người khỏe mạnh, dứt khoát phải có tư vấn của bác sĩ.

Theo các chuyên gia, nhiều cha mẹ vẫn thường xuyên cho trẻ uống nước ép để bổ sung vitamin C. Đây là cách làm sai lầm. Bởi khi ăn rau, hoa quả, cơ thể bé không chỉ được bổ sung nước cùng vitamin C mà còn được bổ sung các chất xơ. Chất xơ từ rau, trái cây, điều không có được trong nước ép sẽ giúp cho quá trình điều hòa các chất dinh dưỡng và sự tiêu hóa của đường ruột. Do đó, ăn rau, hoa quả sẽ có lợi cho sức khỏe hơn là chỉ uống nước ép. Đặc biệt, vitamin C là thành phần kém bền vững nhất, chất này dễ bị oxy hóa nhanh trong quá trình chế biến và bảo quản. Do vậy phụ huynh cần lưu ý, không thể chỉ cho uống nước ép là đủ cho lượng vitamin C cho con. Hơn nữa, nước ép từ rau quả chọn theo nhu cầu và tự ép lấy sẽ tốt hơn nước đóng hộp, bởi các loại nước này chứa rất ít tinh chất của trái cây mà thường chỉ có nước, chất ngọt, chất màu, chất bảo quản và hương liệu.

Một sai lầm là không ít bố mẹ cho con ăn nhiều hoa quả như cam, quýt, chanh, bưởi… (họ chanh). Thực tế, các quả họ chanh ngoài vitamin còn chứa nhiều axit chanh. Nếu ăn nhiều quá sẽ ảnh hưởng đến dạ dày của bé. Do đó, bố mẹ nên cho trẻ ăn đa dạng các loại rau quả giàu vitamin C khác như: Ớt chuông, đu đủ, ổi, cải xoăn, dâu tây… PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ: “Mọi người đặc biệt lưu ý, không nên sử dụng quá nhiều sản phẩm bổ sung chứa vitamin C trong cùng một thời điểm. Nhất là thời gian gần đây, thực phẩm chức năng được dùng phổ biến, khi dùng cần nhìn rõ thành phần, hàm lượng, tránh dùng hai loại song song đều có chung một chất. Chưa kể, nồng độ vitamin, các khoáng chất trong thực phẩm chức năng không được kiểm soát chặt chẽ như thuốc”.

Quỳnh An

Nguồn: giadinh.net.vn

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Mới nhất
Cũ nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận