Những cách “cắt cơn” đau bụng đơn giản ít người biết

Nhiều người đêm ngủ, hoặc gặp gió rất hay bị đau bụng, có thể kèm tiêu chảy. Chẳng may bị lúc nửa đêm thì nên xử lý thế nào nếu chưa thể đến viện ngay được?

Theo các bác sĩ, nhiều trẻ em, người già, người cơ địa yếu đêm ngủ bụng bị lạnh, gần sáng hay dậy trẻ kêu hoặc khóc vì đau bụng. Với trẻ em, khi ngủ hay bị hở bụng, mà bụng trẻ rất mẫn cảm với nhiệt độ, rất dễ bị nhiễm lạnh bụng, dẫn tới đi ngoài (tiêu chảy cấp) do nhu động ruột sẽ tăng lên.

Hiện đang chuyển mùa từ mùa thu sang mùa đông, ban đêm lạnh nên người già, trẻ nhỏ sức đề kháng yếu rất dễ bị nhiễm lạnh. Đau bụng, tiêu chảy thường do lạnh gây đau, đầy bụng, ăn uống không tiêu, buồn nôn, tay chân lạnh, sợ lạnh… Nhiều người chủ quan đi ngoài đường khi đêm tối, trời mưa, hoặc tắm muộn, uống nước quá lạnh… cũng dễ bị đau bụng.

Chứng đau bụng do lạnh không phải là bệnh, không cần uống thuốc và có thể chữa trị đơn giản tại chỗ. Có những cách đơn giản chữa trị mà không phải đi bệnh viện.

Dùng dầu gió

Xoa dầu làm ấm vùng bụng, vùng quanh rốn hoặc lấy ngải cứu sao vàng và muối rang nóng, đem trộn đều, quấn vào khăn rồi đem chườm nóng lên chỗ bụng bị đau.

Trị tiêu chảy từ ổi

Quả ổi xanh có hàm lượng tanin cao nên có tác dụng cầm tiêu chảy (dùng khi bình thường dễ gây táo bón). Ổi xanh cũng có thể phá giải các chất độc khác gây tiêu chảy. Các bộ phận của cây ổi đều là những vị thuốc dân gian có tác dụng chữa bệnh tốt.

– Búp ổi lấy 5 – 7 búp, rửa sạch, nhai với vài hạt muối, nuốt nước, ngày 2 – 3 lần.

– Búp ổi 20g sao qua, vỏ quýt khô 10g, gừng nướng chín 10g. Tất cả cắt nhỏ, sắc với 400ml nước còn 100ml, uống làm 2 lần trong ngày.

– Búp ổi 20g, củ sả 16g, củ riềng 8g. Thái nhỏ, sao qua, sắc lấy nước đặc uống.

– Lá ổi 20g phối hợp với vỏ quả bòng phơi khô 20g, lá chè tươi 10g, gừng tươi 2 lát. Sắc uống.

– Quả ổi xanh ăn ngày 5 – 7 quả cũng nhanh chóng cầm được chứng tiêu chảy.

Hoặc dùng búp sim (nụ sim thu hái khi còn chưa nở), sắc uống.

Hoặc dùng vỏ măng cụt sắc với nước đặc uống.

Cầm tiêu chảy bằng gừng, sả

Tiêu chảy do nhiễm phải gió lạnh, thấy đau bụng, sôi bụng, đi ngoài nhiều lần, người lúc nóng lúc lạnh, nhức đầu, phân thường lỏng:

– Dùng 5 lát gừng, 6g tía tô, củ sả (sao vàng), vỏ quýt (sao thơm) mỗi vị 20g. Đổ 2 bát nước (bát ăn cơm) sao còn 1 bát, uống lúc còn nóng.

– Trà gừng mật ong giúp ấm bụng hơn những ngày thời tiết giao mùa. Gừng tươi cắt lát mỏng, sao vàng cho thơm, giã nát, hòa với 1 chén nhỏ nước đun sôi, uống ấm, từng ngụm nhỏ. Có thể cho thêm đường, hoặc mật ong. Không có gừng tươi thì dùng gói trà gừng.

– Chè khô, gạo rang lượng bằng nhau, sắc với 3 lát gừng tươi, chia uống nhiều lần trong ngày. Uống khi nước thuốc còn ấm nóng.

– Củ sả, lá tía tô, hoắc hương, gừng khô, mỗi thứ 1 ít nấu với nửa lít nước, sắc còn lại 300ml, chia 2 lần, uống trước bữa ăn.

– Hỗn hợp: 1 muỗng cà phê nước cốt chanh, nước gừng, và nước trái cây bạc hà… cũng giảm đau bụng nhanh.

– Hoặc dùng các loại trà thảo mộc, trà hoa cúc, trà bạc hà cay, trà quế, trà cây thìa là… giúp giảm cơn đau bụng nhanh.

Không được nhịn ăn

Tiêu chảy là cơ thể mất nhiều nước và muối khoáng nên có thể mệt mỏi, dẫn tới sốt cao, co giật, thậm chí tử vong. dù là nguyên nhân gì, điều trước tiên là phải bổ sung nước và muối khoáng Oresol, hoặc bằng nước chín (nước đun sôi để nguội). Cứ 1 lít nước cho vào 8 thìa cà phê đường và 1 thìa cà phê muối, đun sôi rồi để nguội, cứ mỗi giờ uống 5 – 100 ml. Cũng có thể cho uống nước gạo rang có bổ sung muối và đường.

Khi bị tiêu chảy, dù là người lớn hay trẻ em cũng không nên nhịn ăn, vì không giảm tiêu chảy mà còn làm cơ thể suy nhược hoặc tiêu chảy mạnh hơn.

Dấu hiệu cần gặp bác sĩ

Đa số các trường hợp gây đau bụng không trầm trọng, nhưng có một số triệu chứng có thể báo hiệu những bệnh nguy hiểm. Tuy nhiên, không nên chẩn đoán nguyên nhân đau bụng dựa trên các triệu chứng hoặc vị trí đau. Khi có các triệu chứng dưới đây cần đến ngay bệnh viện:

Đau nặng, tái phát hoặc kéo dài

Đau với cường độ ngày một nặng hơn

Đau kèm theo thở gấp, chóng mặt, xuất huyết, nôn hoặc sốt cao

Nếu đã thử nhiều cách mà không thấy kết quả tốt hơn, bạn nên đến khám bác sĩ đến sớm phát hiện nguyên nhân bệnh và điều trị kịp thời, hiệu quả.

Cách phòng đau bụng đi ngoài đơn giản

– Khi ngủ nên đắp chăn mỏng ngang bụng, nhất là trẻ em, người yếu, phụ nữ có thai, người từng mắc bệnh về đường ruột, tiêu hóa kém hoặc viêm đại tràng… Luôn giữ ấm vùng bụng, nhất là khi đi ra ngoài trời,

– Mặc ấm khi đi ngoài trời gió lạnh. Luôn giữ gìn, chú ý không để bị lạnh.

– Không ăn thức ăn chưa được hâm nóng. Tránh uống nước, bia rượu… ướp lạnh. Tránh ăn thức ăn nhiều dầu mỡ, đồ ôi thiu, đã biến chất. Thức ăn để qua đêm cần đun sôi tiệt trùng. Ăn động vật, hải sản (cá biển, cua biển, sứa, tôm, nội tạng lợn, bò…. và các chế phẩm từ sữa) cần đun kỹ.

– Không uống nước lã, chú ý rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh; ngăn ngừa bệnh tiêu chảy do nhiễm khuẩn.

– Không nằm ngủ dưới đất lạnh, uống nhiều rượu bia, uống nhiều nước lạnh vì có thể gây tổn thương đường ruột (thường gặp là tiêu chảy).

Ngọc Hà

Nguồn: giadinh.net.vn

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Mới nhất
Cũ nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận