Nguy cơ mất con nếu thai phụ cạo gió

Cạo gió là phương pháp dân gian được nhiều người sử dụng trong trường hợp bị nhiễm lạnh hay còn gọi là bị “trúng gió”, nhằm đẩy “gió độc” ra khỏi cơ thể. Tuy nhiên, việc làm này chỉ có tác dụng trong khoảng 1-2 ngày đầu khi nhiễm lạnh. Và các chuyên gia khuyến cáo, trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai, người đang gặp các vấn đề về da liễu không nên cạo gió, sẽ rất nguy hiểm đến sức khỏe.
Các chuyên gia khuyến cáo, tuyệt đối không được cạo gió cho bà bầu để tránh gây hại cho thai nhi. Ảnh minh họa

Người có vết thương hở trên da không được cạo gió

Mang thai đứa con đầu lòng bước sang tháng thứ 7, chị Vũ Bích Huệ (ở Thanh Xuân, Hà Nội) thời gian gần đây thường thấy cơ thể ớn lạnh, nhất là ở sống lưng và phần gáy. Chị kể: “Nhiều khi, chỉ cần đi lướt qua chỗ có gió to, tôi cũng bị rùng mình, “gai ốc” nổi khắp người. Chưa kể đến việc, hễ ngồi lâu trong phòng có điều hòa là y như rằng tay chân lạnh ngắt”. Theo chị Huệ, dù đã chuẩn bị sẵn gói kẹo gừng để làm ấm cơ thể nhưng cũng không mấy hiệu quả. Chị Huệ nói: “Một số đồng nghiệp nói, tôi bị nhiễm lạnh vào bên trong, giờ phải “bắt gió” mới khỏi hẳn được. Tuy nhiên, tôi đang phân vân chưa dám cạo gió, vì nghe nói làm như vậy sẽ ảnh hưởng không tốt đến em bé trong bụng”.

Trao đổi với PV về vấn đề này, BS Phạm Thị Thanh Bình, nguyên bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Y học cổ truyền Hà Nội cho biết: “Cạo gió là phương pháp để đẩy “tà khí” ra bên ngoài, kích thích các huyệt đạo, làm giãn các mạch máu, tăng tuần hoàn, từ đó làm nóng cơ thể. Để quyết định có nên cạo gió hay không, trước hết phải xác định rõ thể trạng của người bệnh. Chẳng hạn, nếu người bệnh có các biểu hiện như hắt hơi, sổ mũi, đau đầu, sốt hoặc gai gai rét tức là bị cảm cúm, người bệnh có thể cạo gió để “bắt gió” ra khỏi cơ thể. Tuy nhiên, việc làm này chỉ đem lại hiệu quả khi bệnh mới xuất hiện trong khoảng 1-2 ngày. Nếu để lâu, bệnh biến chứng như viêm phổi, viêm phế quản, cạo gió sẽ không còn có tác dụng”.

Tuy nhiên, BS Thanh Bình khuyến cáo: “Tuyệt đối không được cạo gió cho phụ nữ mang thai, trẻ nhỏ hoặc người đang mắc một số bệnh về da liễu, nhất là những người có vết thương hở trên da. Đối với phụ nữ mang thai, tất cả những huyệt đạo ở trên lưng đều có mối liên quan đến tử cung. Do đó, nếu tác động bằng lực mạnh lên phần lưng, sẽ kéo theo làm tăng co bóp tử cung dẫn đến nguy cơ dễ sảy thai hoặc đẻ non. Ngoài việc không được cạo gió, thai phụ nên hạn chế bấm huyệt, châm cứu hoặc xông hơi để tránh ảnh hưởng đến thai nhi trong bụng”.

Bên cạnh đó, BS Thanh Bình cho biết thêm, trẻ em cũng là đối tượng chống chỉ định với mọi hình thức cạo gió. Bởi lẽ, da của trẻ rất mỏng, nhạy cảm nên rất dễ bị tổn thương nếu tác động bằng lực và nhiệt lớn. Ngoài ra, những người mắc các bệnh da liễu nếu cạo gió, ngoài việc bị đau rát phần vết thương hở, khả năng nhiễm trùng ngay tại chỗ cạo cũng sẽ rất cao. Do vậy, cần lưu ý đến những vùng da hở và cân nhắc trước khi quyết định có nên cạo gió hay không.

Còn với trường hợp sản phụ sau sinh, theo BS Thanh Bình, đây là đối tượng thường có thể trạng “đa hàn, đa ứ”, tức là cơ thể dễ bị nhiễm lạnh và ứ nhiều sản dịch trong cơ thể. Do đó, vẫn có thể cạo gió để giúp khí huyết lưu thông và giúp nhanh chóng “đẩy” sản dịch ra bên ngoài. Tuy nhiên, nên cạo nhẹ nhàng, tránh dùng các loại dầu nặng mùi vì sẽ khiến trẻ nhỏ bị “lạ hơi” trong khi bú mẹ.

Sau khi cạo gió không được tắm bằng nước lạnh

Để cạo gió mang lại hiệu quả, BS Thanh Bình tư vấn, nên cạo gió trong phòng, tránh gió lùa. Sát trùng dụng cụ cạo gió trước khi cạo. Không dùng vật sắc cạnh, cứng để cạo gió, vì dễ gây tổn thương da, có nguy cơ nhiễm trùng. Hiện nay, nhẫn bạc, đồng tiền bằng bạc, lược, thìa canh, đang được sử dụng phổ biến để cạo gió.

Trong khi cạo, đặt người bệnh nằm ngay ngắn, thoa dầu gió lên vùng cần cạo rồi dùng lực vừa phải miết đều theo hướng một chiều từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài sao cho người bệnh cảm thấy nóng ấm, dễ chịu là được. Ở vùng lưng, có thể dùng lực mạnh hơn. Lần lượt cạo từ vùng này sang vùng khác. Mỗi bộ phận (cổ, lưng, bụng, chân tay…) cạo khoảng từ 3-5 phút hoặc khi thấy xuất hiện vết bầm tím theo đường cạo thì dừng lại. Không nhất thiết phải cạo đến đỏ bầm. Tối đa, nên cạo gió trong khoảng thời gian dưới 10 phút.

Bên cạnh đó, khi cạo tránh chỗ gió lạnh, mùa đông chú ý giữ ấm, mùa hè không được để quạt thổi vào người bệnh. Sau khi cạo gió, tuyệt đối không được tắm bằng nước lạnh. Cạo gió xong, người bệnh nên uống một cốc nước nóng. Không cho bệnh nhân đi ra ngoài ngay sau khi cạo gió để tránh bị cảm lại.

Ngoài ra, chuyên gia khuyến cáo, cạo gió thực sự hữu hiệu trong trường hợp cảm mạo thời tiết, nhiễm lạnh, nhức mỏi tay chân do làm việc quá độ. Trong trường hợp suy nhược vì một bệnh lý nào đó như đau đầu chóng mặt vì cao huyết áp, viêm xoang, nên đến cơ sở y tế khám để có một chẩn đoán xác định và phương thức điều trị thích hợp.

Phân biệt giữa cảm phong hàn và cảm phong nhiệt

BS Phạm Thị Thanh Bình cho biết, khi bị cảm phong hàn mới nên cạo gió. Không nên cạo gió khi người bệnh bị cảm phong nhiệt. Không khó để phân biệt cảm phong hàn và cảm phong nhiệt. Người bị cảm phong hàn, thông thường có triệu chứng đau đầu, chảy nước mũi, người gai gai rét. Còn người bị cảm phong nhiệt, thường có biểu hiện đau họng, miệng khô, ho có đờm, sốt nóng… Trong trường hợp người bệnh bị cảm phong nhiệt mà vẫn cạo gió sẽ dẫn đến tình trạng “nhiệt gặp nhiệt tắc cuồng” tức là khiến cơ thể dễ “phát hỏa”, làm bệnh ngày càng nặng hơn. Ngược lại, trong trường hợp người bệnh bị cảm phong hàn, nếu không được cạo gió hoặc làm ấm cơ thể mà để người bệnh tiếp tục tiếp xúc với khí lạnh hoặc thực phẩm chứa tính hàn (bột sắn…), sẽ rất nguy hiểm đến tính mạng.

Mai Thùy

Nguồn: giadinh.net.vn

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Mới nhất
Cũ nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận