GiadinhNet – Khi uống rượu, có người chỉ cần uống một ít đã đỏ mặt, còn có người càng uống càng tái. Ít người biết rằng, người uống rượu đỏ mặt có nguy cơ ung thư thực quản cao nếu nghiện rượu.
Khi uống rượu một số người chỉ uống một ly nhỏ rượu là mặt nóng bừng và biến sang màu đỏ, nhưng có người mặt chẳng những không đỏ mà càng uống càng tái.
Lý giải về điều này, PGS.TS. Hà Hoàng Kiệm (Bệnh viện 103) cho biết, nguyên nhân của hội chứng này nằm trong một gien có tên là ALDH2. Nhiều nghiên cứu trong vòng hai thập niên qua cung cấp cho chúng ta nhiều thông tin quan trọng về ảnh hưởng của gien đến tửu lượng của từng cá nhân.
Quá trình chuyển hóa từ ethanol trong rượu sang acetaldehyde có vai trò điều phối của một gien có cùng tên với enzyme là ALDH2.
Gen ALDH2 có hai type là Glu (G) và Lys (L). Do đó, trong dân số có 3 nhóm người với 3 kiểu gien: GG, LG và LL. Người mang kiểu gen LL cơ thể không có khả năng chuyển hóa acetaldehyde một cách hữu hiệu, và do đó chất này tích tụ trong cơ thể. Khi uống rượu mặt trở nên đỏ bừng, hay nôn mửa, và tim đập nhanh. Kiểu gien LL có mặt trong khoảng 30-40% ở người Đông Á.
Người uống rượu mặt đỏ nên cẩn trọng. Ảnh minh họa
Khi uống rượu, lượng acetaldehyde được chậm chuyển hóa thành acetat và bị tích lũy lại với nồng độ cao trong máu gây ra dãn mạch mạnh, làm mặt và da đỏ, tim đập nhanh, nôn mửa, nhức đầu. Những người này nếu uống nhiều rượu sẽ có nguy cơ tổn thương các cơ quan như vữa xơ động mạch, xơ gan, đột quỵ, ung thư thực quản… nhiều hơn so với những người có kiểu gen GG hoặc LG khi uống cùng một lượng rượu. Acetaldehyde có tác dụng làm cho các mao mạch dãn rộng. Dãn rộng các mao mạch trên mặt là nguyên nhân khiến cho mặt bị đỏ.
Những người uống rượu mặt bị đỏ có nghĩa là có thể nhanh chóng chuyển hóa ethanol thành acetaldehyde do họ có enzyme alcohol dehydrogenase (ADH) có hoạt tính cao, nhưng lại chậm chuyển acetaldehyde thành acetat do hoạt tính của enzym acetaldehyde dehydrogenase2 (ALDH 2) thấp.
Bởi vậy cơ thể nhanh chóng tích tụ acetaldehyde, do đó thời gian đỏ mặt sẽ dài hơn nhưng sau một đến hai giờ mặt đỏ sẽ nhạt dần.
Ngược lại, những người này uống rượu nhiều mà càng uống mặt càng tái đi, đến một lúc nào đó đột nhiên không uống được nữa. Đó là vì họ có enzyme ALDH2 có hoạt tính cao, acetaldehyde vừa hình thành đã nhanh chóng được chuyển hóa thành acetate. Những người như vậy có thể uống được một lượng rượu rất nhiều và khi uống thường ra mồ hôi nhiều.
Điều đáng nói là, một nghiên cứu cho thấy người uống rượu đỏ mặt có nguy cơ ung thư thực quản rất cao nếu nghiện rượu. Ung thư thực quản là một bệnh nguy hiểm, bởi vì khoảng 2/3 bệnh nhân tử vong trong vòng 5 năm sau khi chẩn đoán. Người uống rượu càng nhiều, nguy cơ ung thư càng tăng theo cấp số nhân.
PGS.TS Hà Hoàng Kiệm cho rằng, nguy cơ ung thư tùy thuộc vào kiểu gien. Nếu cùng uống một lượng rượu như nhau, người uống rượu mặt bị đỏ (dấu hiệu cho biết người đó có thể mang kiểu gien LL của gien ALDH2) có nguy cơ ung thư cao hơn người bị tái mặt (mang kiểu gien LG và GG). Ung thư thực quản cũng như tổn thương các cơ quan khác còn phụ thuộc vào lượng rượu được uống. Chẳng hạn, người uống nhiều rượu (trên 400 mg mỗi tuần) có nguy cơ ung thư thực quản tăng gấp 50 lần so với người uống với liều lượng thấp (dưới 200 mg ethanol mỗi tuần).
Tuy nhiên, vì những biến chứng nôn mửa và nóng bừng, tim đập nhanh nên những người bị mặt đỏ thường không uống nhiều rượu. Do đó, ung thư thực quản lại hay thấy ở những người uống rượu mặt không đỏ.
Để phòng tránh bệnh, nếu người uống rượu mà mặt biến thành màu đỏ bừng và nếu tiếp tục uống rượu dù ở liều lượng trung bình (như 200 đến 400 mg ethanol mỗi tuần) thì nguy cơ ung thư thực quản rất cao. Biện pháp phòng bệnh tốt nhất cho những người này là hạn chế tửu lượng càng thấp càng tốt, tốt nhất là bỏ rượu.
Đối với những người uống rượu nhưng mặt không đỏ, rất có thể họ có kiểu gien LG hoặc GG. Những người này (khoảng 60-70% trong cộng đồng) vì tửu lượng cao, họ thường uống nhiều, do đó nguy cơ ung thư thực quản vẫn tăng. Biện pháp phòng bệnh ở những người này là giữ liều lượng rượu ở mức trung bình và thấp (dưới 400 mg ethanol/tuần) để giảm nguy cơ ung thư thực quản. Theo ước tính của các nhà nghiên cứu, nếu những người mang kiểu gien LG và GG giảm tửu lượng xuống mức dưới 200 mg ethanol/tuần thì số ca ung thư thực quản sẽ giảm khoảng 50%.
Phương Thuận
Nguồn: giadinh.net.vn