Kinh túc quyết âm can: Đường đi, biểu hiện bệnh lý

KINH TÚC QUYẾT ÂM CAN

(mỗi bên có 14 huyệt)

A. Đường đi:

Bắt đầu từ chòm lông góc ngoài móng ngón chân cái, dọc mu chân lên trước mắt cá trong 1 tấc, lên cẳng chân giao với kinh Thái âm tỳ rồi bắt chéo ra sau kinh Thái âm tỳ ở trên mắt cá trong 8 tấc, lên bờ trong kheo chân, dọc mặt trong đùi vào lông mu, vòng quanh bộ phận sinh dục ngoài, lên bụng dưới, đi song song với đường kinh Vị (thuộc về Can), liên lạc với Đởm, xuyên qua cơ hoành, lên phân bố ở cạnh sườn đi dọc sau khí quản, thanh quản lên vòm họng, lên nối với tổ chức mạch quanh mắt ra trán, rồi hội với mạch Đốc ở giữa đỉnh đầu (Bách hội)

Phân nhánh: Từ tổ chức mạch quanh mắt xuống má vòng vào trong môi. Từ Can qua cơ hoành vào Phế để nối với kinh Thái âm Phế.

B. Biểu hiện bệnh lý:

     *Kinh bị bệnh: Đầu đau, đầu váng, mắt hoa, nhìn không rõ, tai ù, sốt cao, có thể co giật, đái dầm, đái không lợi.

     *Tạng bị bệnh: Ngực tức, nôn nấc, bụng trên đau, da vàng, ỉa lỏng, họng như bị tắc, thoát vị, bụng dưới đau.

C. Trị các chứng bệnh:

Ở hệ sinh dục, bàng quang, ruột, ngực, sườn, mắt.

D. Danh sách huyệt

Xem thêm

Huyệt Đại Đôn: Vị trí, tác dụng điều trị

Huyệt Hành Gian: Vị trí, tác dụng điều trị

Huyệt Thái Xung: Vị trí, tác dụng điều trị

Huyệt Trung Phong: Vị trí, tác dụng điều trị

Huyệt Lãi câu: Vị trí, tác dụng điều trị

Huyệt Trung Đô: Vị trí, tác dụng điều trị

Huyệt Tất Quan: Vị trí, tác dụng điều trị

Huyệt Khúc Tuyền: Vị trí, tác dụng điều trị

Huyệt Âm Bao: Vị trí, tác dụng điều trị

Huyệt Ngũ Lý: Vị trí, tác dụng điều trị

Huyệt Âm Liêm: Vị trí, tác dụng điều trị

Huyệt Cấp Mạch: Vị trí, tác dụng điều trị

Huyệt Chương Môn: Vị trí, tác dụng điều trị

Huyệt Kỳ Môn: Vị trí, tác dụng điều trị

ĐẠI ĐÔN

( Huyệt Tỉnh thuộc Mộc)

Vị trí: – Ở đầu ngón chân cái, cách gốc móng chân bằng lá hẹ và trong chỗ ba chòm lông (Giáp ất, Đồng nhân, Phát huy, Đại thành)

– Lấy ở trên đầu ngón chân cái cách gốc móng chân độ 0,2 tấc, chỗ có các lông dài mọc lên.

Giải phẫu: Dưới da là chỗ bám của gân cơ ruỗi dài riêng ngón cái vào xương đốt 2 ngón cái. Thần kinh vận động cơ là nhánh của dây thần kinh chày trước. Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đoạn thần kinh L5.

Tác dụng:
– Theo kinh: Băng huyết, sa dạ con, sưng tinh hoàn, đau cửa mình, đái dầm, đái đục, thóat vị.

     – Toàn thân: Hystérie.

Cách châm cứu: Châm 0,1 tấc. Cứu 5-10 phút.

HÀNH GIAN

( Huyệt Huỳnh thuộc Hỏa)

Vị trí: – Ở giáp khe ngón chân cái, giữa chỗ lõm có động mạch (Đại thành)

– Ép ngón chân cái sát vào ngón 2, lấy huyệt ở mu chân, chỗ đầu kẽ hai ngón chân trên.

Giải phẫu: Dưới da là khe giữa các gân ruỗi ngón 2 của cơ ruỗi dài và ruỗi ngắn các ngón chân ở phía ngoài, với các gân ruỗi dài riêng ngón 1 và gân ruỗi ngón chân1 của cơ ruỗi ngắn các ngón chân ở phía trong, cơ gian cốt mu chân, khe giữa các đốt 1 xương ngón chân 1 và 2. Thần kinh vận động cơ là nhánh của dây thần kinh chày trước và nhánh của dây thần kinh chày sau. Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đoạn thần kinh L5.

Tác dụng:
– Tại chỗ: Đau ngón chân.

     – Theo kinh: Kinh nguyệt qúa nhiều, đau dương vật, thoát vị, đau sườn, đau mắt đỏ.

     – Toàn thân: Động kinh, nôn, mất ngủ, ỉa chảy.

Cách châm cứu: Châm 0,3-0,4 tấc. Cứu 5-10 phút.

THÁI XUNG

( Huyệt Nguyên, huyệt Du thuộc Thổ)

Vị trí: – Ở sau đốt thứ 1 ngón chân cái cách huyệt Hành gian 2 tấc, có sách nói 1,5 tấc (Giáp ất, Đồng nhân, Phát huy, Đại thành)

– Sờ dọc theo khoảng gian đốt xương bàn chân 1, tìm xác định góc tạo nên bởi 2 đầu xương bàn chân 1 và 2, lấy huyệt ở góc này, ngang chỗ nối thân với đầu sau của 2 xương bàn chân.

Giải phẫu: Dưới da là gân cơ ruỗi dài riêng ngón chân cái, cơ ruỗi ngắn các ngón chân, cơ gian cốt mu chân, khe giữa các đầu sau của các xương bàn chân 1 và 2. Thần kinh vận động cơ là nhánh của dây thần kinh chày trước và nhánh của dây thần kinh chày sau. Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đoạn thần kinh L5.

Tác dụng:
– Theo kinh: Đau phía trước mắt cá trong, rong kinh, đau cửa mình, đái đục, thoát vị, đái rắt.

     – Toàn thân: Kinh phong trẻ em, tăng huyết áp.

Cách châm cứu: Châm sâu 0,3-0,4 tấc. Cứu 10-15 phút.

TRUNG PHONG

( Huyệt Kinh thuộc Kim)

Vị trí: – Ở phía trước mắt cá trong chân 1 tấc (Giáp ất, Đồng nhân, Phát huy, Đại thành)

– Hơi vểnh bàn chân và đưa bàn chân vào trong cho nổi rõ gân cơ chày trước và chỗ lõm sát bờ trong gân, trước mắt cá trong chân 1 tấc.

Giải phẫu: Dưới da là bờ trong gân cơ chày trước, khe khớp của xương sên và xương gót. Thần kinh vận động cơ là nhánh của dây thần kinh chày trước. Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đoạn thần kinh L5.

Tác dụng:
– Tại chỗ: Bàn chân lạnh, đau mắt cá trong.
– Theo kinh: Đau bụng dưới, đái khó, đái dầm, đái đục, thóat vị.

     – Toàn thân: Đau lưng, vàng da có sốt, di tinh.

 

Cách châm cứu: Châm 0,3- 0,4 tấc, có thể châm lách kim vào khe khớp. Cứu 5-10 phút.

Chú ý: Kết hợp với Can du, Ế phong chữa viêm gan vírút.

LÃI CÂU

( Huyệt Lạc nối với kinh thiếu dương Đởm)

Vị trí: – Ở trên mắt cá trong chân 5 tấc (Giáp ất, Đồng nhân, Phát huy, Đại thành)

– Xác định mặt trong xương chày, lấy huyệt ở khoảng 1/3 sau của mặt trong xương và ở trên mắt cá trong 5 tấc.

Giải phẫu: Dưới da là mặt trước trong của xương chày. Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đoạn thần kinh L4.

Tác dụng:
– Tại chỗ: Đau cẳng chân.

     – Toàn thân: Đai khó, đau tinh hoàn, kinh nguyệt không đều, khí hư, băng huyết.

Cách châm cứu: Châm 0,3-0,5 tấc, luồn kim dưới da. Cứu 3-5 phút.

Chú ý: Kết hợp Khúc tuyền, Thái xung chữa viêm tinh hoàn.

TRUNG ĐÔ

( Huyệt Khích)

Vị trí: – Ở trên mắt cá trong chân 7 tấc giữa xương ống chân (Giáp ất, Đồng nhân, Phát huy, Đại thành)

– Xác định mặt trong xương chày, lấy huyệt ở khoảng 1/3 sau của mặt trong xương và trên mắt cá trong chân 7 tấc.

Giải phẫu: Dưới da là mặt trước trong xương chày. Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đoạn thần kinh L4.

Tác dụng:
– Theo kinh: Đau bụng dưới, sưng tinh hoàn, băng huyết, viêm bàng quang cấp, đái khó, đái buốt.

Cách châm cứu: Châm 0,3-0,5 tấc, luồn kim dưới da. Cứu 3-5 phút.

TẤT QUAN

Vị trí: – Ở chỗ lõm dưới gối 2 tấc ( Gíap ất, Đồng nhân, Phát huy, Đại thành)

– Xác định huyệt Âm lăng tuyền, rồi lấy huyệt Tất quan ở chỗ lõm ngang với huyệt Âm lăng tuyền và sau Âm lăng tuyền độ 1 khoát ngón tay.

Giải phẫu: Dưới da là phần trên cơ sinh đôi trong, cơ kheo, chỗ bám của gân cơ bán mạc vào mặt sau xương chày. Thần kinh vận động cơ là nhánh của dây thần kinh chày sau và nhánh của dây thần kinh hông. Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đoạn thần kinh L3.

Tác dụng:
– Tại chỗ: Đau mặt trong khớp gối, mặt trong cẳng chân.

Cách châm cứu: Châm 0,5-0,7 tấc. Cứu 5-10 phút.

KHÚC TUYỀN

( Huyệt Hợp thuộc Thủy)

Vị trí: – Ở dưới lồi cầu trong xương đùi, chỗ lõm trên gân lớn dưới gân nhỏ, co gối vào để lấy huyệt, ở đầu nếp nhăn ngang kheo chân ( Đồng nhân, Phát huy)

– Co gối 90 độ cho hiện rõ các gân, lấy huyệt ở đầu trong nếp gấp kheo, trước và trên huyệt Âm cốc, ở trong khe của gân cơ bán mạc và gân cơ thẳng trong.

Giải phẫu: Dưới da là khe giữa gân cơ bán mạc và gân cơ thẳng trong, đầu trên cơ sinh đôi trong, khe khớp kheo. Thần kinh vận động cơ là nhánh của dây thần kinh hông kheo to và nhánh thần kinh chày sau. Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đoạn thần kinh L3.

Tác dụng:
– Tại chỗ: Đau mặt trong khớp gối, mặt trong đùi.

     – Theo kinh: Đau sưng tinh hoàn, đau dương vật hoặc âm hộ, đau bụng dưới, đái khó, hoa mắt, đau mắt.

     – Toàn thân: Cuồng.

Cách châm cứu: Châm 0,5-0,7 tấc. Cứu 5-10 phút.

ÂM BAO

Vị trí: – Ở trên gối 4 tấc, giữa hai gân mé trong đùi (Giáp ất, Đồng nhân, Phát huy, Đại thành)

– Lấy ở thẳng huyệt Khúc tuyền lên mặt trong đùi 4 tấc, trong khe của cơ may và cơ thẳng trong.

Giải phẫu: Dưới da là khe giữa cơ may và cơ thẳng trong, cơ khép lớn, cơ rộng trong, mặt trong xương đùi. Thần kinh vận động cơ là các nhánh của dây thần kinh đùi và các nhánh của dây thần kinh bịt. Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đoạn thần kinh L3.

Tác dụng:
– Theo kinh: Đau thắt lưng, đau bụng dưới, kinh nguyệt không đều, tiểu tiện khó.

Cách châm cứu: Châm 0,5-0,7 tấc. Cứu 5-10 phút.

NGŨ LÝ

Vị trí: – Ở dưới huyệt Khí xung 3 tấc, chỗ động mạch trong đùi non (Giáp ất, Đồng nhân, Phát huy, Đại thành)

– Sờ tìm động mạch đùi ở vùng bẹn, lấy huyệt ở sát bờ trong động mạch đùi, dưới cung đùi 3 tấc, hay dưới nếp nhăn của bẹn 3 tấc.

Giải phẫu: Dưới da là khe giữa cơ lược và cơ khép nhỡ, cơ khép bé và các cơ bịt. Thần kinh vận động cơ là các nhánh của dây thần kinh bịt. Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đoạn thần kinh L2.

Tác dụng:
– Tại chỗ và theo kinh: Đầy bụng, tiểu tiện không thông.

Cách châm cứu: Châm 0,5-1 tấc. Cứu 5-10 phút.

Chú ý: Tránh làm tổn thương bó mạch thần kinh đùi.

ÂM LIÊM

Vị trí: – Ở giữa chỗ động mạch cách huyệt Khí xung 2 tấc ( Giáp ất, Đồng nhân, Phát huy, Đại thành)

– Sờ tìm động mạch đùi ở vùng bẹn. Lấy huyệt ở sát bờ trong động mạch đùi và dưới cung đùi hay nếp nhăn của bẹn 2 tấc.

Giải phẫu: Dưới da là khe giữa cơ lược và cơ khép nhỡ, cơ khép bé và các cơ bịt. Thần kinh vận động cơ là các nhánh của dây thần kinh bịt. Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đoạn thần kinh L2.

Tác dụng:
– Tại chỗ và theo kinh: Đau mặt trong đùi, kinh nguyệt không đều.

     – Toàn thân: Phụ nữ vô sinh.

Cách châm cứu: Châm 0,5-1 tấc. Cứu 5-10 phút.

Chú ý: Tránh làm tổn thương bó mạch thần kinh đùi.

CẤP MẠCH

Vị trí: – Ở bên dương vật hay cửa mình 2,5 tấc ( Kim giám)

– Lấy ở trên nếp lằn của bẹn, dưới cung đùi, trên và ngoài huyệt Khí xung độ 0,5 tấc, ngoài mạch Nhâm 2,5 tấc.

Giải phẫu: Dưới da là cung đùi Fallope, khe cơ lược và cơ khép nhỡ, cơ khép bé và cơ bịt. Thần kinh vận động cơ là các nhánh của dây thần kinh bịt. Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đoạn thần kinh L2.

Tác dụng:
– Tại chỗ: Đau âm hộ, sa tử cung, sưng tinh hoàn, đau dương vật.

Cách châm cứu: Châm 0,3-0,5 tấc. Cứu 5-10 phút.

Chú ý: Kết hợp với Trung đô, Khúc tuyền, Tam âm giao để chữa đau âm hộ hay đau dương vật. Tránh làm tổn thương bó mạch thần kinh đùi.

CHƯƠNG MÔN

( Huyệt Mộ của Tỳ, huyệt Hội của Tạng. Hội của các kinh Thiếu dương và Quyết âm ở chân)

Vị trí: – Ở ngang rốn, huyệt Đại hoành ngang ra đầu mỏm xương sườn cụt 11 (Giáp ất, Đồng nhân, Phát huy). Phía ngoài huyệt Đại hoành trên rốn 2 tấc, ở đầu xương sườn, dưới bờ sườn ( Đại thành)

– Lấy ở dưới đầu tự do của xương sườn cụt số 11.

Giải phẫu: Dưới da là cơ chéo to của bụng, cơ chéo bé của bụng, cơ ngang bụng, mạc ngang, đầu xương sườn 11, phúc mạc, bờ dưới gan hay lách, đại tràng lên hoặc xuống. Thần kinh vận động cơ là 6 dây thần kinh gian sườn dưới cùng và dây thần kinh bụng-sinh dục. Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đoạn thần kinh D10.

Tác dụng:
– Tại chỗ: Đau cạnh sườn, đau thắt lưng, đau ngực.

     – Theo kinh: Đái đục, đau thắt lưng, đầy bụng, sôi bụng.

     – Toàn thân: Kém ăn, ăn không tiêu, nôn.

Cách châm cứu: Châm 0,5-0,8 tấc. Cứu 5-15 phút.

Chú ý: Không châm quá sâu.

KỲ MÔN

( Huyệt Mộ của Can, Hội của kinh Quyết âm ở chân với kinh Thái âm ở chân và mạch Âm duy)

Vị trí: – Ở thẳng đầu núm vú xuống 2 xương sườn, ngoài huyệt Bất dung 1,5 tấc (Đại thành)

– Lấy ở điểm gặp nhau của đường ngang qua huyệt Cự khuyết và đường thẳng qua đầu núm vú ( thường ở vào bờ trên sườn thứ 7)

Giải phẫu: Dưới da là cơ chéo to của bụng, các cơ gian sườn 6, gan ở bên phải và lách bên trái. Thần kinh vận động cơ là dây thần kinh gian sườn 6. Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đoạn thần kinh D6.

Tác dụng:
– Tại chỗ: Đau sườn ngực, đầy tức ngực.

     – Theo kinh: Mờ mắt, hành kinh bị lạnh gây sốt cao.

     – Toàn thân: Ợ và nôn nước chua, không ăn được.

Cách châm cứu: Châm 0,3-0,4 tấc. Cứu 5-10 phút.

Chú ý: Kết hợp với Cách du, Can du để chữa đau dây thần kinh gian sườn.

Châm sâu quá có thể làm tổn thương gan lách.

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Mới nhất
Cũ nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận