Một xô nước trong nhà tắm với mực nước chỉ cao 15cm đã cướp đi sinh mạng của bé gái 1 tuổi khiến nhiều phụ huynh sửng sốt.
Chết đuối trong xô nước – điều tưởng như phi lí nhưng lại có thật
Vụ tai nạn xảy ra tại Trùng Khánh, Trung Quốc. Thời điểm xảy ra tai nạn, ông nội, bà nội và bố bé đều ở nhà, còn em bé chơi một mình trong phòng tắm và đã không may ngã vào xô nước. Dù mực nước trong xô chỉ cao 15cm nhưng nó đã cướp đi sinh mạng của bé. Điều đáng nói là trong vụ tai nạn thương tâm này, chính sự chủ quan của người lớn đã trực tiếp gây nên cái chết của em bé mới 1 tuổi.
Cô Trương Phát Quý, người tham gia cấp cứu cho bé gái bị đuối nước.
Cô Trương Phát Quý, người đã làm việc 19 năm tại Phòng khám Gia đình ở tầng dưới nhà bé cho biết cô đã tham gia vào việc cấp cứu cho bé. Cô kể lại: Vào 1h trưa, khi đang tiếp một bệnh nhân khác thì nghe thấy một người đàn ông cởi trần tay ôm một bé gái toàn thân ướt nhẹp kêu lên: “Bác sĩ, cứu con tôi với”. Bác sĩ Trương lập tức bồng đứa trẻ và đặt bé vào giường bệnh nhưng đã quá muộn.
Chúng ta vẫn cho rằng chết đuối chỉ có thể xảy ra ở bể bơi, ao, hồ hay bờ biển nhưng hóa ra lại không phải như vậy. Khả năng giữ thăng bằng của trẻ, nhất là trẻ chưa biết đi không tốt nên các bé rất dễ bị ngã. Vì vậy đối với bất cứ những chỗ nào có nước, cha mẹ đều phải rất cẩn thận, kể cả đối với những chỗ mực nước chỉ cao có vài chục phân.
Bé gái chết đuối ngay trong xô nước phòng tắm.
Đừng để bé ra khỏi tầm quan sát của bạn!
Khi trong nhà có con nhỏ, những thói quen tưởng chừng như vô hại của người lớn cũng có thể dẫn đến những kết cục đau lòng, ví dụ như thường xuyên mở nắp bồn cầu hay thói quen tiết kiệm nước bằng việc tích trữ nước trong xô.
Cha mẹ không thể lường hết được những tai nạn có thể xảy ra, bởi thế đừng bao giờ để bé tự chơi một mình trong phòng tắm hay bất cứ chỗ nào có nước bao gồm xô, chậu, chậu rửa, nhà vệ sinh, bồn tắm… dù nước có nông đến đâu!
Tai nạn thương tâm của bé gái 1 tuổi khiến người lớn hết sức đau lòng.
Ngoài những điều trên, cha mẹ cũng nên chú ý những điểm sau:
– Hãy chắc chắn mọi đồ vật và dụng cụ đều được chuẩn bị sẵn sàng trước khi tắm cho con. Nếu có việc nhất định phải rời khỏi phòng tắm thì hãy choàng lên người bé một chiếc khăn tắm to và ôm bé đi theo hoặc đặt bé ở nơi an toàn mà bạn có thể quan sát được.
– Khi tắm cho bé, hãy đặt thảm chống trượt ở dưới bồn tắm để tránh việc bé bị ngã. Tuy nhiên, đừng bao giờ hoàn toàn tin tưởng vào bất cứ dụng cụ chống trơn trượt nào. Quan trọng nhất vẫn là sự quan sát thận trọng của cha mẹ.
– Sử dụng nước xong phải lập tức đổ nước trong các xô chậu đi, đừng vì tiết kiệm một chút nước mà bạn sẽ phải hối hận cả đời.
Xô nước “tử thần” đã cướp đi sinh mạng của bé gái 1 tuổi.
– Nên có thói quen đóng nắp bồn cầu khi không sử dụng.
– Nhà vệ sinh là một nơi nguy hiểm đối với trẻ nhỏ, khi không sử dụng, tốt nhất là nên khóa cửa để bé không biến nó thành khu vui chơi.
Khi bé bị đuối nước, chúng ta nên làm gì?
Khi bé đã mất ý thức và không thở được, hô hấp nhân tạo để khôi phục lại hơi thở của em bé đó là quan trọng nhất.
Nếu tìm thấy bé bị đuối nước , chúng ta nên nhanh chóng đưa bé ra khỏi nước và sau đó kiểm tra xem bé có còn thở hay không. Nếu không còn thở, phải lập tức hồi sức tim phổi (CPR). Hãy nhớ rằng, hô hấp nhân tạo là quan trọng nhất. Nếu có những người khác ở xung quanh, hãy nhờ họ gọi cấp cứu để được giúp đỡ. Nếu không có những người khác ở xung quanh, hãy hô hấp nhân tạo hết 2 phút cho bé rồi lập tức gọi cấp cứu.
Cách thức hô hấp nhân tạo đối với trẻ em dưới 1 tuổi:
1. Đặt 2 ngón tay lên phần dưới xương ức bé, ép ngực. Ép sâu xuống ít nhất 1/3 chiều sâu của ngực hoặc khoảng 4cm. Để ngực bé trở về trạng thái bình thường rồi tiếp tục lặp lại động tác trên. Thực hiện ít nhất 100 nhịp mỗi phút, tổng cộng 30 lần.
2. Khai thông đường thở, nhấn trán, nâng cằm bé. Nếu phát hiện dị vật lập tức dùng tay lấy ra.
3. Sau khi hô hấp trở lại, bịt chặt mũi bé và dùng miệng làm hô hấp nhân tạo cho bé, mỗi giây thổi 2 hơi. Mỗi lần hô hấp ngực bé sẽ nở ra.
4. Tiếp tục 30 phút ép ngực kết hợp với 2 lần hô hấp nhân tạo để hồi phục hệ tim phổi của bé. Sau đó gọi cấp cứu.
Nếu bé nhà bạn đã trên 1 tuổi thì ở bước 1, thay vì dùng ngón tay chúng ta cần đặt gốc bàn tay trên nửa dưới xương ức của bé, rồi đặt bàn tay còn lại lên trên, ấn sâu khoảng 5cm.
Tiếp tục làm hô hấp nhân tạo cho bé đến khi nào bé lấy lại được ý thức hoặc đến khi bác sĩ đến. Nếu trong quá trình hô hấp nhân tạo, bé có hiện tượng nôn mửa thì nên đặt bé nằm nghiêng để tránh ngạt thở, đồng thời chú ý giữ ấm cho bé.
Bất kì trường hợp trẻ đuối nước nào cũng cần đến bệnh viện kiểm tra tổng thể, kể cả khi bé đã hồi phục trở lại. Bởi vì có những thương tổn không thể nhìn thấy bằng mắt thường, ví dụ như nước tràn vào phổi bé. Nếu không điều trị kịp thời sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng.
Theo Tri thức trẻ
Nguồn: giadinh.net.vn