Kháng thuốc: Thảm họa cận kề!

Mới đây, Bệnh viện (BV) quận Thủ Đức (TP HCM) đã cứu sống một nhũ nhi 19 ngày tuổi bị kháng thuốc. Trường hợp hiếm hoi này càng làm tăng mức báo động về mối thảm họa y khoa mới trong cộng đồng.

Mua kháng sinh quá dễ

Bệnh nhi nêu trên bị đề kháng kháng sinh thế hệ mới do bị lây nhiễm vi khuẩn đa kháng thuốc từ cộng đồng. Theo bác sĩ Nguyễn Minh Quân, Giám đốc BV quận Thủ Đức, bé nhập viện trong tình trạng sốt, quấy khóc, sau đó thở mệt, sốc, co giật liên tục… Theo chẩn đoán, bé bị nhiễm trùng máu, viêm màng não, sốc nhiễm trùng. Đánh giá tình trạng nguy kịch vì không kịp chuyển viện, các bác sĩ khẩn cấp hồi sức cấp cứu, đồng thời mời chuyên gia tuyến trên hội chẩn để can thiệp. Bệnh nhi được đặt nội khí quản, truyền máu, thuốc chống co giật, vận mạch…

Sau 36 giờ hồi sức tích cực, điều chỉnh kháng sinh thì tình trạng của bé mới tạm ổn, qua được cơn nguy kịch. Kết quả cấy dịch não tủy, cấy máu cho thấy bệnh nhi bị nhiễm vi khuẩn Gram dương kháng cả thuốc Vancomycin – một loại kháng sinh bậc cao.

“Một đứa trẻ mới lọt lòng chưa được bao lâu lại nhiễm vi khuẩn đa kháng thuốc là trường hợp hiếm gặp. Việc sử dụng kháng sinh bừa bãi đang góp phần gây ra nhiều mối nguy hiểm cho cộng đồng” – một chuyên gia cảnh báo.

Đây không phải là trường hợp đầu tiên bị kháng thuốc. Trong thực tế, số ca bị nhiễm khuẩn kháng thuốc chưa từng gặp từ trước đến nay đang có xu hướng gia tăng. Theo bác sĩ Phạm Văn Hoàng, Trưởng Khoa Khám bệnh BV Nhi Đồng 1 (TP HCM), tình trạng người dân có thói quen sử dụng kháng sinh bừa bãi đang là vấn nạn. Nhiều phụ huynh thường tự chẩn đoán bệnh cho con và mua thuốc về điều trị. Nhiều người còn có thói quen dùng lại toa thuốc cũ mỗi khi con phát bệnh, càng khiến nguy cơ kháng sinh trở nên khó lường hơn…

Mặc dù đã có quy định về kê đơn và bán thuốc theo đơn nhưng người bệnh vẫn có thể mua thuốc kháng sinh và nhiều loại thuốc khác trực tiếp từ các nhà thuốc bán lẻ. Dĩ nhiên, nhiều nhân viên quầy thuốc không chần chừ bán hàng để đạt lợi nhuận, doanh số. Khảo sát cho thấy có đến 78% kháng sinh được mua tại các nhà thuốc tư nhân mà không cần đơn.

Mua thuốc, kháng sinh cho trẻ nhỏ tại các cửa hàng thuốc hiện nay là quá dễ dàng

Có nguyên nhân từ… bác sĩ

Theo các chuyên gia, kháng sinh là thuốc quan trọng nhưng nếu sử dụng không hợp lý, sai mục đích hay lạm dụng sẽ khiến bệnh trở nên trầm trọng và làm gia tăng mối nguy kháng kháng sinh. Đối với trẻ nhỏ thì càng phải tuân thủ nguyên tắc dùng đúng liều, đúng cách và lựa chọn kháng sinh an toàn, đặc biệt là phải có chỉ dẫn của bác sĩ, dược sĩ.

Thế nhưng, thực tế không đơn giản như vậy. Tại hội thảo “Mối nguy hiểm của kháng thuốc” do ngành y tế TP HCM tổ chức mới đây, TS-BS Phạm Thị Ngọc Thảo, Phó Giám đốc BV Chợ Rẫy, cho biết các nghiên cứu tại một số BV cho thấy hiện có khoảng 50% kháng sinh được bác sĩ kê toa bất hợp lý. Nguyên nhân là do bác sĩ thiếu kiến thức hoặc xác định nhầm bệnh; điều trị kháng sinh đã bị đề kháng; điều trị kháng sinh không đủ liều; điều trị kháng sinh quá mức… khiến bệnh nhân bị kháng kháng sinh.

Cụ thể, các trường hợp sử dụng kháng sinh không hợp lý chiếm tỉ lệ cao là bệnh nhân không nhiễm khuẩn hoặc không do vi khuẩn nhưng bác sĩ chỉ định sử dụng kháng sinh chiếm 32%; bác sĩ chỉ định sử dụng kháng sinh kéo dài không cần thiết chiếm 33%…

Trong khi đó, TS-DS Huỳnh Hiền Trung, Trưởng Khoa dược BV Nhân dân 115 TP HCM, cho rằng bác sĩ thường vấp phải những sai lầm trong việc chỉ định sử dụng kháng sinh đối với bệnh nhân nhiễm khuẩn nặng, như: không thực hiện phân tầng bệnh nhân; khởi đầu điều trị kháng sinh trễ; không căn cứ vào các thông tin có sẵn về bệnh nhân, mầm bệnh và về kháng sinh; dùng kháng sinh không đủ liều và không dựa vào dược lực, dược động của thuốc; chưa đánh giá lại người bệnh mỗi ngày để xem xét khả năng xuống thang kháng sinh hoặc ngưng kháng sinh đúng lúc.

Các chuyên gia cảnh báo tình trạng bệnh nhân bị nhiễm khuẩn nặng đang có tốc độ gia tăng rất cao. Việc kháng thuốc sẽ gây ra nhiều hệ lụy như: tăng tỉ lệ tử vong, tăng kháng thuốc, tăng chi phí điều trị. Một phần nguyên nhân trên là do các bác sĩ thiếu cập nhật hướng dẫn sử dụng kháng sinh. Vi khuẩn trên toàn cầu ngày càng có sức đề kháng, sử dụng kháng sinh không thích hợp cộng với việc không có nhiều kháng sinh mới ra đời khiến tình trạng kháng thuốc ngày càng trầm trọng.

Trong giai đoạn 2011-2016, thế giới chỉ có khoảng 8 loại kháng sinh mới ra đời khiến các vũ khí chống vi khuẩn kháng thuốc ngày càng thu hẹp và “loài người có thể quay trở lại kỷ nguyên trước khi có kháng sinh” – một chuyên gia cảnh báo.

Thiết lập mạng lưới giám sát vi khuẩn kháng thuốc

GS-TS Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế, cho biết bộ đã thiết lập mạng lưới giám sát vi khuẩn kháng thuốc trong các cơ sở khám chữa bệnh giai đoạn 2016-2020 với 16 BV tham gia giám sát trọng điểm về kháng thuốc. Các đơn vị này thực hiện việc lấy mẫu (máu, nước tiểu, phân, dịch đường sinh dục, tiết niệu), nuôi cấy, định danh và kháng sinh đồ một cách thường quy. Mạng lưới này cũng có nhiệm vụ phân tích và báo cáo dữ liệu quốc gia về kháng thuốc gồm: giám sát sự kháng thuốc của các vi khuẩn gây bệnh liên quan đến nhiễm khuẩn trên người; sự xuất hiện của vi khuẩn kháng thuốc mới và/hoặc bất thường; giám sát mức độ nghiêm trọng, sự lây lan và vấn đề dịch tễ của vi khuẩn kháng thuốc… Các thông tin này sẽ được cung cấp cho cơ sở y tế, cộng đồng và mạng lưới quốc tế.

Tổ chức Y tế thế giới cảnh báo hiện Việt Nam được xếp vào một trong những nước có tỉ lệ kháng kháng sinh cao nhất. Tình trạng bị kháng thuốc không chỉ xảy ra ở thuốc điều trị lao, sốt rét, viêm phổi… mà cả với thuốc dự phòng HIV/AIDS, các loại thuốc kháng sinh thế hệ mới. Theo Bộ Y tế, hầu hết các cơ sở khám chữa bệnh ở Việt Nam đang phải đối mặt tốc độ lan rộng các vi khuẩn kháng nhiều loại kháng sinh. Trong khi các quốc gia phát triển đang còn sử dụng kháng sinh thế hệ 1 thì Việt Nam đã sử dụng tới kháng sinh thế hệ 3 và 4.

N.Dung

Bài và ảnh: NGUYỄN THẠNH

Nguồn Người lao động

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Mới nhất
Cũ nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận