Huyệt Tam Âm Giao: vị trí, cách xác định, chủ trị, cách châm cứu

HUYỆT: Tam Âm Giao

HÌNH ẢNH

TÊN HUYỆT

Vì huyệt là nơi hội tụ của 3 kinh âm ở chân (Can, Tỳ, Thận) vì vậy gọi là Tam Âm Giao (Ty 6).

TÊN KHÁC

Đại Âm, Hạ Tam Lý, Thừa Mạng, Thừa Mệnh.

XUẤT XỨ

Giáp Ất Kinh.

VỊ TRÍ

Ở sát bờ sau – trong xương chày, bờ trước cơ gấp dài các ngón chân và cơ cẳng chân sau, từ đỉnh cao của mắt cá chân trong đo lên 3 thốn.

ĐẶC TÍNH

• Huyệt thứ 6 của kinh Tỳ.

• Huyệt giao hội của 3 kinh chính Can – Thận – Tỳ.

• Một trong Lục Tổng Huyệt chủ trị vùng bụng dưới.

• Một trong nhóm Hồi Dương Cửu Châm, có tác dụng nâng cao và phục hồi Dương khí.

• Nơi Âm khí hội tụ, do đó, không bao giờ châm khi phụ nữ có thai.

TÁC DỤNG

Bổ Âm, kiện Tỳ, thông khí trệ, hóa thấp, khu phong, điều huyết, sơ Can, ích Thận.

CHỦ TRỊ

Trị cẳng chân và gót chân sưng đau, thần kinh suy nhược, liệt nửa người, tiểu bí, tiểu vặt, tinh hoàn viêm, di mộng tinh, liệt dương, kinh nguyệt rối loạn, bụng trướng, da viêm do thần kinh, mề đay phong ngứa.

CHÂM CỨU

• Châm thẳng 1 – 1,5 thốn. Cứu 5–7 tráng, Ôn cứu 10–20 phút.

• Có thể châm xuyên sang huyệt Tuyệt Cốt (Đ 39).

• Trị bệnh ở chân: hướng mũi kim ra phía sau.

• Trị bệnh toàn thân: hướng mũi kim lên phía trên.

GIẢI PHẪU

• Dưới da là bờ sau – trong xương chầy, bờ trước cơ gấp dài các ngón chân và cơ cẳng chân sau.

• Thần kinh vận động cơ là các nhánh của dây chầy sau. Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đoạn thần kinh L4.

PHỐI HỢP HUYỆT

1.Phối Âm Lăng Tuyền (Ty 9) trị tiêu sống phân (Giáp Ất Kinh).

2.Phối Âm Cốc (Th 10) + Giao Tín (Th 8) + Thái Xung (C 3) trị lậu huyết không cầm (Tư Sinh Kinh).

3.Phối Hợp Cốc (Đtr 4) + Thái Xung (C 3) trị sinh khó (Châm Cứu Đại Thành).

4.Phối Quan Nguyên (Nh 4) + Tâm Du (Bq 15) + Thận Du (Bq 23) trị bạch trọc, di tinh (Châm Cứu Đại Thành).

5.Phối Bạch Hoàn Du (Bq 30) + Chiếu Hải (Th 6) + Quan Nguyên (Nh 4) + Thái Khê (Th 3) trị di tinh, bạch trọc, tiểu gắt (Châm Cứu Đại Thành).

6.Phối Tuyệt Cốt (Đ 39) + Côn Lôn (Bq 60) trị bệnh ở phần trên gót chân (Châm Cứu Đại Thành).

7.Phối Dương Lăng Tuyền (Đ 34) + Khúc Trì (Đtr 11) + Ngoại Quan (Ttu 5) + Phong Thị (Đ 31) + Thủ Tam Lý (Đtr 10) trị tay chân đau do phong thấp (Châm Cứu Đại Thành).

8.Phối Hợp Cốc (Đtr 4) + Thận Du (Bq 23) + Trung Cực (Nh 3) trị kinh nguyệt đoạn tuyệt (Châm Cứu Đại Thành).

9.Phối Khí Hải (Nh 6) + Thận Du (Bq 23) + Trung Cực (Nh 3) trị kinh nguyệt không đều (Châm Cứu Đại Thành).

10.Phối Khí Hải (Nh 6) trị bạch trọc, di tinh (Châm Cứu Tụ Anh).

10.Phối Túc Tam Lý (Vi.36) + Tuyệt Cốt (Đ 39) trị chân đau nhức mạn (Ngọc Long Kinh).

12.Tam Âm Giao (Ty 6) (tả) phối bổ Hợp Cốc (Đtr 4) trị ho do lạnh (Tịch Hoằng Phú).

13.Phối Chiếu Hải (Th 6) + Hợp Cốc (Đtr 4) + Khúc Trì (Đtr 11) + Nhân Trung (Đ 26) + Tam Âm Giao (Ty 6) + Túc Lâm Khấp (Đ 41) + Túc Tam Lý (Vi.36) trị tay chân và mặt sưng phù (Châm Cứu Đại Toàn).

14.Phối cứu Đại Đôn (C 1) trị sán khí do hàn, do thấp nhiệt (Châm Cứu Tụ Anh).

15.Phối Chi Câu (Ttu 6) + Khúc Trì (Đtr 11) + Túc Tam Lý (Vi.36) trị phụ nữ kinh nguyệt không đến, mặt vàng, nôn mửa, không thụ thai (Châm Cứu Tụ Anh).

16.Phối Hợp Cốc (Đtr 4) trị sinh khó, sinh ngược (Thần Cứu Kinh Luân).

17.Phối Đại Lăng (Tb 7) + Trung Quản (Nh 12) trị bỉ khối đau tức (Thần Cứu Kinh Luân).

18.Phối Âm Cốc (Th 10) + Đại Đôn + Khí Hải (Nh 6) + Nhiên Cốc + Thái Xung (C 3) + Trung Cực (Nh 3) trị băng huyết (Thần Cứu Kinh Luân).

19.Phối Bá Lao + Cao Hoang (Bq 43) + Đan Điền (Nh 6) + Khúc Trì (Đtr 11) + Thận Du (Bq 23) + Trung Cực (Nh 3) + Tuyệt Cốt (Đ 39) + Tử Cung trị băng huyết không cầm (Loại Kinh Đồ Dực).

20.Phối Thừa Sơn (Bq 57) trị trong ngực đầy tức (Thọ Tinh Bí Quyết).

21.Phối Âm Lăng Tuyền (Ty 9) + Ẩn Bạch (Ty 1) + Chương Môn (C 13) + Công Tôn (Ty 4) + Dương Lăng Tuyền (Đ 34) + Đại Chùy (Đc 14) + Điều Khẩu (Vi.38) + Khí Xung (Vi.30) + Phế Du (Bq 13) + Phù Khích (Bq 38) + Thái Uyên (P 9) + Thiên Phủ (P 3) + Thượng Quản (Nh 13) + Toàn Trúc (Bq 2) trị mất ngủ (Thần Ứng Kinh).

22.Phối Chi Câu (Ttu 6) + Khúc Trì (Đtr 11) + Túc Tam Lý (Vi.36) trị kinh nguyệt không đều (Thần Ứng Kinh).

23.Phối Hành Gian (C 2) + Phục Lưu (Th 7) + Túc Tam Lý (Vi.36) trị chân không đi được (Châm Cứu Phùng Nguyên).

24.Phối Chi Câu (Ttu 6) + Khúc Trì (Đtr 11) + Túc Tam Lý (Vi.36) trị kinh nguyệt không thông (Y Học Cương Mục).

25.Phối Nội Quan (Tb 6) + Thái Xung (C 3) trị lưỡi nứt, lưỡi chảy máu (Tạp Bệnh Huyệt Pháp Ca).

26.Phối Trung Quản (Nh 12) + Nội Quan (Tb 6) + Túc Tam Lý (Vi.36) trị mạch máu bị tắc (Châm Cứu Học Thượng Hải).

27.Phối Quy Lai (Vi.29) + Túc Tam Lý (Vi.36) trị dịch hoàn sa (Châm Cứu Học Thượng Hải).

28.Phối Quan Nguyên (Nh 4) trị tiểu dầm (Châm Cứu Học Thượng Hải).

29.Phối Huyết Hải (Ty 10) + Khí Hải (Nh 6) + Quan Nguyên (Nh 4) trị kinh nguyệt không đều (Châm Cứu Học Thượng Hải).

30.Phối Thủy Đạo (Vi.28) + Hoành Cốt (Th 11) + Kỳ Môn (C 14) trị kinh bế (Châm Cứu Học Thượng Hải).

31.Phối cứu Thủy Phân (Nh 9) trị bụng trướng (Châm Cứu Học Thượng Hải).

32.Phối Ủy Trung (Bq 40) [xuất huyết] trị tiểu khó (Châm Cứu Học Thượng Hải).

33.Phối Bàng Quang Du (Bq 28) [cứu] trị tiểu khó, tiểu gắt (Châm Cứu Học Thượng Hải).

34.Phối Khí Hải (Nh 6) + Trung Cực (Nh 3) trị kinh bế (Châm Cứu Học Thượng Hải).

35.Phối Trung Quản (Nh 12) + Khí Hải (Nh 6) trị kinh nguyệt quá kỳ, bụng dưới đau kèm có huyết tím bầm, có cục (Châm Cứu Học Thượng Hải).

36.Phối Thận Du (Bq 23) + Hợp Cốc (Đtr 4) trị sinh khó (ngang) (Châm Cứu Học Thượng Hải).

37.Phối Quan Nguyên (Nh 4) + Trung Cực (Nh 3) trị sinh xong bị huyết vận (Châm Cứu Học Thượng Hải).

38.Phối Âm Lăng Tuyền (Ty 9) + Bàng Quang Du (Bq 28) + Trung Cực (Nh 3) trị bí tiểu do thấp nhiệt (Tứ Bản Giáo Tài Châm Cứu Học).

GHI CHÚ

• Có thai không Châm Cứu (Đồng Nhân Châm Cứu Du Huyệt Đồ).

THAM KHẢO

• “Kinh sợ không ngủ được…: Tam Âm Giao chủ trị” (Giáp Ất Kinh). “Đờm tích bụng lạnh: Tam Âm Giao” (Châm Cứu Đại Thành). “Tỳ bệnh huyết khí trước Hợp Cốc (Đtr 4), sau châm Tam Âm Giao (Ty 6) đừng chậm” (Thiên Tinh Bí Quyết). “Di niệu: Tam Âm Giao” (Cứu Pháp Bí Truyền). “Châm bổ Tam Âm Giao + tả Hợp Cốc (Đtr 4) có tác dụng bảo dưỡng thai. Phối huyệt này chủ yếu dựa vào tính thanh nhiệt của huyệt Hợp Cốc và bổ Tỳ, thận của huyệt Tam Âm Giao. Phụ nữ khi sinh mà bị rong kinh, sẩy thai là vì cơ thể suy yếu, đa số do hỏa vượng âm hư làm cho huyết không dưỡng được thai. Người xưa viết: Gặp mát thì thai được yên, các nhà y học xưa thường dùng vị Hoàng Cầm làm thuốc chính trong việc an thai, vì Hoàng Cầm có tác dụng thanh nhiệt. Ngoài ra, Tỳ là gốc của hậu thiên, là nguồn của sự sinh hóa,lại còn có nhiệm vụ thống huyết. Người xưa còn dùng vị Bạch Truật làm tá dược. Tỳ thổ được kiện vận, nội nhiệt được thanh thì thai được yên. Do đó, dựa vào phương thức này để chọn huyệt Tam Âm Giao trong vai trò kiện Tỳ, bổ Thận, dưỡng huyết. Tại sao châm bổ Hợp Cốc + tả Tam Âm Giao lại có thể làm trụy thai? Vì Hợp Cốc thăng được, tán được, chỉ chạy đi chứ không giữ lại. Dựa vào câu Được mát thìthai yên của người xưa ta biết rằng nếu châm bổ huyệt Hợp Cốc thì nhiệt khí không tán, cũng không giáng, vì thế, Phế mất đi chức năng hanh thông của mình. Kim không sinh được thủy làm cho Thận bị suy. Nếu Tam Âm Giao bị tà khí xâm nhập thì cả 3 tạng Can, Tỳ, Thận đều hư. Huyết hư thì lấy gì mà dưỡng thai? Tỳ hư không vận hóa được thì hậu thiên không còn được tư dưỡng. Thận bị bế tàng thì tử cung cũng bị khô cạn sinh ra trên thịnh, dưới hư, âm dương nghịch loạn, làm sao mà thai không bị trụy !” (Phối Huyệt Khái Luận Giảng Nghĩa). “Tam Âm Giao phối với Chí Âm (Bq 67). Tam Âm Giao là huyệt giao hội của 3 kinh âm ở chân, cũng là nơi then chốt của 3 kinh âm. Chí Âm là Tỉnh huyệt của kinh túc Thái Dương Bàng Quang. Tỉnh huyệt là nơi khí đi ra như giòng nước từ nguồn chảy ra. Bàng Quang và Thận có quan hệ Biểu Lý, nay châm ở huyệt Chí Âm là để điều khí ở hạ tiêu, trục ứ khí ra rồi sinh khí mới. Phối Tam Âm Giao với Chí Âm có thể có tác dụng lý khí, điều huyết, tuyên thông hạ tiêu, ích âm khí để âm khí đi xuống. Phó-Thanh-Chủ viết: “Sinh khó là do huyết hư” hoặc “Sinh khó là do khí nghịch”. Khí nghịch mà không được điều lý, huyết hư mà không được bổ ích thì thai dĩ nhiên sẽ bị trụy” (Phối Huyệt Khái Luận Giảng Nghĩa). “Tam Âm Giao phối với Túc Tam Lý (Vi.36). Tam Âm Giao có tác dụng bổ âm, kiện Tỳ. Túc Tam Lý có tác dụng thăng dương, kiện Vị. Hai huyệt này phối hợp với nhau chủ yếu để trị chứng Tỳ Vị hư hàn, khí huyết suy. Phương huyệt này không thể thiếu trong trường hợp hư tổn. Cũng có trường hợp Vị có trọc khí, Tỳ bị hư, dương vượng âm suy, thì trong khi bổ âm, tất nhiên cũng phải kết hợp với phép thanh, tức là bổ Tam Âm Giao và tả Túc Tam Lý vậy. Trái lại, cũng có trường hợp dương hư, khí suy, phong ôn sinh ra chứng đùi bị tê, chân phù, chân mất cảm giác, đau, thì một mặt phải kích thích dương lên, một mặt phải hòa âm, 2 huyệt này này hợp lại để thư kinh, làm cho hết tê, thì công hiệu càng rõ” (Phối Huyệt Khái Luận Giảng Nghĩa). “Phối huyệt Tam Âm Giao + Khúc Trì (Đtr 11) là cách phối hợp một âm và một dương. Tam Âm Giao là nơi hội của 3 âm, là chỗ đóng mở của 3 kinh Can, Thận, Tỳ. Tam Âm Giao cũng là huyệt chủ của huyết. Khúc Trì tính hay chạy, thông suốt chỗ này đến chỗ khác, vì vậy thanh được nhiệt, trừ được phong. Hai huyệt này phối hợp với nhau thì Khúc Trì nhập vào phần của tam âm, thanh được nhiệt trong huyết, trừ được phong trong huyết, làm cho ứ huyết phải tan, huyết vận hành không bị ngăn trở nữa. Vì vậy, gặp các chứng sưng đau mà dùng phối huyệt này có hiệu quả. Chứng lở loét vì độc giang mai, dùng phương huyệt này độc bị tiêu trừ mà lở loét cũng khỏi. Ngoài ra, các chứng tê vì phong ôn, lưng đau, chân sưng do cước khí, run giật, cho đến các chứng băng huyết, bạch đới, trưng hà, tích tụ, bế kinh… dùng phối huyệt này đều có kết quả" (Phối Huyệt Khái Luận Giảng Nghĩa). “Sách Giáp Ất Kinh ghi rằng: Huyền Chung là huyệt Lạc của túc Tam Dương kinh, túc là đại lạc của kinh túc Thiếu Dương, túc Thái Dương và túc Dương Minh, vì vậy, nó có tác dụng bổ dương khi phối hợp với huyệt Tam Âm Giao (Ty 6). Tam Âm Giao là huyệt giao hội của 3 kinh Âm, có tác dụng nuôi dưỡng âm. Chứng âm hư thì bổ huyệt Tam Âm Giao để nuôi dưỡng âm, chứng dương hư thì bổ Tuyệt Cốt để tráng dương. Âm hư dương vượng: nên bổ Tam Âm Giao và tả Tuyệt Cốt” (Thường Dụng Du Huyệt Lâm Sàng Phát Huy). Tam Âm Giao, Huyết Hải, Cách Du là 3 huyệt chủ yếu trị về huyết, tuy nhiên có sự khác biệt: Tam Âm Giao: trị bệnh huyết ở toàn thân, thường dùng trị phụ nữ huyết có thấp. Huyết Hải: trị bệnh huyết ở chi dưới. Cách Du: trị bệnh huyết ở Tâm, Can, Phế, thiên về chữa huyệt ở nửa phần trên cơ thể, các bệnh xuất huyết mạn tính” (Du Huyệt Công Năng Biệt Giám). Tam Âm Giao, Thái Bạch, Âm Lăng là 3 huyệt của kinh Tỳ nhưng có công dụng khác nhau: Tam Âm Giao: có tác dụng kiện Tỳ, nhiếp huyết trị Tỳ không thống huyết. Thái Bạch: có tác dụng kiện Tỳ, bổ hư, trị Tỳ bị hư yếu. Âm Lăng Tuyền: có tác dụng kiện Tỳ, khứ thấp, trị Tỳ bị hư yếu” (Du Huyệt Công Năng Biệt Giám). “Bổ huyệt Tam Âm Giao (Ty 6) + bổ Phục Lưu (Th 7) + tả Thần Môn (Tm 7) có tác dụng bổ Tâm, an thần, giống bài Thiên Vương Bổ Tâm Đơn của sách Dương ThịGia Tàng (Thường Dụng Du Huyệt Phát Huy). “Bổ Tam Âm Giao (Ty 6) + bổ Phục Lưu (Th 7) + tả Thái Xung (C 3) có tác dụng giống bài Đại Định Phong Châu trong sách Ôn Bệnh Điều Biện (Thường Dụng Du Huyệt Phát Huy). “Bổ Tam Âm Giao (Ty 6) + tả Thần Môn (Tm 7) có tác dụng thanh Tâm, an thần giống bài Chu Sa An Thần Hoàn trong sách Lan Thất Bí Tàng (Thường Dụng Du Huyệt Phát Huy). “Bổ Tam Âm Giao (Ty 6) + bổ Thần Môn (Tm 7) + Tâm Du (Bq 15) có tác dụng an thần, định chí, giống bài Dưỡng Tâm Thang của sách Chứng Trị Chuẩn Thằng (Thường Dụng Du Huyệt Phát Huy). “Tả Tam Âm Giao (Ty 6) + tả Nội Đình (Vi.44) có tác dụng thanh Vị Nhiệt giống bài Thanh Vị Tán của Lý Đông Viên (Thường Dụng Du Huyệt Phát Huy). “Tả huyệt Tam Âm Giao (Ty 6) + tả Thiên Xu, phối dùng phép Thấu Thiên Lương có tác dụng giống bài Bạch Đầu Ông Thang trong sách Thương Hàn Luận (Thường Dụng Du Huyệt Phát Huy). “Tả Tam Âm Giao (Ty 6) + cứu Quan Nguyên (Nh 4)có tác dụng giống bài SinhHóa Thang của sách Phó Thanh Chủ Nữ Khoa. “Tả Tam Âm Giao (Ty 6) + tả Thần Môn (Tm 7), dùng phương pháp Thấu ThiênLương, có tác dụng giống bài Tê Giác Địa Hoàng Thang trong Thiên KimPhương (Thường Dụng Du Huyệt Phát Huy). Tả Tam Âm Giao (Ty 6) + tả A Thị Huyệt (châm 2-3 kim ở bụng dưới) có tác dụng giống như bài Thiếu Phúc Trục Ứ Thang trong sách Y Lâm Cải Thác (Thường Dụng Du Huyệt Phát Huy). “Bổ Tam Âm Giao (Ty 6) + Hợp Cốc (Đtr 4) + Thần Môn (Tm 7) có tác dụng giống bài Nhân Sâm Dưỡng Vinh Thang của sách Hòa Tễ Cục Phương. “Bổ Tam Âm Giao (Ty 6) + Hợp Cốc (Đtr 4) có tác dụng giống bài Bát Trân Thang của sách Chính Thể Loại Yếu (Thường Dụng Du Huyệt Phát Huy). "Dùng X. Quang để quan sát khi châm các huyệt Khí Hải (Nh 6), Quy Lai (Vi. 29), Tam Âm Giao (Ty 6), Trung Cực (Nh 3) thấy tử cung nhu động từ dưới lên trên, chất iod vào ống dẫn trứng tăng lên" (Bệnh Viện Nhân Dân VI Thượng Hải -Trung Quốc). "Châm huyệt Tam Âm Giao của động vật thực nghiệm làm tử cung co bóp rõ rệt" (Sở Nghiên Cứu Sinh lý Viện Khoa Học Trung Quốc).

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Mới nhất
Cũ nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận