[Chứng trạng] Huyết hư

Khái niệm

Chứng Huyết hư là tên gọi chung cho các chứng hậu nguyên nhân do huyết dịch trong cơ thể bất túc, chân tay Tạng Phủ và trăm mạch mất sự nuôi dưỡng mà xuất hiện suy nhược toàn thân. Phần nhiều do nguyên nhân gây nội thương mệt mỏi, tư lự quá độ, ngấm ngầm hao tổn âm huyết; Tỳ Vị hư yếu, sự sinh hóa khí huyết bất túc hoặc bị mất huyết quá nhiều gây nên bệnh. Ốm lâu không khỏi, sau khi bị Ôn bệnh cũng có thể bị chứng này.

Biểu hiện chủ yếu trên lâm sàng là sắc mặt trắng nhợt không tươi hoặc vàng bủng, sắc môi nhợt, hoa mắt chóng mặt, hồi hộp mất ngủ, chân tay tê dại, phụ nữ hành kinh lượng ít, kéo dài, thậm chí bế kinh; Chất lưỡi nhạt, mạch trầm tế vô lực v.v.

Chứng huyết hư thường gặp trong các bệnh “Tâm quý” “Hư lao”, “Huyễn vậng”, “Đầu thống”, “Kính chứng”, “Huyết chứng”, “Tiện bí”, “Phát nhiệt”, “Kinh nguyệt không đều”, “Bế kinh”, “Không thụ thai” v.v.

Cần chẩn đoán phân biệt với các “chứng Âm hư”, “chứng Huyết thoát”.

Phân tích

Chứng Huyết hư có thể xuất hiện trong nhiều loại tật bệnh, biểu hiện lâm sàng có đặc điểm cụ thể nhất định, phép điều trị cũng không giống nhau.

– Như trong bệnh Tâm quý có chứng huyết hư, lâm sàng biểu hiện là hồi hộp, chóng mặt, mất ngủ hay mê, sắc mặt nhợt không tươi, mỏi mệt yếu sức, chất lưỡi đỏ nhạt, mạch Tế Nhược. Đây là do tư lự quá độ hao thương Tâm Tỳ hoặc ốm lâu cơ thể hư yếu, khí huyết bất túc, hoặc do mất huyết quá nhiều, Tâm mất tác dụng gây nên bệnh, Điều trị nên bổ huyết dưỡng Tâm, ích khí an thần, cho uống Quy Tỳ thang (Tế sinh phương) hoặc Trích cam thảo thang (Thương hàn luận).

– Chứng Huyết hư xuất hiện trong bệnh Hư lao, chủ yếu là có những chứng trạng của Tâm, Can huyết hư.

  1. Tâm huyết hư có đặc điểm là Tâm quý chính xung, hay quên, mất ngủ hay mê, sắc mặt không tươi, chất lưỡi nhạt, mạch Tế hoặc Kết Đại, phần nhiều do phú bẩm bất túc, tinh huyết không mạnh, tư lự hao thương tâm huyết; sau khi ốm nặng không được điều lý kịp thời, âm huyết suy hư lâu ngày, không hồi phục, tích Hư thành tổn gây nên. Điều trị nên dưỡng huyết an thần, cho uống Dưỡng tâm thang (Chứng trị chuẩn thằng) hoặc Quy tì thang (Phụ nhân lương phương).
  2. Can huyết hư: đặc điểm là chóng mặt, hoa mắt, ù tai, đau sườn, run sợ không yên, kinh nguyệt không đều, bế kinh, nặng hơn thì da dẻ nhăn nheo tróc vẩy, sắc mặt trắng, xanh, chất lưỡi nhạt, mạch Huyền Tế. Đây là do tình chí uất kết, ngấm ngầm hao tổn Can huyết, hoặc mất huyết quá nhiều, sau khi ốm lâu không kịp thời chăm sóc, âm huyết suy kém nặng hơn thì huyết hư hóa táo lâu ngày không hồi phục, tích Hư thành Lao gây nên; Điều trị nên bổ huyết dưỡng Can, cho uống Tứ vật thang (Thái bình huệ dân hòa tễ cục phương)gia vị.>

– Chứng Huyết hư gặp trong bệnh Huyễn vậng, đặc điểm lâm sàng là sau khi lao động mệt nhọc thì chóng mặt nặng thêm, mặt nhợt kém tươi, môi và móng tay chân xanh nhợt, kiêm cả chứng trạng tinh thần mỏi mệt yếu sức, hụt hơi biếng nói, hồi hộp mất ngủ v.v. Đây là Tâm Tỳ đều do ốm lâu, hoặc nhiệt bệnh làm hao thương âm huyết, huyết hư không tư nhuận được toàn thân huyết không dâng lên Não, hoặc là huyết hư âm khuy, hư nhiệt quấy rối thanh khiếu ở trên gây nên; điều trị nên ích khí dưỡng huyết, cho uống bài Quy Tỳ thang(Phụ nhân lương phương) gia vị.

– Trong bệnh Đầu thống xuất hiện chứng Huyết hư, lâm sàng có chứng trạng đau đầu chóng mặt, đau ê ẩm, mệt nhọc thì đau tăng, hồi hộp mất ngủ, tinh thần mỏi mệt yếu sức, ăn uống kém; Đây là do ốm lâu, chính khí hư yếu, hoặc mất huyết quá nhiều, trung khí bất túc, thanh dương không thăng, danh huyết suy hư không cung cấp lên não gây nên bệnh; phép trị nên bổ dưỡng khí huyết, dùng bài Bát trân thang (Chính thể loại yếu) gia vị.

– Chứng Huyết hư xuất hiện trong bệnh Đại tiện bí, lâm sàng có biểu hiện đại tiện bí kết, phải dùng sức để rặn, sắc mặt không tươi, môi lưỡi nhợt, chóng mặt, hoa mắt, hồi hộp mạch Tế. Đây là do ốm lâu thể lực yếu, tuổi cao suy nhược, sau khi đẻ bị mất huyết, hoặc là huyết hư tân dịch ít, Đại trường mất sự mềm mại, hoặc là huyết ít đến nỗi âm hư nội nhiệt gây nên cho uống bài Nhuận trường hoàn (Thẩm thị tôn sinh y thư).

– Trong bệnh Xuất huyết xuất hiện chứng Huyết hư, có các chứng trạng mũi chảy máu, răng chảy máu thậm chí chảy máu dưới da, sắc mặt trắng nhợt, hoa mắt chóng mặt, hồi hộp, tinh thần mỏi mệt yếu sức. Đây là do mất máu quá nhiều, huyết hư khí cũng suy, khí không nhiếp huyết cho nên huyết ra không dứt, điều trị theo phép bổ khí nhiếp huyết, uống bài Nhân sâm quy tỳ thang (Phụ nhân lương phương).

– Chứng Huyết hư xuất hiện trong bệnh Phát nhiệt, lâm sàng có các chứng phát sốt ngày nhẹ đêm nặng; hồi hộp yếu sức, sắc mặt không tươi, lưỡi nhạt mạch Tế Sác, nguyên nhân bệnh do ốm lâu, tâm can huyết hư hoặc tỳ không sinh huyết, hoặc mất huyết quá nhiều gây nên, điều trị nên thanh nhiệt dưỡng huyết, dùng bài Đương quy bổ huyết thang (Lan thất bí tàng).

Tóm lại, chứng hậu tuy giống nhau, nhưng trong tật bệnh khác nhau đều có biểu hiện đặc điểm, lâm sàng có thể căn cứ vào đặc điểm bệnh chứng của tự nó mà tiến hành phân biệt điều trị

Chứng Huyết hư phần lớn phát sinh ở phụ nữ, bởi vì kinh nguyệt, thụ thai; tất cả đều lấy huyết làm gốc; Biểu hiện lâm sàng là hành kinh thường muộn,lượng kinh ít, sắc nhợt, chất trong loãng, bụng dưới đau như rỗng không thậm chí bế kinh, Lại còn trường hợp huyết hư mà không thụ thai hoặc hoạt thai.Người tuổi cao thể lực yếu cũng thường gặp chứng huyết hư, chủ yếu có liên can đến tuổi cao tinh suy huyết thiếu, lâm sàng biểu hiện tinh thần ủy mị, sắc mặt không tươi, hồi hộp mất ngủ, chóng mặt hoa mắt, tai ù tai điếc hoặc táo bón.

Huyết là âm khí là dương. Huyết là mẹ của khí, khí là soái của huyết, cả hai dựa vào nhau mà tồn tại, dựa vào nhau mà phát huy tác dụng. Khí có tác dụng làm ấm áp cơ bắp, hóa sinh ra tinh huyết thống nhiếp huyết dịch. Huyết có tác dụng vận tải dương khí, làm mềm mại cơ bắp; cả hai quan hệ chặt chẽ, cho nên trong quá trình diễn biến bệnh cơ của chứng Huyết hư thường thấy hai tình huống; một là huyết hư không chuyển tải được khí, thì khí cũng theo đó mà ít đi, dẫn đến chứng khí huyết đều hư, biểu hiện các chứng trạng sắc mặt trắng xanh, hồi hộp mất ngủ, thiểu hơi biếng nói, mỏi mệt tự ra mồ hôi, lưỡi nhợt bệu, mạch Tế Nhược. Hai là do bị mất huyết mạn tính kéo dài, hoặc mất nhiều huyết đột ngột, huyết hải rỗng không, chân âm bất túc dẫn đến chứng Huyết thoát; có chứng trạng sắc mặt trắng bệch, non nớt không tươi, hoa mắt chóng mặt, chân tay mát lạnh, mạch rỗng không… Vì mất huyết quá nhiều, huyết thoát khí không nơi dựa, khí sẽ theo đó mà thoát ra đột ngột, cũng có thể hình thành chứng Khí theo huyết mà thoát, có chứng trạng sắc mặt trắng xanh, ra mồi hôi tay chân lạnh tay chân không ấm, thậm chí ngã lăn quay, mạch Vi Tế hoặc Khâu.v.v. Khi điều trị cần căn cứ vào lý luận “Huyết là vật hữu hình không sinh được nhanh, Khí là thứ vô hình phải củng cố gấp” nên bổ khí cố thoát, đề phòng tai biến vong dương.

Chẩn đoán phân biệt

– Chứng Âm hư với chứng Huyết hư, cả hai đều là Hư chứng ; Huyết thuộc âm, tinh – tân – dịch cũng thuộc âm, hơn nữa “tinh huyết cùng một nguồn”, “Tân-Huyết cùng một nguồn”. Phạm vi chứng âm hư rộng hơn chứng Huyết hư. Nói theo nguyên nhân bệnh, chứng huyết hư là do Tỳ Vị hư yếu, nguồn sinh hóa bất túc, thất tình uất kết, ốm lâu không khỏi, mất nhiều máu gây nên ; Huyết hư không tu dưỡng lên đầu mặt thì hoa mắt chóng mặt, không dồn lên mặt nên sắc mặt trắng xanh hoặc vàng bủng, sắc môi trắng nhợt, doanh huyết bất túc, Tâm không được nuôi dưỡng, nên hồi hộp mất ngủ, huyết hư không nuôi dưỡng gân mạch lên tay chân tê dại thậm chí co rút; huyết hải bất túc Xung Nhâm rỗng không, nên kinh nguyệt không điều, thậm chí bế kinh, Huyết hư không dồn lên lưỡi nên chất lưỡi nhợt; mạch đạo không đầy đủ nên mạch Tế Nhược. Còn chứng Âm hư, phần nhiều do ốm lâu, âm phần bất túc, bệnh nhiệt thương tân, hao dịch, hoặc hãn, thổ hạ thái quá gây nên, Âm hư sinh nội nhiệt, hư nhiệt quấy rối ở trong nên lòng bàn tay bàn chân nóng, về chiều trào nhiệt; Hư nhiệt ở trong dồn tân dịch ra ngoài lên mồ hôi trộm; tân dịch trong cơ thể suy hao nên miệng ráo họng khô, tiểu tiện sẻn đỏ, âm hư hỏa vượng lên lưỡi đỏ ít rêu hoặc không có rêu, mạch thấy Tế Sác. Như vậy thì thấy phân biệt chứng Huyết hư với chứng hư Âm chủ yếu ở chỗ: Chứng Huyết hư đột xuất ở chữ “Sắc” tức là sắc mặt trắng xanh, môi miệng trắng nhợt, móng tay chân kém tươi; mà chứng Âm hư nổi lên ở chữ “nhiệt” tức là Tâm nhiệt, triều nhiệt, đạo hãn v.v. Phân biệt ở chỗ đó.

– Chứng Huyết thoát với chứng Huyết hư. Cả hai đều ở phạm vị huyết dịch trong cơ thể suy kém. Chứng huyết thoát nặng hơn chứng huyết hư.Chứng Huyết thoát có thể từ chứng Huyết hư phát triển thêm một bước ; cũng có thể do đột ngột do mất quá nhiều máu gây nên. Vì mối quan hệ âm dương hỗ căn, âm tổn liên luỵ đến dương, mất huyết quá nhiều, khí không nơi nương tựa, huyết thoát thì khí cũng theo đó mà thoát đột ngột. Cho nên sau khi huyết thoát thường xuất hiện chứng hậu khí theo huyết thoát, có chứng trạng sắc mặt trắng xanh, chân tay không ấm, tự ra mồ hôi, da lạnh, hơi thở thấp nhẹ, mạch Vi Tế hoặc Khâu, nặng hơn thì thành Vậng quyết, rõ ràng biểu hiện khác với chứng Huyết hư, phân biệt không khó khăn gì.

Trích dẫn y văn

– Chính Xung là do huyết hư. chính xung không giờ giấc nhất định phần nhiều là huyết ít(Kinh quí chính xung – Đan Khê tâm pháp). Chứng phát nhiệt ở huyết phận thì ban ngày yên tĩnh, ban đêm phát nhiệt, môi khô miệng ráo trái lại không muốn uống nước, khi ngủ ra mồ hôi trộm, đó là chứng phát nhiệt ở huyết phận vậy. Nguyên nhân huyết phận phát nhiệt, hoặc là sau khi mắc bệnh nhiệt, nhiệt ẩn náu ở trong huyết ; hoặc là âm huyết von suy kém, huyết hư hỏa vượng, cả hai đều có thể gây nên huyết phận phát nhiệt (chứng nhân mạch trị – quyển 1)

– Huyết phối hợp với Khí, Khí sở dĩ thông sướng là nhờ có huyết giúp đỡ, Các loại thổ huyết, Nục huyết, băng lậu, sau khi đã bị vong âm là do Can không thu nhiếp được Vinh khí, làm cho con đường của các loại huyết đi càn, cho nên chứng Huyễn vậng là do huyết hư (Thượng khiếu môn – Chứng trị vậng bổ).

– Chứng huyết hư có chứng trạng sáng mát tối nóng, lòng bàn tay chân nóng, da dẻ khô khan tróc vẩy, môi trắng bạch, phụ nữ thì hành kinh trồi xụt không điều, mạch Tế vô lực, nên dùng phép Bổ điều trị (Huyết chứng – Chứng trị vậng bổ).

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Mới nhất
Cũ nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận