Huyệt Đại Chùy

HUYỆT: Đại Chùy

HÌNH ẢNH

TÊN HUYỆT

Huyệt ở dưới xương to (đại) ở cổ, có hình dáng giống quả chùy (chùy) vì vậy gọi là ĐạiChùy.

TÊN KHÁC

Bách Lao, Thượng Trử.

XUẤT XỨ

Thiên ‘Khí Phủ Luận’ (Tố Vấn 59).

VỊ TRÍ

Ngồi ngay, hơi cúi đầu xuống một ít, phần dưới cổ nổi lên từ 1 – 3 u xương tròn, đặt lên mỗi u xương một ngón tay rồi bảo người bịnh quay đầu qua lại về bên phải, bên trái, cúi ngửa, u xương tròn nào cao nhất động đậy dưới ngón tay nhiều là đốt sống cổ 7, huyệt ở chỗ lõm ngay dưới đầu mỏm gai của đốt này.

ĐẶC TÍNH

• Huyệt thứ 14 của Mạch Đốc.

• Hội của mạch Đốc với 6 kinh Dương.

TÁC DỤNG

Giải biểu, thông dương, thanh não, định thần, sơ biểu tà ở 3 đường kinh dương, thông dương khí toàn thân, thanh tâm, định thần, giáng phế, điều khí, nâng cao sức đề kháng cơ thể.

CHỦ TRỊ

Trị cổ gáy đau cứng, mệt mỏi, sốt rét, cảm cúm, ho, sườn đau, ngực tức, đau, đờm dãi nhiều, phế quản tiết ứ dịch.

CHÂM CỨU

Châm chếch lên, luồn kim dưới mỏm gai, hướng vào khoảng gian đốt sống cổ 7 – lưng 1, sâu 0,5 – 1 thốn. Tùy yêu cầu, có thể làm cho cảm giác lan lên đầu hoặc sang 2 bên vai. Cứu 10 – 15 phút.

GIẢI PHẪU

• Dưới da là gân cơ thang, gân cơ trán, gân cơ răng bé sau – trên, cơ gối đầu, cơ gian gai, cơ ngang gai, dây chằng trên gai, dây chằng gian gai, dây chằng vàng, ống sống.

• Thần kinh vận động cơ là nhánh của dây thần kinh sọ não XI, các nhánh của đám rối cổ, các nhánh của thần kinh sống. Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đoạn thần kinh D3.



PHỐI HỢP HUYỆT

1.Phối Yêu Du (Đc 2) trị sốt rét (Tư Sinh Kinh).

2.Phối Gian Sử (Tb 5) + Nhũ Căn (Vi 18) trị sốt rét (Châm cứu Đại Thành).

3.Phối Hợp Cốc (Đtr 4) + Ngoại Quan (Ttu 5) + Phong Trì (Đ 20) + Thiếu Thương (P 11) trị cảm phong nhiệt (Trung Quốc Châm cứu Học Khái Yếu).

4.Phối Khúc Trì (Đtr 11)) + Tam Âm Giao (Ty 6) + Túc Tam Lý (Vi 36) + Tỳ Du (Bq 20) trị bạch tế bào giảm (Châm cứu Học Thượng Hải).

5.Phối Khúc Trì (Đtr 11) + Phong Trì (Đ 20) trị cảm cúm (Châm cứu Học Thượng Hải).

6.Phối Phong Long (Vi 40) + Trung Quản (Nh.12) trị khí quản viêm (Châm cứu Học Thượng Hải).

7.Phối Đào Đạo (Đc 13) + Thân Trụ (Đc 12) + Vô Danh (dưới đốt sống lưng 2) trị tâm thần phân liệt (Châm cứu Học Thượng Hải).

8.Phối Chí Dương (Đc 10) + Gian Sử (Tb 5) trị sốt rét (Châm cứu Học Thượng Hải).

9.Phối Âm Khích (Tm.6) + Hậu Khê (Ttr.3) + Quan Nguyên (Nh.4) trị mồ hôi trộm (Trung Hoa Châm cứu Học).

10.Phối Kiên Tỉnh (Đ 21) + Mệnh Môn (Đc 4) + Thân Trụ (Đc 12) và quanh vùng bịnh, trị tĩnh mạch viêm (Tân Châm cứu Học).

10.Phối Phong Môn (Bq 12) + Phế Du (Bq 13) + Đàn Trung (Nh.17) trị ho suyễn (Tứ Bản Giáo Tài Châm cứu Học).

GHI CHÚ

• Không nên châm sâu quá.

• Nếu có cảm giác như điện giật thì rút kim ra, đừng dùng cách Đề Tháp hoặc vê kim nữa.

• Trong điều trị chứng phế quản tiết ứ dịch, khi vê kim để kích thích, nếu người bệnh có phản ứng thở dội lên thì thường có kết quả tốt (Châm cứu Học Việt Nam).

THAM KHẢO

• “Đại Chùy phối Nội Quan (Tb 6). Nội Quan là lạc huyệt của kinh Tâm Bào, nối vào kinh Tam Tiêu, thông với mạch Dương Duy. Dựa theo đường vận hành của nó, có thể trị được các bệnh ở vùng ngực. Đại Chùy là huyệt Lạc của 3 kinh Dương ở tay và mạch Đốc. Châm Đại Chùy để điều hòa khí ở thái dương, khi khí được hòa thì thủy tự nhiên thông. Đại Chùy kết hợp với Nội Quan để tuyên thông dương khí của Tâm, thông lợi được Tam Tiêu, sơ thông ứng trệ. Khi Tam Tiêu được lưu thông nước sẽ đến Bàng Quang, đờm sẽ tự trừ. Cách phối huyệt này có thể so sánh với bài Đại Thanh Long Thang hoặc Tiểu Thanh Long ThangLinh Quế TruậtCam Thang của Trương Trọng Cảnh” (Phối huyệt Khái Luận Giảng Nghĩa).

• “Châm huyệt Đại Chùy + Túc Tam Lý (Vi 36) của thỏ, thấy khả năng thực bào của bạch cầu tăng (Viện Nghiên Cứu Trung Y Thiểm Tây Trung Quốc).

• “Châm huyệt Đại Chùy, Túc Tam Lý (Vi 36), Can Du (Bq 18), Đởm Du (Bq 19), Thận Du (Bq 23) của động vật đều thấy nâng cao được năng lực thực bào của hệ thống nội võng mạc” (Đại Học Y Cát Lâm Trung Quốc).

• “Tiêm vacin ho gà cho thỏ rồi châm hoặc châm và kích thích điện 2 huyệt Túc Tam Lý và Đại Chùy (Đc 14) thấy hiệu giá ngưng kết tố (agglutinine) cao lên rõ, hiệu gia ngưng kết hồng cầu gián tiếp cũng được nâng cao (Viện Nghiên Cứu Trung Y Thiểm Tây – Trung Quốc).

• “Huyệt Hợp Cốc, Đại Chùy (Đc 14), Liệt Khuyết (P 7), Ngoại Quan (Ttu 5), Phong Môn (Bq 12), có tác dụng khác nhau. Cả 5 huyệt đều có tác dụng giải biểu nhưng có điểm khác nhau: Hợp Cốc : khứ phong, sơ vệ, thanh nhiệt, giải biểu, năng tuyên Phế, thanh Phế. Đại Chùy : tuyên dương, thoái nhiệt, giải biểu, năng giải biểu tà ở gáy và lưng. Liệt Khuyết: sơ vệ, giải biểu, năng tuyên Phế, chỉ khái, bình suyễn. Ngoại Quan : thanh nhiệt, giải biểu, năng thanh nhiệt ở thượng tiêu. Phong Môn : khứ phong, sơ Vệ, giải biểu, năng tuyên Phế. (Thường Dụng Du Huyệt Lâm Sàng Phát Huy).

• “Hợp Cốc, Đại Chùy (Đc 14), Khúc Trì (Đtr 11), Phong Môn (Bq 12), Phong Phủ (Đc 16), cả 5 huyệt đều có tác dụng khứ phong nhưng có điểm khác biệt: Hợp Cốc trị ngoại phong, trừ phong ở nửa trên cơ thể, làm yên phong tà ở đầu, gáy, mặt, miệng. Đối với phong hàn, phong nhiệt phạm phế, nó có tác dụng thanh nhiệt, giải biểu, tuyên Phế. Đại Chùy trị ngoại phong kiêm trị Can phong, trừ được phong ở nửa thân trên như ở đầu, gáy, vai lưng. Đối với chứng cảm phong nhiệt, phong hàn, nó có tác dụng khứ phong, tuyên dương, giải biểu. Khúc Trì trị ngoại phong, trừ phong ở toàn thân. Đối với các chứng phong tà xâm nhập gân cơ, bì phu, nó có tác dụng khứ phong tà, tuyên thấu, giải biểu. Phong Môn trị ngoại phong, trừ phong ở nửa thân trên như gáy, lưng, vai. Đối với chứng phong hàn, phong nhiệt xâm nhập vào phần Vệ, vào Phế, nó có tác dụng khứ phong, sơ vệ, giải biểu, tuyên Phế. Phong Phủ trị ngoại phong kiêm trị não phong, trừ phong ở nửa phần trên như đầu, gáy, vai lưng. Đối với chứng cảm phong hàn, phong nhiệt, nó có tác dụng khứ phong, tán tà, giải biểu” (Thường Dụng Du Huyệt Lâm Sàng Phát Huy).

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Mới nhất
Cũ nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận