Huyệt Cách Du

HUYỆT: Cách Du

HÌNH ẢNH

TÊN HUYỆT

Huyệt có tác dụng đưa kinh khí vào (du) hoành cách mô (cách), vì vậy gọi là Cách Du.

XUẤT XỨ

Thiên ‘Bối Du’ (Linh Khu 51).

VỊ TRÍ

Dưới gai đốt sống lưng 7, đo ngang ra 1,5 thốn, ngang huyệt Chí Dương (Đc 9).

ĐẶC TÍNH

• Huyệt thứ 17 của kinh Bàng Quang.

• Huyệt đặc biệt để tản khí Dương ở Hoành cách mô, Thực quản.

• Huyệt Hội của Huyết.

• Huyệt để tả khí Dương ở Ngũ Tạng (Tố Vấn 32 và Linh Khu 51).

• 1 trong Tứ Hoa Huyệt (Cách Du + Can Du).

• 1 trong Lục Hoa Huyệt (Cách Du + Can Du + Tỳ Du).

• Tương ứng với huyệt Trung Trạch của Nhật Bản.

TÁC DỤNG

Lý khí, hóa ứ, bổ hư lao, thanh huyết nhiệt, hòa Vị khí, thư dãn vùng ngực

CHỦ TRỊ

Trị các bệnh có xuất huyết, máu thiếu, nấc cụt, nôn mửa do thần kinh, co thắt cơ hoành, thắt lưng đau, mồ hôi ra nhiều, mồ hôi trộm, kém ăn.

CHÂM CỨU

Châm xiên về cột sống 0,5 – 0,8 thốn. Cứu 3 – 5 tráng. Ôn cứu 5 – 10 phút.

GIẢI PHẪU

• Dưới da là cơ thang, cơ lưng to, cơ lưng dài, cơ bán gai của ngực, cơ ngang – gai, cơ ngang – sườn, vào trong là phổi.

• Thần kinh vận động cơ là nhánh của dây thần kinh sọ não XI, nhánh của đám rối cổ sâu, nhánh của đám rối cánh tay, nhánh của dây thần kinh gian sườn 7 và nhánh của dây sống lưng 7.

• Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đoạn thần kinh D7.

PHỐI HỢP HUYỆT

1.Phối Can Du (Bq 18) trị điên (Giáp Ất Kinh).

2.Phối Can Du (Bq 18) + Đại Trữ (Bq 11) + Đào Đạo (Đc 13) + Ngọc Chẩm (Bq 9) + Tâm Du (Bq 15) trị mồ hôi không ra, tay chân lạnh quá, sợ lạnh (Bị Cấp Thiên Kim Yếu Phương).

3.Phối Kinh Môn (Đ 25) + Xích Trạch (P 5) + Y Hy (Bq 45) trị vai lưng lạnh, hư thống trong bả vai (Bị Cấp Thiên Kim Yếu Phương).

4.Phối Chương Môn (C 13) + Thượng Quản (Nh 13) trị nôn mửa (Bị Cấp Thiên Kim Yếu Phương).

5.Phối Thái Khê (Th 3) trị sốt rét cách nhật (Tư Sinh Kinh).

6.Phối Kinh Cừ (P 8) trị họng đau (Tư Sinh Kinh).

7.Phối Dương Cốc (Ttr 5) trị bụng đầy trướng, vị quản đau thắt (Tư Sinh Kinh).

8.Phối Thông Cốc (Bq 66) trị tích tụ (Châm cứu Đại Thành).

9.Phối Can Du (Bq 18) + Nội Quan (Tb 6) + Thừa Sơn (Bq 57) + Trường Cường (Đc 1) trị tạng độc, tiêu ra máu không cầm (Châm cứu Đại Thành).

10.Phối Cao Hoang (Bq 43) + Đản Trung (Nh 17) + Nhũ Căn (Vi 18) + Tâm Du (Bq 15) + Thiên Phủ (P 3) + Túc Tam Lý (Vi 36) + Tỳ Du (Bq 20) trị ế cách (Loại Kinh Đồ Dực).

10.Phối Gian Sử (Tb 5) + Hành Gian (C 3) + Phục Lưu (Th 7) + Thận Du (Bq 23) + Túc Tam Lý (Vi 36) trị chứng huyết cổ (Loại Kinh Đồ Dực).

12.Phối Chương Môn (C 13) + Đại Đôn (C 1) + Liệt Khuyết (P 7) + Tam Tiêu Du (Bq 22) + Thận Du (Bq 23) trị tiểu ra máu (Loại Kinh Đồ Dực).

13.Phối Can Du (Bq 18) + Đại Đôn (C 1) + Gian Sử (Tb 5) + Huyết Hải (Ty 10) + Khí Hải (Nh 6) + Nhiên Cốc (Th 2) + Phục Lưu (Th 7) + Quan Nguyên (Nh 4) + Thạch Môn (Nh 5) + Thận Du (Bq 23) + Tỳ Du (Bq 20) trị tiểu gắt, tiểu buốt (Loại Kinh Đồ Dực).

14.Phối Can Du (Bq 18) + Khí Hải (Nh 6) + Liệt Khuyết (P 7) + Thận Du (Bq 23) + Trung Phong (C 4) + Tỳ Du (Bq 20) trị tiểu gắt, tiểu buốt (Loại Kinh Đồ Dực).

15.Phối Cự Khuyết (Nh 14) Tam Tiêu Du (Bq 22) trị nôn mửa, ăn không vào (Thần Cứu Kinh Luân).

16.Phối Tỳ Du (Bq 21) + Tam Tiêu Du (Bq 22) + Đại Trường Du (Bq 25) + Quan Nguyên (Nh 4) + Túc Tam Lý (Vi 36) có tác dụng ích huyết (Trung Quốc Châm cứu Học).

17.Phối Can Du (Bq 18) + Thận Du (Bq 23) + Túc Tam Lý (Vi 36) + Tam Âm Giao (Ty 6) + Thái Xung (C 3) trị huyết hư (Trung Hoa Châm cứu Học).

18.Phối Cao Hoang (Bq 43) trị đờm ẩm (Châm cứu Học Thượng Hải).

THAM KHẢO

• “Nhiệt bệnh khí huyệt ở giữa dưới đốt sống thứ 7 chủ về Thận nhiệt” (Tố Vấn 32, 45).

• “Các bệnh về huyết, nên cứu huyệt Cách Du” (Loại Kinh Đồ Dực).

• “Một số báo cáo cho thấy đối với thỏ bị thiếu máu (bần huyết), châm huyệt Cách Du + Cao Hoang Du thấy phần lớn hồng cầu đều tăng trên dưới 4.000.000/mm 3 (Trung Y Cương Mục).

• “Châm huyệt Cách Du thấy chuyển động của hoành cách mô tăng” (Trung Y Cương Mục).

• “Bổ pháp: có tác dụng bổ dưỡng âm huyết, nhiếp huyết, chỉ huyết, giống như các vị A Giao, Bạch Thược, Đương Quy, Long Nhãn Nhục, Phục Long Can, Thục Địa, Tử Hà Xa.

Tả Pháp: có tác dụng khứ ứ, thông lạc, khoan cách, lý khí.

Trước bổ sau tả: có tác dụng điều huyết, hoạt huyết, khứ ứ, sinh tân; tác dụng giống như các vị thuốc Đơn Bì, Đan Sâm, Đào Nhân, Địa Du, Hồng Hoa, Hương Phụ, Quy Vĩ, Sinh Địa, Tây Thảo, Trần Bì (Thường Dụng Du Huyệt Lâm Sàng Phát Huy).

• “Tam Âm Giao, Huyết Hải, Cách Du là 3 huyệt chủ yếu trị về huyết, tuy nhiên có sự khác biệt: Cách Du: trị bệnh huyết ở Tâm, Can, Phế, thiên về chữa huyệt ở nửa phần trên cơ thể, các bệnh xuất huyết mạn tính” . Huyết Hải: trị bệnh huyết ở chi dưới. Tam Âm Giao: trị bệnh huyết ở toàn thân, thường dùng trị phụ nữ huyết có thấp (Du Huyệt Công Năng Biệt Giám).

• “Châm huyệt Cách Du quá sâu đã có trường hợp chết người” (Bắc Kinh Trung Y Tạp Chí 4/1955).

GHI CHÚ

• Không châm sâu vì có thể đụng phổi.

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Mới nhất
Cũ nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận