1. Mở đầu.
1.1. Định nghĩa:
Hội chứng thắt lưng-hông là một khái niệm lâm sàng, bệnh cảnh gồm có các triệu chứng biểu hiện bệnh lý của cột sống thắt lưng và bệnh lý của dây thần kinh hông to.
1.2. Đặc điểm giải phẫu:
Cột sống thắt lưng và các cấu trúc giải phẫu thần kinh như tủy sống, các rễ thần kinh tủy sống có mối quan hệ giải phẫu khăng khít với nhau .
Các khoanh đoạn tủy thắt lưng L1, L2 nằm ngang mức đốt sống D11 và các khoanh đoạn tủy L3, L4, L5 nằm ngang mức đốt sống D12. Chóp tủy nằm ngang mức đốt sống L1.
Từ các khoanh đoạn trên, các rễ thần kinh tương ứng đi ra, các nhánh trước của các dây thần kinh tủy sống tạo thành đám rối thần kinh. Đám rối thần kinh thắt lưng – cùng được tạo thành bởi một phần các nhánh trước của dây thần kinh L3, L4 và S3 cùng các dây L5, S1, S2.
Tủy sống kết thúc ngang mức đốt sống L1– L2. Bao rễ thần kinh kết thúc ở mức S2.
Khi cột sống hoặc đĩa đệm có những thay đổi bệnh lý thì các dây rễ thần kinh cũng dễ bị tổn thương theo.
2. Lâm sàng hội chứng thắt lưng hông.
Hội chứng thắt lưng hông gồm có hai hội chứng thành phần là hội chứng cột sống và hội chứng rễ thần kinh.
2.1. Hội chứng cột sống:
+ Đau:
Đau cột sống thắt lưng có thể xuất hiện đột ngột cấp tính tự phát hoặc sau chấn thương, nhưng cũng có thể xuất hiện từ từ theo kiểu bán cấp hoặc mạn tính. Đau thường khu trú rõ ở những đốt sống nhất định. Cường độ đau nếu cấp tính có thể dữ dội, nếu bán cấp và mạn tính có thể chỉ âm ỉ.
+ Điểm đau cột sống: khi khám ấn trên mỏm gai các đốt sống bệnh nhân sẽ thấy đau chói ở các trên đốt sống bị bệnh.
+ Biến dạng cột sống:biểu hiện là thay đổi cong sinh lý cột sống thắt lưng (giảm ưỡn, mất ưỡn cột sống thắt lưng hoặc cong sinh lý đảo ngược có nghĩa là cột sống thắt lưng không ưỡn như bình thường mà lại gù) và lệch vẹo cột sống.
+ Giảm biên độ hoạt động của cột sống thắt lưng:
Các động tác cúi, ngửa, nghiêng, xoay cột sống đều bị hạn chế.
Khi cúi: chỉ số Schober giảm (< 14/10), khoảng cách ngón tay – nền nhà tăng (> 0 cm).
2.2. Hội chứng rễ thần kinh:
+ Đau rễ thần kinh:
– Đau lan dọc theo đường đi của rễ thần kinh tương ứng. Tính chất đau nhức, buốt như nhức mủ.
– Đau có tính chất cơ học (khi nghỉ ngơi giảm hoặc không đau; khi đứng, đi lại, ho hắt hơi… đau tăng). Tuy nhiên cũng có khi bệnh nhân đau liên tục không lệ thuộc vào tư thế.
– Giảm khả năng đi lại, hoạt động và sinh hoạt của bệnh nhân.
+ Các dấu hiệu căng rễ thần kinh:
Đó là các nghiệm pháp nhằm phát hiện một dây hoặc rễ thần kinh nào đó có tăng kích thích không?
– Điểm đau cạnh sống: ấn trên đường cạnh sống, ngang điểm giữa của khe gian đốt bệnh nhân thấy đau.
– Các điểm đau Valleix: ấn trên một số điểm dọc đường đi của dây thần kinh hông to thì bệnh nhân đau.
– Dấu hiệu Lasègue dương tính.
– Dấu hiệu Déjerine dương tính: ho hắt hơi bệnh nhân đau tăng.
– Dấu hiệu Siccar dương tính: gấp bàn chân về phía mu, trong khi chân duỗi thẳng bệnh nhân sẽ thấy đau.
– Dấu hiệu Bonnet dương tính: gấp mạnh cẳng chân vào đùi và đùi vào bụng bệnh nhân thấy đau.
+ Rối loạn cảm giác:
Rối loạn cảm giác nông tại vùng da do các rễ thần kinh bị tổn thương phân bố. Trong đó có hai rễ quan trọng là rễ L5 và S1.
– Rễ L5: phân bố cảm giác cho dải da dọc mặt ngoài đùi, cẳng chân tới mắt cá ngoài, mu bàn chân và ngón chân 1- 2.
– Rễ S1: phân bố cảm giác cho dải da dọc mặt sau đùi, cẳng chân, tới gót chân và gan bàn chân.
+ Rối loạn vận động:
– Bệnh nhân không đi xa được do đau, đi phải nghỉ từng đoạn.
– Yếu các cơ do các rễ thần kinh bị tổn thương phân bố:
. Rễ L5: nhóm cơ chày trước bị yếu, bệnh nhân gấp bàn chân về phía mu khó khăn, khi làm nghiệm pháp đứng trên gót chân bệnh nhân đứng rất khó.
. Rễ S1: giảm sức cơ dép, bệnh nhân gặp khó khăn khi duỗi thẳng bàn chân, khi làm nghiệm pháp đứng trên mũi bàn chân bệnh nhân đứng rất khó khân.
+ Rối loạn phản xạ:
Khi có tổn thương rễ thần kinh S1 sẽ thấy giảm hoặc mất phản xạ gân gót.
+ Rối loạn thực vật dinh dưỡng:
Nhiệt độ da giảm, rối loạn tiết mồ hôi, mất phản xạ dựng lông, lông chân khô dễ gẫy, teo cơ. Các triệu chứng rối loạn thực vật chỉ thấy rõ khi có tổn thương dây thần kinh ngoại vi. Trong tổn thương rễ thần kinh các biểu hiện trên không rõ rệt lắm.
3. Nguyên nhân.
+ Thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng.
+ Lao cột sống thắt lưng.
+ Chấn thương cột sống thắt lưng.
+ Viêm cột sống dính khớp.
+U rễ thần kinh.
+ U cột sống.
+ Thoái hoá cột sống thắt lưng…
4. Điều trị.
+ Điều trị nguyên nhân bằng phẫu thuật hoặc các phương pháp điều trị bảo tồn.
+ Các thuốc chống viêm steroide (solumedrol – depotmedrol – hydrocortizon…).
+ Dùng thuốc giảm đau chống viêm non – steroid
– Tilcotil ống hoặc viên hàm lượng 20 mg.
– Dilofenac.
+ Các thuốc giảm đau chống viêm non-steroid ức chế ưu thế hoặc chọn lọc COX2… như vioxx…
+ Dùng các thuốc giãn cơ
– Myonal dạng uống 50mg.
– Mydocalm dạng uống 50 mg.
– Sirdalud dạng uống 2mg.
– Décontractyl 0,25…
+ Các vitamin nhóm B.
+ Các phương pháp điều trị không dùng thuốc như kéo dãn, điều trị lý liệu kết hợp, bấm huyệt, châm cứu.
Theo dõi
Đăng nhập
0 Comments
Mới nhất