Hội chứng cơ bậc thang trước

1. Triệu chứng.

Hội chứng cơ bậc thang trước do H.Naffziger mô tả năm 1935. Triệu chứng là tê và đau buốt (cảm giác như kim châm) ở cánh tay, bàn tay và ngón tay, kèm theo giảm cảm giác, giảm vận động ở những ngón tay và những ngón tay nắm chặt lại. Đau thường ở rất sâu, khó mô tả, đau như mơ hồ ở cánh tay và bàn tay. Triệu chứng thường hay xuất hiện vào buổi sáng sớm làm người bệnh thức dậy hoặc xuất hiện sau một thời gian ngồi lâu, ngồi duỗi chân hoặc ngồi làm việc như ngồi khâu vá hay ngồi đan…

Dấu hiệu thăm khám lâm sàng có rất ít hoặc không thấy gì đặc biệt, thử nghiệm để chẩn đoán dương tính là nghiệm pháp Adson (hay nghiệm pháp cơ bậc thang trước) như sau: xoay hộp sọ bệnh nhân sang bên đau, duỗi hộp sọ ra sau, giạng cánh tay và yêu cầu bệnh nhân thở sâu rồi bắt mạch quay ở cánh tay giạng này. Nếu thấy mạch quay giảm đi và bệnh nhân thấy xuất hiện những triệu chứng như trên thì đó là nghiệm pháp dương tính. Cơ chế tạo ra triệu chứng trong nghiệm pháp này được giải thích như sau:

Cơ bậc thang trước bám nguyên uỷ vào gai ngang các đốt sống cổ từ C3 đến C6 và bám tận vào bờ trên xương sườn 1 gần xương ức. Các bó của cơ bậc thang trước tạo với xương sườn thứ nhất một tam giác mà đám rối thần kinh cánh tay và động mạch dưới đòn đi qua. Trong nghiệm pháp Adson, khi quay và duỗi cột sống làm co cơ bậc thang trước, khi thở sâu do cơ bậc thang trước còn là một cơ hô hấp nên làm xương sườn 1 bị nâng lên, các động tác trên đều làm cho tam giác bị hẹp lại làm chèn ép bó mạch thần kinh đi qua gây nên các triệu chứng trên.

2. Nguyên nhân.

– Do tổn thương cơ bậc thang trước: do mệt mỏi, do hoạt động quá mức, hoặc sang chấn do tai nạn hay do đặc thù nghề nghiệp.

– Co thắt cơ bậc thang do hẹp lỗ tiếp hợp gây kích thích rễ thần kinh: yếu tố tác động đối với rễ thần kinh thường là thoái hóa cột sống cổ hay viêm khớp mấu lồi đốt sống xâm nhập vào lỗ tiếp hợp ở người cao tuổi.

– Sườn hóa đốt sống cổ 7 hoặc gai ngang đốt cổ 7 quá phát: cũng là nguyên nhân gây chèn ép bó mạch thần kinh dưới đòn.

3. Điều trị.

Điều trị hội chứng cơ bậc thang trước cũng giống như điều trị hội chứng chèn ép của đĩa đệm cột sống, cải thiện tình trạng uốn cong quá mức của cột sống cổ, cải thiện tư thế làm mở rộng lỗ tiếp hợp. Những phương pháp chính để thực hiện những điều trên là: tập vận động, kéo giãn, băng cravat, thuốc giãn cơ.

untitled

Hình 1. Bài tập nâng vai với tay xách vật nặng tư thế ngồi và đứng

Trong đó bài tập nâng vai có trở kháng làm tăng cơ lực, tăng tầm vận động và tăng độ bền vững cho các cơ là những bài tập được áp dụng điều trị mang lại hiệu quả khả quan: Bệnh nhân ở tư thế ngồi tựa lưng vào tường, tỳ hộp sọ và gáy vào tường làm giảm độ ưỡn cong của cột sống cổ, hai tay duỗi thẳng sát thân và xách hai vật nặng, nhấc vai lên đến hết tầm vận động, giữ nguyên một lúc rồi từ từ hạ xuống một cách chậm rãi. Bài tập được thực hiện thường xuyên liên tục với trọng lượng tăng dần. Bài tập tương tự cũng có thể thực hiện ở tư thế đứng với vai nâng lên cao và hơi ra sau (Hình 1).

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Mới nhất
Cũ nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận