Vì muốn có nụ cười thêm phần duyên dáng, không ít phụ nữ đã quyết định đi thủ thuật tạo… má lúm đồng tiền. Tuy nhiên, các chuyên gia cho hay: Nhiều trường hợp sau khi tạo lúm đồng tiền đã xuất hiện triệu chứng má bị sưng, tấy đỏ – biểu hiện của viêm, giai đoạn sớm của nhiễm trùng.
Đây cũng là biến chứng khá phổ biến của thủ thuật này. Do vậy, để giảm nguy cơ rủi ro do thủ thuật tạo má lúm đồng tiền nhân tạo, các chuyên gia khuyến cáo, khách hàng nên lựa chọn các cơ sở chuyên khoa phẫu thuật tạo hình – thẩm mỹ uy tín, được cấp phép hoạt động để đảm bảo an toàn.
“Mất tiền thêm lo” khi đi tạo lúm đồng tiền
Mới đây, trên mạng xã hội đang chia sẻ một đoạn status (trạng thái) kèm theo các bức ảnh gương mặt bị sưng phù, biến dạng của một cô gái trẻ có tên M.H tại Hà Nội. Theo chia sẻ, nguyên nhân khiến mặt cô gái trở nên như vậy là do bị nhiễm trùng sau khi tiến hành tiểu phẫu tạo má lúm đồng tiền ở một cơ sở thẩm mỹ nhỏ trên địa bàn.
M.H cho biết, 3 tháng trước, vì muốn có thêm nét duyên dáng mỗi khi cười nên cô quyết định giấu bố mẹ để đi làm đẹp. Khi má lúm mới tạo được ít ngày, H còn đi hút mụn và massage mặt. Sau đó, càng ngày cô gái trẻ càng thấy vết thủ thuật trên má bị sưng tấy, gây đau đớn. Chính vì thế bố mẹ H phải cho cô đi bệnh viện để khám. Tại đây, các bác sĩ cho hay, phần “hố” tạo má lúm của H có rất nhiều mủ, nếu không phẫu thuật nhanh thì sẽ hoại tử và có nguy cơ làm biến dạng mặt.
Hiện tại, cô gái này đã được mổ chỗ bị nhiễm trùng để hút mủ nhưng phần vết thương vẫn rất đau và hầu như không ăn uống được gì. H chia sẻ: “Đẹp chả thấy đâu, giờ thành… mặt thủng. Bây giờ không dám vác cái mặt thủng này ra đường nữa”. Cô gái này còn gửi lời khuyến cáo những ai có ý định muốn tạo má lúm đồng tiền nên cân nhắc kỹ lưỡng. Nên chọn những nơi uy tín, có giấy phép hành nghề phẫu thuật thẩm mỹ. Đặc biệt, sau khi tạo má lúm, cần giữ vệ sinh sạch sẽ để tránh gặp tai nạn đáng tiếc như trường hợp của cô.
Thực tế, không chỉ riêng H gặp “sự cố” khi mất tiền đi làm đẹp nhưng lại trở nên xấu hơn, nhiều phụ nữ khác cũng phải thừa nhận, đã từng trải qua trường hợp tương tự. Sau khi câu chuyện của H được chia sẻ trên mạng, Facebooker Hoa Vũ bình luận: “Đồng cảm với em. Hai năm trước chị cũng nhẹ dạ đi phẫu thuật tạo má lúm. Giờ nhìn lại cái “lỗ” trên mặt, chị cũng thấy hối hận vô cùng. Tốt nhất là để đẹp tự nhiên thôi mọi người ạ”.
Chị Phan Thanh Hằng (ở Trung Kính, Cầu Giấy, Hà Nội) cũng than thở: “Mình cũng từng bỏ tiền để thêm “duyên” nhưng duyên chả thấy đâu, chỉ thấy vô duyên hơn với cái hố sâu trên mặt. Má lúm của người ta thì khi cười mới thấy còn của mình thì lúc nào cũng “lù lù” ở đấy. Thậm chí khi cười còn méo xệch sang một bên. Nhìn vô duyên không chịu được. Cũng chính vì nó mà mình mất tự tin, không dám cười tự nhiên trước nơi đông người. Đúng là mất tiền, chịu đau đớn mà lại bị xấu hơn”.
Đề phòng nhiễm trùng
Theo quan niệm trong dân gian, má lúm đồng tiền tượng trưng cho sự may mắn và tạo nét duyên dáng cho khuôn mặt người sở hữu mỗi khi cười. Má lúm có thể xuất hiện cả hai bên má nhưng cũng có thể chỉ có ở một bên với kích thước và hình dạng khác nhau, tùy theo cơ địa của mỗi người. Còn theo các chuyên gia trong lĩnh vực tạo hình thẩm mỹ, má lúm đồng tiền xuất hiện do khiếm khuyết giữa da và cơ má. Theo đó, sự kết dính giữa da và cơ má sẽ kéo da vào bên trong, hình thành nên một vết lúm ngay ở da mặt nên được gọi là má lúm.
Chính bởi khiếm khuyết nhỏ này không gây hại đến sức khỏe, ngược lại còn giúp người sở hữu thêm duyên dáng, thu hút người đối diện nên nhiều người sẵn sàng bỏ tiền đi làm má lúm nhân tạo. Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến cáo, nếu không xử lý thận trọng, rất có thể rước họa vì nhiễm trùng dẫn đến những hậu quả đáng tiếc hơn.
Trao đổi với PV Báo GĐ&XH, ThS.BS Phạm Thị Việt Dung (Khoa Phẫu thuật tạo hình, Bệnh viện Xanh Pôn) cho biết: Kỹ thuật tạo lúm đồng tiền phổ biến hiện nay là dùng chỉ khâu tạo ra mối liên kết giữa các cơ cười với tổ chức dưới da ở đúng vị trí mong muốn. Mặc dù, đây là thủ thuật ít xâm lấn, thường không có biến chứng nặng nề, tuy nhiên nguy cơ nhiễm trùng, áp xe má rất cao nếu không được vệ sinh cẩn thận.
BS Phạm Thị Việt Dung phân tích: “Nhiều trường hợp sau khi tạo lúm đồng tiền xuất hiện triệu chứng má bị sưng, tấy đỏ. Đây là biểu hiện của viêm, giai đoạn sớm của nhiễm trùng. Đây cũng là biến chứng khá phổ biến của thủ thuật này, vì thông thường chỉ dùng để khâu tạo lúm đồng tiền sẽ được đưa vào từ phía trong má (khoang miệng) để tránh sẹo ở da lành vùng má, trong khi đó, vùng miệng là nơi cư trú của rất nhiều vi khuẩn gây hại. Hơn nữa, trong quá trình thao tác tạo má lúm, nếu không được thực hiện trong điều kiện vô trùng, khả năng bị viêm nhiễm dẫn đến nhiễm trùng cũng khá cao”.
BS Phạm Thị Việt Dung cho biết thêm, khoảng 1 tháng trở lại đây, Khoa Phẫu thuật tạo hình của Bệnh viện Xanh Pôn đã khám, tiếp nhận trên 20 trường hợp nhiễm trùng sau khi tạo lúm đồng tiền tại các cơ sở làm đẹp tư nhân. Theo BS Phạm Thị Việt Dung, để tạo một bên lúm đồng tiền tại các cơ sở thẩm mỹ thường có giá 4 – 5 triệu đồng. Tuy nhiên, hiện nay đang rộ lên trào lưu tạo má lúm đồng tiền tại các spa, các cơ sở cắt tóc, gội đầu…không phải do bác sỹ mà là các nhân viên spa thực hiện với mức giá chỉ khoảng 500.000 đồng đến 1 triệu đồng mỗi bên. Do vậy, các yếu tố về chuyên môn kỹ thuật cũng như trang thiết bị đảm bảo vệ sinh là vấn đề người dùng cần cân nhắc thật kỹ trước khi quyết định tạo thêm nét duyên trên gương mặt của mình.
Để giảm nguy cơ rủi ro do thủ thuật tạo má lúm đồng tiền nhân tạo, BS Phạm Thị Việt Dung khuyến cáo, khách hàng nên lựa chọn các cơ sở chuyên khoa phẫu thuật tạo hình – thẩm mỹ uy tín hoặc các phòng khám chuyên khoa phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ đã được sở y tế cấp phép hoạt động. Sau khi tạo má lúm, cần giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, nhất là bên trong khoang miệng để tránh nguy cơ bị nhiễm trùng do vi khuẩn xâm nhập vết thương.
Theo các nhà thẩm mỹ học, có 4 dạng má lúm: Má lúm đồng xu (tròn, to, sâu, nằm giữa má); má lúm hạt gạo (hay còn gọi là má lúm đồng điếu hoặc má lúm đồng tiền nhỏ có kích thước như hạt gạo, thường nằm ở khóe miệng); má lúm đồng tiền dài (chạy dài theo hai bên khóe miệng) và má lúm đồng tiền lệch (chỉ xuất hiện ở một bên má và hơi lệch so với miệng). Hiện có 2 phương pháp tạo má lúm nhân tạo phổ biến hiện nay, đó là rạch một đường nhỏ bên trong niêm mạc má, phương pháp còn lại là luồn chỉ khâu qua da tạo ra mối liên kết giữa các cơ cười với tổ chức dưới da ở đúng vị trí mong muốn mà không cần làm phẫu thuật.
Mai Thùy
Nguồn: giadinh.net.vn