Gánh nặng y tế vì những vết thương lâu lành

Sáng 22-10, Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng đã tổ chức khánh thành “Đơn vị Điều trị bàn chân tiểu đường và vết thương lâu lành” và hội nghị khoa học với chủ đề “Thực hành điều trị vết thương phần mềm”.

Tại hội thảo, ThS-BS Lâm Văn Hoàng, Trưởng khoa Nội tiết, Bệnh viện Chợ Rẫy, nêu ra một thực tế: có những vết thương có thể kéo dài đến 2-3 năm hoặc hơn, ảnh hưởng rất lớn đến bệnh nhân, ví dụ như vết thương sau tai nạn giao thông không được chăm sóc tốt, vết thương ở người đái tháo đường hoặc do biến chứng của căn bệnh này…

Các dụng cụ chỉnh hình nhằm mục đích giảm tì đè hợp lý sẽ hỗ trợ rất nhiều trong điều trị bàn chân đái tháo đường với những vết thương, vết loét lâu lành

Bác sĩ chuyên khoa II Trần Đoàn Đạo, Phó Chủ tịch Hội Bỏng Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Điều trị vết thương, TP HCM, thì ví vết thương mạn tính (tức những vết thương khó lành) có thể coi như một bệnh dịch thầm lặng và có xu hướng gia tăng hiện nay. Có 3 nguyên nhân chính được đưa ra: dân số già hơn với tỉ lệ sống thọ từ 70-80 tuổi trở lên ngành càng nhiều, trong khi vết thương và vết thương khó lành thường xuất hiện nhiều ở người cao tuổi; nhiễm khuẩn bệnh viện (ví dụ theo các thống kê ở Việt Nam và thế giới, tỉ lệ nhiễm khuẩn vết mổ lên đến 5-7% sau các ca phẫu thuật); ngoài ra còn là sự gia tăng “đáng kính ngạc” của các bệnh lý liên quan đến vết thương khó lành, như đái tháo đường và các ca viêm loét sau thời gian nằm một chỗ điều trị quá lâu.

Chăm sóc vết thương sau phẫu thuật tại Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng TP HCM
Chăm sóc vết thương sau phẫu thuật tại Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng TP HCM

Theo phân loại, vết thương cấp tính là vết thương kéo dài ngắn, lành trong vòng 6 tuần, không có sự tác động bởi bệnh lý nền, giai đoạn viêm bình thương, thường lành không biến chứng. Còn vết thương mãn tính: không có tiến triển trong vòng 4 tuần và không lành sau 8 tuần sau khi hình thành, có sự tác động của bệnh lý nền, giai đoạn viêm kéo dài, có thể có nhiều biến chứng: đau, nhiễm trùng, hoại tử. Vết thương mãn tính cần được chăm sóc y tế cẩn trọng và đúng phương pháp.

Theo BS chuyên khoa II Đỗ Trọng Ánh, Giám đốc BV Chỉnh hình và phục hồi chức năng TP HCM, điều trị vết thương, đặc biệt là vết thương lâu lành rất quan trọng trong nhiều lĩnh vực, như chấn thương chỉnh hình, bỏng, điều trị cho người mắc bệnh đái tháo đường… Bằng các dụng cụ chỉnh hình, điều trị laser, hệ thống oxy cao áp…, nhiều dạng vết thương khó xử lý có thể được điều trị tốt, đem lại chất lượng sống và giảm bớt gánh nặng cho bệnh nhân.

ThS-BS Lâm Văn Hoàng cũng cho biết qua chương trình phối hợp giữa Khoa Nội tiết – Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện Chỉnh hình và phục hồi chức năng TP HCM thời gian vừa qua, nhiều bệnh nhân đái tháo đường đã hạn chế được tình trạng viêm loét, tránh được nguy cơ cắt cụt chi, sau khi sử dụng những dụng cụ chỉnh hình để giảm tì đè hợp lý lên bàn chân.

A. Thư

Nguồn Người lao động

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Mới nhất
Cũ nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận