Thoát vị đĩa đệm cột sống cổ là một bệnh phổ biến đứng sau thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng. Từ năm 1999 đến nay chúng tôi đã điều trị cho 5.593 bệnh nhân bị thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng và cổ, trong đó nam chiếm 51,5%, nữ 48,5%. Trong đó thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng chiếm 71% còn thoát vị đĩa đệm cột sống cổ chiếm 22,5%, thoát vị đĩa đệm vừa cả lưng và cổ chiếm 6,5%.
Nguyên nhân và cách chẩn đoán
Thoát vị đĩa đệm cột sống cổ là hậu quả của quá trình bệnh lý thoái hóa cột sống cổ, thể hiện bởi sự hư hại của xương sụn gian đốt sống và những bộ phận của tổ chức kế cận, đặc biệt là thành phần nằm dưới mâm sụn của thân đốt sống. Sự thoái hóa này diễn ra sớm nhất ở đĩa đệm cột sống.
Đĩa đệm cột sống cổ cũng như đĩa đệm cột sống thắt lưng được cấu tạo bởi bao xơ vững chắc, chịu lực đàn hồi lớn và nhân nhầy chứa một chất keo nhầy lỏng gồm các đại phân tử rất háo nước (proteoglycan), các hệ dây chằng trước, sau, trên gai và dây chằng vàng. hai tấm sụn dính sát vào mặt trên và mặt dưới của đốt sống. Có thể coi cấu trúc đĩa đệm như một hệ thủy lực kín nguyên vẹn. Hệ thống mạch máu nuôi dưỡng đĩa đệm rất nghèo nàn, sự nuôi dưỡng chủ yếu được thực hiện qua sự khuyếch tán, và thẩm thấu qua các lỗ sàng ở hai mâm sụn. Chính vì sự nuôi dưỡng kém đó mà sự thoái hóa diễn ra sớm nhất ở đây. Tùy thuộc điều kiện sống và sinh hoạt, nhiều người cho rằng thoái hóa cột sống có thể bắt đầu diễn ra ở lứa tuổi 25 trở lên.
Thoát vị đĩa đệm cột sống cổ diễn ra trước hết do quá trình lão hóa cùng với các vi sang thương và có lúc là sang thương trong cuộc sống và lao động hàng ngày, đặc biệt là những người có hoạt động gây tặng sự chịu tải lên cột sống cổ, ngoài ra còn có thể do một vài yếu khác của bệnh lý như rối loạn nội tiết và chuyển hóa, nhiễm trùng, dị dạng cột sống. Quá trình này trước hết làm đứt gãy các bó sợi collagen phía trong bao xơ vốn rất yếu, tiếp đến là sự đứt gãy của các bó sợi collagen đi từ lớp trong ra ngoài. Các bó sợi của vòng xơ đứt gãy tạo điều kiện cho nhân nhầy thoát ra và gây nên thoát vị. Thoát vị đĩa đệm cột sống cổ thực chất là thoát vị nhân nhầy đĩa đệm cột sống cổ.
Một số tổn thương có thể thấy khi có thoát vị đĩa đệm cột sống cổ đó là thoái hóa các dây chằng dọc trước, dọc sau, dây chằng vàng ở mức độ nhẹ đến phì đại, thoái hóa cấu trúc dưới mâm sụn. gai xương, mỏm móc và mấu khớp sau dẫn tới hẹp các lỗ liên hợp chèn ép mãn tính lên rễ thần kinh. Thoát vị còn có thể gây hẹp ống sống, trượt đốt sống, chèn ép rễ thần kinh, chèn ép tủy, nặng hơn nữa có thể gây phù dập tủy. Rõ ràng, thoát vị đĩa đệm không chỉ là thoát vị nhân nhầy mà nó còn chứa đựng nhiều sự thoái hóa, điều này muốn nói lên là điều trị thoát vị đĩa đệm cột sống cổ, ngoài việc giải phóng sự chèn ép lên các cấu trúc thần kinh, chúng ta cũng cần quan tâm tới điều trị phục hồi các cơ quan quanh đĩa đệm.
Hiện nay, chụp cộng hưởng từ (MRI) được xem là phương pháp tốt nhất cho ta một chẩn đoán chính xác, an toàn và nhanh chóng về vị trí, số đĩa đệm bị thoát vị, mức độ tổn thương và gai của bệnh lý. Nó cũng cho ta biết sự thoái hóa của các tổ chức phần mềm quanh đĩa đệm. MRI cũng giúp chẩn đoán đoán sớm, giúp bệnh nhân không bỏ lỡ cơ hội điều trị bằng phương pháp laser. Khi thương tổn đã quá nặng thì laser không còn khả năng can thiệp được nữa, thậm chí có những bệnh cũng không còn cơ hội để mổ hở được nữa
Những phương pháp điều trị
Điều trị bảo tồn:
Mục đích của phương pháp là nhằm làm giảm nhẹ các hội chứng của thoát vị như: chèn ép rễ (đau, tê bì), hội chứng rối loạn thần kinh thực vật (nhức đầu, chóng mặt, ù tai, mất thăng bằng, vã mồ hôi, hạ huyết áp, đau vùng ngực), nặng hơn nữa là hội chứng chèn ép tủy, phù dập tủy. Với mục đích làm giảm nhẹ các triệu chứng trên, các thầy thuốc đã sử dung nhiều phương pháp từ dùng thuốc, vật lý trị liệu, đeo đai cổ, kéo giãn, châm cứu, phong bế. Áp dụng mọi cách như vậy trong thời gian 8 -10 tuần mà không đỡ, thậm chí có trường hợp các triệu chứng trên còn tăng lên, đó là lúc cần chuyển sang phương pháp can thiệp. Theo tài liệu của nhiều tác giả trên thế giới, có tới 80 – 85% số ca điều trị bảo tồn không mang lại hiệu quả, bệnh nhân chỉ giảm đau tạm thời trong khi đang điều trị và đau trở lại khi ngừng điều trị.
Phương pháp can thiệp không phẫu thuật:
Mục đích của các phương pháp này là can thiệp trực tiếp vào nhân nhầy, tạo nên hiệu ứng giảm áp suất trong nội đĩa đệm, khiến ổ thoát vị co lại, giải phóng sự chèn ép lên các cấu trúc thần kinh gây nên các hội chứng nêu trên. Có rất nhiều phương pháp can thiệp lên nhân nhầy, song ở Việt Nam, chúng tôi theo phương pháp của Mỹ, đó là dùng năng lượng laser bốc bay một lượng nhỏ nhân nhầy. Theo tính toán của giáo sư Daniel S.J.Choy (New York, Mỹ), chỉ cần sử dụng năng lượng 1.000 june thì áp lực nội đĩa đã hạ xuống 50% và nó nhanh chóng kéo ổ thoát vị vào. Tuy vậy, để tái tạo cấu trúc của nhân nhầy và vòng xơ thì cần một thời gian nhất định sau can thiệp. Thời gian này phụ thuộc vào tuổi tác, mức độ bệnh lý, chế độ làm việc, sự săn sóc và thuốc men sau can thiệp. Đã 17 năm rồi, chúng tôi sử dụng phương pháp này và nhận thấy, phương pháp này có nhiều ưu điểm, trước hết đây là phương pháp không phẫu thuật, không gây mê, không làm yếu cột sống, an toàn, hiệu quả cao, không hoặc ít biến chứng, tránh cho bệnh nhân sự lo ngại phải phẫu thuật, nhất lại là phẫu thuật vùng cổ. Thật vậy, không phải chỉ bệnh nhân lo sợ mà ngay cả phẫu thuật viên chưa có kinh nghiệm cũng ngại.
Phương pháp phẫu thuật:
Mục đích của phẫu thuật cũng là nhằm giải phóng chèn ép rễ thần kinh và tủy sống bằng cách phẫu thuật lấy bỏ phần đĩa đệm và gai xương gây chèn ép. Phẫu thuật hở là phương pháp phổ biến nhất hiện nay ở Việt Nam, phương pháp này không đòi hỏi trang bị các thiết bị đắt tiền máy nội soi, kính hiển vi phẫu thuật, máy laser, máy X-quang C-arm… Phẫu thuật hở thuận lợi cho việc chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới và có thể can thiệp phẫu thuật ở tuyến tỉnh. Mổ vi phẫu, nội soi là phương pháp ít xâm lấn đang dần dần thay thế cho phương pháp mổ hở với nhiều ưu thế hơn mổ hở, song không phải bệnh nào cũng có thể mổ nội soi hay vi phẫu được.
Những biến chứng của mổ hở đã được nhiều bác sĩ phẫu thuật nêu ra như: tổn thương động mạch cảnh gốc, khí quản, thực quản, chấn thương tủy sống hoặc chấn thương rễ thần kinh quặt ngược, nói khàn, đau khi nuốt, nhiễm trùng sau mổ, tụ máu vết mổ, viêm đĩa đệm vô khuẩn, sẹo có thể gây chèn ép rễ thần kinh, rò dịch não tủy, tủy, tái phát thường trên dưới 10%.
Tóm lại, phương pháp điều trị nào cũng có ưu thế và hạn chế của nó, mong rằng người bệnh có điều kiện để cập nhật thông tin. Nhưng không phải phương pháp nào mình muốn chọn cũng có thể thực hiện được, điều này hoàn toàn phụ thuộc vào chỉ định và chống chỉ định của mỗi phương pháp, ngoài ra còn cả vấn đề khả năng chi trả kinh tế của người bệnh. Cần được bác sĩ tư vấn để hiểu rõ phương pháp mà mình muốn chọn.