[Xoa bóp – bấm huyệt] Điều trị không dùng thuốc hội chứng đau cổ, vai, gáy

Điều trị không dùng thuốc hội chứng đau cổ, vai, gáy

Hội chứng đau cổ, vai, gáy xảy ra mọi lứa tuổi, do rất nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân cơ học như tư thế ngồi, lao động, gối đầu cao khi ngủ, ngủ tựa đầu lên ghế, nằm xem tivi… Các yếu tố như ngồi trước quạt, máy lạnh, dầm mưa dãi nắng lâu, gội đầu, tắm rửa ban đêm đã làm sụt giảm sự cung cấp ôxy cho các tế bào cơ, gây thiếu máu ở các cơ, dẫn đến chứng đau nhức vai cổ, mình mẩy.

Nhiều người đến bệnh viện khám cho biết, buổi sáng ngủ dậy đã thấy cứng cổ, đau vai, lưng, nhưng cố vận động xoay cổ, vặn tay, lưng… mong khỏi, song càng làm càng đau và cứng cổ nhiều hơn. Nguyên nhân là cả đêm họ đã gối đầu quá cao, nằm ngủ không đúng tư thế nên các mạch máu, cơ bị chèn ép.

Người hay nằm nghiêng, co quắp, khi cơ thể yếu mệt, tốc độ hoạt động của hệ tuần hoàn giảm, việc lưu thông máu và trao đổi ôxy trong cơ thể giảm sẽ dễ bị đau nhức một khi ngủ dậy.

Từ tuổi trung niên trở đi, hệ mạch máu đã giảm tính dẻo dai, đàn hồi nên hay mắc chứng đau cổ, vai, gáy nhất. Có khi kèm theo mỏi cổ, nhức đầu, hoa mắt, buồn ngủ, quay cổ nghe lắc rắc… rất khó chịu, ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt.

Độ tuổi đau cổ, vai, gáy đang có xu hướng trẻ hoá với những người hay làm việc ở một tư thế trong thời gian dài như vừa nghe điện thoại, vừa ghi chép, làm việc liên tục với máy tính, sơn trần, lái xe ôtô ở tư thế ghế ngửa ra phía sau, tay duỗi thẳng phía trước… khiến hoặc cơ bắp dễ tổn thương làm cho đĩa đệm cột sống cổ sớm suy thoái, sưng tấy, trực tiếp chèn ép lên các dây thần kinh tương quan vai, gáy gây đau đớn, khó chịu. Các loại thuốc, kem, dầu nóng… chỉ giảm đau nhất thời.

Các động tác thực hiện giảm đau cổ, vai, gáy:

Xoa cổ gáy

Bệnh nhân ngồi thả lỏng người, úp hai lòng bàn tay lên gáy sát theo chiều ngang của gáy từ trái sang phải và ngược lại, từ trên xuống dưới.

Kế tiếp để 4 đầu ngón tay để lên chính giữa chỗ hõm sau gáy (huyệt phong phủ) day nhẹ dọc cột sống cổ từ trên xuống dưới theo vòng xoáy chôn ốc từ 20 – 30 lần.

Tiếp theo, chuyển tay sang sườn gáy cũng làm động tác trên từ huyệt phong trì xuống dưới bờ vai cả hai bên từ 20 – 30 lần. Có thể kết hợp thêm dầu xoa bóp để tăng hiệu quả.

Vận động

Động tác 1: Vận động cổ

Bệnh nhân ngồi thả lỏng người trên ghế đỉnh đầu và mặt ghế tạo thành góc vuông 90 độ, nhẹ nhàng cúi đầu thật từ từ đến khi cằm chạm sát thành ngực thì dừng lại, giữ nguyên 1 – 3 phút để cho nhóm cơ cổ gáy giãn ra. Sau đó nhẹ nhàng nâng đầu lên về vị trí ban đầu.

Tiếp theo đưa đầu ngửa ra sau gáy đến khi ụ chẩm gần sát vai lưng khi không ngửa được nữa giữ nguyên trong 1 – 3 phút và sau đó nhẹ nhàng nâng đầu lên về vị trí ban đầu.

Kế tiếp làm động tác nhẹ nhàng từ từ như trên đối với nghiêng trái nghiêng phải, đối với nghiêng trái nghiêng phải thì má phải sát với bờ vai.

Mỗi động tác trên mới làm có thể tập 5 – 10 lần sau tăng lên, ngày có thể làm hai lần sáng ngủ dậy và trước khi ngủ.

Động tác này có tác dụng làm giãn tất cả các nhóm cơ cột sống cổ một cách từ từ, ở mức tối đa giúp giải phóng sự chèn ép, lưu thông máu tăng cường dinh dưỡng nuôi cột sống cổ.

Động tác 2: Ưỡn cổ

Nằm ngửa thẳng trên giường cứng, hai tay xuôi, lấy điểm tựa là xương chẩm và mông, ưỡn cổ và vai lên.

Hít vào tối đa cho bụng ngực căng lên, giữ hơi mở thanh quản (bằng cách cố gắng hít thêm), đồng thời dao động vai qua lại 4 lần, thở ra triệt để (bụng ngực xẹp xuống). Hạ vai rồi nghỉ.

Động tác có vai trò giãn cơ, tăng độ dẻo và mềm mại cột sống cổ, vai đồng thời tăng cường ôxy nuôi tổ chức tế bào nhất là tim, phổi và não…

Động tác 3:

Nằm ngửa thả lỏng người tối đa trên một mặt phẳng cứng, đầu không gối hai tay buông lỏng theo thân trong 10 – 15 phút.

Cố định ụ chẩm và gót chân đồng thời rướn và co người về phía trước, giữ ở tư thế này 1 – 2 phút để cột sống cổ kéo giãn tự nhiên, phòng trị co cơ, hẹp khe liên kết, thúc đẩy tuần hoàn đốt sống cổ.

Động tác 4:

Nằm úp mặt thả lỏng người hai tay xuôi theo cơ thể, bàn chân duỗi tối đa, lấy cằm là điểm đỡ chính cho đầu, nằm trong tư thế này 10 – 15 phút.

Động tác này có tác dụng giãn cơ, lưu thông tuần hoàn vùng cổ gáy, tạo đường cong sinh lý trở lại cho cột sống cổ.

Châm Cứu

Ngoài ra còn có thể sử dụng châm cứu, day ấn, massage, chườm ấm có tác dụng lưu thông kinh lạc, lợi gân xương, giảm đau tăng cường khả năng vận động rất hiệu quả. Sau đây là một số huyệt cơ bản bạn đọc có thể tham khảo sử dụng như sau:

Phong phủ: vị trí giữa xương chẩm với đốt sống cổ C1, tác dụng: khử phong tà, lợi cơ khớp, thanh thần trí… chủ trị: nhức đầu cứng gáy, trúng phong vv.

Phong trì: phía sau tai chổ hỏm chân tóc, du huyệt của túc thiếu dương đởm có tác dụng: khử phong, giải biểu, sơ tà thanh nhiệt, thông lợi cơ khớp… chủ trị đau đầu, đau cổ gáy, can hoả vượng, ngoại tà xâm nhập vv.

Thiên trụ: vị trí giữa chân tóc gáy đo lên 0,5 thốn (huyệt á môn) đo ngang 1,3 thốn. Tác dụng: tại chổ trị đau sau đầu, suy nhược thần kinh…chủ tri: đau đầu cứng cổ gáy vv.

Đại chùy: (Giao hội huyệt của mạch đốc và 6 kinh dương) vị trí dưới gai đốt sống cổ C7. Tác dụng: giải biểu thông dương, sơ biểu tà ba đường kinh dương, nâng sức đề kháng…chủ trị đau cổ gáy, đau cứng lưng, ngoại cảm vv.

Đại trữ: (huyệt hội của cốt) vị trí dưới mỏm gai đốt sống lưng D1 đo ngang 1,5 thốn. Tác dụng: khu phong tà, điều cốt tiết, thư cân mạch…chủ trị: đau cổ gáy, đau vai, nhức đầu ngoại cảm vv.

Huyền chung: (huyệt hội của tủy) vị trí trên mắt cá ngoài 3 thốn. tác dụng: tiết hoả, đuổi phong thấp ở kinh lạc… chủ trị: đau nhức xương khớp, veo cổ vv.

Hậu khê: (giao hội huyệt tiểu trường và mạch đốc) đầu trong đường văn tim, trên đường tiếp giáp da gan và da mu bàn tay. Tác dụng: thư cân mạch, thông đốc mạch…chủ trị: đau cứng cổ gáy, đau đầu, ù tai vv.

Trên đây là những điểm huyệt cơ bản phòng trị đau cổ gáy, tuy nhiên cần gia giảm thêm một số huyệt theo bệnh chứng “đối chứng trị liệu” như sau:

1, Đau cổ gáy sau gặp lạnh gió, người hay sợ lạnh sợ gió, đau tê, đau cố một chổ, xoa dầu chườm ấm cảm dễ chịu, do “ phong hàn”, gia thêm huyệt có tác dụng khu phong trừ thấp như: Phong môn, Ngoại quan. Nên kết hợp cứu ấm, chườm ấm, mỗi huyệt 5-10 phút và giữ ấm cơ thể.

2, Đau sau vận động quá mức, hoặc ngủ gối cao, thường biểu hiện đau nhói vùng cổ gáy vận động đau tăng, do (sang thương) gia thêm huyệt tác dụng thư giãn cơ, thông kinh lạc, giảm đau như: Khúc trì, Hợp cốc vv. Nên châm tả, tránh vận động cổ quá mức thời gian đau cấp, không nên cạo gió gây co cơ làm đau tăng.

3, Người có tuổi thể trạng ốm yếu, ít vận động, gân cơ yếu thường đau cổ gáy tái phát nhiều lần do khí huyết hư: Nên châm bổ cứu ấm thêm Can du, Thận du, Cao hoang, Quan nguyên, Khí hải vv .

Ngoài ra có thể châm A thị huyệt, (đau đâu châm đó) có tác dụng thông kinh lạc, giảm đau thư cơ, và châm huyệt giáp tích cạnh cột sống cổ phía bên đau theo tiếp đoạn thần kinh chi phối như: đau vùng sau xương chẩm sau óc thì châm cạnh cột sống cổ C1-C2. Nếu đau tê mỏi vùng vai cánh tay châm C3-C4. Nếu đau vùng khưu tay ra bàn tay châm C5-C6. Nếu đau tê vùng bàn tay châm C6-C7, nên chụp XQ để xác định vị trí bên tổn thương có phù hợp tiếp đoạn thần kinh chi phối.

Trên đây là một số huyệt cơ bản có tác dụng thông kinh, chỉ thống, lợi cơ xương, tăng cường khả năng vận động có thể sử dụng châm cứu, bấm huyệt mascca phòng trị hội chứng đau cổ gáy rất hiệu quả không có tác dụng phụ, tuy nhiên khi điều trị cần lưu ý, bệnh lâu người yếu nên châm bổ cứu ấm mỗi huyệt 5-10 phút. Nếu do (sang thương) cần hạn chế vận động thời gian đau cấp, không nên cạo gió gây co cơ làm đau tăng, khi ổn định cần chọn môn thể dục nhẹ nhàng phù hợp, không nên mang xách nặng. Trường hợp đau nặng, tái phát nhiều lần nên đi khám chuyên khoa có phương pháp điều trị thích hợp.

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Mới nhất
Cũ nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận