Dân văn phòng ít ai thoát những triệu chứng này

“Ngày nào cũng vậy, phòng khám của chúng tôi cũng tiếp nhận vài ba bệnh nhân là nhân viên của các văn phòng…” PGS. TS Nguyễn Hoài Nam chia sẻ.

Theo các chuyên gia về y học thì trầm cảm là một hệ quả tất yếu của làm việc quá mức của dân văn phòng. Ảnh minh họa.

“Ngày nào cũng vậy, phòng khám của chúng tôi cũng tiếp nhận vài ba bệnh nhân là nhân viên của các văn phòng. Họ đến khám bệnh vì những triệu chứng rất mơ hồ, gọi là bệnh cũng được mà gọi không bị bệnh cũng được. Số lượng bệnh nhân ngày càng đông cùng với sự gia tăng đến chóng mặt của các công ty, văn phòng trên địa bàn thành phố…”, PGS. TS Nguyễn Hoài Nam chia sẻ.

Đầu óc “đơ đơ” vì công việc quá tải

Đúng là như vậy, có rất nhiều nhân viên văn phòng đến khám bệnh tại bệnh viện với những triệu chứng mơ hồ đau chỗ này một chút, khó chịu chỗ kia một chút. Nhưng phần lớn họ đều có chung một triệu chứng là luôn cảm thấy mệt mỏi, khó tập trung khi làm việc, dễ cáu gắt và khó ngủ. Rất khó khăn cho chẩn đoán vì các triệu chứng không rõ ràng, lẫn lộn giữa bệnh này với bệnh khác.

Hỏi kỹ lại, phần lớn những bệnh nhân này đều phải làm việc quá sức, áp lực công việc nhiều, việc gì cũng đến tay. Sếp tin tưởng cưng chiều quá cũng khổ, việc gì sếp cũng sai bảo vì luôn nghĩ rằng việc này chỉ có anh A, chị B mới làm được còn người khác thì không thể. Nhân viên thì cố gắng làm vừa lòng sếp để được thăng tiến, lương cao… Đến một lúc nào đó cơ thể hết chịu nổi cường độ làm việc quá sức và việc gì đến sẽ phải đến. Mệt mỏi kinh niên, khó ngủ hay không ngủ được, đau chỗ này nhức mỏi chỗ kia, rất mơ hồ, rất khó điều trị.

Theo các chuyên gia về y học thì trầm cảm là một hệ quả tất yếu của làm việc quá mức, bị áp lực và cố gắng làm vừa lòng những đòi hỏi quá đáng phi thực tế của các vị thủ trưởng chỉ coi con người là một cái máy biết làm việc.

Phần lớn, nhân viên văn phòng đều có những vấn đề về sức khỏe. Thông thường nhất là viêm mũi xoang. Suốt ngày làm việc trong môi trường máy lạnh, tưởng rằng là tốt nhưng thực tế thì không phải như vậy. Không khí văn phòng lưu cữu vì máy lạnh, không có sự thông thoáng, chỉ cần một người mắc bệnh viêm nhiễm đường hô hấp là cả cơ quan có thể bị lây. Bởi vì hầu như tất cả hệ thống lạnh của văn phòng không được làm vệ sinh thường xuyên, môi trường lạnh và ẩm rất dễ dàng cho việc lây lan của vi trùng và các siêu vi trùng.

Quá nhiều bệnh do lạnh và ít vận động

Một số nhân viên văn phòng khác do ngồi nhiều, ít vận động dễ dàng bị suy tĩnh mạch, chân sưng phù, chuột rút…Hoặc bị các bệnh do sử dụng máy vi tính liên tục sẽ làm giảm thị lực, đau vai, đau cổ tay và nhiều rối loạn khác nữa. Ở Nhật, thường có những bài tập thể dục giữa giờ ngay tại bàn làm việc. Lúc đầu có một số người cho rằng đó là “trò phù phiếm”, không có tác dụng. Nhưng thật ra những bài tập thể dục như vậy rất có tác dụng. Nó tránh được các khó chịu hay các bệnh gây nên bởi các tác động xấu của việc ngồi nhiều, sử dụng máy vi tính liên tục.

Ở Việt Nam, thời gian trước việc tập thể dục giữa giờ được tiến hành gần như bắt buộc ở các cơ quan công sở. Nhưng về sau, do tính chất hình thức nên dần dần bị mai một và hiện nay không có cơ quan nào tiến hành tập thể dục giữa giờ nữa. Điều này quả là không tốt, nên chăng phục hồi việc tập thể dục giữa giờ tại các cơ quan văn phòng, tất nhiên là phải loại bỏ việc hình thức, chạy theo thành tích phong trào như trước đây.

Một vấn đề rất quan trọng nữa trong việc phòng ngừa các bệnh lây lan qua đường hô hấp của các nhân viên văn phòng là phải vệ sinh hệ thống lạnh của văn phòng thường xuyên. Nếu có điều kiện, nên sử dụng hệ thống lạnh có đối lưu tốt, độ lạnh vừa phải và có khả năng sát khuẩn tốt. Tuy nhiên, do hệ thống này có giá thành khá cao nên các chủ đầu tư thường khó chấp nhận. Để phòng tránh các bệnh về văn phòng, chúng tôi thường khuyên những người đến khám bệnh nên giữ ấm khi làm việc trong môi trường lạnh thường xuyên. Họ có thể mặc thêm áo vest, đi tất để giữ chân cho ấm. Khi bị bệnh về đường hô hấp nên chủ động xin nghỉ vì bản thân mình và tránh lây lan cho đồng nghiệp.

Một việc nữa cũng khá quan trọng là không nên làm việc quá lâu, khoảng 30 phút nên nghỉ ngơi, thư giãn hay đi lại và làm một vài động tác thể dục ngay tại nơi làm việc. Thời gian thư giãn, nghỉ ngơi hay vận động nên kéo dài từ 5 – 10 phút.

Một vấn đề rất quan trọng nữa là nên duy trì mức làm việc ở mức độ vừa phải, hợp với đồng hồ sinh học của mỗi người; Nhất là phải có kế hoạch làm việc hợp lý.Tránh chạy theo thành tích hay chỉ để vừa lòng một số người.

Thói quen lành mạnh giúp phòng bệnh tại văn phòng

Bệnh dễ lây lan từ môi trường văn phòng chủ yếu là các bệnh cảm cúm, hô hấp và các bệnh do virus thường gặp như sốt virus, ho, viêm họng, đau mắt…Là môi trường dễ lây lan, nên khi mắc bệnh, tốt nhất bạn nên nghỉ làm cách ly để không trở thành nguồn lây bệnh cho đồng nghiệp, nếu mắc bệnh nhẹ bạn nên chủ động bảo vệ mình và mọi người bằng cách đeo khẩu trang, không tiếp túc diện rộng trong văn phòng khi đang mắc bệnh.

Bạn nên chủ động chuẩn bị sẵn sàng một số loại thuốc cơ bản giúp xử lý khi nhiễm bất chợt một số bệnh dễ lây nhiễm từ văn phòng như thuốc giảm đau, hạ sốt, thuốc giúp hồi phục sức khỏe có paracetamol… Việc xử lý kịp thời các dấu hiệu cảm cúm hay cơn đau nhức từ sớm sẽ giúp bạn “khống chế” được bệnh dễ dàng hơn. Bên cạnh đó bạn cũng cần chú ý một chế độ nghỉ ngơi hợp lý và duy trì một số thói quen lành mạnh, giúp phòng bệnh tại văn phòng mà bạn nhất định phải ghi nhớ và thực hiện đó là:

– Rửa tay thường xuyên: Hãy rửa tay bất cứ lúc nào bạn dừng làm việc để uống nước, ăn uống hay đơn giản chỉ là đưa tay lên để massage mặt cho thư giãn. Việc rửa tay chủ động thường xuyên có thể giúp bạn giảm đáng kể nguy cơ bị mắc các bệnh lây nhiễm từ văn phòng của mình.

– Giữ vệ sinh nơi làm việc: Công sở không phải là nhà nhưng hãy nhớ rằng thời gian bạn ở đó nhiều hơn thời gian bạn ở nhà rất nhiều, vì thế, đừng tiếc công sức và thời gian để dọn dẹp và làm vệ sinh đều đặn chỗ làm việc hàng tuần, thậm chí hàng ngày.

Những đồ dùng văn phòng thường xuyên tiếp xúc như bàn phím máy tính, điện thoại, giấy tờ… cũng cần thường xuyên được làm sạch và thanh lọc để môi trường làm việc sạch sẽ, thoáng đãng hơn.

– Vận động tích cực: Đừng ngồi ỳ một chỗ suốt giờ làm, ít nhất 1 tiếng một lần hãy đứng dậy vận động để mắt được nghỉ ngơi và cơ thể được thư giãn, điều đó không chỉ giúp bạn chống mệt mỏi mà còn là một cách để tái tạo năng lượng tích cực cho cơ thể.

T.Anh

PGS. TS Nguyễn Hoài Nam (ĐH Y dược TPHCM)

Nguồn: giadinh.net.vn

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Mới nhất
Cũ nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận