[Phương thang] Đại thừa khí thang

Thành phần

1.Đại hoàng8-16 gam

2.Mang tiêu 12-20 gam (hiện nay dùng chất của nó đã tinh chế là Huyền minh phấn).

3.Hậu phác8-16 gam.

4.Chỉ thực8-16 gam.

Cách dùng

Ngày dùng 1 thang, sắc nước uống. Cho Hậu phác và Chỉ thực đun sôi 3-5 lần, lọc bỏ bã rồi cho Mang tiêu hoặc Huyền minh phấn, trộn vào là dùng được. Uống nước đều, 2-3 giờ sau vẫn chưa thấy tả hạ lại uống nước thứ 2, nếu đã thông đại tiện thì không uống tiếp nữa.

Công dụng

Điều hòa thực nhiệt ở vị tràng, công hạ phân tích tụ ở tràng, tiêu bĩ trừ mãn và tả hỏa giải độc, tiết nhiệt lợi đờm.

Chữa chứng bệnh

Trong sách “Thương hàn luận” và “Kim quy yếu lược ngày xưa ghi chép phạm vi thích ứng của bài thuốc này là:

Chứng dương minh phủ thực: sốt cơn, nói lảm nhảm, cuồng tháo, bụng đầy căng ấn vào thấy cứng chắc, không đánh rắm được, tay chân lấm tấm mồ hôi, rêu lưỡi nám vàng hoặc nám đen, mép lưỡi nổi gai hoặc rêu lưỡi táo nứt nẻ, mạch có lực nhưng trầm hoạt.

Nhiệt kết bàng lưu: Tức là bệnh chứng biểu hiện sốt cao, buồn bực, tâm thần mê mẩn, bụng đầy căng đau tức, hạ lợi uế trọc không thoải mái, rêu lưỡi nám vàng, mạch hoạt sác, cũng là chứng dương minh phủ thực nhưng có hiện tượng giả về hạ lợi.

Thuộc chứng dương minh phủ thực dẫn đến hôn quyết, kinh quyết như sốt cao, hôn mê, tay chân co rút, cấm khẩu răng nghiến, ngực bụng chướng đầy, đại tiện bí, thậm chí bị uốn ván.

Hiện nay, khi điều trị những người tràng bị trở tắc, viêm túi mật cấp tính, viêm ruột thừa cấp tính, tinh thần phân liệt mà bí đại tiện và trong quá trình chữa bệnh nhiệt tính mà thấy sốt cao, hôn mê, kinh phong, nói lảm nhảm thuộc chứng dương minh phủ thực, thường lấy phương thuốc này làm cơ sở, gia giảm thêm vị mà dùng.

Giải bài thuốc

Bài thuốc này gồm hai bộ phận là tả hạ và hành khí. Đại hoàng khổ hàn nhằm tiết nhiệt, tả hỏa, giải độc; Mang tiêu hàn nhằm nhuận táo, phá kết, nhuyễn kiên là bộ phận có tác dụng chủ yếu là tả hạ của bài thuốc này, điều hòa nhiệt kết ở tràng vị công hạ phân bị tích kết ở đại tràng. Hậu phác khổ hàn có tác dụng khoan trung hành khí, chỉ thực khổ hàn có tác dụng phá khí tiêu tích đạo trệ là bộ phận hành khí của bài thuốc này để tiêu bĩ trừ mãn. Phối hợp giữa hành khí và tả hạ với nhau có tác dụng hiệp đồng, khiến cho tác dụng tả hạ tăng thêm.

Người xưa đối với tác dụng của bài thuốc này, quy nạp thành 4 chứng “bí, mãn, táo, thực” – “Bí” là nói ở bụng dưới có cục cứng (tự cảm thấy hoặc sờ nắn thấy) hoặc do đó mà sinh ra bị chèn ép, cứng tắc và đau bụng, “Mãn” là nói bụng dưới đầy chướng, “Táo” là nói táo ở ruột, tức là trong ruột có phân cục cứng nên đại tiện bí kết, rêu lưỡi khô táo, “Thực” là nói phủ thực, tức là có thực tà, trong ruột có thức ăn và phân tích lại. Phương thuốc này dùng 4 vị Chỉ thực, Hậu phác, Mang tiêu, Đại hoàng là nhằm vào bốn chứng “bí, mãn, táo, thực”. Cho nên lúc vận dụng thực tế điều trị gia giảm vị thuốc nào, liều lượng bao nhiêu là căn cứ “bí, mãn, táo, thực” nặng nhẹ mà linh hoạt sử dụng. Căn cứ tư liệu nghiên cứu gần đây, tác dụng tả của Đại hoàng chủ yếu là trong vị thuốc có chất… nhờn kích thích làm cho cơ ruột co bóp, tiết ra chất nhờn mà tạo nên tác dụng tả hạ thông đại tiện. Thực nghiệm lại chứng minh, Đại hoàng đem sắc quá lâu, chất nhờn bị phí ra thì tác dụng tả hạ sẽ kém đi, ngoài ra Đại hoàng còn có chất chua tiết ra nên lại có tác dụng thu liễm. Vì vậy, khi nói về cách dùng Đại hoàng người xưa nói: “Đại hoàng sống khí nhuê mà đi trước, Đại hoàng chín khí đồn, mà hòa hoãn” là rất có lý vậy. Bài thuốc này dùng Đại hoàng sống uống sau là đạt được tác dụng tả hạ, bài Tiểu thừa khí thang dùng Đại hoàng sống cùng sắc lên thì đạt được tác dụng hoãn tả hạ. Ngoài ra bài thuốc này dùng Đại hoàng là thuốc chủ không chỉ đạt tác dụng tả hạ mà còn tác dụng tiết nhiệt, tả hỏa, giải độc. Những năm gần đây trong thể nghiệm ngăn chặn vi khuẩn ở ngoài da cùng phát hiện thấy Đại hoàng có tác dụng rõ rệt ngăn chặn các loại Bồ đào cầu khuẩn bị tật can khuẩn lục nồng can khuẩn, phế viêm song cầu khuẩn. Mang tiêu vì nó có chất chua nên có tác dụng gây tả. Còn như Hậu phác, chỉ thực có tác dụng hành khí khoan trung nên có thể làm cho đường tiêu hóa ở vị tràng tăng thêm co giãn mà trong quá trình thực nghiệm mới phát hiện ra. Điều cần đặc biệt chú ý là, các bài thuốc trong những năm gần đây chữa các chứng bệnh bí tiện ở ruột, viêm cấp tính túi mật, viêm cấp đại tính ở đường tiết niệu, viêm cấp tính ở ruột thừa đều từ bài thuốc trên phát triển ra. Lý luận cơ bản và y học “lục phủ dĩ thông vi dụng” “bất thông tắc thống” “thống tùy lợi giảm” lại một lần nữa chứng minh trong thực tế. Thông qua nghiên cứu các phương thuốc phức hợp của bài thuốc này, có thể sơ bộ chứng minh bài thuốc có tác dụng tăng thêm sự co giãn đường tiêu hóa, tăng thêm dung tích đường tiêu hóa, cải thiện sự tuần hoàn huyết dịch ở đường tiêu hóa, hạ thấp sự thông thấu của các mạch máu nhỏ li ti, làm cho túi mật co bóp, mở rộng miệng ống mật, làm nước mật tiết ra nhiều, làm cho nguyên lý “hạ pháp” của y học có thêm luận cứ mới.

Cách gia giảm

Bài này là phương thuốc cơ bản về tả hạ. Thuốc thông hạ lấy Đại hoàng làm vị thuốc chủ thực chất đều từ bài thuốc này mà biến hóa đi. Các bài Lương cách tán, Tăng dịch thừa khí thang, Hoàng long thang, Phòng phong thông kinh tán đều căn cứ bệnh tình cụ thể mà gia giảm từ bài thuốc này. Ngày nay bài thuốc chữa chứng đau bụng cấp tính đều từ bài thuốc này phát triển lên. Việc tạo thành các bài thuốc, cách gia giảm, xem kỹ ở cách giải các bài, ở đây chủ yếu so sánh hai bài Tiểu thừa khí thang và Điều vị thừa khí thang để nói rõ cách gia giảm của bài thuốc mà thôi. Tiểu thừa khí thang do 3 vị Đại hoàng, Hậu phúc, Chỉ thực hợp thành, so với bài thuốc này thiếu vị Mang tiêu, Đại hoàng cùng sắc chung với các vị khác mà không cho vào sau. Bài này, liều lượng Hậu phác, Chỉ thực so với bài Đại thừa khí thang giảm 3/4 và 2/5 nên tác dụng chủ yếu của nó là thanh nhiệt tả hỏa, khoan trung hành khí, khác với bài Đại thừa khí thang là công trục phân táo bón, điều hòa tràng vị kết nhiệt. Cho nên trong “Thương hàn luận” nói Tiểu thừa khí thang thích hợp chữa bệnh gì, chỉ nhấn mạnh “tiện cương” (tức là giải khỏi phân cứng trong đại tiện) có khác với Đại thừa khí thang giải bí đái tiện, bế khí.

Bởi vì triệu chứng “táo kết” ở trong ruột nhẹ hơn so với chứng bệnh của Đại thừa khí thang nên không cần dùng Mang tiêu hàm hàn đến nhuận hạ, làm mềm nhuyễn phân cục, Đại hoàng cũng không phải cho vào sau khi đun sắc thuốc để giảm nhẹ tác dụng tả hạ, đồng thời liều lượng Hậu phác, Chỉ thực cũng giảm đi tương ứng. Bài Điều vị thừa khí thang gồm 3 vị Đại hoàng, Mang tiêu, Cam thảo hợp thành, chủ yếu nhằm chữa 2 loại bệnh táo, thực, đặc trưng là đại tiện bí, bụng đầy ác nhiệt, miệng khát. Tuy cùng dùng Đại hoàng với Mang tiêu nhưng không dùng Hậu phác, Chỉ thực, gia thêm Cam thảo để hòa với vị hoãn trung, tác dụng tả hạ tuy mạnh mà không tổn thương chính khí. Gọi là điều vị thừa khí tức là trong công hạ có cả hòa trung. Ba phương thuốc Đại thừa khí thang, Tiểu thừa khí thang, Điều vị thừa khí thang đều là phương thuốc chủ yếu chữa dương minh phủ thực nhưng do bệnh tình cụ thể khác nhau tức là 4 loại bệnh “bí, mãn, táo, thực” nặng nhẹ khác nhau mà có phân biệt khác nhau. Tiểu thừa khí thang chữa bí, mãn là chính, Điều vị thừa khí thang chữa táo, thực là chính, Đại thừa khí thang chữa đủ 4 bệnh bí, mãn, táo, thực, cho nên lúc lập phương thuốc có sự biến hóa gia giảm nói trên.

Phương thuốc phụ

Phúc phương đại thừa khí thang: (Bài thuốc kinh nghiệm của bệnh viện Nam Khai – Thiên Tân).

1.Đại hoàng20 gam (cho vào sau).

2.Mang tiêu12-20 gam (uống thẳng).

3.Hậu phác40 gam.

4.Chỉ xác12 gam.

5.Đào nhân12 gam.

6.Xích thược5 gam.

7.Thái phục tử (sao)40 gam.

Dùng chữa bệnh đường ruột táo bón, đầy hơi.

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Mới nhất
Cũ nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận