[Chứng trạng] Chứng tỳ hư sinh phong ở trẻ em và điều trị

Khái niệm

Chứng Tỳ hư sinh phong ở trẻ em nguyên nhân do bị nôn kéo dài, ỉa chảy kéo dài, Tỳ thổ bị hư bại, Can mộc xâm lấn, xuất hiện các chứng trạng chân tay giá lạnh, hơi co giật, hai mắt trực thị, ngủ lơ mơ lộ con ngươi… Chứng này phần nhiều do trẻ em ốm lâu, chăm sóc thiếu chu đáo, hoặc dùng thuốc phát hãn nhầm, dùng thuốc hạ nhầm hoặc dùng thuốc bắt mửa nhầm gây nên bệnh.

Biểu hiện lâm sàng chủ yếu là gầy còm lông tóc phờ phạc, sắc mặt trắng bệch, úa vàng, tối trệ hoặc hơi xanh, ngủ lơ mơ mắt không nhắm kín, nghiến răng không nói được. Đầu lắc lư, lưỡi thè ra, nôn nhiều lần có mùi hôi tanh, ỉa chảy trong loãng, mình và chân tay lạnh, chất lưỡi nhạt, mạch Trầm Vi.

Chứng này thường gặp trong các bệnh “Phúc tả”, “Ẩu thổ”, và “Chứng Cam”.

Chứng này thường trẻ em Tỳ hư sinh phong cần phân biệt với “Chứng huyết hư sinh phong ở trẻ em” và “chứng tân dịch tổn thương do phong động ở trẻ em”.

Phân tích

Vì chứng Tỳ hư sinh phong ở trẻ em phát sinh ở những tật bệnh khác nhau nên biểu hiện lâm sàng và phương pháp điều trị cũng có chỗ khác nhau.

– Trong bệnh đau bụng ỉa chảy xuất hiện chứng Tỳ hư sinh phong thì thấy ỉa chảy ra nguyên thức ăn chưa tiêu và liên tục không dứt, da dẻ nhăn nheo, mắt trũng sâu, ngủ mắt không nhắm kín thậm chí chân tay co giật… Đây là hiện tượng Tỳ dương không thăng lên, hư phong nội động, điều trị nên bổ Tỳ dẹp phong kèm theo thuốc ôn Thận, cho uống bài Cố chân thang (Hoạt ấu tâm thư) gia Thiên ma, Câu đằng.

– Nếu trong bệnh Âu thổ xuất hiện chứng Tỳ hư sinh phong phần nhiều là nôn mửa liên tục, chất mửa ra hôi tanh, đau bụng ỉa chảy, chân tay lạnh và co giật nhẹ, hai mắt chớp liên tục mạch Vi Tế, đó là hiện tượng Vị hư không giáng xuống, Tỳ hư không kiện vận gây nên, điều trị dùng bài Lục quân tử thang (Phụ nhân lương phương) gia Đinh hương, Câu đằng, Thiên ma để bổ thổ dẹp phong.

– Trong chứng Cam xuất hiện c hư sinh phong, lâm sàng thấy sắc mặt úa vàng hơi xanh, lông tóc khô giòn, gầy còm, bụng to chân nhỏ, thổ nghịch bụng đầy, ỉa chảy mùi hôi chua, ra cả đồ ăn không tiêu, ngủ không nhắm kín mắt, nghiến răng không nói được, lắc đầu chém mép, trường hợp này chủ yếu phải kiện Tỳ tiêu cam, thêm vào thuốc bình Can dẹp phong, chọn dùng bài Gia giảm phì nhi hoàn (Âu ấu tập thành) gia Bạch thược, Cương Tâm.

Chứng Tỳ hư sinh phong ở trẻ em lỡ cơ hội điều trị hoặc điều trị không khỏi, thường phát triển theo hai hướng, một là từ Tỳ hư dẫn đến ác hóa thành Tỳ tuyệt, biểu hiện lâm sàng là không ăn được, đau bụng ỉa chảy không dứt, ngủ mê man há miệng tay xòe, chân tay mềm nhũn; Hai là Can mộc hoành nghịch, phong động không ngừng, co giật liên tục, thần trí hôn mê, thường dẫn đến vong dương khí thoát. Bệnh tình phát đến lúc này, mặc dù thuộc xu hướng nào, cũng là nghiêm trọng, tiên lượng xấu, nên hết sức cẩn thận.

Chẩn đoán phân biệt

– Chứng huyết hư sinh phong ở trẻ em với chứng Tỳ hư sinh phong ở trẻ em, cả hai đều do Can phong nội động mà co giật. Nhưng nguyên nhân chứng huyết hư sinh phong ở trẻ em là do huyết hư. Can chứa huyết, huyết nuôi Can, Can huyết đầy đủ thì Can khí thư thái sẽ không sinh ra Can phong. Trái lại, Can huyết hư, Can mất sự nuôi dưỡng thì Can phong nội động. Huyết hư sinh phong ngoài những triệu chứng run rẩy co giật, thường trước tiên thấy các triệu chứng về huyết hư như môi lưỡi mỏng tay chân không tươi, chóng mặt hoa mắt, tinh thần mệt mỏi yếu sức v.v… Nói chung không có chứng nôn mửa và ỉa chảy, đó là chỗ khác với chứng Tỳ hư sinh phong ở trẻ em.

– Chứng tân dịch hao tổn phong động ở trẻ em với chứng Tỳ hư sinh phong ở trẻ em, cả hai đều do Can phong nội động mà phát sinh chứng trạng cũng khác nhau. Nguyên nhân chủ yếu của tân dịch hao tổn phong động là do tân dịch hao thương, tân dịch hao thương đa s gặp ở thời kỳ cuối của bệnh ôn nhiệt, nhiệt tà ẩn sâu, tân dịch phần âm hao tổn sinh phong, thực chất là hỏa hun đốt tân dịch khô cạn mà phong động, cho nên lâm sàng ngoài những chứng trạng chân tay run rẩy, miệng mắt méo xếch, chân tay co giật, thường thấy thêm các chứng, lưỡi khô răng sạm đen, tinh thần mỏi mệt, mắt mờ lưỡi tía không có rêu… Đây là những điểm khác biệt với chứng Tỳ hư sinh phong ở trẻ em.

Trích dẫn y văn

– Do sau khi ốm hoặc bị ỉa chảy nôn mửa, Tỳ Vị hư tổn, lạnh toàn thân, hơi thở ra từ miệng mũi cũng lạnh, chân tay co giật, ngủ mê man, mắt không nhắm kín… Đó là vô dương (Mạn kinh – Tiểu nhi dược chứng trực quyết).

– Tỳ hư thì thổ tả sinh phong, đó là Tỳ thổ bại mà Can mộc xâm lấn. Can thuộc mộc, Tỳ thuộc thổ, cái không thắng được gọi là Tặc tà, cho nên Mạn kinh là bệnh khó chữa, Tỳ hư sinh phong, hư thì phải Bổ. Đông Viên dùng Điều nguyên thang gia Bạch thược, để chữa bệnh này (Cấp mạn kinh phong – Á khoa phát huy).

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Mới nhất
Cũ nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận