[Chứng trạng] Chứng Khí bế trong Đông y phân biệt chẩn đoán bệnh

Khái niệm

Khí bế là tên gọi chung cho chứng trạng nguy cấp xuất hiện do tà khí úng thịnh, khí cơ nghịch loạn, âm dương xung đột nhau dẫn đến chín khiếu bế tắc không thông. Chứng Khí bế vì tà khí phong hỏa đàm ứ làm vít lấp thanh khiếu gây nên bệnh, cho nên thuộc Thực chứng.

Biểu hiện lâm sàng là thần trí hôn mê đột ngột, vật vã không yên, mặt đỏ tai điếc, thở thô đàm khò khè, hàm răng cắn chặt, hai tay nắm chặt, đại tiện bí Kết, tiểu tiện không thông, rêu lưỡi vàng hoặc dầy nhớt, mạch huyền sác hoặc trầm hoạt.

Chứng Khí bế xuất hiện rải rác trong các bệnh “Trúng phong”, “Hôn mê”, “Long bế”, “Tiện bí”, “Nhĩ lung”, “Tiểu nhi kinh phong”.

Cần phân biệt với các “chứng Khí nghịch” chứng nhiệt vào Tâm bào” chứng nhiệt kết ở Vị Trường”, “chứng Đàm hỏa che lấp phía trên”

Phân tích

– Điều kinh luận sách Tố Vấn nói: Huyết với Khí đều dồn lên trên thì đại quyết; Quyết là chết đột ngột; Khí trở lại thì sống, không trở lại thì chết. Đây là nói chứng này gặp ở bệnh Trúng phong, phần nhiều do Can khí quấy động vọt lên vô độ, khí huyết nghịch lên lại kiêm cả đàm hoả, thanh khiếu bị bế tắc gây nên bệnh. Có những trạng đột ngột ngã lăn, bất tỉnh nhân sự, miệng mắt méo xếch, bán thân bất toại, hàm răng cắn chặt, hai tay nắm chặt, mặt đỏ thở thô, tiếng đờm sùng sục, vật vã không yên, đại tiện khô kết, rêu lưỡi vàng nhớt, mạch Huyền Sác, điều trị theo phép khai khiếu thông bế, dẹp phong quét đàm, cho uống Chí bảo đan (Hòa tễ cục phương) hoặc Trấn can tức phong thang (Y học Trung trung tham tây lục) gia giảm.

– Lại như chứng Hôn mê do trúng khí phần nhiều do chấn động về tình tự, giận thì khí dồn lên, nghịch khí xông lên đến nỗi thanh khiếu bị che lấp, v tắc không thông, có chứng trạng hôn mê ngã lăn đột ngột, hàm răng cắn chặt, chân tay co quắp, giống như chứng trúng phong nhưng không có hậu di chứng méo miệng, bán thân bất toại, mạch Trầm Trì, điều trị theo phép giáng nghịch lý khí tán kết khỏi vít lấp, chọn dùng bài Bát vị thuận khí tán (Thế y đắc hiệu phương) hoặc Thất khí thang (Hòa tễ cục phương) gia giảm.

– Từ Khí bế mà dẫn đến bệnh Long bế, phần nhiều do Phế mất sự túc giáng, không khả năng lưu thông thủy đạo, hoặc là thấp nhiệt kế ở trong Bàng quang, sự mở đóng kém đến nỗi bế tắc không thông, có chứng trạng tiểu tiện nhỏ giọt khó đi, đi tiểu khó khăn thậm chí không thông, đồng thời còn chướng đầy bụng dưới, khát muốn uống nước, hoặc khái thấu thở gấp, rêu lưỡi vàng hoặc vàng nhớt; mạch Trầm Hoạt hoặc Hoạt Sác, điều trị theo phép khai Phế khí khơi không vít lấp, thanh thấp nhiệt mà lợi tiểu tiện, cho uống bài Thanh phế ẩm (Chứng trị vậng bổ) hợp với Trầm hương tán (Kim quĩ dực) gia giảm, cũng có thể chọn dùng “đề hồ yết cái pháp” trong Đan Khê tâm pháp, tức là đồng thời với việc cho uống thuốc vận dụng cả các phép làm cho hắt hơi hoặc ngóay họng cho mửa; dùng Khai quan tán (Tạp bệnh nguyên lưu tê chức) để cho hắt hơi; dùng Qua đế tán (Thương hàn luận) để bắt mửa, khiến cho Phế khí tuyên thông sạch sẽ, Thượng và Trung tiêu thông suốt, thì khiếu ở phía trên mở được, khiếu ở dưới thông được, thì tiểu tiện thông lợi.

– Lại như Khí bế gặp trong bệnh “Tiện bí” phần nhiều do Can uất hóa hoả, dẫn đến nhiệt kế ở Đại trường, khí cơ bí tắc, mất chức năng truyền đạo, cặn bã không tống ra được, có triệu chứng đại tiện bí kết, ngực sườn trướng đau, ợ hơi liên tục, miệng khô bụng trướng, rêu lưỡi vàng khô, mạch Huyền Sác hoặc Trầm Thực; điều trị nên sơ Can hòa Vị, và lý khí, tán kết hành khí mà thông bế tắc, cho uống bài Lục ma thang, (Thế y đắc hiệu phương) gia giảm.

– Chứng Khí bế tai điếc phần nhiều do giận dữ đột ngột hại Can, Can khí uất kết lại kiêm đàm hỏa quấy rối thanh khiếu ở trên gây nên bí tắc, đường mạch ở tai bị nghẽn, đầu tiên có chứng trạng ù tai, mức độ nặng hay nhẹ tuỳ theo sự kích thích của tình tự, sau đó là tai điếc kiêm chứng nhức đầu hoa mắt, miệng đắng tâm phiền, nhiều đàm ngực khó chịu, đại tiện bí kết tiểu tiện vàng đỏ, chất lưỡi đỏ rêu lưỡi vàng nhớt, mạch Huyền Sác hoặc Huyền Hoạt, điều trị nên thanh Can tiết nhiệt, hóa đàm khai thống bế tắc, cho uống Long đảm tả can thang, (Lan thất bí tàng) hợp với Thanh khí hóa đàm hoàn (Y phương khảo) gia giảm.

– Chứng này xuất hiện khí cơ bí tắc thường là do dự phát bởi tình tự giao động cho nên tính tình nóng nẩy, dễ cáu giận, thường hay xúc phạm gây nên. Chứng Khí bế cũng gặp trong bệnh trẻ em kinh phong, bởi vì tạng phủ trẻ em non nớt, nguyên khí chưa đầy đủ, thần khí khiếp nhược, nếu bất ngờ gặp chuyện kinh sợ làm rối loạn khí cơ, khí cơ bị bí tắc, tinh thần sáng suốt bị che lấp cũng có thể phát sinh chứng Khí bế, vì vậy trên lâm sàng nên căn cứ vào đặc điểm tính cách khác nhau và lứa tuổi khác nhau mà phân tích.

Chứng khí bế trong quá trình phát triển và bệnh biến khí cơ, biểu hiện chủ yếu là chín khiếu vít lấp không thông. Trên lâm sàng do tà khí bí tắc, khí cơ không vào ra thăng giáng, hoạt động sinh mạng của con người bị trở ngại sẽ xuất hiện biểu hiện âm dương xa lìa, từ Bế dẫn đến Thoát, như chứng Trúng phong không chỉ thấy tinh thần hôn mê, hàm răng cắn chặt, hai tay nắm chặt mà đồng thời nhị tiện không tự chủ, ra mồ hôi như dầu, lúc này nên khai thông bế tắc để cứu thoát. Tà khí phong hỏa đàm ứ là nhân tố trọng yếu dẫn đến khí cơ bí tắc, cho nên chứng này trong biểu hiện lâm sàng thường thấy có kiêm các bệnh tà nói trên; Như khí bế kiêm đàm có thể thấy suyễn gấp đàm khò khè. Khí bế kiêm phong có thể thấy tay chân co rút. Khí bế kiêm hỏa thường thấy mặt đỏ mắt đỏ. Khí bế kiêm ứ, có thể thấy chân tay bại liệt…. Khi điều trị, nên khai khiếu khơi thông bế tắc, sơ thông khí cơ đồng thời chiếu cố đến khu tà, thậm chí sau khi cấp cứu được chứng này, cũng cần nhằm vào những nguyên nhân bệnh nói trên để điều trị tích cực nếu không lại tạo nên khí cơ bị bế tắc thêm, xu thế bệnh sẽ hiểm ác hơn, không thể không cẩn thận.

Chẩn đoán phân biệt

– Chứng Khí nghịch với chứng Khí bế, cả hai đều là bệnh biến công năng khí cơ thăng giáng vào ra không bình thường, hơn nữa lại giao động về tình tự, Can mất sự sơ tiết, có liên quan tới sự rối loạn của khí cơ. Yếu điểm để phân biệt, một là bệnh cơ chủ yếu của chứng Khí nghịch là khí cơ nghịch lên, có thăng không có giáng, chứng Khí bế thì là khí cơ nghịch loạn tạo nên khí đạo nghẽn tắc không thông. Hai là biểu hiện lâm sàng của chứng Khí nghịch là ho suyễn, nôn mửa, chóng mặt, đau đầu là chủ yếu; chứng Khí bế thì thần trí hôn mê, hàm răng cắn chặt, nhị tiện không thông, ba là bộ vị bệnh biến của chứng Khí nghịch chủ yếu ở Phế, Vị, Can, Bộ vị bệnh biến của chứng Khí bế quản ánh ở chín khiếu bế tắc. Bốn là điều trị chứng Khí nghịch chủ yếu là bình nghịch giáng khí, điều trị chứng Khí bế trước tiên phải khai khiếu thông bế… Cho nên phân biệt hai chứng này rất rõ ràng.

– Chứng Nhiệt vào Tâm bào với chứng Khí bế biểu hiện trên lâm sàng đều thấy thần trí hôn mê, mặt đỏ thở thô. Nhưng nguyên nhân bệnh và bộ vị phát triển khác nhau cần phải phân biệt. Chứng Nhiệt vào Tâm bào nguyên nhân do ngoại cảm nhiệt bệnh, tà nhiệt hãm vào Tâm bào, quấy rối thần minh gây nên; Chứng Khí bế thì do rối loạn khí cơ, bế tắc thanh khiếu gây nên. Chứng Nhiệt vào Tâm bào có thể xuất hiện sốt cao, tinh thần hôn mê, nói sảng phiền táo, lưỡi đỏ tía, rêu lưỡi vàng khô, mạch Tế Sác v.v… Chứng Khí bế thì có đặc điểm là hôn mê, các khiếu bế tắc, hàm răng nghiến chặt và nhị tiện không thông…Cho nên có thể phân biệt rõ ràng.

– Chứng Nhiệt kết Trường Vị với chứng Khí bế, trên lâm sàng đều có chứng trạng đại tiện bí kết. Nhưng chứng Nhiệt kết Vị Trường là do ngoại cảm lục dâm, tà nhiệt vào lý ẩn náu ở Dương minh, Vị Trường táo nhiệt uất kết, Phủ khí không thông gây nên, có chứng trạng phát nhiệt nói sảng, đại tiện không thông, vùng bụng trướng đầy, ấn vào thấy cứng rắn. Còn chứng Khí bế là do Can khí uất trệ, khí uất hóa hoả, đến nỗi khí cơ ở Vị Trường uất trệ không thông, biểu hiện chức năng truyền đạo kém gây nên đại tiện bí kết, bụng dưới trướng đầy mà không rắn chắc, kiêm chứng Can khí uất trệ làm cho ngực sườn trướng đầy. Cho nên nguyên nhân và cơ chế của hai chứng này biểu hiện trên lâm sàng khác nhau. Loại trên chủ yếu là do táo nhiệt kết ở trong; loại dưới chủ yếu là do khí ngăn trở không thông. Chứng Nhiệt kết ở Vị Trường, điều trị theo phép thông phủ tả nhiệt; Chứng Khí bế điều trị chủ yếu là tả Can lý khí, tán kết khơi thông bế tắc; đó là những cơ sở để chẩn đoán phân biệt.

– Chứng Đàm hỏa che lấp phía trên và chứng Khí bế, cả hai đều có chứng trạng hôn mê, thở thô đàm khò khè. Nhưng nguyên nhân chủ yếu của chứng Đàm hỏa che lấp phía trên là do ăn uống không điều độ, uống rượu và ăn các thức ăn nồng hậu làm cho thấp nhiệt nung nấu, đàm hỏa quấy rối, thanh khiếu bị che lấp. Còn chứng Khí bế còn do Can khí uất kết, Can uất hóa hỏa có kiêm đàm trọc quấy rối ở phần trên gây lên. Nguyên nhân và cơ chế bệnh của hai khác nhau. Chứng Đàm hỏa che lấp phía trên có chứng trạng chủ yếu là thở thô, trong họng có tiếng đờm khò khè, hôn mê vật vã không yên mà chứng Khí bế thì chứng trạng chủ yếu là hôn mê, hàm răng cắn chặt, hai tay nắm chặt, đó là những trọng điểm khác nhau trong lâm sàng cần phải phân biệt.

Trích dẫn y văn

– Cho nên thánh nhân truyền đạt tinh thấn, khắc phục thiên khí để thông thần minh. Nếu mất đi những điều kiện đó thì chín khiếu bị vít lấp, bên ngoài úng trệ ở cơ nhục, vệ khí tản mác, như vậy là tự làm hại mình, Khí bị hao mòn đi (Sinh Khí thông thiên luận – Tố Vấn).

– Người đời nói Khí trúng, tuy không thấy ghi chép ở sách vở nào, nhưng mừng đột ngột thì hại Dương, giận đột ngột thì hại Âm, lo sầu không thoải mái phần nhiều là Khí bị quyết nghịch, đa số hay mắc bệnh này, (Trúng phong can đảm cân cốt chư phong-Phổ tế bản sự phương).

– Bế với Long là gọi chung cho một bệnh. Nếu phân tích thì có mắc đột ngột hoặc mắc đã lâu khác nhau. Bởi vì Bê là bệnh đột ngột, là tiểu tiện một giọt cũng không ra, tục gọi tiểu tiện không thông là bệnh này (Tiểu tiện không thông – Trương thị y thông).

– Là chứng hậu chết của Trúng phong; Chú thích: Đột ngột trúng mà chết là do trúng tà quá mạnh, làm vít lấp cái khí của thiên chân chín khiếu, không giao thông với cái sinh khí của con người, thời chỉ một nó bị tuyệt ở bên trong (Tạp bệnh tâm pháp – Y học tâm ngộ).

– Nhưng có Thực bế, Hư bế, Nhiệt bế, Lãnh bế khác nhau. Như Dương minh Vị Thực, táo khát nói sảng không đại tiện được, đó là Thực bế(Đại tiện bất thông – Y học tâm ngộ)

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Mới nhất
Cũ nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận