Cây Trạch tả | Vị thuốc đông y

TRẠCH TẢ, MÃ ĐỀ NƯỚC

HÌNH ẢNH, TÁC DỤNG, VỊ THUỐC NAM, ĐÔNG Y, BÀI THUỐC DÂN GIAN CHỮA BỆNH, THUỐC BẮC

Tên khoa học: Alisma plantago-aquatica L. Họ: Trạch tả (Alismataceae).

Tên khác: Mã đề nước.

Cách trồng: Nhân giống bằng hạt. Đất trồng thích hợp là ruộng nước, có lớp bùn dày, có điều kiện tưới, tiêu chủ động. Trước khi gieo, ngâm hạt vào nước 24h, sau đó lấy ra, để ráo nước, trộn với đất cát hoặc tro để gieo cho đều. Mỗi m2 gieo 2-2,5g hạt. Gieo xong, tháo nước cho ngập từ từ, sâu 2-3cm. Khi gieo được 40-45 ngày, khi cây con cao 15-20cm, thì nhổ mang đi trồng như trồng lúa với khoảng cách 25-30cm. Cần làm cỏ, sục bùn, bón thúc 3 lần trong 1 vụ. Mỗi lần bón 50-60kg ure cho 1 héc ta. Sau 4-5 tháng là cho thu hoạch.

Bộ phận dùng và cách bào chế: Thân rễ thu hoạch về, loại bỏ rễ con, cạo bỏ vỏ ngoài, rồi phơi hoặc sấy khô. Khi dùng, ủ thân rễ cho mềm, bào mỏng, phơi khô(dùng sống), hoặc tẩm nước muối sao vàng( cứ 100g trạch tả tẩm 2g muối ăn hòa trong 60ml nước).

Tác dụng và liều dùng: Lợi thủy, thẩm thấp, thanh nhiệt. Dùng để chữa các chứng bệnh: Phù do viêm thận, tiểu tiện khó, đái ra máu, đau đầu, hoa mắt, chóng mặt, cao huyết áp, mỡ trong máu cao.

Liều dùng: 10-20g/ ngày.

Bài thuốc ứng dụng:

Bài 1: Chữa tiểu tiện khó do nắng nóng:

Trạch tả 10g, Xa tiền tử 10g, Thông thảo 6g. Sắc nước uống.

Bài 2: Chữa mỡ trong máu cao:

Trạch tả 3g, Hà thủ ô 3g, Hoàng tinh 3g, Kim anh tử 3g, Sơn tra 3g, Thảo quyết minh 6g, Tang ký sinh 6g, Mộc hương 1g. Tán thành bột, làm viên tương đương 1,1g dược liệu. Ngày uống 2 lần, mỗi lần 5-8 viên.

Bài 3: Chữa cao huyết áp:

Trạch tả, Ích mẫu, Xa tiền tử, Hạ khô thảo, Thảo quyết minh, Câu đằng, liều lượng đều 6-8g, sắc uống ngày 1 thang.

Bài 4: Chữa thủy thũng, cổ trướng:

Trạch tả, Bạch truật mỗi thứ 15g, nghiền thành bột, uống với nước Phục linh.