TÍA TÔ, TÔ DIỆP, TÔ TỬ, TÔ NGẠNH
HÌNH ẢNH, TÁC DỤNG, VỊ THUỐC NAM, ĐÔNG Y, BÀI THUỐC DÂN GIAN CHỮA BỆNH, THUỐC BẮC
Tên khoa học: Perilla ocymoides L. Họ: Bạc hà (Lamiaceae).
Tên khác: Tô tử là quả phơi hay sấy khô; Tô diệp là lá; Tô ngạnh là cành, Hom tô(Thái), Phần cưa(Tày), Cần phân(Dao).
Cách trồng: Trồng bằng hạt. Đất trồng tốt nhất là đất phù sa. Cây chịu hạn kém nên cần tưới nhiều nước. Đất trồng được cày, bừa kỹ, đập nhỏ, lên luống cao 15-20cm, rộng 70-90cm, rãnh luống rộng 25-30cm. Sau khi trồng khoảng 2 tháng là có thể thu hoạch. Thỉnh thoảng tưới phân đạm pha loãng, sau mỗi lần thu hoạch. Thu hoạch hạt khi hạt đã già.
Bộ phận dùng và bào chế: Lá, cành, hạt.
Lá cành : Dùng tươi quanh năm. Nếu dùng khô hái lá bánh tẻ vào tháng 3-4 phơi trong bóng râm. Cây đã hái lá, cắt cành phơi khô.
Hạt: Lấy ở cây không hái lá khi quả đã già, cắt cả cây phơi trong râm. Khi khô đập lấy hạt, lấy lá và cành.
Công dụng và liều dùng: Lá có tác dụng chữa cảm phong hàn, ho suyễn nhiều đờm, giúp tiêu hóa, ngộ độc thức ăn, an thai. Cành tác dụng như lá nhưng kém hơn. Quả chữa ho, hen, trừ đờm, tê thấp.
Liều dùng: Lá và hạt 3 -10g/ngày. Cành 6-20g/ngày dạng thuốc sắc.
Bài thuốc ứng dụng:
Bài 1 : Chữa cảm phong hàn:
Lá tía tô tươi 20g, Hành hoa tươi 20g, Gừng tươi 2g.
Tất cả rửa sạch thái nhỏ, trộn vào cháo nóng, ăn xong đắp chăn cho ra mồ hôi. Dùng như trên từ 2-3 ngày.
Bài 2 : Chữa phụ nữ động thai:
Cành tía tô 15g , Ngải cứu 4g, Củ gai 20g.
Đổ 3 chén nước sắc còn 1 chén chia 2 lần uống trong ngày. Uống 1-3 thang là có kết quả.
Bài 3: Chữa ngộ độc cua, cá:
Lá tía tô tươi 30g rửa sạch, vắt lấy nước uống, hoặc lá tía tô khô 20g sắc với 2 chén còn nửa chén uống.
Bài 4 :Chữa đau bụng do lạnh:
Ô dước 10g, Trần bì 10g, Lá tía tô 10g. Sắc uống.
Bài 5 : Chữa nam giới bị di, mộng tinh:
Hạt tía tô 4g tán nhỏ hoà rượu uống. Ngày uống 2 lần.
Bài 6 : Phụ nữ sau đẻ bị cảm cúm, đau bụng, đau lưng:
Hương phụ( giã tróc vỏ) 10g, Ô dước 10g,Trần bì 10g,
Lá tía tô10g, Gừng khô( sao cháy đen) 6g.
Sắc uống ngày một thang.
Bài 7: Chữa táo bón ở người già suy nhược:
Hạt tía tô 10g, Hạt vừng đen10g. Hai loại đem giã nát, đun thành nước uống hoặc cho thêm gạo nấu cháo ăn.
Bài 8: Chữa ho, hen suyễn có nhiều đờm ở người già:
Hạt tía tô 12g, Hạt cải củ 12g, Hạt cải trắng 12g. Sắc uồng ngày 1 thang. Có thể tán thành bột mịn, mỗi lần uống 4-6g, ngày uống 2-3 lần.
Bài 9: Chữa sản hậu đuôi lươn( sản hậu có cảm giác vướng ở cổ như có cái đuôi lươn ngo ngoe trong đó):
Lá tía tô 1 nắm, Gừng tươi 1 củ, Dây khoai nước(phơi khô, sao vàng) 1 nắm, sắc uống ngày 1 thang.
Bài 10: Chữa đau đầu như búa bổ(Thừa kế LY Phùng Rạch-Thị trấn Tuy An):
Tía tô 10g, Lá cối xay 10g, Kinh giới 10g, Từ bi 20g, sắc uống ngày 1 thang. Bên ngoài, hái lá mảng cầu giã với vôi(đã tôi), gói lại trong gạc sạch, đắp vào vùng đầu bị đau.