[Cây thuốc] Ngũ gia bì khu phong trừ thấp, cường kiện gân cốt

Ngũ gia bì còn có tên xuyên gia bì, thích gia bì, ngũ gia bì gai, ngũ gia bì hương (do có mùi hương đặc biệt). Ngũ gia bì là vỏ rễ và thân phơi khô của cây ngũ gia bì (Acanthopanax aculeatus Seem.), họ nhân sâm (Araliaceae). Bộ phận dùng làm thuốc là vỏ rễ và vỏ thân.

Trong rễ và thân ngũ gia bì có glucosid A, B, C, D, E. Trong lá cũng có các chất này và 4-methylsalicyladehyde, tanin và một số acid hữu cơ… Theo Đông y, ngũ gia bì vị cay, tính ôn; vào can thận, phế. Có tác dụng khu phong trừ thấp, cường kiện gân cốt, hoạt huyết thông kinh. Trị các chứng phong hàn thấp tý, co rút đau nhức gân cơ, đau lưng, run chân, trẻ em chậm biết đi, chấn thương đụng dập, liệt dương. Liều dùng: 6 – 12g dưới dạng thuốc sắc, nấu hầm, ngâm ướp.

Ngũ gia bì được dùng làm thuốc trong các trường hợp:

Trừ thấp giảm đau

Bài 1: ngũ gia bì 200g, mộc qua 200g, tùng tiết (mấu cành thông) 200g. Các vị nghiền thành bột. Ngày uống 2 lần, mỗi lần uống 8g, uống với nước đun sôi. Trị chứng phong thấp, đau khớp, thiên về thấp tà đau lưng, nặng chân, đau nhức hoặc kèm cả gân xương co quắp.

Bài 2: ngũ gia bì 10g, độc hoạt 10g, uy linh tiên 10g, tang chi 10g, kê huyết đằng 10g. Sắc uống. Chữa đau các khớp chân tay.

Bài 3: ngũ gia bì 15g, thương truật 10g, tần giao 10g, hy thiêm thảo 10g, lão quán thảo 12g. Sắc uống hoặc ngâm rượu. Chữa thấp khớp.

Tráng cốt, chữa liệt dương: Trị các chứng bệnh mềm yếu gân xương, trẻ em nhũn chân chậm biết đi; nam giới bị liệt dương và bị thương gãy xương.

Bài 1: Ngũ gia bì 3-5g, mộc qua 3-5g, ngưu tất 3-5g. Sắc lấy nước hoặc tán bột, cho uống với chút rượu loãng; uống hàng ngày. Trị trẻ suy dinh dưỡng, còi xương, chậm biết đi.

Bài 2: Thuốc bổ cho phụ nữ: ngũ gia bì 40g, mẫu đơn bì 40g, xích thược 40g, đương quy 40g. Các vị tán bột. Ngày uống 2 lần, mỗi lần 5 – 8g. Dùng cho phụ nữ bị lao lực, suy nhược mệt mỏi, hơi thở ngắn, sốt, ra mồ hôi nhiều, không muốn ăn uống.

Kiêng kỵ: Ngũ gia bì tính vị cay ôn, làm tổn hại phần âm, hỗ trợ phần hoả nên người âm hư hoả vượng không dùng.

BS. Tiểu Lan

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Mới nhất
Cũ nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận