SÀI HỒ NAM
HÌNH ẢNH, TÁC DỤNG, VỊ THUỐC NAM, ĐÔNG Y, BÀI THUỐC DÂN GIAN CHỮA BỆNH, THUỐC BẮC
Tên khoa học: Pluchea pteropoda Hemsley. Họ: Cúc(Arteraceae).
Tên khác: Cây lức.
Cách trồng: Nhân giống bằng hạt hoặc bằng cành. Cây mọc nhiều ở vùng ven biển miền Trung và đồng bằng sông Cửu Long, có trữ lượng lớn, nên thu hái từ thiên nhiên là chính.
Bộ phận dùng và cách bào chế: Rễ và cành lá non. Rễ thu hái quanh năm, đào về, rửa sạch, cắt bỏ rễ con, rồi phơi hoặc sấy khô. Cành mang lá non cũng thu hái quanh năm, dùng tươi, phơi khô hoặc nấu thành cao.
Tác dụng và liều dùng: Tác dụng phát tán phong nhiệt, lợi tiểu, điều kinh. Dùng để chữa các chứng bệnh: Sốt, cảm, người lúc nóng, lúc lạnh.
Liều dùng 8-20g ngày dạng thuốc sắc, trà.
Bài thuốc ứng dụng:
Bài 1: Chữa sốt cao kèm đau đầu, khát nước:
Rễ sài hồ nam 20g, Ngũ gia bì 20g, Rau má 16g, Lá tre 12g, Cam thảo dây 12g, Bán hạ nam (sao vàng)12g, Gừng tươi 6g. Tất cả phơi khô, sắc ngày 1 thang, chia uống 2 lần trước khi ăn.
Bài 2: Chữa sốt nóng mùa hè, hoặc cảm sốt, người lúc nóng, lúc rét, khát nước, nhức đầu, đắng miệng, ho, nôn ọe:
Rễ sài hồ nam 10g, Củ sắn dây 12g, Hương nhu trắng 10g, Thanh bì 10g. Sắc uống ngày 1 thang.
Bài 3: Chè giải cảm:
Lá sài hồ nam 4 phần, Nhân trần 1 phần, Bạc hà 1 phần, Cam thảo nam 1 phần. Hãm uống như hãm trà, mỗi lần 5-10g.
Ghi chú: Hiện nay, nhiều thầy thuốc Đông y ở các tỉnh miền Trung dùng cây sài hồ cát thay cây lức cũng có tác dụng tương tự.