MUỒNG TRÂU, CÂY LÁC
HÌNH ẢNH, TÁC DỤNG, VỊ THUỐC NAM, ĐÔNG Y, BÀI THUỐC DÂN GIAN CHỮA BỆNH, THUỐC BẮC
Tên khoa học: Cassia alata L. Họ: Đậu (Fabaceae).
Tên khác: Cây lác, Muồng lác.
Cách trồng: Nhân giống bằng hạt hoặc bằng cành. Hạt gieo vào vườn ươm trong tháng 2-3. Cây con được bứng đi trồng vào tháng 4-5. Cành trồng vào mùa xuân. Đào hố cách nhau 2-3m có kích thước 50x50x50cm, bón lót bằng phân chuồng hoai 5-7kg trộn đều với đất. Trồng xong, nén chặt đất quanh gốc mới tưới đủ ẩm. Thỉnh thoảng làm cỏ, vun xới và bón lót bằng phân hữu cơ hoặc phân đạm.
Bộ phận dùng và cách bào chế: Lá và thân cành thu hái vào mùa hạ, trước khi cây ra hoa, dùng tươi hoặc phơi khô. Rễ thu hái vào mùa thu, phơi khô.
Tác dụng và liều dùng: Tác dụng nhuận tràng, giải nhiệt, sát trùng, lợi tiểu. Dùng để chữa các chứng bệnh: Táo bón, phù thũng, đau gan, vàng da. Dùng ngoài để chữa hắc lào, herpes.
Liều dùng: 4-12g để nhuận trường, 20-40g/ngày để tẩy dạng thuốc sắc.
Bài thuốc ứng dụng:
Bài 1: Chữa táo bón:
Muồng trâu 20g, Chút chít 20g, Đại hoàng 4-6g. Sắc uống trong ngày.
Bài 2: Chữa hắc lào:
Lá muồng trâu tươi, rửa sạch, giã nát, thêm ít muối, vắt lấy nước bôi vào vùng da bị bệnh. Có thể cho thêm dịch nước quả chanh thì càng tác dụng mạnh.
Bài 3: Chữa thấp khớp:
Muồng trâu 40g, Vòi voi 30g, Tang ký sinh, Quế chi, Dứa dại, Rễ cỏ xước, mỗi vị đều 20g. Sắc uống ngày 1 thang. Uống trong 7 ngày liền.
Bài 4: Chữa đau thần kinh tọa:
Muồng trâu 24g, Cây lức 20g, Rễ nhàu 12g, Kiến cò 12g, Thần thông 12g, Đỗ trọng 8g. Sắc uống mỗi ngày 1 thang.
Bài 5: Chữa ban trái:
Lá muồng trâu 8g, Hương bài 10g, Đọt tre non 8g, Ké đầu ngựa 8g, Mùi tàu 8g, Cây lức 8g, Mức hoa trắng 6g, Vỏ quýt 4g, Đăng tâm 2g. Sắc uống ngày 1 thang.
Bài 6: Chữa nước ăn chân:
Lá muồng trâu tươi 15 lá, lá trầu không tươi 10 lá. Rửa sạch giã nát, đắp tại vùng da bị tổn thương.