HUYẾT DỤ
HÌNH ẢNH, TÁC DỤNG, VỊ THUỐC NAM, ĐÔNG Y, BÀI THUỐC DÂN GIAN CHỮA BỆNH, THUỐC BẮC
Tên khoa học: Cordilyline terminalis Kunth var. ferrea Bak. Họ: Hành (Liliaceae).
Tên khác: Huyết dụ lá đỏ, Thiết thụ, Long huyết, Phất dũ, Chổng đeng(Tày), Co trường lậu(Thái), Quyền diên ái(Dao).
Cách trồng: Trồng bằng cành ở mọi loại đất, ưa ẩm, có đủ ánh sáng. Cây có khả năng tái sinh vô tính cao.
Bộ phận dùng và cách bào chế: Rễ, lá thu hái quanh năm. Dùng tươi hoặc phơi, sấy khô.
Tác dụng và liều dùng: Tác dụng cầm máu, tan ứ huyết, giảm đau. Dùng để chữa các chứng bệnh: Rong kinh, băng huyết, xích, bạch đới, thổ ra huyết, lỵ ra máu, tiểu ra máu, ho ra máu, sốt xuất huyết, bệnh trĩ.
Liều dùng: 8-16g khô. Dùng tươi liều gấp đôi.
Kiêng kỵ: Không được dùng trước khi sinh hoặc sinh xong còn sót nhau.
Bài thuốc ứng dụng:
Bài 1: Chữa rong kinh, rong huyết, băng huyết:
Lá huyết dụ 30g, Lá trắc bá sao 20g, sắc lấy nước. Cho thêm tro bẹ móc (đun bằng củi) hoặc muội nồi 10g, cao da trâu 15g, sắc cho tan, quấy đều uống. Hoặc dùng bài sau:
Lá huyết dụ 20g, Trắc bá diệp 20g, Lá nõn sen( Quyển hà diệp) 20g. Sắc uống ngày 1 thang.
Bài 2: Chữa khí hư, bạch đới:
Lá huyết dụ tươi 40g, Lá thuốc bỏng 20g, Bạch đồng nữ 20g. Sắc uống ngày 1 thang.
Bài 3: Chữa kiết lỵ ra máu:
Rễ huyết dụ 20g, Nhọ nồi 12g, Rau má 20g. Rửa sạch, giã nát, thêm nước gạn uống, dùng liên tục 2-3 ngày.
Bài 4: Chữa ho ra máu:
Lá huyết dụ 10g, Rễ rẻ quạt 8g, Trắc bá diệp (sao đen) 4g, Lá thài lài tía 4g. Sắc uống ngày 1 thang.
Bài 5: Chữa sốt xuất huyết, xuất huyết dưới da:
Lá huyết dụ tươi 30g, Lá trắc bá (sao cháy) 30g, Cỏ nhọ nồi 20g, sắc uống ngày 1 thang.
Bài 6: Chữa xuất huyết tử cung, vòng kinh ngắn, đa kinh, sau đẻ ra nhiều máu, chảy máu cam, trĩ ra máu:
Cỏ nhọ nồi, Trắc bá diệp, Lá sen, Lá huyết dụ, Ngải cứu khô, sao cháy đều 20g sắc uống ngày 1 thang.
Bài 7: Chữa bị thương ứ máu, hoặc phong thấp đau nhức:
Huyết dụ cả cây 30g, Huyết giác 15g. Sắc uống ngày 1 thang.