Cây Dây đau xương | Vị thuốc đông y

DÂY ĐAU XƯƠNG

HÌNH ẢNH, TÁC DỤNG, VỊ THUỐC NAM, ĐÔNG Y, BÀI THUỐC DÂN GIAN CHỮA BỆNH, THUỐC BẮC

Tên khoa học: Tinospora sinensis (Lour) Merr. Họ: Tiết dê (Menispermaceae).

Tên khác: Khoan cân đằng, Tục cốt đằng, Khau năng cấp(Tày).

Cách trồng: Cây này mọc hoang nhiều nơi, nên thu hái từ thiên nhiên là chính. Nếu trồng thì tiến hành như sau: Nhân giống bằng cành. Chọn những cành bánh tẻ, cắt thành từng đoạn dài 40-50cm trồng vào hố đã chuẩn bị sẵn. Hố sâu 30-40cm, đường kính 40cm, bón lót bằng phân chuồng hoai 6-7 kg trộn với đất. Khi trồng, đặt hom giống hơi nghiêng, lấp đất dày 20-30cm, chừa khoảng 1/3 phần ngọn lên trên mặt đất. Thời tiết trồng thích hợp là tháng 2-3. Đến tháng 6-7 thì nên bón thúc cho cây bằng phân chuồng mục, tưới nước phân chuồng hoai hoặc nước tiểu pha loãng. Năm thứ 2 trở đi thì bón thúc thành 2 đợt vào các tháng 2-3 và 5-6. Nên trồng cạnh các cây cao hoặc làm giàn cho cây leo.

Thu hái và bào chế:

Dùng tươi: Thu hái thân, lá quanh năm.

Dùng khô: Chọn cắt lấy thân già, thái nhỏ, phơi khô dùng dần. Tùy theo bệnh có thể tẩm rượu sao.

Tác dụng và liều dùng: Khu phong, trừ thấp, mạnh gân cốt, chữa các chứng bệnh như sốt rét, thấp khớp, đau nhức xương khớp, đau thần kinh tọa, bị té ngã, bị đánh.

Liều dùng:10g-30g/ngày.

Bài thuốc ứng dụng:

Bài 1: Đau thần kinh tọa:

Dây đau xương, Kê huyết đằng, Ngũ vị tử, Cành lá kim ngân đều 15g, sắc uống ngày 1 thang

Bài 2: Chữa thấp khớp, đau nhức xương khớp, lưng gối yếu, mỏi: Dây đau xương, Bưởi bung, Đơn gối hạc, Cỏ xước, Rễ gấc, liều đều bằng 20g-30g, sắc uống ngày 1 thang.

Bài 3: Bị té ngã, bị đánh hoặc vận động nhiều làm sưng chân:

Lấy lá dây đau xương giã nát, cho thêm ít rượu vắt lấy nước cốt uống, bã đem chưng nóng, bóp và đắp vào vùng sưng đau.

Bài 4: Chữa rắn cắn:

Lá dây đau xương 20g, Lá thài lài 30g, Lá tía tô 20g, Rau sam 50g. Đều dùng tươi, rửa sạch, giã nhỏ, vắt nước uống, lấy bã đắp vào vết thương.

Bài 5: Chữa đau lưng, mỏi gối do thận yếu:

Dây đau xương 12g, Cẩu tích 20g, Củ mài 20g, Tỳ giải 16g, Bổ cốt toái 16g, Thỏ ty tử 12g, Rễ cỏ xước 12g, Đỗ trọng 12g. Sắc uống ngày 1 thang.

Bài 6: Chữa chứng do thấp tà gây đau ngang lưng, đau xương, nhức mỏi khắp mình, thời tiết thay đổi càng đau tăng:

Dây đau xương 120g, Củ cốt khí 120g. Cả hai đem rửa sạch, thái mỏng, phơi khô, sao vàng hạ thổ. Đỗ đen 120g tẩm với nước muối ăn(20g muối), sao chín rồi cũng hạ thổ. Ngâm 3 vị thuốc trên trong 1 lít rượu trên 10 ngày mới uống, mỗi ngày uống 2 lần, mỗi lần 20ml vào buổi sáng và buổi tối trước khi đi ngủ.

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Mới nhất
Cũ nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận