BẠCH MAO CĂN, CỎ TRANH
HÌNH ẢNH, TÁC DỤNG, VỊ THUỐC NAM, ĐÔNG Y, BÀI THUỐC DÂN GIAN CHỮA BỆNH, THUỐC BẮC
Tên khoa học: Imperata cylindrical(L.) Beauv.Họ: Lúa (Poaceae).
Tên khác: Cỏ tranh săng, Bạch mao căn, Nhả cà, Lạc cà(Tày), Gan(Dao), Dia(Kʹ Dong).
Cách trồng: Cây này mọc khắp nơi. Cây mọc khỏe, lan tỏa mạnh, nên chỉ thu hái từ thiên nhiên mà không trồng.
Bộ phận dùng và cách bào chế: Thân rễ(chỉ dùng loại nằm chìm dưới mặt đất) đào về rửa sạch, bỏ rễ con, rồi đem phơi hoặc sấy khô.
Tác dụng và liều dùng: Rễ có tác dụng thông tiểu, mát huyết, cầm máu, thanh nhiệt. Dùng để chữa các chứng bệnh: Tiểu tiện khó khăn, tiểu ít, buốt, ra máu, ho ra máu, chảy máu cam, phù do viêm thận, hen suyễn.
Liều 10-50g/ngày dạng thuốc sắc.
Bài thuốc ứng dụng:
Bài 1: Thuốc lợi tiểu, thanh nhiệt:
Rễ cỏ tranh 50g, Râu ngô 40g, Mã đề 25g, Cúc hoa 5g. Sắc uống ngày 1 thang. Trẻ em dưới 14 tuổi dùng liều bằng 1/3 liều trên.
Bài 2: Chữa hen suyễn:
Rễ cỏ tranh 60g, Tang bạch bì 60g. Sắc uống ngày 1 thang lúc thuốc đang nóng, uống sau bữa ăn.
Bài 3: Chữa đi tiểu ra máu:
Rễ cỏ tranh 30g, Xa tiền tử 30g. Sắc uống ngày 1 thang.
Bài 4: Chữa chảy máu mũi:
Rễ cỏ tranh 15g, Ngẫu tiết 15g. Sắc uống ngày 1 thang lúc thuốc đã nguội.
Bài 5: Chữa ợ hơi, nôn khi ăn:
Rễ cỏ tranh 28g, Rễ sậy 28g. Chặt nhỏ, sắc với 800ml nước còn 400ml, chia uống nhiều lần trong ngày.
Bài 6: Chữa chứng ban, sốt không rõ nguyên nhân, thường sốt cao về chiều, da nổi những mẩn nhỏ hoặc những mảng bầm tím:
Rễ cỏ tranh 20g, Rau dền 20g, Cỏ mần chầu 20g, Húng chanh 20g, Hạt đậu săng (sao vàng) 30g. Sắc uống ngày 1 thang.
Bài 7: Chữa bí tiểu tiện ở người già:
Rễ cỏ tranh 12g, Cao ban long 20g, Bông mã đề 12g, Nhục quế 4g. Sắc uống ngày 1 thang.
Bài 8: Chữa tiểu tiện ít, buốt, đau vùng bàng quang(Thừa kế LY Võ Dừa-Bình Kiến,TP Tuy Hòa):
Rễ tranh 30g, Bông mã đề 30g, Lá cối xay 50g, Rễ cỏ xước 20g, Rễ ngải cứu 30g, Đăng tâm 40g. Sắc uống ngày 1 thang