Ca sĩ Minh Thuận qua đời ở tuổi 47 vì ung thư phổi khiến nhiều người hâm mộ tiếc nuối. Đây là căn bệnh ung thư phổ biến ở nam giới.
Theo TS.BS Hoàng Đình Chân, Giám đốc chuyên môn Bệnh viện Ung bướu Hưng Việt (Hà Nội), khoảng 20.000 người Việt Nam phát hiện mắc ung thư phổi mỗi năm, trong đó có 17.000 người tử vong. Đáng chú ý, hơn 90% bệnh nhân tử vong chỉ sau 1 năm phát hiện bệnh.
4 dấu hiệu tố cáo ung thư phổi
Khó thở: Nếu làm việc nặng nhọc hoặc chạy quá sức có thể gây khó thở, thở gấp… Tuy nhiên, khi cơ thể không phải lao động, thậm chí chỉ nằm nghỉ ngơi mà vẫn thấy khó thở, bạn nên cẩn trọng.
Ho có đờm: Nếu tình trạng ho có đờm kéo đai hơn 3 tháng, bạn nên đi khám sớm. Nếu kèm theo những biểu hiện thở khò khè rất có thể bạn đã mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Nghiêm trọng hơn, nếu xuất hiện máu trong đờm, đây có thể là dấu hiệu của bệnh lao hoặc ung thư phổi.
Đau ngực: Đây là biểu hiện của nhiều loại bệnh tật như tim mạch, ung thư vú và cả những vấn đề về phổi.
Ho mãn tính: Nếu do nhiễm virus hoặc cảm lạnh thông thường, bạn sẽ thấy cơn ho giảm dần trong vòng 2 tuần. Tuy nhiên, nếu trường hợp này kéo dài quá lâu, bạn nên chú ý hơn, theo dõi chi tiết về sức khỏe của mình và đi khám sớm. Đây cũng có thể là những cảnh báo về hen suyễn, viêm phổi, ung thư phổi hoặc bệnh lao.
Cách phòng bệnh ung thư phổi
Theo TS Chân, hầu hết bệnh nhân đến thăm khám khi bệnh đã ở tình trạng nguy hiểm, có biến chứng thậm chí chuyển sang di căn. Dưới đây là những cách phòng bệnh hiệu quả:
Không hút thuốc lá: Thuốc lá có chứa khoảng 7.000 hóa chất độc hại. Đây là nguyên nhân hàng đầu gây bệnh ung thư phổi. Gần 90% người bệnh có thói quen hút thuốc.
Tránh tiếp xúc với khói thuốc lá: Khói thuốc có thể gây hại cho sức khỏe con người ở mọi lứa tuổi, đặc biệt là trẻ sơ sinh. Chính vì thế, bạn cần khuyên những thành viên trong gia đình từ bỏ thuốc lá.
Tránh xa không khí ô nhiễm: Không khí ô nhiễm, nước thải sinh hoạt và khói bụi thải ra từ xe cộ có thể là nguyên nhân gây ung thư phổi. Vì vậy, bạn nên phòng bệnh bằng việc trang bị khẩu trang khi tham gia giao thông.
Giảm phơi nhiễm hóa chất: Những người phải thường xuyên tiếp xúc với hóa chất như amiăng, crom và niken… đều có nguy cơ ung thư.
Ăn uống lành mạnh: Chế độ lạnh mạnh, bao gồm nhiều rau xanh và trái cây cung cấp một số loại vitamin và những khoáng chất cần thiết. Nhờ vậy, cơ thể sẽ được tăng cường hệ miễn dịch và hỗ trợ tốt trong việc chống ung thư, trong đó có ung thư phổi.
Thường xuyên vận động thể chất: Chế độ ăn tốt cần phải kết hợp với chế độ tập luyện thường xuyên. Đây là lối sống khoa học giúp bạn tăng cường sức đề kháng và phòng ngừa ung thư hiệu quả.
Theo Zing.vn
Nguồn: giadinh.net.vn