Cách đối phó với bệnh cấp tính mùa thu

Thời tiết chuyển mùa sang thu, lạnh về sáng và đêm, kết hợp với độ ẩm giảm dần, khô hanh nên rất dễ sinh bệnh cấp – bệnh khởi đột ngột, triệu chứng rầm rộ trong thời gian ngắn. Dưới đây, các chuyên gia sẽ giúp bạn xử trí đúng cách?
Thời tiết chuyển mùa sang thu dễ gây viêm đường hô hấp trên cấp tính. Ảnh: T.G

Viêm đường hô hấp trên cấp tính

Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng (nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai), thời điểm này dễ mắc nhất là viêm phế quản cấp chủ yếu do các virus gây nên. Đối tượng dễ mắc là trẻ em, người cao tuổi, người có hệ miễn dịch yếu (viêm phế quản cấp còn có thể xảy ra khi hít phải khí độc như: SO2, Clo, amoniac, khói đám cháy…).

Khi bị viêm phế quản cấp, ho nhiều dữ dội về đêm, thở khò khè, ớn lạnh, sốt, đau đầu, nôn… là bệnh đã biến chứng tăng nặng, nhất là đối với trẻ nhỏ. Cần đưa bệnh nhân tới bệnh viện ngay để được điều trị đúng cách. Không nên tự chữa ở nhà. Dùng thuốc đúng bệnh sẽ lui nhanh, giảm tái phát, không để biến chứng gây viêm phổi rất nguy hiểm.

Với bệnh nhiễm khuẩn hô hấp cấp ở trẻ em cần phát hiện sớm. Cha mẹ cần học cách chăm sóc trẻ bệnh nhẹ tại nhà như vệ sinh mũi họng hàng ngày, cho trẻ nghỉ ngơi ở phòng yên tĩnh, sạch sẽ. Điều trị theo chỉ định của bác sĩ và dứt điểm các ổ nhiễm khuẩn bằng cách cho uống thuốc đúng và đủ liều.

Để giảm bớt mắc các chứng bệnh cấp này lưu ý không tiếp xúc với môi trường ô nhiễm, khí bụi, khói thuốc lá, thuốc lào, tránh gió lùa (nhất là trẻ em). Hàng ngày uống nhiều nước, ăn đủ chất dinh dưỡng (sữa, đường, đạm, hoa quả và các vi ta min). Mặc quần áo chất liệu cotton mỏng, giữ ấm khi thời tiết chuyển mùa, không mặc quần áo dày, đắp chăn dày để tránh mồ hôi toát ra gây nhiễm lạnh ngược. Với trẻ em nên tiêm chủng vaccine phòng dịch bệnh đầy đủ và đúng lịch.

Bệnh cúm mùa, cảm cúm cấp tính

Bệnh cúm mùa là bệnh truyền nhiễm cấp tính. Dấu hiệu là sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, sổ mũi, đau họng, ho… Bệnh lây nhiễm rất cao, nếu nhẹ và điều trị đúng thuốc sẽ hồi phục trong 2-7 ngày. Nếu chủ quan, điều trị muộn sẽ diễn tiến nặng, có thể tử vong.

Bệnh cảm cúm cũng là bệnh lý cấp, gây nghẹt mũi, chảy nước mũi, sốt, đau đầu, chóng mặt, ho, đau họng, chán ăn… Khi người bệnh sốt cao từ 38,5oC trở lên cần hạ sốt tránh bị co giật. Lưu ý khi bị sốt sẽ bị lạnh từ trong cơ thể ra, do đó cần cởi bỏ bớt quần áo, không đắp chăn để hạ nhiệt.

Bình thường bệnh cảm cúm nhẹ thường lành tính, có thể điều trị ở nhà. Nhưng nếu thấy bệnh nhân thở nhanh, khó thở… cần đưa người bệnh tới bệnh viện để bác sĩ điều trị tích cực.

Đối với những người có bệnh lý mạn tính về tim mạch, hô hấp, người bị suy giảm miễn dịch, người già, trẻ nhỏ, phụ nữ có thai, người có bệnh lý mạn tính (bệnh phổi, suy thận, tiểu đường, tim mạch…) bị bệnh có thể biến chứng nặng và nguy hiểm hơn, dễ gây viêm phổi nặng, suy đa phủ tạng dẫn đến tử vong.

Để phòng bệnh, những người thuộc đối tượng trên nên tránh tiếp xúc gần với người mắc cúm. Nếu phải chăm sóc thì cả người chăm sóc và bệnh nhân cần đeo khẩu trang. Tăng cường rửa tay, vệ sinh hô hấp. Tránh nơi đông người. Nhà có trẻ em nên tiêm phòng vaccine cúm hàng năm.

Bệnh viêm dạ dày cấp

Viêm dạ dày cấp đến nhanh và đi nhanh, không để lại di chứng. Nguyên nhân do ăn uống, hoặc nhiễm khuẩn ở niêm mạc dạ dày, bị kích thích nhiệt, dị vật… khiến đau vùng thượng vị dữ dội, cồn cào, nóng rát, có khi âm ỉ, ậm ạch khó tiêu, buồn nôn, lưỡi lớn, miệng hôi, sốt 39 – 40oC. Quá trình viêm diễn ra từ vài giờ đến vài ngày.

Bệnh viêm dạ dày cấp thường đau đớn tới mức phải đi bệnh viện sớm. Nhưng lưu ý là quá trình điều trị, bệnh nhân cần tuân thủ tuyệt đối liệu trình điều trị của bác sĩ, nếu không cứ mùa thu bệnh sẽ tái phát.

Để phòng bệnh viêm dạ dày cấp, cần có lối sống lạc quan, tránh stress. Ăn uống điều độ, đúng giờ, chia nhỏ bữa ăn. Luôn mang theo thực phẩm chứa tinh bột (bánh quy) để ăn ngay khi cảm thấy đau, không để bụng đói. Cũng không nên ăn quá no.

Tránh dùng nhiều thuốc kháng viêm, không uống nhiều rượu bia, không hút thuốc lá, uống rượu, cà phê.

Bệnh viêm da cơ địa cấp tính

Giao mùa nhiều người hay bị bệnh viêm da cơ địa cấp tính. Theo TS.BS Đỗ Thị Thu Hiền (Bệnh viện Da liễu Trung ương), viêm da cơ địa cấp tính (gồm các chứng bệnh chàm thể tạng, eczema, sẩn ngứa Besnier…), đặc trưng bởi ngứa – gãi – mẩn đỏ… khu trú ở trán, má, cằm… Có thể viêm mũi dị ứng, viêm kết mạc mắt và viêm ngứa họng, hen… và hay tái phát.

Khi bị viêm da cơ địa cấp, bạn không nên tự chữa ở nhà, mà cần đi khám để bác sĩ chỉ định uống thuốc, thoa kem đúng cách, tránh bội nhiễm, chống dị ứng, ngứa và bệnh tiến triển nặng. Đặc biệt người bệnh cần tránh chà xát, gãi. Và dù trời lạnh cũng cần tránh dùng đồ len dạ mặc sát da.

Phòng ngừa bệnh giao mùa

– Sáng sớm và buổi tối phải giữ ấm cơ thể (vùng cổ, ngực, nhất là trẻ em). Không mặc đồ, đắp chăn dày kẻo toát mồ hôi cũng bị nhiễm lạnh.

– Uống nhiều nước, bổ sung dinh dưỡng đầy đủ, ăn hoa quả nhiều vitamin C để ngăn ngừa cảm cúm, tăng sức đề kháng. Ăn uống cần nóng sốt.

– Che miệng khi hắt hơi, rửa tay với xà phòng, vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối. Khi ốm sốt vẫn cần lau rửa, tắm giặt, vệ sinh mũi họng, cơ thể hàng ngày.

– Năng tập luyện nâng cao sức khỏe phòng chống bệnh tật.

– Giữ nhà cửa, phòng ngủ sạch sẽ, thoáng mát, thông khí tốt.

PGS. TS Nguyễn Tiến Dũng

Uyển Hương

Nguồn: giadinh.net.vn

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Mới nhất
Cũ nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận