Các huyệt trên kinh thủ dương minh đại trường

Các huyệt trên kinh thủ dương minh đại trường

THƯƠNG DƯƠNG

( Huyệt Tỉnh thuộc Kim )

– Vị trí: ở ngón tay trỏ, phía ngón cái, cách móng tay bằng lá hẹ (Giáp ất, Đồng nhân, Phát huy, Đại thành).

Lấy ở chỗ gặp nhau của đường tiếp giáp da gan tay-mu tay, phía ngoài ngón trỏ, với đường ngang qua gốc móng tay.

– Giải phẫu: Dưới da là phía ngoài chỗ bám gân ruỗi ngón trỏ của cơ ruôĩ chung các ngón tay, bờ ngoài đốt ba ngón trỏ. Thần kinh vận động cơ là nhánh của dây thần kinh quay. Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đoạn thần kinh C7.

– Tác dụng:
+ Tại chỗ: Ngón tay tê hoặc co giật.

     +Theo kinh: Đau vai kèm đau hố trên đòn, đau họng, đau răng,sưng đau hàm, hoa mắt, điếc tai, ù tai.

     + Toàn thân: Trúng phong hôn mê, sốt không ra mồ hôi.

– Cách châm cứu: Châm hướng kim về phía bàn tay, châm xiên, sâu 0,1 tấc.

Nếu sốt cao,hôn mê, đau sưng họng cấp dùng kim tam lăng trích cho ra máu.

NHỊ GIAN

( Huyệt Huỳnh thuộc Thủy)

– Vị trí: ở chỗ lõm, phía trước khớp xương bàn tay-ngón tay trỏ, mé ngoài ngón trỏ ( Giáp ất, Đồng nhân, Phát huy, Đại thành)

Lấy ở trên đường tiếp giáp da gan tay-mu tay, ở bên ngoài ngón trỏ, ngang chỗ tiếp nối với thân với đầu trên xương đốt 1 ngón tay trỏ, sờ thấy xương chỗ đó có hình vòng cung.

– Giải phẫu: Dưới da là gân cơ gian cốt mu tay và xương. Thần kinh vận động cơ là nhánh của dây thần kinh trụ. Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đọan thần kinh C7.

– Tác dụng:
+
Tại chỗ: Đau bàn tay, ngón tay.

     + Theo kinh: Đau cánh tay, đau vai, đau họng, đau răng, sưng hàm, méo mồm, chảy máu mũi, hoa mắt.

     + Toàn thân: Sốt nóng.

– Cách châm cứu: Châm luồn kim dưới da, sâu 0,2-0,3 tấc. Cứu 5-10 phút.

 

TAM GIAN

( Huyệt Du thuộc Mộc)

– Vị trí: ở chỗ lõm cuối xương bàn tay 2 về mé ngón cái (Giáp ất, Đồng nhân, Phát huy, Đại thành).

Lấy ở trên đường tiếp giáp da gan tay-mu tay ở bờ ngoài ngón tay trỏ, ngang chỗ tiếp nối của thân với đầu xương bàn tay 2.

– Giải phẫu: Dưới da là cơ gian cốt mu tay, cơ khép ngón tay cái và xương.

Thần kinh vận động cơ là các nhánh của dây thần kinh trụ. Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đoạn thần kinh C7.

– Tác dụng:
+ Tại chỗ: Sưng đau ngón tay, bàn tay.

     + Theo kinh: Đau răng, đau hàm dưới, đau bụng, đau mắt cấp.

– Cách châm cứu: Châm thẳng, sâu 0,3-0,7 tấc. Cứu 10-20 phút.

 

HỢP CỐC

( Huyệt Nguyên)

– Vị trí: ở chỗ lõm giữa xương ngón tay cái và ngón trỏ ( Đồng nhân, Phát huy, Đại thành)

Ngón tay cái và ngón tay trỏ xòe rộng ra, lấy nếp gấp giữa đốt 1 và đốt 2 của ngón tay cái bên kia, để vào hổ khẩu tay này, đặt áp đầu ngón cái lên mu, chỗ đó là huyệt, châm ở điểm án có cảm giác ê tức nhất ( có khi thấy cảm giác ê tức thấu sang phía ngón út).

Xòe ngón tay cái và ngón trỏ như trên, giữa tĩnh mạch ngoài ở mu tay và xương bàn tay 2 có 1 chỗ lõm xuống lấy huyệt ở trong chỗ lõm, ngang với chỗ tiếp nối của thân với đầu trên xương bàn tay 2.

– Giải phẫu: Dưới da là cơ gian cốt mu tay, bờ trên cơ khép ngón tay cái, bờ trong gân cơ ruỗi dài ngón tay cái. Thần kinh vận động cơ là các nhánh của dây thần kinh trụ và dây thần kinh quay. Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đoạn thần kinh C6-C7.

– Tác dụng:
+ Tại chỗ: Đau tê bàn tay, ngón tay.

     + Theo kinh: Đau cánh tay, đau vai, đau họng, đau răng, sưng mặt, liệt mặt, chảy máu mũi, ù tai, đau mắt.

     + Toàn thân: Trúng phong, sốt cao không ra mồ hôi, đau đầu, bế kinh, nhiều mồ hôi, làm co tử cung.

– Cách châm cứu: Châm thẳng, sâu 0,3-0,7 tấc. Cứu 10-20 phút.

Chú ý: Kết hợp với Nội quan, để châm tê chung toàn thân.

DƯƠNG KHÊ

( Huyệt Kinh thuộc Hỏa)

– Vị trí: ở trong chỗ lõm ở cổ tay, giữa hai đường gân( Giáp ất, Đồng nhân, Phát huy, Đại thành)

Úp bàn tay và hơi nghiêng bàn tay về phía ngón cái, cho hiện rõ hố lào ở giữa gân cơ ruỗi và dạng ngón cái, trong có gân cơ ruỗi dài ngón tay cái, gân cơ quay 1.

– Giải phẫu: Dưới da là đầu mỏm trâm quay, bờ trên xương thuyền, ngoài có gân cơ dạng dài và gân cơ ruỗi ngắn ngón tay cái, trong có gân cơ ruỗi dài ngón tay cái, gân cơ quay 1. Thần kinh vận động cơ do các nhánh thần kinh quay. Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đoạn thần kinh C8.

– Tác dụng:
+ Tại chỗ: Đau cổ tay.

     + Theo kinh: Đau nhức khớp khuỷu, khớp vai, cẳng tay, cánh tay, đau họng, đau răng, đau mắt đỏ, ù tai, điếc tai.

     + Toàn thân: Sốt cao, ngực đày tức, khó thở, phát cuồng, đau đầu.

– Cách châm cứu: Châm thẳng, luồn kim vào khe xương, sâu 0,3-0,4 tấc. Cứu 10-15 phút.

Chú ý: Kết hợp với Liệt khuyết , để chữa sưng , đau cổ tay.

 

THIÊN LỊCH

( Huyệt Lạc nối với kinh Thái âm Phế)

– Vị trí: ở sau cổ tay 3 tấc (Giáp ất, Đồng nhân, Phát huy, Đaị thành)

Lấy ở trên đường nối huyệt Dương khê- Khúc trì, huyệt ở trên Dương khê 3 tấc, dưới Khúc trì 9,5 tấc. Ở chỗ lõm giữa 2 cơ ruỗi ngắn và dạng dài ngón tay cái.

– Giải phẫu: Dưới da là cơ duỗi ngắn ngón tay cái, cơ dạng dài ngón tay cái.

Thần kinh vận động cơ do các nhánh của dây thần kinh quay. Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đọan thần kinh C6.

– Tác dụng:
+ Tại chỗ: Đau cẳng tay, cổ tay.

     + Theo kinh: Đau cánh tay, đau vai, đau họng, chảy máu mũi, ù tai, điếc tai, đau mắt đỏ.

     + Toàn thân: Phù thũng ( chứng của Phế)

– Cách châm cứu: Châm 0,3-o,4 tấc. Cứu 10-20 phút.

ÔN LƯU

(Huyệt Khích)

– Vị trí: ở phía sau cổ tay, người lớn 5 tấc, trẻ em 6 tấc (Đồng nhân, Đại thành)

Lấy ở trên đường nối Dương khê 5 tấc dưới Khúc trì 7,5 tấc. Ở chỗ lõm trên xương quay khi nắm chặt bàn tay, huyệt này còn có tên Sà đầu.

– Giải phẫu: Dưới da là gân cơ quay 1, cơ quay 2, cơ dạng dài ngón tay cái và xương quay. Thần kinh vận động cơ là các nhánh của thần kinh quay. Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đọan thần kinh C6.

– Tác dụng:
+ Tại chỗ: Đau cẳng tay.

     + Theo kinh: Đau cánh tay, đau vai, đau họng, sưng mặt, đau lưỡi, đau họng cấp.

– Cách châm cứu: Châm thẳng, sâu 0,3-0,5 tấc. Cứu 10-20 phút.

HẠ LIÊM

– Vị trí: ở sau xương quay, dưới huyệt Thượng liêm 1 tấc (Giáp ất, Đồng nhân, Đại thành)

Lấy ở trên đường nối Dương khê- Khúc trì , huyệt ở dưới Khúc trì 4 tấc, trên Dương khê 8,5 tấc.

– Giải phẫu: Dưới da là bờ sau cơ ngữa dài, bờ ngoài cơ quay 1, cơ ngữa ngắn và xương quay.Thần kinh vận động cơ do các nhánh của dây thần kinh quay. Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đoạn thần kinh C6.

– Tác dụng:
+ Tại chỗ: Đau cẳng tay, khủyu tay.

     + Theo kinh: Đau bụng.

– Cách châm cứu: Châm thẳng, sâu 0,3-0,5 tấc. Cứu 10-20 phút.

 

THƯỢNG LIÊM

– Vị trí: ở dưới huyệt Thủ tam lý 1 tấc (Giáp ất, Đồng nhân, Phát huy, Đại thành)

Lấy trên đường nối Dương khê – Khúc trì. Huyệt ở dưới Khúc trì 3 tấc,trên Dương khê 9,5 tấc.

– Giải phẫu: Dưới da là bờ sau cơ ngữa dài, bờ ngoài cơ quay 1, cơ ngữa ngắn và xương quay. Thần kinh vận động cơ do các nhánh của dây thần kinh quay. Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đọan thần kinh C6.

– Tác dụng:
+ Tại chỗ: Đau tê cẳng tay.

     + Theo kinh: Đau tê cánh tay, bại liệt chi trên, đau nhức vai và cổ, sôi bụng, đau bụng.

– Cách châm cứu: châm thẳng, sâu 0,3-0,5 tấc. Cứu 10-20 phút.

THỦ TAM LÝ

– Vị trí: ở dưới huyệt Khúc trì 2 tấc, ấn vào thịt nổi lên, huyệt ở đầu bắp thịt cẳng tay (Giáp ất, Đồng nhân, Phát huy, Đại thành).

Lấy ở trên đường nối Dương khê- Khúc trì. Huyệt ở dưới Khúc trì 2 tấc trên Dương khê 10,5 tấc.

– Giải phẫu: Dưới da là bờ sau cơ ngữa dài, cơ ngữa ngắn và xương quay.

Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đọan thần kinh C6.

– Tác dụng:
+ Tại chỗ: Đau vùng khuỷu tay.

     + Theo kinh: Bại liệt chi trên, đau nhức cổ vai, đau bụng, nôn mữa.

– Cách châm cứu: Châm thẳng sâu 0,5- 1 tấc. Cứu 10-20 phút.

Chú ý: Châm đắc khí thấy căng tức tại chỗ hoặc chạy theo kinh, có khi có cảm giác như điện giật.

 

KHÚC TRÌ

( Huyệt Hợp thuộc Thổ)

– Vị trí: ở chỗ lõm đầu ngấn ngang mặt ngoài khủyu tay khi co lại (Đại thành).

Gấp cẳng tay vào cánh tay, bàn tay để phía trên ngực, cho nổi rõ nếp gấp khuỷu, đánh dấu đầu ngoài nếp gấp khuỷu, rồi đặt tay lại cho vuông góc với cánh tay để châm.

– Giải phẫu: Dưới da là chỗ bám của cơ ngữa dài, cơ quay 1, cơ ngữa ngắn, khớp khuỷu. Thần kinh vận động cơ là các nhánh của dây thần kinh quay.

Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đọan thần kinh C6.

– Tác dụng:
+ Tại chỗ: Đau sưng khuỷu tay.

     + Theo kinh: Tay không có sức, liệt chi trên, đau nhức chi trên, viêm họng.

     + Toàn thân: Sốt, nổi mẩn, dị ứng, mụn nhọt, chàm.

– Cách châm cứu: Châm thẳng, sâu 0,8- 1,5 tấc. Cứu 10-20 phút.

– Chú ý: Kết hợp với Thái xung, Huyết hải: chữa dị ứng.

Kết hợp với Đại chùy, Hợp cốc, Thập tuyên chữa sốt cao.

TRỬU LIÊU

– Vị trí: ở chỗ lõm ngoài lồi cầu xương cánh tay (Giáp ất, Đồng nhân, Phát huy, Đại thành)

Lấy ở bờ ngoài xương cánh tay, trên mỏm trên lồi cầu xương cánh tay, cách huyệt Khúc trì 1,5 tấc (1/6 đoạn khớp khuỷu – đầu nếp nách trước)

– Giải phẫu: Dưới da là rãnh giữa cơ ba đầu cánh tay ( phần rộng ngoài ) và chỗ bám của cơ ngữa dài, cơ quay 1 và xương cánh tay. Thần kinh vận động cơ do các nhánh của dây thần kinh quay. Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đọan thần kinh C5.

– Tác dụng:
+ Tại chỗ: Đau khuỷu tay.

     + Theo kinh: Tay co giật, tê tay.

– Cách châm cứu: Châm thẳng sâu 0,3-0,5 tấc. Cứu 10-20 phút.

 

THỦ NGŨ LÝ

– Vị trí: ở trên khuỷu tay 3 tấc, đi vào đại mạch (Giáp ất, Đồng nhân, Đại thành)

Lấy ở sát bờ xương cánh tay, chỗ 1/3 dưới nối với 2/3 trên đoạn khớp khuỷu – đầu nếp nách, phía sau – ngoài cánh tay.

– Giải phẫu: Dưới da là phần rộng ngoài của cơ ba đầu cánh tay, vách liên cơ ngoài. Thần kinh vận động cơ là nhánh của dây thần kinh quay. Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đọan thần kinh C5.

– Tác dụng:
+ Tại chỗ: cánh tay đau nhức hay co giật.

     + Theo kinh: khuỷu tay đau nhức, lao hạch cổ.

– Cách châm cứu: Các sách Giáp ất, Đồng nhân, Đaị thành đều nói cấm châm. Cứu 10 phút

Chú ý: Có sách nói có thể châm nông 0,3-0,5 tấc, bằng kim nhỏ và không kích thích mạnh.

 

TÝ NHU

( Huyệt Hợp của kinh Dương minh ở tay với mạch Dương duy và các kinh Thái dương ở tay và chân ).

– Vị trí: ở trên khuỷu tay 7 tấc, đầu trên bắp thịt cánh tay (Đồng nhân, Đại thành)

Lấy ở chỗ 7/9 dưới nối với 2/9 trên của đọan khớp khuỷu – đầu nếp nách, ngang trước chỗ bám của cơ delta vào xương cánh tay.

– Giải phẫu: Dưới da là đỉnh cơ delta, bờ ngoài cơ hai đầu cánh tay, chỗ bám của cơ cánh tay trước vào xương, phía sau là phần rộng ngoài của cơ ba đầu cánh tay, xương cánh tay. Thần kinh vận động cơ là nhánh của dây thần kinh mũ, các nhánh của dây thần kinh cơ da và nhánh dây thần kinh quay. Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đọan thần kinh C5.

– Tác dụng:
+ Tại chỗ: Đau nhức cánh tay, tay không giơ lên được.

     + Theo kinh: Đau nhức khuỷu tay, lao hạch cổ.

– Cách châm cứu: Châm thẳng, sâu 0,5-0,7 tấc. Cứu 10-20 phút.

 

KIÊN NGUNG

( Huyệt Hội của kinh Dương minh ở tay với mạch Dương kiểu )

– Vị trí: ở chỗ lõm ngoài vai, khỏang giữa hai xương, giơ cánh tay lên, lấy huyệt ở chỗ lõm ( Đồng nhân, Phát huy, Đại thành).

Lấy ở điểm giữa mỏm cùng vai và mấu động lớn của xương cánh tay, sát bờ trước mỏm cùng vai hoặc sờ để xác định bờ trước mỏm cùng vai để lấy huyệt, hoặc bảo người bệnh dang ngang cánh tay, mỏm cùng vai và mấu động lớn xương cánh tay sẽ làm xuất hiện 2 chỗ lõm, huyệt ở trong chỗ lõm nhỏ phía trước.

– Giải phẫu: Dưới da là khe giữa bó đòn và bó cùng vai của cơ delta, khe khớp giữa xương bã vai và xương cánh tay. Thần kinh vận động cơ là dây thần kinh mũ. Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đọan thần kinh C4.

– Tác dụng:
-Tại chỗ: Đau vùng vai.

     -Theo kinh: Đau nhức, bại liệt chi trên trong liệt nửa người.

– Cách châm cứu: Châm thẳng, sâu 0,8- 1,5 tấc hoặc châm mũi kim hướng dọc theo xương cánh tay. Cứu 15-30 phút.

Chú ý: Kết hợp với Khúc trì, Hợp cốc , để chữa liệt chi trên.

 

CỰ CỐT

( Huyệt Hội của kinh Dương minh ở tay với mạch Dương kiểu)

– Vị trí: ở chỗ lõm của khe hai xương chéo nhau, từ đầu vai đi vô (Giáp ất, Đồng nhân, Phát huy, Đại thành)

Nắm tìm đầu ngoài của xương đòn, chỗ tiếp khớp với mỏm cùng vai lùi ngón tay vào phía trong để xác định khe giữa xương đòn và gai sống vai, lấy huyệt ở chỗ lõm ngay phía trong chỗ 2 xương tiếp khớp với nhau.

– Giải phẫu: Dưới da là cơ thang, cơ trên gai. Thần kinh vận động cơ là dây trên vai của đám rối thần kinh nách, nhánh ngoài của dây thần kinh sọ não số XI và một nhánh của đám rối cổ sâu. Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đoạn thần kinh C4.

– Tác dụng:
+ T
ại chỗ: Đau vùng vai.
+ Theo kinh: Đau cánh tay, bại liệt chi trê
n, lao hạch.

– Cách châm cứu: Châm thẳng, sâu 0,5- 1,2 tấc. Cứu 10-20 phút.

 

THIÊN ĐỈNH

– Vị trí: ở bên cổ, từ huyệt Khuyết bồn thẳng lên. Sau và dưới huyệt Phù đột độ 1 tấc. (Đồng nhân, Đại thành, Tuần kinh)

Lấy ở giữa bờ sau của bờ sau bó đòn cơ ức đòn chũm và đường ngang qua giữa cổ, dưới bờ xương hàm độ 2 tấc, ngang bờ dưới sụn giáp trạng.

– Giải phẫu: Dưới da là cơ bám da cổ, bờ sau cơ ức đòn chũm, các cơ bậc thang. Thần kinh vận động cơ là dây thần kinh cơ da cổ, nhánh ngoài của dây thần kinh sọ não số XI, và các nhánh của đám rối cổ sâu. Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đọan thần kinh C3.

– Tác dụng : Tại chỗ:Hầu họng sưng đau, khản tiếng, ăn nghẹn, lao hạch.

– Cách châm cứu: Châm thẳng, sâu 0,3-0,5 tấc. Cứu 5-10 phút.

 

PHÙ ĐỘT

– Vị trí: ở cổ, dưới má 1 tấc, ngoài huyệt Nhân nghênh 1,5 tấc (Giáp ất, Đồng nhân, Đại thành).

Lấy ở giữa bờ sau của cơ ức đòn chũm, trên đường ngang qua bờ trên sụn giáp trạng, phía sau và phía ngoài sụn giáp trạng 3 tấc.

– Giải phẫu: Dưới da là cơ bám da cổ, bó ức và bó đòn của cơ ức đòn chũm, các cơ bậc thang, chỗ bám vào xương của cơ gốc. Thần kinh vận động cơ là dây thần kinh da cổ, nhánh ngoài của dây thần kinh sọ não XI,

các nhánh của đám rối thần kinh cổ sâu. Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đọan thần kinh C3.

– Tác dụng:
+ Tại chỗ: họng sưng đau, khản tiếng, ăn nghẹn, lao hạch.

     + Toàn thân: Ho, hen suyễn,

– Cách châm cứu: Châm thẳng, sâu 0,3-0,5 tấc. Cứu 5-10 phút.

 

HÒA LIÊU

– Vị trí: ở dưới lỗ mũi, phía ngoài huyệt Nhân trung 0,5 tấc (Giáp ất, Đại nhân, Phát huy, Đại thành).

Lấy ở trên đường ngang qua 1/3 trên và 2/3 dưới của rãnh Nhân trung, ở phía ngoài đường giữa rãnh 0,5 tấc.

– Giải phẫu: Dưới da là cơ vòng môi trên, xương hàm trên.Thần kinh vận động cơ là nhánh của dây thần kinh sọ não số VII. Da vùng huyệt chi phối bởi nhánh dưới hố mắt của dây thần kinh sọ não số V.

– Tác dụng:- Tại chỗ: Chảy máu mũi, ngạt mũi, méo mồm.

– Cách châm cứu: Châm sâu 0,2-0,3 tấc. Không cứu.

Chú ý: Khu vực dễ bị nhiễm trùng, cần lưu ý.

 

NGHÊNH HƯƠNG

(Huyệt Hội của các kinh Dương minh ở tay và ở chân)

– Vị trí: ở ngoài huyệt Hòa liêu 1 tấc, phía ngoài lỗ mũi 0,5 tấc (Đồng nhân, Phát huy, Đại thành).

Lấy ở điểm gặp nhau của đường ngang qua chân cánh mũi và rãnh mũi – mồm( bảo người bệnh cười cho rãnh mũi, mồm mà lấy huyệt).

– Giải phẫu: Dưới da là bờ ngoài cơ nâng cánh mũi và môi trên, bờ ngoài cơ nở cánh mũi và cơ ngang mũi, bờ trong cơ gò má nhỏ và cơ nanh, bờ trên cơ vòng môi. Thần kinh vận động cơ là các nhánh của dây thần kinh sọ não số VII. Da vùng huyệt chi phối bởi nhánh dưới hố mắt của dây thần kinh sọ não số V.

– Tác dụng:- Tại chỗ: Ngạt mũi, chảy nước mũi, chảy máu mũi, liệt mặt.

– Cách châm cứu: Châm sâu 0,2-0,3 tấc.

Chú ý: Kết hợp với Thượng tinh , chữa chảy nước mũi.

Kết hợp với Khúc trì, Hợp cốc , chữa viêm mũi.

Khi cần cứu không được gây bỏng.

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Mới nhất
Cũ nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận