“Bóng cười” gây khoái cảm nguy hiểm như thế nào?

Du nhập vào Việt Nam từ mấy năm trước nhưng “bóng cười” bỗng phát triển mạnh mẽ thời gian gần đây. Loại bóng này là gì và nguy hiểm thế nào?

Bay bán tràn lan

Bóng cười hay còn gọi là funky ball được giới trẻ hứng thú sử dụng như một trào lưu giúp giảm stress. Hiện nay, loại bóng này rất được ưa chuộng trong các quán bar, các tụ điểm ăn chơi, thậm chí tại những nơi công cộng như quán cà phê, quán nước dọc các tuyến phố của thủ đô như: Tạ Hiện, Mã Mây, Hàng Buồm, Hàng Thùng…

Ở một quán nước trên phố Tạ Hiện, Hà Nội, địa điểm quen thuộc của giới trẻ khi muốn chơi “bóng cười”. Nam thanh, nữ tú 19, 20 tuổi vô tư hít hà thứ khí chứa trong các quả bóng bay đủ màu trắng, hồng, đỏ, tím… thỉnh thoảng lại ngả đầu vào nhau cười rúc rích.

Tùy từng địa điểm ăn chơi, giá bóng cười giao động từ 30.000 – 70.000 đồng. Với giá cả “phải chăng” thế này, dù không phải “dân chơi” cũng có thể dễ dàng mua và sử dụng thường xuyên.

L., một người làm thuê tại tụ điểm ăn chơi sầm uất khu phố cổ Hà Nội. L. cho hay: Bóng cười mua không khó nhưng phải là người trong cùng giới mới có thể “bắt sóng” với nhau để giao dịch được. Theo L., “hàng” được nhập từ Canada, Thụy Sỹ, Mỹ, Ý… về Việt Nam. Rất nhiều quán bar, tụ điểm ăn chơi tại Hà Nội đã móc nối được với những đầu mối này và trở thành những nơi cung cấp dịch vụ này cho giới trẻ.

Không chỉ bán trực tiếp, bóng cười còn được rao bán công khai tràn lan trên mạng. Chỉ cần gõ cụm từ “dịch vụ bóng cười” là có thể thấy hàng loạt các cửa hàng kinh doanh online với những lời rao kích thích sự tò mò: “Dân chơi thứ thiệt mới chơi loại này”; “Cafe bóng cười cực chất giá lại mềm”; “Hãy để lại những khoảnh khắc đẹp và vui vẻ bên bạn bè cùng funkyball”… Ngoài hướng dẫn sử dụng, các cửa hàng online còn đăng tải đầy đủ giá cả sản phẩm theo từng loại như: 1 combo gồm 1 dụng cụ bơm lớn cùng 60 bóng có giá 2 triệu đồng hay combo gồm 1 dụng cụ bơm mini cùng 50 bóng sẽ có giá 1,2 triệu đồng…

Giới trẻ vo tư sử dụng “bóng cười”. Ảnh: TL

Nguy hiểm như thế nào?

Bóng cười không phải là một loại thuốc hay trò chơi nó thực chất chỉ là những quả bóng bay bình thường nhưng được bơm thêm khí nitrous oxide và công việc của người dùng chỉ là “thổi” và “hít”.

Gọi là bóng cười vì quả bóng này không có tác dụng nào khác ngoài khả năng gây cười, cười nhiều và cười lâu. Chỉ cần hít hà bạn sẽ nhanh chóng cười và cười không kiểm soát. Bề ngoài những quả bóng này không có gì khác so với những quả bóng bình thường nhưng nó lại ẩn chứa nhiều mối nguy hại.

Ở một số nước châu Âu, chất này là chất kích thích được bán hợp pháp tại các hộp đêm. Nhưng bên cạnh việc được hợp pháp hóa, các bác sĩ tại đây vẫn khuyến cáo giới trẻ không nên sử dụng vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thần kinh người sử dụng, hệ tim mạch mà nặng hơn là không kiểm soát được bản thân, trầm cảm dẫn đến thiệt mạng.

PGS.TS. Trần Hồng Côn, giảng viên khoa Hóa, Trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết: Bóng cười đang được đông đảo giới trẻ Hà thành sử dụng để gây khoái cảm, tạo sự phấn khích cho bản thân, thực tế, đã được giới quý tộc ở các nước châu Âu dùng từ thế kỷ XIX.

“Thành phần chính của bóng cười là khí N2O, là một loại khí gây mê. Tuy nhiên, không giống các loại thuốc gây mê khác, khí N2O gây mê nhưng con người vẫn cảm nhận được các tri giác, chỉ mất cảm giác đau. Cũng vì thế, nó được ưa chuộng sử dụng trong nha khoa”, ông Côn phân tích.

Theo PGS.TS. Trần Hồng Côn, khí N2O khi hít vào sẽ thẩm thấu qua niêm mạc, các tuyến nang ở trong phổi rồi đi vào máu lên não và kích thích vào trung tâm thần kinh gây cười. Cũng vì thế mà dù không có lý do gì cả nhưng cứ hít phải khí này thì người ta cười.

“Nếu sử dụng khí N2O với nồng độ thấp sẽ tạo ra sự phấn khích cho con người. Tuy nhiên, đây cũng là loại khí tác động đến hệ thần kinh, nếu lạm dụng nhiều sẽ gây mệt mỏi, uể oải, thậm chí gây mất thần thái, ngơ ngơ, không còn cảm giác gì đối với sự vật, sự việc xung quanh, dẫn tới trầm cảm. Với những người có tiền sử bệnh tim nếu sử dụng quá đà có thể gây sốc tim, tim ngừng đập; còn những người có tiền sử bệnh hen suyễn rất có thể vì hít khí này vào khiến nồng độ oxy giảm mạnh sẽ gây choáng, ngất xỉu, thậm chí tử vong vì thiếu khí”, PGS.TS. Trần Hồng Côn cho biết.

Hà Phương

Nguồn: giadinh.net.vn

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Mới nhất
Cũ nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận