Bệnh viện Phổi Trung ương: Sẵn sàng ghép phổi vào năm 2018

Theo PGS.TS Nguyễn Viết Nhung – Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, hiện nay trên thế giới, ghép phổi đã phát triển rất mạnh, số ca ghép phổi liên tục tăng qua các năm. Tại Việt Nam có khoảng 1,5 triệu người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, nếu ở giai đoạn cuối người bệnh sẽ có chỉ định ghép phổi. Ngoài ra các căn bệnh cũng được chỉ định ghép phổi như xơ phổi, xơ nang phổi giai đoạn cuối …

 

Sáng 6/1/2017, Bộ Y tế đã khởi công xây dựng Trung tâm công nghệ cao và ghép phổi thuộc Bệnh viện Phổi Trung ương có quy mô 8 tầng và 1 tầng hầm, tổng diện tích xây dựng trên 22.615m2 với quy mô 270 giường bệnh. Trung tâm sẽ là nơi đón tiếp và ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến nhất trong khám chữa bệnh thuộc chuyên ngành lao và bệnh phối. Đây cũng sẽ là trung tâm ghép phổi hiện đại, tiên tiến hàng đầu Việt Nam và ngang tầm với khu vực và quốc tế. Phóng viên báo Sức khỏe & Đời sống đã có cuộc trao đổi với Thầy thuốc ưu tú, PGS.TS. Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi trung ương về vấn đề này.

PSG.TS Nguyễn Viết Nhung phát biểu tại lễ khởi công.

Phóng viên: Thưa ông, Bệnh viện Phổi Trung ương là một bệnh viện chuyên khoa đầu ngành của cả nước, việc xây dựng một Trung tâm công nghệ cao và ghép phổi ở Bệnh viện có ý nghĩa rất lớn. Xin ông có thể cho biết khái quát về sự ra đời của Trung tâm này?

 

PGS.TS Nguyễn Viết Nhung: Bệnh viện Phổi Trung ương là bệnh viện chuyên khoa đầu ngành Phổi và Lao. Chúng tôi đã có kế hoạch chiến lược phát triển bệnh viện đến năm 2020 và tầm nhìn 2030 được Bộ Y tế phê duyệt. Dưới góc độ quản lý, tôi cho rằng có 2 vấn đề mấu chốt để phát triển bệnh viện đó cơ sở hạ tầng kỹ thuật và cán bộ chuyên khoa, do vậy xây dựng một trung tâm hiện đại sẽ có ý nghĩa rất lớn. Hơn nữa, bệnh viện Phổi Trung ương còn có nhiệm vụ đào tạo và chỉ đạo chuyên ngành trong cả nước, vì ý nghĩa của Trung tâm không chỉ với riêng Bệnh viện Phổi Trung ương mà còn có ý nghĩa với cả chuyên ngành lao và bệnh phổi Việt Nam.

Trên cơ sở đó, chúng tôi đề xuất Bộ Y tế về việc thành lập một Trung tâm công nghệ cao và ghép phổi và rất may mắn đề xuất này đã nhận được sự ủng hộ của Bộ Y tế, của các ban ngành và Chính phủ.

Chúng tôi luôn xác định rằng, Trung tâm công nghệ cao này nhằm mục tiêu nâng cao chất lượng, phục vụ người bệnh ngày một tốt hơn, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của nhân dân ta về sự lựa chọn các dịch vụ kỹ thuật cao, tiên tiến nhất trong điều trị bệnh. Đồng thời, chúng tôi cũng không bao giờ quên những kỹ thuật tiên tiến phải được chuyển đến với người bệnh bằng phương thức hợp lý nhất để có được sự hài lòng của nhân dân đó là những nụ cười, đó là rõ ràng minh bạch về thông tin và tài chính đó là những dịch vụ chăm sóc ngoài y tế …

 

PGS.TS. Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi trung ương
PGS.TS. Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi trung ương
PGS.TS. Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi trung ương

Phóng viên: Theo kế hoạch, năm 2017 ngành y tế Việt Nam sẽ tiến hành ghép phổi. Kỹ thuật ghép phổi đòi hỏi trang thiết bị hiện đại, kỹ thuât và trình độ chuyên môn của người thầy thuốc rất cao, Trung tâm công nghệ cao và ghép phổi đã chuẩn bị như thế nào để tiến tới có thể ghép phổi cho người bệnh ngay tại Việt Nam?

PGS.TS Nguyễn Viết Nhung: Kỹ thuật ghép phổi đã được Bộ trưởng Bộ Y tế đặt ra và hiện nay cũng có nhiều đơn vị đăng ký thực hiện. Với chức năng là đơn vị đầu ngành, Bệnh viện Phổi Trung ương sẽ xây dựng một chương trình ghép phổi, đó là một chương trình toàn diện và liên tục. Để làm được việc đó, bên cạnh đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật thì việc đào tạo đội ngũ chuyên môn sâu có phong cách làm việc chuyên nghiệp trách nhiệm là cực kỳ quan trọng. Chúng ta chưa có kinh nghiệm trong việc ghép phổi, nên chúng tôi đã hợp tác vói các chuyên gia nước ngoài. Mới đây giáo sư Marc Stern là người rất có kinh nghiệm ghép phổi từ những năm đầu của Pháp đã làm việc với chúng tôi trong 1 tuần và giúp chúng tôi lập kế hoạch với những yêu cầu cụ thể cần hoàn thiện. Ông đánh giá rất cao về sự quyết tâm cao và đội ngũ làm việc chuyên nghiệp của Bệnh viện. Trang thiết bị hiện nay đã được cung cấp và sử dụng tại các phòng mổ hiện tại. Chúng tôi sẽ cử một kíp cán bộ đi học tập nước ngoài trước 6 tháng khi ca ghép đầu tiên được tiến hành, dự kiến cuối năm 2017 hoặc đầu năm 2018.

 

Phóng viên: Xin ông cho biết lộ trình của việc ghép phổi tại Trung tâm công nghệ cao và ghép phổi, Bệnh viện Phổi Trung ương?

 

PGS.TS Nguyễn Viết Nhung: Hiện nay chúng tôi đang thực hiện đề tài cấp bộ về sàng lọc những người bệnh có chỉ định ghép, nghiên cứu việc điều trị trước ghép và chuẩn bị chờ ghép như thế nào. Trung tâm này sẽ được xây dựng khoảng gần 2 năm và lộ trình đến năm 2018 chúng tôi sẽ tiến hành ghép phổi. Tuy nhiên, nhiều người bệnh không chờ được, vì vậy chúng tôi có thể sẽ tiến hành sớm hơn, bởi vào tháng 4 tới, Bệnh viện Phổi Trung ương sẽ đưa vào hoạt động Trung tâm điều trị theo yêu cầu công nghệ cao, tại đây cũng sẽ có đủ điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị và sẽ đào tạo đội ngũ cán bộ chuyên gia để tiến hành ghép phổi.

Khởi công xây dựng Trung tâm công nghệ cao và ghép phổi – Bệnh viện Phổi Trung ương

Phóng viên: Việc ra đời các trung tâm kỹ thuật cao tại các bệnh viện không chỉ đáp ứng yêu cầu điều trị bệnh của người dân nói chung mà còn góp phần thực hiện chủ trương của ngành y tế là hướng tới sự hài lòng của người bệnh. Xin ông cho biết, Trung tâm công nghệ cao và ghép phổi sẽ làm gì để nâng cao dịch vụ và chất lượng điều trị bệnh cho người dân?

 

PGS.TS Nguyễn Viết Nhung: Trung tâm này ra đời sẽ đưa Bệnh viện Phổi Trung ương đạt những chuẩn cao hơn, ngang tầm với khu vực và quốc tế, cả về chuyên môn kỹ thuật và chất lượng dịch vụ cung cấp. Các dịch vụ y tế của Bệnh viện được đánh giá theo 5 tiêu chí minh bạch, thân thiện, dễ tiếp cận, toàn diện và hiện đại. Với định hướng như vậy, tôi tin tưởng rằng bệnh viện ngày càng có được sự hài lòng của người bệnh và nhân dân.

 

Tại Trung tâm công nghệ cao và ghép phổi, Bệnh viện Phổi Trung ương sẽ có 10 phòng mổ, trong đó có 2 phòng mổ đặc biệt phục vụ cho các kỹ thuật phẫu thuật lồng ngực và ghép phổi. Hệ thống cấp cứu, hồi sức tích cực nội khoa, ngoại khoa, ung thư phổi và các kỹ thuật cận lâm sàng đồng bộ và hiện đại. Trung tâm này kết nối với các trung tâm khác trong bệnh viện để mang đến cho người bệnh hiểm nghèo những chương trình điều trị hợp lý nhất, ví dụ ung thư phổi sẽ có nhiều lựa chọn phương pháp điều trị riêng lẻ hoặc phối hợp đó là phẫu thuật, tia xạ, hóa chất, điều trị miễn dịch, điều trị đích và điều trị nhiệt băng vi sóng, … Và tới đây, người bệnh có bệnh phổi giai đoạn cuối sẽ được chỉ định ghép phổi, đó là sự kết hợp của nhiều lĩnh vực mà bệnh viện là đầu ngành.

Bên cạnh đó, với chức năng đào tạo và chỉ đạo tuyến, Trung tâm sẽ kết nối trực tuyến và hỗ trợ cho các trung tâm, bệnh viện các tuyến trên phạm vi toàn quốc (telemedicine). Mặc dù hiện nay, chúng tôi đã tiến hành đào tạo trực tuyến tại Chương trình chống lao Quốc gia, nhưng việc gắn kết giữa đào tạo với thực nghiệm lâm sàng sẽ được đẩy mạnh hơn nữa tại Trung tâm công nghệ cao này.

Mặt khác, Trung tâm công nghệ cao và ghép phổi sẽ chú trọng vào việc kiểm soát nhiễm khuẩn để đạt được tiêu chuẩn tương đương với nước ngoài, đây là lý do người bệnh ở các nước tiên tiến có thời gian nằm viện sau phẫu thuật ngắn và phục hồi nhanh hơn ở Việt Nam.

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Mới nhất
Cũ nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận