[Nhi khoa] Bệnh học sốt xuất huyết Dengue ở trẻ em

Vài nét về dịch tễ và đường lây truyền bệnh

Dengue xuất huyết hiện là vấn đề y tế quan trọng ở nước ta. Ở 19 tinh phía nam, từ năm 1985 đến 1996 đã có 490.541 bệnh nhân mắc Dengue xuất huyết và chết 3.421 em . Hiện nay bệnh xảy ra có tính chất địa phương. Hàng năm dịch Dengue xuất huyết xảy ra từ tháng 6 đến tháng 11, đỉnh cao là tháng 7, 8, 9 và phù hợp với quy luật phát triển của muỗi Ae. Aegypti . Lứa tuổi mắc nhiều nhất là 5 đến 9 tuổi, không có sự khác biệt giữa nam và nữ, theo dõi qua hàng năm cả 4 típ virus đã được phân lập, tỷ lệ tử vong 0,28% .Virus Dengue được truyền cho người do muỗi đốt. Nguồn dự trữ chính của virus là người.

Virus Dengue

Có 4 type huyết thanh ký hiệu DEN. 1, DEN. 2, DEN. 3, DEN. 4 mà về tính kháng nguyên thì rất gần nhau. Sau một giai đoạn ủ bệnh 4 – 6 ngày, virus hiện diện trong máu của bệnh nhân trong suốt giai đoạn cấp tính của bệnh.

Véctơ truyền bệnh

Trung gian truyền bệnh hiệu quả nhất là muỗi Aedes aegypti bởi vì loại muỗi này sống trong nhà, muỗi cái đốt người vào ban ngày.

chế bệnh sinh

Có hai biến đổi chính:

Tăng tính thấm mao mạch

Hiện tượng này làm thoát huyết tương từ ngăn mạch vào tổ chức kẻ . Hậu quả là máu bị cô đặc (Hct tăng), hiệu số huyết áp kẹp và nếu thể tích huyết tương giảm đến mức nguy hiểm thì gây ra các dấu hiệu choáng.

Rối loạn quá trình cầm máu – đông máu

Tác động lên cả 3 yếu tố chính của quá trình này: biến đổi thành mạch, giảm tiểu cầu và đông máu nội quản. Cho đến nay, người ta vẫn chưa xác định được bản chất các chất trung gian hoá học gây tăng tính thấm mao mạch cũng như còn chưa xác định được những cơ chế chính xác gây chảy máu trong bệnh Dengue xuất huyết.

Lâm sàng

Sốt Dengue

Bệnh cảnh lâm sàng phụ thuộc vào lứa tuổi.

Ở trẻ bú mẹ và trẻ nhỏ

Biểu hiện bằng một bệnh cảnh sốt khó gián biệt với hội chứng nhiễm virus kèm với phát ban dạng dát sẩn.

Ở trẻ lớn và người lớn

Bệnh cảnh sốt nhẹ hoặc sốt cao đột ngột, mang đặc điểm sốt 2 pha. Đau cơ, đau khớp, phát ban, nổi hạch ngoại biên và giảm bạch cầu. Trẻ lớn đau đầu dữ dội, đau sau hốc mắt. Có thể kèm theo xuất huyết nhẹ như như chảy máu mũi, chân răng, chấm xuất huyết trên da. Dấu dây thắt thường ít khi (+) và tiểu cầu thường ít khi giảm.

Dengue xuất huyết

Những trường hợp Dengue xuất huyết điển hình mà người ta gặp có đặc điểm là có 4 triệu chứng lâm sàng chính : sốt cao, hiện tượng xuất huyết, gan lớn và thường có suy tuần hoàn. Về xét nghiệm có 2 đặc điểm là giảm tiểu cầu và đồng thời với cô đặc máu.

Dengue xuất huyết thể không có choáng

Khởi đầu với sốt đột ngột, có dấu phừng đỏ mặt và các dấu tổng quát không đặc thù như chán ăn, nôn mửa, nhức đầu, đau cơ, đau khớp, đau họng (khám họng thấy họng đỏ, sung huyết). Ngoài ra còn có đau vùng thượng vị, đau vùng bờ mạn sườn phải và đau toàn bụng. Nhiệt độ luôn luôn cao trong 2 – 7 ngày rồi tụt xuống mức bình thường hay dưới bình thường. Nhiệt độ có thể cao đến 40 – 41oC gây ra co giật do sốt cao. Biểu hiện xuất huyết : thường gặp là dấu dây thắt (+), mảng máu bầm hoặc chảy máu ở các điểm chọc tĩnh mạch, những chấm xuất huyết nhỏ lan toả ở các chi, ở hõm nách, ở mặt và ở vòm miệng. Trong giai đoạn bệnh hồi phục, khi thân nhiệt trở về bình thường, đôi khi bệnh nhân có phát ban dạng chấm xuất huyết dính với nhau thành những vòng tròn nhỏ mà ở giữa là vùng da bình thường, dấu phát ban dạng dát – sẩn hoặc ban dạng sởi, chảy máu mũi, chảy máu lợi răng, và nôn ra máu, gan thường sờ được vào lúc khởi đầu sốt, dấu gan lớn thường gặp nhiều hơn trong trường hợp choáng. Gan rất đau khi sờ, một khi sốt giảm thì tất cả các triệu chứng khác giảm dần

Dengue xuất huyết có choáng

Trong thể nặng này, sau vài ngày sốt, tình trạng bệnh nhân đột ngột xấu đi . Khi nhiệt độ hạ hoặc sau khi nhiệt độ hạ một thời gian ngắn, nghĩa là trong khoảng giữa ngày thứ 3 và ngày thứ 7 thì bệnh nhân có những dấu chứng đặc trưng cho tình trạng choáng là mạch nhanh và yếu, huyết áp kẹp (hiệu số tối đa – tối thiểu < 20 mmHg) không kể trị số huyết áp là bao nhiêu hoặc huyết áp tụt, Da lạnh và rịn ướt, vật vã kích thích. Không được điều trị thích đáng ngay thì có thể tử vong trong vòng 12 – 24 giờ hoặc là phục hồi khá nhanh sau khi được điều trị thích đáng. Trong giai đoạn bệnh hồi phục, người ta thường thấy có dấu mạch chậm hoặc nhịp xoang không đều, nhịp tim chậm.

Tiêu chuẩn chẩn đoán sốt xuất huyết Dengue

Các tiêu chuẩn lâm sàng

Sốt

Đột ngột, cao, liên tục trong 2 – 7 ngày.

Biểu hiện xuất huyết

Có dấu dây thắt (+) hoặc một số biểu hiện xuất huyết như chấm xuất huyết, đốm xuất huyết, mảng xuất huyết, chảy máu mũi, chảy máu lợi răng, nôn ra máu và ỉa ra máu.

Gan lớn

Có 80 – 90% bệnh nhân có gan lớn, đau, không kèm theo vàng da.

Tình trạng choáng

Biểu hiện bằng dấu mạch nhanh, huyết áp kẹp hoặc huyết áp tụt, da lạnh ướt và tình trạng vật vã kích thích, lơ mơ, đái ít.

Các tiêu chuẩn xét nghiệm

Giảm tiểu cầu

Tiểu cầu giảm dưới 100.000/mm3.

Cô đặc máu Hct tăng lên quá 20% so với trị số bình thường

Để chẩn đoán Sốt xuất huyết Dengue, chỉ cần có 2 tiêu chuẩn lâm sàng đầu tiên (sốt + xuất huyết) với 2 tiêu chuẩn xét nghiệm (giảm tiểu cầu và tăng Hct) là đủ.

Các tuyến y tế cơ sở nên áp dụng phân loại của IMCI trong vấn đề sốt ở trẻ em dưới 5 tuổi, để chẩn đoán và xử trí bệnh.

Phân loại Sốt xuất huyết Dengue theo mức độ nặng, nhẹ

Chia làm 4 độ:

Độ 1

Sốt kèm với dấu tổng quát không đặc thù. Biểu hiện xuất huyết duy nhất là dấu dây thắt (+).

Độ 2

Có những biểu hiện như độ 1 kèm với, Xuất huyết tự nhiên, thường là xuất huyết dưới da và niêm mạc.

Độ 3

Có dấu suy tuần hoàn : mạch nhanh nhẹ, huyết áp kẹp, hoặc huyết áp hạ, da lạnh, rịn mồ hôi, vật vã, kích thích.

Độ 4

Choáng nặng : mạch và huyết áp không đếm và đo được.

Điều Trị

Điều trị Sốt xuất huyết Dengue thể không choáng

Độ 1

Bù dịch: Bệnh nhân luôn luôn có mất nước do sốt cao, chán ăn và có khi do nôn nên cần phải cho bệnh nhân uống nhiều nước. Ngoài nước sôi nguội ta nên cho bệnh nhân uống thêm dung dịch ORS và/hoặc là nước trái cây.

Hạ nhiệt: Trong giai đoạn sốt, tránh dùng Salicylate (Aspirine) vì có thể gây xuất huyết và toan máu. Thuốc nên dùng là Paracetamol

Theo dõi: Cần phải theo dõi bệnh nhân thật sát để có thể phát hiện sớm những dấu chứng đầu tiên của choáng.

Độ 2

Điều trị như độ I. Chỉ định cho truyền tĩnh mạch nếu, bệnh nhân nôn mửa nhiều gây mất nước hoặc đe doạ gây mất nước vì không uống được hoặc bệnh nhân có những dấu hiệu cô đặc máu (Hct > 43%), hoặc có dấu mất nước lâm sàng độ 2. Lượng dịch cho truyền được tính giống như lượng dịch truyền cho trẻ mất nước trung bình .

Theo dõi sát bệnh nhân. Nếu có những triệu chứng tiền choáng hay choáng thì bệnh nhân phải được điều trị hồi sức tích cực .

Điều trị Sốt xuất huyết Dengue thể có choáng (độ 3 và 4)

Điều trị này không khuyến cáo cho các tuyến y tế cơ sở, điều trị này nên ở các tuyến y tế cao hơn, và cần tham khảo thêm phát đồ điều trị sốt xuất huyết Dengue của Bộ Y tế.

Thay thế ngay lập tức thể tích huyết tương đã mất

Bắt đầu ta cho truyền dung dịch Ringer lactate hoặc NaCl 0.9% với số lượng 20 ml/kg, chảy nhanh tối đa. Nếu choáng nặng thì phải bơm trực tiếp tĩnh mạch.Trong trường hợp choáng đã kéo dài, thì sau khi cho 20 ml/kg loại dịch nói trên, ta cho truyền tiếp dung dịch plasma hoặc một chất thay thế plasma (như Dextran 40) với tốc độ 10 – 20 ml/kg/giờ. Trong hầu hết các trường hợp, không cần thiết phải cho quá 20 – 30 ml plasma/kg (hoặc quá 10 – 15 ml Dextran/kg).

Tiếp tục thay thế lượng huyết tương đã mất dựa vào Hct

Ngay cả khi thấy bệnh nhân cải thiện các dấu hiệu sống một cách rõ rệt và Hct có giảm xuống, ta cũng phải cho truyền dịch tiếp với tốc độ 10 ml/kg/giờ rồi sau đó điều chỉnh tuỳ theo mức độ thoát huyết tương vì hiện tượng thoát huyết tương còn tiếp tục trong 24 – 48 giờ. Dịch cho trong giai đoạn này là Dextrose 5% hoặc 1/2 Ringer lactate với 1/2 Glucose 5% , hoặc 1/2 NaCl 0.9% với 1/2 Glucose 5%. Trong các trường hợp có choáng nặng không phải dễ dàng phục hồi thì đôi khi phải đo áp lực tĩnh mạch trung tâm. Khi nào thì ngưng truyền dịch ? Nên ngừng truyền dịch khi Hct giảm xuống mức 40% và khi thấy bệnh nhân thèm ăn trở lại. Dấu chứng có giá trị cho ta biết thể tích huyết lưu đã thoả đáng là số lượng nước tiểu gần bình thường.

Điều chỉnh các rối loạn điện giải và chuyển hoá nếu có

An thần

Nên cho an thần đối với bệnh nhân vật vã, kích thích.

Liệu pháp oxy

Thở oxy qua mũi với tất cả các bệnh nhân.

Vấn đề truyền máu

Tất cả bệnh nhân bị choáng đều cần phải cho phân loại nhóm máu và khi trên lâm sàng có chảy máu nặng thì có chỉ định truyền máu.

Theo dõi điều trị choáng

Để đánh giá tốt kết quả điều trị, cần phải theo dõi các dấu hiệu sống (nhiệt, mạch, huyết áp, nhịp thở) và đo lại Hct để nếu bệnh nhân có bất kỳ dấu hiệu nào báo choáng trở lại thì phải tiến hành điều trị mạnh mẽ ngay.

Phòng Bệnh

Hiện nay Dengue xuất huyết chưa có vaccine phòng bệnh, nên để phòng bệnh ở các vùng có dịch thì vấn đề là phải theo dõi và tiêu diệt côn trùng trung gian truyền bệnh đó là muỗi Aedes aegypti và lăng quăng.

Diệt muỗi

Diệt muỗi bằng nhiều cách: Ngủ màn, hương trừ muỗi, bình xịt muỗi, xe phun thuốc dạng phun sương dùng cho cộng đồng, kem bôi da, đập muỗi bằng tay v.v…

Diệt lăng quăng

Dọn dẹp các nơi nước đọng quanh nhà, các vật có chứa nước (chén bể, vỏ chai, lon bia, lon sữa, vỏ xe, vv..), những nơi trữ nước có nắp đậy, thả cá ở các chậu cây cảnh có chứa nước . Đang thử nghiệm thả một loài giáp xác Mesocyslop vào ao hồ để ăn bọ gậy aedes aegypti có khả năng giải quyết bệnh trên bình diện rộng cả nước. Để đạt kết quả trên cộng đồng, cần có sự phối hợp giữa y tế và các ban ngành.

Khi có dịch

Áp dụng các tiêu chuẩn chẩn đoán, phân độ Dengue xuất huyết, phát hiện chẩn đoán sớm, phân loại, xử trí thích hợp với các mức độ.

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Mới nhất
Cũ nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận