Bài tập phục hồi chức năng sau mổ rách sụn chêm khớp gối

Rách sụn chêm là một trong những tổn thương  thường gặp trong chấn thương khớp gối. Để người bệnh có thêm thông tin tham khảo, chúng tôi xin giới thiệu bài viết về phương pháp tập luyện cho bệnh nhân sau mổ rách sụn chêm bằng phẫu thuật nội soi.

Bài tập phục hồi chức năng gồm những giai đoạn sau :

1. Giai đoạn I : 1 tuần sau phẫu thuật.
• Mục tiêu :
– Kiểm soát đau và phù nề.
– Bắt đầu tập vận động khớp gối.
– Tập co cơ tĩnh cơ tứ đầu đùi.
• Thuốc :
Giảm đau, chống phù nề. Kháng sinh.
Chườm lạnh khớp gối sau mổ. Mỗi lần 20 phút cách nhau 2 giờ
– Bệnh nhân được mang nẹp đùi cẳng chân với khớp gồi duỗi hoàn toàn tránh làm ảnh hưởng tới sụn chêm được phẫu thuật. Nẹp được mang cả ngày và đêm.
– Có thể vận động gập duỗi gối ngay từ ngày thứ 2 sau mổ. Không được gập gối quá 90º (tháo nẹp khi tập). Gối được phép gấp khi bệnh nhân ngồi và khi bệnh nhân không đi lại.
– Tập gồng cơ đùi tư thế gối duỗi hoàn toàn, gồng cơ 20 lần, mỗi lần giữ 5 giây, tập khoảng 3 liệu trình 1 ngày.
– Tập duỗi thẳng khớp gối ở tư thế nằm hoặc ngồi cố gắng giữ ở tư thế đó trong 5 phút. Tập 3 lần / ngày.
– Đeo nẹp: Tập vận động khớp háng và khớp cổ chân
– Bệnh nhân được sử dụng nạng khi đi bộ (mang nẹp duỗi gối hoàn toàn) chịu trọng lượng dần lên chân phẫu thuật, bệnh nhân có thể chịu trọng lượng hoàn toàn khi bệnh nhân không thấy đau khớp gối.

2. Giai đoạn II: 2 đến 6 tuần sau phẫu thuật.
• Mục tiêu :
– Bảo vệ khớp gối tránh vận động quá mức và làm lành vết thương.
– Lấy lại tầm vận động của khớp, với giới hạn gập gối đến 90º .
– Bắt đầu tập mạnh sức cơ.
• Các bài tập :
– Tập gồng cơ tứ đầu đùi, tập 20 lần, mỗi lần giữ 5 giây, ngày tập 3 liệu trình như vậy.
– Tập duỗi thẳng khớp gối, giữ mỗi lần 5 phút, 3 lần / ngày.
– Tập gập duỗi khớp gối khi tháo nẹp gấp không quá 90º, tập 20 động tác , 3 lần / ngày.
– Nằm với chân duỗi thẳng: co cơ tĩnh toàn bộ chân phẫu thuật:
– Nâng chân lên khỏi mặt giường.
– Có thể đặt một gối dưới khớp gối, gồng cơ nâng chân thẳng, giữ 5 giây sau đó gập gối xuống.
– Vận động khớp cổ chân.
– Dạng khép khớp háng với gối duỗi thẳng.
– Đứng : chịu trọng lượng lên chân phẫu thuật.
– Nhún chân, chịu trọng lượng lên mũi chân, giữ 1 giây, làm khoảng 20 lần.
– Tập xuống tấn với gối gấp 45º , giữ 5 giây sau đó từ từ đứng lên, làm như vậy khoảng 20 lần.
– Khi đi lại : Đi bộ đeo nẹp với gối duỗi thẳng, sử dụng nạng khi đi bộ, chịu trọng lượng vào chân phẫu thuật. Nếu thấy đau khớp gối, giảm trọng lượng tỳ vào chân phẫu thuật. Có thể gấp gối khi ngồi. Sau 4 tuần có thể bỏ nẹp duỗi gối khi đi lại.

3. Giai đoạn III : 6 đến 12 tuần sau phẫu thuật.
• Mục tiêu :
– Chịu trong lượng vào chân phẫu thuật .
– Lấy lại hết tầm vận động của khớp gối.
– Tập mạnh sức cơ.
• Các bài tập :
– Bài tập gập duỗi khớp gối chủ động lấy lại tầm vận động bình thường củakhớp gối.
– Bắt đầu bỏ nạng tập đi bộ chậm.
– Tiếp tục tập các bài tập ở giai đoạn trên.
-Tập đứng chịu lực hoàn toàn trên chân phẫu thuật
– Tập xuống tấn : Gập gối đến 90º giữ 5 giây sau đó từ từ đứng lên.
– Tập đúng lên từ từ từ tư thế ngồi trên ghế
– Tập vận động gập duỗi gối có sức cản ( trên máy tập hoặc dụng cụ trợ giúp tránh không được xoắn vặn khớp gối).
– Tập lên xuống cầu thang.
– Tập đạp xe đạp từ 10 tới 20 phút.
– Giai đoạn này chưa chạy và chơi thể thao.

4. Giai đoạn IV : Sau 4 tháng phẫu thuật.
Bệnh nhân bắt đầu tập chạy.
Sau 6 tháng bệnh nhân trở lại các hoạt động thể thao.

  • Điều trị thuốc bổ xung khi khớp gối bị sưng nề:

Ngừng tập vận động khớp gối, chườm lạnh, thuốc chống viêm, giảm phù nề. Khi khớp gối đỡ nề, tiếp tục tập vận động bình thường.

  • THEO DÕI VÀ TÁI KHÁM :

• Tái khám lần 1 : 2 tuần sau phẫu thuật.
• Các lần sau : 1 tháng tiếp theo đến 4 tháng sau phẫu thuật.
• Các chỉ số cần theo dõi :
– Dấu hiệu đau khi đứng, đi lại.
– Tầm vận động của khớp.
– Cơ lực chân phẫu thuật.

ThS Đặng Thị Kim Hương, Trưởng khoa PHCN BV Việt Đức

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Mới nhất
Cũ nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận