Rối loạn nuốt là 1 trong những rối loạn hay gặp với những bệnh nhân có thương tổn thần kinh trung ương như tai biến mạch máu não, chấn thương sọ não… Phục hồi chức năng rối loạn nuốt đòi hỏi người bệnh phải kiên trì, hợp tác cùng thầy thuốc. Khám và lượng giá rối loạn nuốt do bác sỹ phục hồi chức năng đảm nhiệm, qua đó sẽ có bài tập cụ thể cho từng bệnh nhân khác nhau.
Hôm nay chúng tôi xin chia sẻ các video về bài tập nuốt đơn giản có thể áp dụng cho bệnh nhân.
Cơ chế của quá trình nuốt
1.Tập nuốt gắng sức:
Thu thập tất cả nước bọt ở trong miệng vào giữa lưỡi. Giữ môi thật chặt, và tưởng tưởng rằng bạn đang nuốt 1 quả nho, cố gắng thực hiện động tác nuốt mạnh. Số lượng thực hiện khác nhau tùy khả năng bệnh nhân.
2.Tập nhóm cơ hỗ trợ nuốt:
Động tác gập cổ: khỏe cơ ức đòn chũm và cơ bám da cổ: (Nghiệm pháp Shaker)
+ Bệnh nhân nằm ngửa, giữ cố định vai trên nền giường, nâng gập đầu về phía trước, cố gắng mắt nhìn ngón chân, rồi nghỉ, và lặp lại động tác.
+ Bệnh nhân nằm ngửa, giữ cố định vai trên nền giường, nâng gập đầu về phía trước, giữa cố định trong vòng 10-15s, tùy khả năng bệnh nhân, giữa 2 lần tập có khoảng thời gian nghỉ ngắn.
Bài tập này có thể thực hiện khi bệnh nhân ngồi, yêu cầu giữ cố định vai, gập cổ có lực đối kháng dưới cằm của kỹ thuật viên.
3.Đẩy hàm:
Yêu cầu bệnh nhân đẩy hàm dưới của bệnh nhân ra trước càng xa càng tốt, giữ tại đó 5s, nghỉ về trạng thái bình thường, và tiếp tục lặp lại. Đẩy hàm sang 2 bên
4.Tập nuốt với kích thích nuốt:
dùng kẹo mút, nước chanh chua vừa phải, nước lạnh hoặc nước ấm
– Kích thích vùng niêm mạc má bên trái 3 lần, sau đó yêu cầu bệnh nhân nuốt, thực hiện tương tự với vùng niêm mạc má bên phải.
– Kích thích vùng mặt trên của lưỡi, tương tự như trên
– Kích thích vùng niêm mạc miệng vùng trước răng cửa
– Kích thích vùng khẩu cái mềm, từ trung tâm lưỡi gà sang bên, kích thích 3 lần sau đó yêu cầu bệnh nhân nuốt, mỗi bên thực hiện 5 lần.
5.Bài tập Masako:
đưa lưỡi ra trước, và giữ cố định giữa 2 hàm răng, thực hiện động tác nuốt trong khi giữ cố định lưỡi tại chỗ. Mục đích bài tập: bệnh nhân nuốt với lưỡi ở 1/3 trước. Bệnh nhân có thể đưa lưỡi vào giữa 2 lần thực hiện.
6.Bài tập Mendelsohn:
Đặt 3 ngón tay giữa của tay vào vùng da cổ dưới cằm, sau đó yêu cầu bệnh nhân nuốt, để cảm nhận sự di chuyển của lưỡi và họng. Sau đó những lần nuốt sau, tay kỹ thuật viên sẽ đẩy vùng họng của bệnh nhân lên càng cao càng tốt trong khi bệnh nhân nuốt.
7.Bài tập Supraglottic:
Thu thập tất cả nước bọt ở trong miệng vào giữa lưỡi. Hít một hơi thật sâu và giữ hơi thở của bạn. Nín thở trong khi nuốt. Ngay sau khi nuốt, bệnh nhân thực hiện động tác ho. Nếu nắp thanh môn không đóng thì cố hít vào và nói ah, tắt tiếng và nín thở. Động tác này thực hiện khi cổ ở tư thế gập cổ, nghiêng trái, phải, hay ngửa cổ.
8.Tập vận động lưỡi:
-Đưa lưỡi ra trước càng xa càng tốt, lặp lại nhiều lần, giữ sao cho đầu lưỡi ở chính đường giữa cơ thể
-Đưa lưỡi sang vùng niêm mạc má 2 bên, dùng tay kỹ thuật viên kháng lại bên ngoài má bệnh nhân, yêu cầu bệnh nhân dùng lưỡi đẩy tay ktv.
9.Tập phát âm
– Nói các nguyên âm a, u, o, e, i. Có thể nói các cung điệu khác nhau
– Nói các từ âm kh như (Quả khế…) hoặc âm l (la la)
– Tập các cơ vùng miệng (Như tập liệt VII)
Cảm ơn bác sỹ đã chia sẻ bài tập nuốt rất hay và thực tế. Trước đây, bệnh nhân của tôi bị rối loạn nuốt sau tai biến mạch máu não, ngoài việc dùng thuốc, tôi chỉ biết châm cứu cho bệnh nhân. Nhưng từ khi đọc bài chia sẻ của bác sỹ, tôi đã áp dụng thêm bài tập hữu ích này, và theo đánh giá chủ quan của tôi, bệnh nhân được kết hợp châm cứu và tập, hồi phục tốt hơn là châm cứu đơn thuần. Mong bác sỹ tiếp tục chia sẻ những bài viết bổ ích hơn nữa
Cảm ơn quý bác sỹ đã tin tưởng và ủng hộ website trong thời gian qua. Chúc quý bác sỹ sức khỏe và lòng nhiệt huyết để phục vụ bệnh nhân được tốt nhất. Trân trọng.