[Sản phụ khoa] Bài giảng nhiễm độc thai nghén (ốm nghén) ba tháng đầu thai kỳ

Nhận định chung

Sau khi tắt kinh, thai phụ thường có tăng tiết nước bọt, buồn nôn, nôn oẹ, báo cho người phụ nữ biết mình có thai. Nếu dấu hiệu nghén tăng lên có ảnh hưởng tới sinh hoạt của thai phụ được gọi là chứng nôn oẹ. Nếu tình trạng nôn nặng hơn có ảnh hưởng tới sức khoẻ và tính mạng thai phụ được gọi: bệnh nôn nặng. Tất cả những hiện tượng trên sẽ tự mất đi vào cuối tháng thứ ba của thời kỳ thai nghén (thai – kỳ) dù có hay không điều trị gì.

Nguyên nhân sinh bệnh

Hiện nay, ta chưa biết rõ nguyên nhân sinh bệnh của chúng. Nên có nhiều tác giả cho rằng:

Có thể do trứng: Chửa trứng, sinh đôi, đa thai. Chúng có nồng độ hCG cao làm cho thai phụ có triệu chứng buồn nôn và nôn nhiều .

Thuyết dị ứng: Thai là một protein lạ đối với cơ thể người mẹ, nó có thể gây dị ứng, làm thai phụ buồn nôn và nôn. Do đó, sau sẩy hoặc thai chết triệu chứng nôn tự nhiên khỏi.

Thuyết tiêu hoá: Những thai phụ có những tổn thương cũ ở đường tiêu hoá như: viêm ruột thừa, bệnh đường mật, viêm loét dạ dày tá tráng, khi có thai dễ gây ra phản xạ nôn và nôn.

Chứng nôn nhẹ

Triệu chứng lâm sàng

Ban đầu: Thai phụ ứa nước bọt, nhạt mồm, khó chịu, có cảm giác muốn ăn một loại thức ăn nào đó. Thay đổi khẩu vị như: sợ cơm, thèm chua, hay thèm ăn một loại thức ăn bất thường nào đó. Nước miếng ngày ứa ra càng nhiều.

Sau đó: buồn nôn, nôn. Nôn ra thức ăn. Thường nôn vào buổi sáng, nôn mỗi khi ngửi thấy mùi thức ăn hoặc nghĩ tới mùi thức ăn. Nôn nhiều dẫn đến đau vùng thượng vị do bị kích thích vào dạ dầy khi nôn.

Thể trạng thai phụ: ngày càng gầy yếu, xanh xao, thiếu máu, sút cân, mệt mỏi; do nôn nhiều sản phụ không ăn được. Tinh trạng lâm sàng này hay gặp ở thai phụ con so.

Nên làm các xét nghiệm để loại trừ: chửa trứng, sinh đôi, đa thai, viêm ruột thừa, viêm não,…

Điu trị

Điều dưỡng: Nên để thai phụ nằm trong bệnh phòng yên tĩnh, thoáng, sạch sẽ, không có mùi thức ăn, ánh sáng vừa đủ, ấm về mùa đông. Chế độ ăn nên ăn nguội ít gây kích thích nôn.

Thuốc điều trị:

Thuốc chống nôn giảm tiết dịch: Atropin, Metoclopramid (Primperan 10mg/viên) hay Motilium M 10mg/viên, … uống hay tiêm và liều tuỳ tình trạng bệnh nhân.

Thuốc kháng histamin tổng hợp: Prometazin sultat,…

Thuốc vitamin B6, Magne-B6,…

Thường sau đợt điều trị, triệu chứng nôn của thai phụ giảm dần và hết nôn. Nếu không điều trị bệnh sẽ khỏi sau 3 tháng đầu của thai kỳ.

Bệnh nôn nặng

Trước đây, bệnh nôn nặng còn gọi là bệnh nôn không cầm được, vì lúc đó chưa có thuốc chống nôn có hiệu quả, nên bệnh này có tỷ lệ tử vong thai phụ cao, vì chưa biết cách phá thai để điều trị. Rất may, bệnh này ở nước ta rất ít gặp, nay chúng ta đã có kinh nghiệm điều trị tốt.

Triệu chứng lâm sàng

Lâm sàng, từ năm 1850 Paul Dubois đã mô tả các triệu chứng lâm sàng và chia nó làm ba giai đoạn. Thực tế, ba giai đoạn này không có ranh giới rõ ràng về thời gian cũng như sự biểu hiện những triệu chứng của chúng.

Giai đoạn nôn và gầy mòn:

Dấu hiệu nôn: nôn vào buổi sáng, liên quan tới bữa ăn, sau nôn suốt ngày có khi đang ngủ cũng phải thức dậy để nôn.

Chất nôn: Mới đầu nôn thức ăn, nôn ra nước có mùi chua của dịch vị, rồi nôn ra mật xanh, mật vàng.

Nôn càng nhiều, vùng thượng vị càng đau do dạ dày bị co bóp co thắt.

Vì nôn ngày càng nhiều, bệnh nhân không ăn uống được, cơ thể ngày càng gầy mòn, vẻ mặt hốc hác, mất nước. Lượng nước tiểu ngày càng ít, và dẫn đến rối loạn điện giải, rối loạn nhiễm toan máu.

Giai đoạn này có thể tiến triển từ 4 đến 6 tuần.

Thực tế hiện nay hay gặp bệnh nôn nặng ở giai đoạn này, vì mạng lưới y tế đã được mở rộng, trưởng thành, bệnh nhân đến khám và điều trị sớm. Ở giai đoạn này sau ít gặp hơn.

Giai đoạn mạch nhanh và rốì loạn chuyển hoá:

Triệu chứng: Nôn ngày càng nhiều gần như liên tục, nhưng lượng chất nôn ít, vì trong cơ thể (dạ dày) của bệnh nhân chẳng còn gì để nôn, nên được gọi là nôn khan.

Thể trạng bệnh nhân gầy mòn, khô héo, mắt lõm, má hõm, miệng và lưỡi khô, hơi thở có mùi chua, mùi aceton, da nhăn nheo, bụng lõm lòng thuyền. Mạch nhanh nhỏ khoảng từ 100 đến trên 120 lần/phút.

Tinh thần lo lắng, sợ sệt, bi quan, sợ cho đứa con trong bụng, sợ cho tính mạng của mình, sợ không tiếp tục được thai nghén và hạnh phúc gia đình…

Xét nghiệm: Số lượng hồng cầu và hermatocrit tăng vì mất nước. Dự trữ kiềm giảm. Tinh trạng nhiễm toan chuyển hoá và rối loạn điện giải ngày càng rõ rệt. Urê máu tăng, nhưng lại không có dấu hiệu viêm thận.

Thời gian tiến triển khoảng từ 2 đến 3 tuần.

Giai đoạn có biến cố thần kinh:

Đây là giai đoạn hậu quả của quá trình mất nước, rối loạn điện giải, rối loạn kiềm toan, suy dinh dưỡng và rối loạn chuyển hoá kéo dài.

Triệu chứng nôn khan gần như không còn. Bệnh nhân lâm vào cảnh tuyệt vọng. Đôi khi tinh thần của bệnh nhân hốt hoảng, mê sảng, có khi hôn mê, rồi co giật.

Nhịp thở nhanh nông khoảng 40 – 50 lần/phút, hơi thở hăng có mùi aceton. Mạch nhanh có thể trên 120 lần/phút. Số lượng nước tiểu ít dần rồi gần như vô niệu. Bệnh nhân có thể chết trong tình trạng suy kiệt này.

Xét nghiệm: Nước tiểu có aceton, muối mật, sắc tố mật.

Máu: Urê tăng, dự trữ kiềm giảm, nhiễm toan chuyển hoá tăng, điện giải đồ rối loạn.

Chẩn đoán

Chẩn đoán phân biệt:

Với dấu hiệu nôn cần phân biệt với: Chửa trứng và có thai kèm theo có viêm ruột, tắc ruột, lồng ruột

Với dấu hiệu mạch nhanh cần phân biệt với có thai kèm theo có bệnh tim, Basedovv, những bệnh nhiễm trùng, nhiễm độc…

Với dấu hiệu hôn mê cần phân biệt với thai phụ bị hôn mê: do gan, do đái đường….

Chẩn đoán xác định:

Cần dựa vào những dấu hiệu lâm sàng và xét nghiệm: định lượng hCG nước tiểu, siêu âm hình ảnh, để xác định xem thai nghén bình thường hay không bình thường.

Tiến triển và tiên lượng

Tiến triển: Bệnh nôn nặng có thể tiến triển từ giai đoạn nhẹ chuyển sang nặng, nếu bệnh nhân không được điều trị kịp thời và thích hợp.

Tiên lượng: Tốt nếu bệnh được chẩn đoán sớm, điều trị đúng, nhờ thuốc mới của ngành dược, nhờ có kỹ thuật nạo phá thai tốt. Hiện nay, ta có khả năng giữ được thai hoặc tránh được tử vong cho mẹ.

Điều trị

Điều dưỡng:

Làm công tác ổn định tinh thần, tư tưởng cho bệnh nhân, yên tâm tin tưởng vào khả năng điều trị hiện nay của y học.

Tập cho bệnh nhân ăn trong hoàn cảnh đang bị nôn:

Hai ngày đầu cho bệnh nhân ăn bằng đường tĩnh mạch, chống mất nước và điện giải.

Hai ngày tiếp theo cho bệnh nhân ăn bằng ngậm liên tục những viên sữa đá, nếu đáp ứng.

Hai ngày tiếp theo nữa cho bệnh nhân uống từng ngụm sữa lạnh, sữa lạnh đặc dần để nâng cao giá trị dinh dưỡng, nếu đáp ứng.

Hai ngày tiếp theo nữa có thể cho bệnh nhân ăn súp lạnh.

Trong quá trình luyện cho bệnh nhân ăn, nếu ngày tiếp theo bệnh nhân không chịu được cách ăn mới, ta lại cho bệnh nhân ăn như ngày hôm trước, rồi tập cho bệnh nhân sẽ ăn được như bình thường.

Nên cách ly bệnh nhân khỏi những người thân có khả năng gây cho bệnh của bệnh nhân trầm trọng thêm; như không nên để mẹ chồng của bệnh nhân đến chăm sóc nếu như mẹ chồng nàng dâu không hợp nhau.

Theo dõi và đánh giá: Sự thay đổi dấu hiệu lâm sàng, xét nghiệm so với trước để đánh giá sự tiến triển của bệnh nôn nặng để có thể điều chỉnh biện pháp xử trí cho thích hợp.

Thuốc điều trị triệu chứng:

Chống mất nước, dinh dưỡng, rối loạn điện giải, rối loạn kiềm toan: bằng truyền tĩnh mạch các loại dịch như: dung dịch natri clorua 9 %; dung dịch glucose 5% và 10% dung dịch moriamin S-2, dung dịch aminoplasmal 5%, 10%, 15%; dung dịch natri bicarbonat 45% để cân bằng kiềm toan, dinh dưỡng và bù đủ thể dịch, điện giải.

Chống nôn bằng các thuốc chống nôn như: Primperan lOmg (metoclopramide HCL) uống 3 – 4 viên/ngày, (trước khi ăn nửa giờ uống 1 viên) hay Motilium – M 10mg uống 3 – 4 viên/ngày, cũng uống 1 viên trước bữa ăn nửa giờ. Thuốc giảm tiết dịch (atropin, belladon…).

Những thuốc chống dị ứng kháng histamin như: Pipolphen, Allerlene…

Những thuốc vi lượng khác như: canxi, vitamin B6, Mg – B6,…

An thần: Rotunda…

Sản khoa: Khi điều trị triệu chứng như trên không có kết quả, nên nạo phá thai để bảo vệ tính mạng cho thai phụ. Chất nạo được nên làm xét nghiệm giải phẫu bệnh học để xác định cho chính xác.

Phòng bệnh

Chúng ta chưa biết rõ nguyên nhân của những hiện tượng nhiễm độc thai nghén sớm. Vì vậy, công tác phòng bệnh chủ yếu là phát hiện sớm và điều trị kịp thời các hiện tượng nhiễm độc sớm. Mặt khác, ta nên chữa các bệnh nguyên nhân (nguy cơ) trước khi có kế hoạch có thai.

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Mới nhất
Cũ nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận