Mưa nắng thất thường dễ mắc bệnh, nếu chủ động đối phó và phòng tránh tích cực sẽ giảm thiểu được tối đa nguy cơ bệnh tật.
Thời tiết thất thường dễ mắc các bệnh nào?
Các vùng, miền đều đang có nắng, mưa kèm theo dông, xoáy thấp, thay đổi nhiệt độ đột ngột, khiến cơ thể con người, nhất là trẻ nhỏ, người già, người ốm yếu dễ bị đau ốm, dịch bệnh bùng phát do nhiều loại vi khuẩn, virus phát triển và gây bệnh.
Theo các chuyên gia y tế, ngoài các bệnh dịch thì hay gặp là bệnh đường hô hấp trên, bệnh đường hô hấp dưới gây khó chịu, ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt với các triệu chứng ho, nghẹt mũi, sổ mũi, chảy nước mũi… và dễ trở thành mãn tính. nếu không chữa trị sớm sẽ biến chứng thành viêm phế quản với triệu chứng khó thở, ho nhiều, ho có đờm… ở người già và trẻ nhỏ. Biến chứng nặng nhất là viêm phổi, có biểu hiện như ho khan, ho khạc đờm, đờm đục, màu xanh, vàng… đôi khi ho ra máu. Có tức ngực, sốt, khó thở, nhịp tim nhanh, sức khỏe yếu hẳn, mệt mỏi… đặc biệt bị nặng ngực, rất cần chữa trị sớm.
Các bệnh viêm mũi dị ứng, viêm họng, dị ứng, mề đay (do tiếp xúc với phấn hoa, viêm da dị ứng), viêm kết mạc, đau mắt đỏ… cũng rất khó chịu làm mất tự tin khi giao tiếp.
Mưa nắng thất thường, hoặc ra vào phòng điều hòa còn dễ bị mắc các bệnh thời tiết cảm cúm, đau đầu, chóng mặt, chán ăn… với triệu chứng là chảy nước mắt, nước mũi, hắt xì liên tục, đau đầu chóng mặt… Một số bệnh lý liên quan đến tăng tiết mồ hôi, các loại vi nấm gây hăm, lở, chốc đầu… phát triển mạnh.
Mưa nắng thất thường làm người ở độ tuổi trung và cao niên rất hay bị đau cơ xương khớp.Việc ngồi phòng điều hòa lâu khiến các mạch máu ngoại vi co lại,giảm cấp máu tới các cơ quan ngoại biên (như da,cơ, khớp…) sinh đau mỏi cơ xương khớp, co cứng cơ vai gáy, thắt lưng.Và nếu có triệu chứng đau nhức, sưng, khó vận động ở các khớp (tay, đầu gối, vai, háng) là hậu quả của viêm khớp, thoái hóa khớp.
Những cách đơn giản phòng bệnh
Theo BS chuyên khoa I Quang Tùng, Bệnh viện E (Hà nội), khi các triệu chứng bệnh xuất hiện cần phải đi khám sớm để được chẩn đoán đúng bệnh, điều trị đúng thuốc, cụ thể:
1. Khi thấy có những biểu hiện của mũi họng cần điều trị ngay (như nhỏ mũi, uống thuốc long đờm, vệ sinh mũi, họng, giữ mũi khô…).
Với người yếu, người già dễ bị cảm lạnh, cảm cúm… do thời tiết thất thường, vì vậy nên hạn chế hoạt động ngoài trời khi thời tiết thay đổi. Đề phòng các bệnh hô hấp, viêm phổi, cảm sốt, đau nhức người, ho, viêm thanh quản, viêm phế quản… nên tiêm phòng vào tháng 3 – 4 để đón mùa mưa (hoặc tiêm phòng vào tháng 9 – 10 để phòng ngừa mùa lạnh).
2. Bệnh viêm phổi nguy hiểm, cần chú ý rèn luyện sức khỏe để tăng cường sức đề kháng. Trẻ em cần cho ăn uống đủ chất khi thời tiết thay đổi. Ăn nhiều vitamin, hoa quả, các loại rau xanh, hải sản… giữ ấm cơ thể khi ở phòng điều hòa, khi mưa gió. Nếu đi ngoài đường gặp mưa, về nhà nên cởi bỏ quần áo ướt để nước không ngấm ngược vào cơ thể gây viêm phổi.
3. Với dị ứng, hăm, nấm, chốc, lở… nên vệ sinh cơ thể sạch sẽ, mặc quần áo thoáng mát, vải nhẹ mát, thấm hút mồ hôi, tránh dùng quần áo quá dày, có chất nilon, len dạ… vì da dễ bị ngứa… nên đi khám bác sĩ nguyên nhân dị ứng và được sử dụng thuốc đúng.
Với những người dễ bị dị ứng nên bôi kem dưỡng da để giữ độ ẩm. Bổ sung các loại vitamin (có trong rau xanh để tăng cường chất xơ, hoa quả giàu vitamin C, các loại đậu, đỗ giàu dinh dưỡng), B9 để tăng cường sức để kháng và thể chất, giúp cơ thể thích ứng với thời tiết mưa nắng thất thường.
4. Với chứng xương khớp nên ăn nhiều vitamin C, E, can xi và các chất tăng tiết chất nhờn, uống nhiều nước để duy trì độ trơn tru giữa các khớp.
Để chủ động giữ sức khỏe khi mưa nắng thất thường, các chuyên gia y tế khuyến cáo: Hàng ngày, cần theo dõi thông tin thời tiết để ứng phó với mưa nắng bất thường. nếu đi du lịch, cần vào web của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương để xem thời tiết 10 ngày, 1 tháng ở điểm sẽ đến để chuẩn bị quần áo, đồ dùng chống nắng, chống mưa phù hợp. Đi mưa về rửa bằng nước ấm giúp cơ thể ấm lại và mạch máu lưu thông. Tắm nước nóng và sấy tóc, uống trà nóng giúp giữ ấm cho cơ thể.
Mưa nắng thất thường, nên từ phòng điều hòa đi ra (hoặc từ ngoài nóng bước vào) cần phải có “quá độ” đứng giữa cửa để cân bằng cơ thể, tránh chảy máu cam, đau đầu, ngất xỉu…
Tăng cường thể chất như thế nào?
– Ăn nhiều thực phẩm giúp hạ nhiệt, đảm bảo dinh dưỡng sẽ giúp cơ thể thích ứng với thời tiết. Thường xuyên bổ sung lượng nước sinh bù tân dịch bị hao tổn do bài tiết. Tốt nhất là các loại nước có tính mát, nước hoa quả, đồ uống thể thao. Tập tành khi nóng bức cần uống 0,4 – 1 lít nước/giờ.
– Phòng ở cần thoáng gió, sạch sẽ để tránh vi khuẩn, virus trú ngụ. Nhiệt độ trong phòng thấp hơn bên ngoài.
– Không nên lao động quá mức, ít ngủ nghỉ phù hợp… dẫn đến cơ thể mệt mỏi, thể lực suy giảm.
– Thuốc quý và công hiệu để giảm đau nhức là tập thể dục buổi sáng, luyện khí công, thái cực quyền… hàng ngày để tăng khả năng thích ứng với thời tiết.
– Khi lỡ mắc bệnh dễ lây nên kiêng tiếp xúc với người khác, nghỉ học/làm từ 7-10 ngày để điều trị dứt điểm, tránh lây lan. Bị đau mắt không dùng chung khăn, chậu rửa mặt, tránh giụi mắt. Nên đeo kính, nhỏ thuốc đau mắt hàng ngày, giặt khăn mặt bằng xà phòng và phơi dưới nắng.
(Theo BS Chuyên khoa I Quang Tùng)
Uyển Hương
Nguồn: giadinh.net.vn